Nữ thi sĩ Phương Thúy, con gái nhà phê bình Hoài Chân:

Cuộc dạt trôi của số phận

10:12 08/09/2012
Tôi đã từng đọc những trang viết về nhà văn Tuân Nguyễn của những người bạn thân thiết của ông, Phùng Quán, Vũ Từ Trang, Băng Sơn, Hoàng Phủ Ngọc Tường... Trong những câu chuyện buồn về một số phận bi thương, họ đều dành những trang trân trọng và yêu thương về bà Phương Thúy, người vợ hiền của Tuân Nguyễn, con gái thứ của nhà phê bình Hoài Chân. Không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh về số phận của người phụ nữ bé nhỏ và đơn độc trước những biến động của cuộc sống như bà.

1. Bà Phương Thúy ngồi lặng yên bên những người bạn của mình, là những chị, những cô thanh niên xung phong không nơi nương tựa. Có ai ngờ rằng, trong cuộc nổi chìm của số phận, một con người như bà Phương Thúy, con gái yêu của Hoài Chân, đồng tác giả của cuốn sách kinh điển Thi Nhân Việt Nam, một gia đình "danh gia vọng tộc", lại có ngày lưu lạc đến trung tâm này. Không nhà cửa. Không con cái. Không tiền bạc. Cuộc sống của bà gắn liền với những ký ức buồn. Bà nói, âu cũng là số phận. Bà không oán trách số phận, bởi trong những sự ngẫu nhiên của số phận, có những lựa chọn của chính bà.

Đôi mắt đã mờ đi vì nước mắt và những đêm không ngủ. Những ký ức dường như vẫn còn nguyên vẹn ở đây, như vừa mới hôm qua thôi. Câu chuyện của bà, không nói nhiều về mình, mà chỉ nói về người chồng tài hoa bạc mệnh Tuân Nguyễn. Phương Thúy được bố yêu chiều, học trường Pháp, thạo cầm kỳ thi họa. Rồi sau đó vào học Nhạc viện Hà Nội và trở thành giảng viên khoa nhạc cụ dân tộc của Nhạc viện. Những thế hệ học trò của bà giờ đã thành danh, NSND Thanh Tâm, Phương Bảo…

Bà làm thơ, những vần thơ trong trẻo, tha thiết yêu cuộc sống của bà Phương Thúy được đăng tải trên nhiều tạp chí thời đó. Nhiều người kỳ vọng vào một giọng thơ nữ mới được Xuân Diệu, Chế Lan Viên yêu quý, khích lệ. Những đêm thơ ở Hà Nội lúc nào cũng có bà Phương Thúy. Trong tuyển tập in năm 1967, tập hợp những bài thơ, nghiên cứu về Nguyễn Du, cái tên Phương Thúy cùng bài thơ Xưa nay của bà đứng chững chạc bên cạnh những nhà thơ lớn như Huy Cận, Xuân Diệu.

Phương Thúy là tác giả của bài thơ nổi tiếng, Người con gái Sông La, được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc. Cảm xúc trước hình tượng đẹp của những người con gái Sông La, dù Phương Thúy chưa một lần đến đó, bà đã viết lên một bài thơ bất hủ, trở thành hành trang lên đường cho nhiều chiến sĩ trong mưa bom, bão đạn.

Những năm 60 của thế kỷ trước Phương Thúy và chị gái lên xe hoa với hai trí thức nổi tiếng tu nghiệp ở nước ngoài về, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu và Giáo sư Đào Vọng Đức. Hai ông đều trở thành những chuyên gia đầu ngành vật lý. Những tưởng cuộc sống của người phụ nữ này sẽ trôi đi trong bình yên và hạnh phúc, trong yên ấm, đủ đầy của một gia đình trí thức lớn. Nhưng tâm hồn của Phương Thúy luôn lạc lõng, bơ vơ trong thế giới của chồng. Cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Hai người lặng lẽ chia tay trong sự tiếc nuối của bạn bè, người thân.

Có những bước ngoặt của số phận mà có lẽ chính người trong cuộc cũng không lường trước được. Phương Thúy chênh vênh với cuộc hôn nhân của mình thì gặp Tuân Nguyễn. Đó là năm 1972, Tuân Nguyễn vừa trong tù ra. Tuân Nguyễn là một trí thức, từng là bạn chiến đấu cùng tiểu đội với nhà thơ Phùng Quán ở Trung đoàn 101 mặt trận Thừa Thiên - Huế. Phùng Quán mê tài của Tuân Nguyễn và rất nể phục ông. Con người gầy guộc, cặp kính cận dày cộp, có dáng đi liêu xiêu, cô độc đã làm trái tim đa cảm của Phương Thúy xót thương. Bà ngưỡng mộ tài năng của Tuân Nguyễn. Cách đây 10 năm, Tuân Nguyễn từng dạy tiếng Pháp cho bà. Trong lòng Phương Thúy vẫn giữ mãi sự ngưỡng mộ đó.

