Chàng trai khuyết tật giúp đỡ hàng chục cảnh đời bất hạnh

12:25 15/09/2016
Sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em, mồ côi cha từ nhỏ, anh và 3 anh chị em mắc căn bệnh câm điếc bẩm sinh. Những tưởng số phận nghiệt ngã ấy khiến anh không thể đứng vững. Thế nhưng chính những lúc khó khăn nhất, bi kịch nhất lại là động lực giúp anh Phạm Văn Thịnh (phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh) quyết tâm vượt qua số phận. Không chỉ được mệnh danh là "cây kéo vàng" của tỉnh, anh còn tình nguyện giúp đỡ, dạy nghề cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ...


Xuất ngoại tìm cách chữa bệnh cho con

Từ lâu anh Thịnh được nhiều người quanh vùng lấy làm tấm gương để dạy dỗ con cái. Dù xuất phát điểm vô cùng cơ cực, lại bệnh tật nhưng chưa khi nào anh khuất phục trước số phận nghiệt ngã. Sinh năm 1977 là con thứ 8 trong gia đình có tới 9 anh chị em.

Nhà nghèo là thế, vất vả là thế, nhưng trong số 9 anh em thì có tới 4 người bị câm điếc. Cuộc sống gia đình càng đi vào ngõ cụt khi mới chỉ 1 tuổi, cha anh không may bệnh nặng qua đời, để lại bao gánh nặng cơm áo cùng đàn con thơ lên vai người mẹ khốn khổ.

Bà Nguyễn Thị Nhinh (mẹ anh Thịnh) nhớ lại quãng đời cơ cực mà không cầm được nước mắt: "Lúc ông ấy mất, một mình tôi tưởng như gục ngã. Một đàn con, có tới 4 đứa bệnh tật, biết làm gì để sống đây. Tôi đang là công nhân bốc than, xúc cát khu vực cầu Đáp Cầu, công việc nặng nhọc vất vả lắm". Dù làm cật lực cả ngày nhưng bà Nhinh vẫn không thể cáng đáng nổi 9 cái "tầu há mồm", rồi chữa bệnh cho con. Đêm đến bà Nhinh tranh thủ mò cua, bắt ốc để sáng sớm hôm sau bán lấy chút tiền lo thuốc thang cho 4 đứa con bệnh tật. Nghe chỗ nào "có thầy, có thuốc" là đưa con tìm đến chữa.

Anh Phạm Văn Cường (Anh trai anh Thịnh) và em Vũ Huy Tiến cũng bị câm điếc đang cắt tóc cho khách.

"Đưa chúng nó đi khắp nơi, chán ở bệnh viện rồi đến các tỉnh, khắp miền Bắc, miền Trung rồi tận cả miền Nam nữa" - bà Nhinh nhớ lại. Không chỉ dọc miền đất nước, bà Nhinh đã từng lặn lội sang tận Lào, Campuchia, Thái Lan để tìm thuốc cho con. Kết quả cho nhiều năm ròng rã đều thất bại. Bà Nhinh cay đắng nhìn lũ con lớn lên mà không lành lặn, không được như chúng bạn đến trường, được học chữ. Muốn nói cho các con nghe nhưng chúng cũng chẳng hiểu vì không nghe, cũng không nói được. Rồi lại nghĩ đến ông, nghĩ đến phận bạc của mình bà lại khóc. Nhưng người đàn bà phi thường ấy vẫn luôn có một niềm tin, một niềm hy vọng sẽ có điều kỳ diệu đến với gia đình mình.

Đam mê đến cùng

Một trong những người con khiếm khuyết, Phạm Văn Thịnh luôn tỏ ra là một cậu bé thông minh, khéo tay. Biết được hoàn cảnh gia đình của bà Nhinh, hàng ngày giáo xứ Đạo Ngạn đã tình nguyện dạy đọc, dạy viết cho anh chị em của Thịnh. Dù không nghe nói được, lại nhỏ tuổi nhưng Thịnh luôn hoàn thành tốt nhất những bài học của mình. Chẳng mấy chốc Thịnh có thể giao tiếp với mọi người qua giấy.

Năm 13 tuổi, Thịnh được các sơ đề nghị gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội Bắc Ninh. Ở đây Thịnh không chỉ được dạy văn hóa mà còn được dạy nghề may và nghề mộc. Tuy nhiên, Thịnh lại có cái duyên đặc biệt với nghề cắt tóc. Cứ chiều đến, Thịnh lại lặng lẽ ra cổng của Trung tâm ngồi chơi bên tiệm cắt tóc.

