Cô giáo hết lòng vì trẻ em nghèo

15:07 10/08/2016
Khi bắt tay gây dựng mái trường mầm non này, cô Ngân bảo cô không thấy sợ hãi hay lo lắng gì cả, cứ thế mà làm thôi. Thế mà giờ đây, khi nhìn lại quãng đường gần 20 năm đã trôi qua, cô lại thấy sợ.

Bởi lúc nào cũng không có tiền. Không có gì trong tay cả. Nhưng rồi mọi chuyện cũng đâu vào đó. Cô nói đó là một phép nhiệm mầu mà Chúa đã ban tặng cho một con chiên ngoan đạo như cô. 

Về xã An Dương, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, không ai là không biết cô Ngân hiến đất dựng trường mầm non cho trẻ em nghèo. Không chỉ hiến đất, gần như cả cuộc đời của mình, cô đã xem những đứa trẻ con người là con mình, chăm sóc, dạy dỗ chúng một cách tận tình.

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân.

Nhiều người nói sống như cô là khổ, là thiệt thòi. Cô kệ. Cô bảo, có lẽ sự thiệt thòi mà thiên hạ nói chính là sứ mệnh mà cô phải mang. Làm gì thì làm, miễn sao lòng mình thanh thản. Đừng làm điều gì hổ thẹn với đời là được.

Trường mầm non này gồm tổng cộng 3 phòng dạng nhà cấp 4, rộng khoảng 150m2. Hiện nay, có hơn 40 trẻ em nghèo đang theo học, sinh hoạt tại đây. Mỗi sáng, các cháu sẽ được bố mẹ đưa đến đây học, chơi và đón về vào cuối chiều.

Nếu chúng ta nhìn từ ngoài vào thì nhà trẻ tình thương này có vẻ tồi tàn, cũ kĩ, không giống một trường học mẫu giáo thông thường; nhưng đi vào mới biết, đồ đạc được sắp xếp một cách ngăn nắp, sạch sẽ, có lề có lối, đâu là khu vực học, đâu là nơi ngủ trưa, đâu là nơi chơi, không cái nào lẫn cái nào.

Với vẻ ngoài cũ kĩ ấy, cô Ngân bảo rằng: "Nhìn vậy thôi chứ hơn ối ngày xưa". Hỏi "ngày xưa" đó như thế nào? Nghèo lắm. Xộc xệch lắm. Bẩn thỉu. Trường không ra trường, lớp không ra lớp. Sống giữa miền xuôi mà giống như sống giữa miền núi…

Đó là vào những năm 90 của thế kỷ trước. Sau này, có một nhà hảo tâm ở Bắc Ninh sang, thấy thực trạng trường lớp như thế, thương quá nên hỏi cần gì, ông ấy sẽ giúp. Cô bảo, như người khác, họ sẽ tham lam nói họ cần cái này cái kia.

Nhưng cô chỉ đề xuất cái cô trò cần nhất - lúc đó chính là một nhà vệ sinh hợp với môi trường học đường. Cuối cùng, không ngờ ông ấy đưa kiến trúc sư và nhân công sang, làm cho không chỉ nhà vệ sinh mà còn xây cả nhà bếp, tường bao, hệ thống dẫn nước thải.

Trong một lần đi thăm tu viện ở Đà Nẵng, thấy trong đó có một trường học với gần 800 trẻ em lang thang, đông thế mà mọi thứ rất quy củ; chạnh lòng nghĩ đến những đứa trẻ chơi bờ chơi bụi ở quê, cô nung nấu ý định sẽ mở một lớp học để các em có không gian học hành, sinh hoạt một cách văn minh.

Cô bắt đầu theo học các lớp bổ túc văn hóa, nâng cao trình độ và năm 1993, cô nhận dạy tại nhà những đứa trẻ đầu tiên của thôn Ngàn Ván, xã An Dương.

Năm 1998, Phòng Giáo dục huyện yêu cầu An Dương phải có một nhà trẻ tập thể. Nhưng vì An Dương lúc đó nghèo quá, cơ sở vật chất không có. Dân trí còn nghèo nàn.

Cô Hiệu trưởng Trường Mầm non An Dương sang và nhờ cô Ngân "mở cho em một lớp nhà trẻ tập thể với điều kiện là chị phải lo cơ sở vật chất". Lúc đó, cô đồng ý như một định mệnh. Cô tự nói với lòng, mình phải nhận cái công việc ấy. Phải làm cái việc đó.

Theo học tại đây chủ yếu là trẻ em nghèo.

Khi quyết định xong một việc có vẻ không tưởng với mình ở thời điểm đó, cô Ngân không sợ hãi hay lo lắng bất cứ điều gì cả. Cứ thế mà làm thôi. Nhưng bây giờ, khi nhìn lại quãng đường gần 20 năm đã trôi qua, cô lại thấy sợ và giật mình.

Bởi lúc nào cũng không có tiền. Để tổ chức buổi tổng kết liên hoan cũng vò đầu bứt tai tự hỏi chính mình tiền đâu. Phụ huynh vốn đã nghèo rồi, tiền ăn còn chả có, với lại họ cũng đâu có nhu cầu?

Thế mà, sau khi cô mở lớp này xong, nhiều người mới nói đúng là đỡ hơn bao nhiêu. Trước đây, họ đi làm quần quật,  tối đến mới chạy đi tìm con, không biết con ngủ ở đâu, nhà ai, chỗ nào.