Vợ chồng Tuân Nguyễn và Phương Thúy.

Thế rồi, cái ngày định mệnh đó, Phương Thúy cùng với cô Thúy Bắc đi xuống Hải Phòng thăm nhà văn Đoàn Lê và gặp Tuân Nguyễn. Chỉ một tháng sau, Tuân Nguyễn ngỏ lời cầu hôn. Phương Thúy không một chút đắn đo, đồng ý. Quyết định của Phương Thúy khiến mọi người ngỡ ngàng. Ông Hoài Chân kiên quyết phản đối, sợ cô con gái "lá ngọc cành vàng" của mình sẽ khổ. Còn bạn bè của hai người, Phùng Quán, Văn Cao… vừa ngạc nhiên vừa thương. Phùng Quán ngửa mặt lên trời mà nói rằng: "Tuân Nguyễn đi tù về mà con may mắn lấy được Thúy".

Sự quyết liệt của Thúy và Tuân Nguyễn buộc mọi người trong gia đình phải đồng ý. Bà không chỉ từ bỏ cuộc sống của một gia đình khá giả, mà cả những danh vọng, cả công việc yêu thích ở Nhạc viện Hà Nội. Bà bỏ lại sau lưng tất cả để đi theo tiếng gọi của tình yêu, dù bà biết, phía trước, còn gian nan lắm, cực nhọc lắm. Nhưng bà tin, bà có tình yêu. Chính Phương Thúy nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời tưởng như tăm tối của Tuân Nguyễn. Cũng chính từ bà đã khơi lại trong cơ thể gầy yếu, mỏng manh ấy tình yêu cuộc sống, và cảm hứng để sáng tạo.

Đám cưới Tuân Nguyễn và Phương Thúy là một bài thơ Tuân Nguyễn làm gửi tặng bạn bè và những chuyến rong ruổi, khi Nam Định, Thanh Hóa, khi Hải Phòng, Quảng Ninh. Bạn bè thương và xúc động trước tình yêu của hai người, nên tha thiết cưu mang. Lý do cho những chuyến phiêu du đó cũng là vì Phương Thúy và Tuân Nguyễn không có nhà ở. Nhà thơ Hữu Loan, tác giả của Màu tím hoa sim còn làm tặng vợ chồng Thúy một căn nhà lá ở Thanh Hóa, mời hai người về đó sống. Nhưng Phương Thúy từ chối.

Đó là những tháng ngày của cơ cực. Hằng ngày Phương Thúy phải đi hót phân người, ra bãi sông Hồng bắt cóc về bán để duy trì cuộc sống đạm bạc qua ngày. Rồi đến lúc cũng mua được một phòng xép ngăn tạm bằng vách cót nho nhỏ ở gần Ga Hàng Cỏ. Lụp xụp, vá víu. Nghe tin vợ chồng Phương Thúy mua được nhà, bạn hữu xúm đến xây tổ ấm cho hai vợ chồng. Người góp nồi, người góp xoong, người cái bếp dầu, mảnh chăn len, ghế ngồi… Thế mà, trong căn phòng chật hẹp ấy, hằng đêm, bạn bè văn nghệ sĩ Hà Nội thời đó, những Phùng Quán, Băng Sơn, Bùi Xuân Phái… vẫn quần tụ, bảy người thì bốn người đứng, ba người ngồi, rôm rả đọc những sáng tác mới cho nhau nghe.

2. Nhưng cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước còn bức bối và khắc nghiệt. Nghe theo lời khuyên của một cậu học trò, vợ chồng bà Phương Thúy quyết định di cư vào Nam sau ngày đất nước thống nhất. Căn gác nhỏ bán đi được 600 đồng làm lộ phí. Trong hồi ký của Phùng Quán nhớ lại: "Trước hôm vợ chồng Phương Thúy lên tàu liên vận, chúng tôi tổ chức một buổi liên hoan tiễn đưa. Bạn hữu đến ngồi chật kín cả gian buồng. Người nào cũng mang theo quà bánh, áo quần, tiền, thơ, tranh… tặng hai vợ chồng làm vốn giắt lưng"…

Riêng Phùng Quán mang toàn bộ số tiền lẻ còn tanh sực mùi cá đến biếu vợ chồng Phương Thúy. Chính ông đã viết những câu thơ đau buồn như thế này tặng vợ chồng Phương Thúy: Có nơi nào trên trái đất này/Mật độ yêu thương như ở đây/Mỗi tấc đất có một người quỳ gối/Dâng trái tim và nước mắt/Cho nỗi đau của cả loài người. Bà Phương Thúy kể, đó là một đêm Hà Nội mưa tầm tã. Hai vợ chồng Nam tiến, gia tài chỉ có một cành đào Nhật Tân, một bức tranh Phố Phái do Bùi Xuân Phái tặng và cơ man là sách.