Mọi người nghĩ Thịnh ra đó  chơi để thư giãn, ai ngờ cậu bé câm điếc ấy ra "học nghề". "Ngày ấy tôi thấy được niềm vui của khách hàng khi có được mái đầu đẹp. Tôi mê mẩn từng đường kéo của thợ, nhất là đôi bàn tay của họ, nghệ thuật lắm. Ngay từ lúc đó tôi nghĩ, cắt tóc là nghề phù hợp với tôi rồi"- anh Thịnh nhớ lại.

Thấy Thịnh mê mẩn với nghề cắt tóc, thương cảm trước hoàn cảnh của cậu, những người thợ ở đây đã quyết định truyền lại nghề. Những ngày đầu theo nghề thực sự là những tháng ngày vất vả và đáng nhớ với anh. Anh bỏ cả ngày chỉ để cầm kéo, tập cắt, tập bấm đến mức chảy cả máu tay. Khó khăn lớn nhất lúc này với chàng trai trẻ là giao tiếp. Muốn hỏi thầy điều gì đó cũng khó, hoặc trao đổi với khách cũng không được.

Gia đình hạnh phúc của chàng trai khiếm thính.

Năng khiếu sớm được anh bộc lộ chỉ sau 1 tháng theo học, đôi bàn tay khéo léo trời cho đã tạo ra những kiểu tóc không thể chê được. Nhiều người đóng góp ý kiến với bà Nhinh cho anh ra Hà Nội để nâng cao tay nghề. Như cá gặp nước, Thịnh nhanh chóng thể hiện được khả năng của mình. Anh học rất nhanh, thành thục với từng nhát kéo, đôi bàn tay dần trở nên điêu luyện. Cơ sở nhận đào tạo nghề của anh mong muốn được giữ ở lại để làm và đào tạo những người đến sau. Dù rất biết ơn những người đào tạo mình nhưng Thịnh luôn ấp ủ ước mơ sẽ mở một tiệm cắt tóc trên chính quê hương mình.

Ước mơ là thế, nhưng kinh phí, địa điểm để mở tiệm cắt tóc lại là rào cản không hề nhỏ với Thịnh lúc này. Thời gian đầu, anh mở một "tiệm cắt tóc" ngay tại vỉa hè gần nhà để cắt tóc miễn phí cho người già và trẻ em. Chàng trai câm điếc dần dần đã lấy được cảm tình của mọi người.

Không chỉ tay nghề giỏi, lại là người thân thiện nên khách đến ngày một đông hơn. Người thì trả vài nghìn đồng, người thì cho tấm bánh, củ khoai. Nhận những đồng tiền đầu tiên mình làm ra, Thịnh mừng rơi nước mắt. "Một người tưởng như bỏ đi như tôi lại có thể kiếm được tiền thế này đúng là điều kỳ diệu. Từ bé tôi đã mơ ước lớn lên kiếm được tiền để phụ giúp mẹ, để nuôi bản thân. Nó như động lực lớn lao để tôi phấn đấu tiếp" - Thịnh tâm sự.

Sau 9 năm kiên trì với nghề, tiệm cắt tóc của anh Thịnh dần khang trang hơn. Chính từ nghề cắt tóc này mà anh đã tự nuôi được bản thân, giúp mẹ và em sửa sang lại nhà đàng hoàng hơn.

Điểm tựa vững chắc cho những người cùng cảnh ngộ

Hơn ai hết, anh Thịnh hiểu những người cùng hoàn cảnh với mình, anh hiểu họ khó khăn thế nào, vất vả thế nào để tự mưu sinh. Xuất phát từ đó anh luôn đau đáu phải giúp cho kỳ được những người có cùng cảnh ngộ.

Anh Thịnh tâm sự cuộc đời mình qua những nét chữ: "Tôi học nghề này để cố gắng sống được bằng chính đôi tay của mình. Hơn nữa cũng muốn giúp mẹ, bà đã vất vả vì anh em chúng tôi quá nhiều rồi. Tâm nguyện cuối cùng là giúp được những anh em có hoàn cảnh đặc biệt giống mình, để họ đỡ khổ và có công việc giúp ích cho xã hội".

Anh Phạm Văn Thịnh đang cắt tóc cho khách hàng.

Gần đây, anh Thịnh quyết định mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những người câm điếc. Tiếng anh Thịnh có "tay kéo vàng" đã thu hút rất nhiều người đến theo học, khắp trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng…

Đến nay tại lớp có khoảng 20 người đang được học miễn phí, chưa kể rất nhiều người đã thành nghề và trở về địa phương mở tiệm. Không chỉ dạy nghề mà anh Thịnh còn giới thiệu việc làm, cấp một chút vốn để học viên mua đồ nghề. Anh bảo: "Anh em đã bị khuyết tật đều rất khó khăn, giúp được gì tôi sẽ cố gắng hết sức. Hy vọng anh em sẽ nuôi sống được bản thân mình. Đặc biệt là phải tìm được niềm vui trong cuộc sống".