Từ khi có lớp mẫu giáo của cô giáo Ngân, con cái họ vừa được ăn được học vừa có chỗ chơi chỗ ngủ, nhất là không còn phải chạy dáo dác đi tìm con như trước nữa.

Trước đây, với mỗi cháu cô Ngân thu của phụ huynh 500 đồng/ngày, bây giờ là 7.000 đồng/ ngày. Thế mà vẫn có nhiều phụ huynh không có tiền đóng được cho con.

Có những trường hợp, gửi một lúc 2 đứa con ăn học ở đây mà từ đầu năm đến giờ mới đóng 200.000 đồng và mấy cân gạo. "Khổ thế, nghèo thế mà vẫn đẻ nữa. Nhà đó có 4 đứa con gái.

Cô nhìn cảnh cũng thương nên bảo lúc nào có thì mang cho cô cũng được. Nếu không thì cứ đóng gạo cho cô cũng xong". Ngoài số tiền trên, các cháu không phải đóng tiền học phí hàng tháng cũng không có thêm bất kỳ khoản thu nào khác.

Số tiền lương hằng tháng của cô Ngân được Nhà nước chi trả vào khoảng 4,5 triệu đồng/tháng, nhưng cô cũng bỏ hết tiền ra để đóng học phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn (Vì lớp học của cô danh nghĩa vẫn thuộc quản lý của Trường Mầm non An Dương và Phòng Giáo dục huyện Tân Yên nên các cháu theo học vẫn phải đóng học phí đầy đủ theo quy định).

Người này bảo người kia, lớp học của cô Ngân ngày càng nhiều phụ huynh tìm đến và gửi con.

Từ 15 - 20 em ban đầu, bây giờ số lượng học sinh lên tới hơn 40 em. Không chỉ giới hạn trẻ em nghèo thôn Ngàn Ván và xã An Dương mà còn trẻ em ở các xã lân cận như Quang Tiến, Ngọc Vân, Ngọc Châu, Phúc Sơn,…

Mấy huyện xa xa khác cũng đến. Thậm chí, có em ở tận Lạng Sơn, bố mẹ đi làm ăn đưa con về nhà ông bà ở Bắc Giang, ông bà đưa cháu đến đây gửi mà chẳng có tiền.

Từ ngày đi học mới đóng mấy cân gạo. Sau đó, cháu không học ở đây nữa. Thế mà mấy năm sau, bố mẹ của cháu vẫn nhớ trở lại để trả mấy chục ngàn đồng tiền học trong suốt một năm đó cho con.

Cô tâm sự, làm công việc này gần 20 năm, chưa một lần cô mở lời đòi tiền học ai. "Mình phải rất tế nhị với những gia đình không có tiền. Mình không tế nhị, người ta sẵn sàng cho con nghỉ luôn. Mình không nhẹ nhàng, người ta ngại lắm.

Làm gần 20 năm, chưa đòi tiền một người nào, hoặc hỏi vì sao không đóng tiền học, tiền ăn cho con. Tôi thấy thương người ta thật. Nếu như người ta có, không bao giờ người ta chối từ mình đâu".

Có những lúc đói, cô cũng không có gì để ăn. Bây giờ qua rồi mới dám kể, vì nếu kể, gia đình sẽ không một ai cho cô làm cái công việc mà thiên hạ bảo là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" này.

Nhưng cô thương người, cuộc đời cũng thương cô. Thiếu cái gì, dù là nhỏ nhất, y như rằng có người cho ngay sau đó. Trong vùng, ai cũng biết đến tấm lòng như bồ tát của cô nên đi đâu, làm gì, cô cũng được ưu ái lắm.

Đi phô-tô tờ giấy, đi rửa xe, người ta cũng không lấy tiền. Đi ra chợ mua thịt, người ta lấy giá gốc cho. Thiếu cái nhà vệ sinh cho các con, sau đó có người đến và xây cho. Cô nói, như một phép mầu. Lạ lùng quá.

Tôi hỏi, làm sao cô có thể duy trì cái công việc này suốt vài chục năm qua mà không kêu ca, không nản lòng? Cô bảo, cô không nghĩ những điều phức tạp, xa xôi quá.

Chỉ nghĩ đơn giản rằng: "Cứ làm đi, sang năm đóng cửa. Lúc nào cũng thế, năm nay làm nghĩ năm sau đóng cửa. Tôi thấy rằng, mình làm được ngày nào hay ngày đó. Tháng nào hay tháng đó. Năm nào hay năm đó. Như thế, lúc nào mình cũng sẽ làm hết sức mình".

Có thời gian cô bị bệnh, phải xuống Hà Nội nằm viện điều trị, lúc đó tưởng chừng không qua khỏi (cô Ngân năm nay gần 60 tuổi - PV). Lớp mẫu giáo tình thương đóng cửa 2 tháng. Khi về, mở lại, phụ huynh lại tìm đến.

Cô nói, mình làm việc thiện, không cần khoa trương. Lòng tốt như một bông hoa, để trong túi nó vẫn thơm. Lúc nào cô cũng sống quảng đại, thanh thản, nhẹ lòng. Bởi lẽ, làm được gì cho cuộc đời, cho người, cô đã cố gắng làm hết sức mình.

Cốc Vũ

Qua công tác năm địa bàn, đối tượng, Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Tịnh Biên (An Giang) phát hiện có một nhóm đối tượng từ phía Bắc đến khu vực tổ 16, khóm Xuân Hoà, phường Tịnh Biên cho người dân vay tiền trả góp với lãi suất cao 10-30%/tháng. Nếu người vay không góp đúng hạn thì bị đối tượng đe dọa… 

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文