Căn gác nhỏ ở cư xá nghèo Thanh Đa, nơi trú ngụ của đám văn nghệ sĩ nghèo từ Bắc vào. Nhà của vợ chồng Phương Thúy ở đó, dột nát, phải che thêm nilon để chống dột. Thế mà, với hai bàn tay trắng, Phương Thúy đã tìm mọi cách xoay xỏa qua ngày. Hôm tranh thủ đi lĩnh thuốc tây thuê để bỏ mối kiếm tiền, hôm chạy chợ nuôi Tuân Nguyễn, "để thời gian cho anh dịch sách".

Rồi hai vợ chồng dựng một quán văn trên ao rau muống. Quán nghèo đơn sơ, chỉ có rau, dưa và tạp chí, sách vở, giúp vợ chồng Tuân Nguyễn qua ngày. Căn gác nghèo trở thành điểm hội tụ của đám văn nghệ sĩ từ Bắc chí Nam, mến tài, mến đức vợ chồng Phương Thúy mà tìm đến. Nơi đó, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Cao Xuân Hạo, Băng Sơn, Phùng Quán, Hoàng Phủ Ngọc Tường đều từng ghé qua, đàm đạo chuyện văn chương, thế sự. Phương Thúy thương Tuân Nguyễn. Bà muốn dành tất cả những cực nhọc về mình để ông yên tâm ngồi dịch sách và đi theo giấc mộng văn chương. Nhưng Tuân Nguyễn cũng không đành lòng nhìn Thúy vất vả, cực nhọc. Hằng ngày, Tuân Nguyễn lọc cọc chiếc xe đạp lấy báo mang về cho Thúy bán.

 Đó là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời bà Phương Thúy. Năm 1982, Phương Thúy mua lại được một căn biệt thự của sĩ quan ngụy với giá rẻ ở đường F56 - Điện Biên Phủ. Hai vợ chồng chuyển về sống ở đó. Đêm đêm, trong căn nhà ngập đầy hoa cỏ và mùi hương quyến rũ của trầm, bạn bè văn nghệ tụ hội, đọc thơ… 

Nhưng niềm hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi. Một ngày định mệnh, trên đường đạp xe đi lấy báo về cho vợ, Tuân Nguyễn đã bị một chiếc xe tải tông vào. Ông vĩnh biệt cõi nhân gian khi chưa thực hiện được giấc mộng văn chương của mình, khi những đau đớn trong tâm hồn ông vẫn chưa được giải tỏa. Ngày định mệnh của một số phận lầm lũi sống và tha thiết yêu cuộc sống. Phương Thúy hiểu điều đó, bà càng đau đớn. Lần đó, tưởng bà điên dại. Phương Thúy trút nỗi đau vào thơ. Không anh đường bỗng dài ra/ Khởi đầu là chỗ chúng ta quay nhìn/ Càng đi càng thấy khó tin/ Rằng nơi sắp tới có mình em thôi.

3. Đã gần 30 năm trôi qua, đêm nào bà Phương Thúy cũng phải dùng thuốc ngủ. Hai mắt mù đục vì nước mắt. Vết thương vẫn không thể lành miệng. Một mình bà Phương Thúy lại cô đơn nơi bến vắng.

Bà trở về Hà Nội. Năm 1994, lúc đó Phương Thúy đã già yếu, mỏi mệt. Căn nhà xưa không còn. Cụ Hoài Chân đã mất vì tuổi già. Các anh chị bà Phương Thúy cũng đã lần lượt từ giã cõi sống. Bà thành người trắng tay. Không nhà cửa. Không gia đình. Không tiền bạc. Không giấy tờ tùy thân. Nay tá túc ở nhà người thân. Mai ở nhờ nhà bạn bè. Cuộc sống trôi nổi. Bạn bè xót thương ái ngại, cưu mang bà. Nhưng không ai sống hộ cuộc đời Phương Thúy. Rồi vô tình Phương Thúy biết đến trung tâm cưu mang người già không nơi nương tựa và trẻ mồ côi ở chùa Phật Tích của Tập đoàn Wincom. Phương Thúy nhờ bạn bè giới thiệu về đây.

Trong người không có một giấy tờ tùy thân. Bạn bè chạy vạy tìm giúp. May thay, ông Giám đốc trung tâm, nể tài Tuân Nguyễn, bỏ qua mọi thủ tục cho bà vào đây. Bà nói, bà cần một góc riêng cho mình, xa khỏi những ồn ã của cuộc đời, để viết hồi ký, làm thơ… và ngẫm về phận người. Phận của một  người đàn bà mỏng manh và cô độc như cánh cò giữa cuộc đời rộng dài và nhiều biến động

Khánh Linh

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文