Tiệm cắt tóc của anh Thịnh không khi nào vắng khách, thế nhưng anh luôn lấy công rất phải chăng (10-15 nghìn đồng). Đặc biệt người già và trẻ em anh lấy rất rẻ, có thể cắt giúp mà không lấy tiền. Để đáp ứng nhu cầu, lúc nào tiệm cắt tóc của anh Thịnh cũng có 4 đến 5 thợ. Như anh Phạm Văn Cường (anh trai anh Thịnh) cũng bị câm điếc từ nhỏ, hay em Vũ Tiến Huy (sinh năm 1996, Lục Nam, Bắc Giang).

Huy là học trò khá đặc biệt của anh Thịnh, cũng bị câm điếc bẩm sinh, bố mất sớm, còn mẹ đang thụ án trong tù. Anh Thịnh kể: "Buổi sáng hôm đó, khi tôi mở cửa hàng thấy cậu bé đứng ngoài cửa, miệng ú ớ. Câu bé ấy nhìn tôi rồi khóc. Biết được hoàn cảnh, tôi đã nuôi và dạy nghề cho em từ đó đến nay".

Anh Nguyễn Công Sang, người cũng được anh Thịnh truyền nghề, dạy dỗ nay đã tự lập được. Vì bị câm điếc anh Sang chia sẻ bằng những dòng chữ đầy xúc động: "Nhờ có anh Thịnh mà hàng chục anh em chúng tôi như thấy ánh sáng cuối đường hầm. Chúng tôi giờ không chỉ tự nuôi bản thân mà phần nào giúp đỡ thêm được gia đình. Đặc biệt hơn là anh Thịnh đã giúp chúng tôi không còn thấy mặc cảm, hòa nhập hơn với xã hội".

Dù không nói được trực tiếp với chúng tôi bằng ngôn ngữ nhưng qua nụ cười, ánh mắt và sự ân cần của anh đối với học viên, tôi hiểu anh Thịnh là người có ước mơ, dám ước mơ. Anh sẽ là chỗ dựa vững chắc, sẽ là người thắp lên ngọn lửa hy vọng cho những người cùng cảnh ngộ với mình.

Quang Anh

Đối tượng mạo danh là “Trưởng phòng Công an TP Đà Nẵng”, sau đó thông báo số điện thoại của nạn nhân liên quan đến việc làm ăn phi pháp; đồng thời đe dọa, yêu cầu nạn nhân cầm sổ đỏ và chuyển tiền để chứng minh mình không vi phạm. Hậu quả, nạn nhân sập bẫy Công an giả sau 2 lần chuyển tổng cộng mất hơn 2 tỷ đồng...

Tại cơ quan điều tra, Luận khai nhận, 1 quả thận được Luận mua với giá từ 380 triệu đến 450 triệu đồng, sau đó môi giới bán cho người mua có nhu cầu ghép thận với giá dao động từ 1 tỷ đến 1,45 tỷ đồng. Trong khi Luận đang tổ chức ca môi giới ghép thận vào ngày 20/12/2024 thì bị lực lượng Công an phát hiện, bắt giữ.

Liên quan vụ truy bắt đối tượng trộm cắp xe ô tô ở Ninh Thuận, chiều 24/12 Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, vừa nhận được thư cảm ơn của ông Võ Tấn Long (SN 1976, trú ở 126 Hải Thượng Lãn Ông, phường Tấn Tài, TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận).

Đây là ý kiến chỉ đạo của Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tại Hội nghị triển khai Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID; triển khai bệnh án điện tử, thúc đẩy kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bệnh viện Bạch Mai với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh và đẩy mạnh triển khai các nội dung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chiều 23/12.

Theo truyền thông địa phương, các lính cứu hỏa được cho là gặp khó khăn trong quá trình tiếp cận khu vực hỏa hoạn tại tháp Eiffel. Cơ quan dịch vụ khẩn cấp Paris đã phải sơ tán hơn 1200 khách du lịch đang thăm quan công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. 

Chiều 24/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Trịnh Thành Đức (SN 1996, biệt danh là Lil Ken) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Lan (vợ cũ Đức, SN 1998, ngụ quận Bình Tân) cùng về hành vi trên.

Đăng tải thông tin sai sự thật về vụ việc phóng hỏa quán cafe ở số 258 đường Phạm Văn Đồng (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lên các hội nhóm trên mạng xã hội, chị  H.T.L đã bị Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) triệu tập làm việc và ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật”.

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Nam thanh niên khai tên là Nguyễn Trần Huy, SN 2007, trú tại thôn Lê, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đang trên đường chở pháo về thì bị CSGT phát hiện, bắt giữ.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文