Chuyện về loài Chuột ngày xuân
Chuột to như voi
Bạn nghĩ chuột là loài nhỏ bé, sai hoàn toàn. Có một loài chuột còn lớn hơn cả con người, thậm chí to như một chú voi con, đó là loài chuột lang nước với tên khoa học Capybara. Chuột lang nước trưởng thành nặng tới 70kg, thậm chí con lớn nhất được ghi nhận có trọng lượng lên tới gần 100kg.
Chuột lang nước là động vật ăn thực vật, chủ yếu ăn các loại cỏ và thực vật thủy sinh, cũng như vỏ cây ăn quả và cây nên thường sống ở trảng cỏ, rừng lá rậm, gần nguồn nước và có nhiều ở các quốc gia Nam Mỹ. Chúng mang thai từ 130 đến 150 ngày và thường sinh 4 con một lần, trường hợp đặc biệt có thể lên đến 8 con. Dù mới sinh, đang bú mẹ, chuột lang nước con đã ăn cỏ, cai sữa sau khoảng 16 tuần.
Các nhà khoa học đến từ Colombia, Thụy Điển, Mỹ cho hay nhờ vào ADN và phương pháp ngăn ngừa ung thư đặc biệt, loài chuột này có thể miễn nhiễm với những căn bệnh nguy hiểm. (Anh Khôi)
Chuột... "chết vì yêu"
Dành tới 14 tiếng trút hết sinh lực cho một lần giao phối để rồi lìa đời, loài vật "chết vì yêu" này chính là những chú chuột túi nhỏ kaluta.
Kaluta là một loài thú có túi nhỏ có bề ngoài giống chuột, sống ở vùng Pilbara, miền Tây Bắc nước Úc. Loài này từ lâu vốn nổi tiếng về đặc điểm con đực thường chết sau mỗi mùa giao phối do "căng thẳng và kiệt sức" đến mức hệ thống miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này là hiển nhiên vì mỗi con kaluta đực sẽ giao phối với nhiều con cái khác nhau, liên tục trong nhiều ngày và kéo dài thời gian mỗi lần. Nhiều con một lần giao phối lâu tới 14 giờ.
Trong giai đoạn tìm kiếm bạn tình, những con kaluta cái có khả năng đặc biệt là lưu trữ tinh trùng từ nhiều con đực khác nhau, thậm chí là bạn tình thường xuyên của những con đực khác nhau. Điều này có nghĩa là để có một lứa 8 Kaluta con sinh ra thì nó sẽ giao phối với ít nhất 3 con đực. Đồng nghĩa với việc con đực cũng phải giao phối rất nhiều và có tinh trùng chất lượng tốt, vượt trội so với con đực khác.
Theo tiến sĩ Genevieve Hayes, Đại học Tây Úc: "Trước mùa giao phối, những con Kaluta thường rất khỏe mạnh, sung mãn. Sau vài tuần, chúng yếu hơn rất nhiều và hàng loạt con đực chết vì chúng là loài có vú duy nhất có hình thức giao phối cực đoan. Chúng có sự "đầu tư mạnh mẽ" vào mùa sinh sản. Bằng chứng là tinh hoàn của chúng trở nên lớn hơn ở thời điểm này. Đấy cũng là một yếu tố khiến chúng dễ tử vong hàng loạt". (Đình Thông)
Chuột lái xe hơi
Con người phát minh ra ô tô bên cạnh các loại phương tiện giao thông khác để phục vụ nhu cầu đi lại của mình. Nhưng chúng ta không phải là loài duy nhất có thể điều khiển chúng. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng loài chuột cũng có khả năng này.
Sáu con chuột cái và 11 con chuột đực đã được các nhà khoa học tại Đại học Richmond dạy lái xe bằng cách đặt chúng vào trong những chiếc xe điện nhỏ (còn gọi là ROV). Loại “vô lăng” đặc biệt được sử dụng trong những chiếc ROV thực chất là các thanh đồng, chúng gồm một mạch điện cung cấp năng lượng cho xe khi được kẹp trong bàn chân của chuột.
Sau khi những con chuột ngồi lên xe, họ đã khuyến khích chúng nhấn vào các “vô lăng” chuyên biệt như trên để đẩy chiếc xe về phía trước nhằm lấy được phần thưởng là thức ăn yêu thích của chúng. Kết quả là “Những con chuột đã học được cách điều khiển chiếc xe theo phương pháp độc đáo của các nhà khoa học và tham gia lái xe - việc mà chúng chưa bao giờ được biết trước. Tôi tin rằng, chuột thông minh hơn những gì chúng ta thấy và hầu hết các loài động vật đều thông minh hơn theo cách mà chúng ta nghĩ”, giáo sư Khoa Thần kinh hành vi tại Đại học Richmond Kelly Lambert cho biết.
Với nhiều người, đặc biệt là người Việt chúng ta, việc lái xe trên đường thường gây ra tâm lý căng thẳng và ức chế, song với các chú chuột thì hoàn toàn ngược lại. Các nhà khoa học tiết lộ rằng việc lái xe có vẻ giúp những con chuột thư giãn, chống lại stress và căng thẳng. (Anh Khoa)
Chuột... ngủ hơn nửa năm
Nói đến loài vật ngủ lâu nhất, chúng ta vẫn nghĩ đó là giấc ngủ đông của loài gấu Bắc cực, nhưng các nhà khoa học Trường đại học Thú y ở Vienna (Áo) khẳng định động vật có giấc ngủ dài nhất so với muôn loài trong tự nhiên chính là loài chuột sóc với tên khoa học là Gliridae.
Trung bình những chú chuột Gliridae ngủ trong hang kể từ đầu mùa thu năm trước, rồi thức dậy vào giữa mùa hè năm sau để đi kiếm thức ăn và sửa soạn cho giấc ngủ kế tiếp, nghĩa là giấc ngủ của chúng kéo dài trọn 8 tháng. Nhưng nếu nhiệt độ ngoài trời vẫn còn thấp, chuột sóc lại "ngủ vùi" đến tận cuối hè với thời gian kỷ lục là 11,4 tháng ròng. Ngoài việc có một giấc ngủ triền miên ra, chuột sóc thường ngủ trong tư thế nằm ngửa giống con người, thậm chí còn phát ra những tiếng ngáy thực sự nữa.
Chuột sóc Gliridae sinh sống chủ yếu ở châu Âu, châu Phi và châu Á. Đây là loài có vú nhỏ nhất và nhút nhát nhất trong thế giới động vật. Loài vật này có trọng lượng cơ thể xê dịch trong khoảng từ 15-22g, nếu ăn no chuẩn bị cho giấc ngủ kéo dài, trọng lượng của chúng sẽ tăng lên đến khoảng 25-40g. Sau giấc ngủ kéo dài gần 1 năm, lúc tỉnh dậy, trọng lượng cơ thể của chúng lại trở về như ban đầu vì lượng thức ăn đã tiêu hóa hết trong quá trình ngủ đông.