Dấu ấn thời gian qua bộ sưu tập "Áo dài xưa"

08:46 29/09/2016
Nâng niu và trân trọng qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, gia đình bà Thái Kim Lan - một Việt kiều gốc Huế đang sống tại Đức hiện đang sở hữu bộ sưu tập áo dài có niên đại hàng mấy trăm năm từ đầu thời Nguyễn.


Những bộ áo dài ấy không chỉ đượm màu thời gian, mà còn khẳng định tính độc lập của một dân tộc từ phong tục, lễ nghi cho đến trang phục, đồng thời bộc lộ tính cách và truyền thống Việt với cung cách gần gũi, đồng đẳng giữa thường dân hay cả vua chúa.

Lịch sử gần 300 năm của Áo dài xưa

Bộ sưu tập áo dài của bà Thái Kim Lan vốn được một người trong hoàng tộc tặng lại, chỉ gồm 12 thứ, là y áo, khăn vấn của người xưa, từ áo của mẹ vua, nhà vua cho đến các bà mệnh phụ phu nhân trong sinh hoạt hàng ngày.

Xưa kia, từ vua cho đến những thường dân, ai cũng mặc áo dài, khi đi ngủ, khi đọc sách, khi ra vườn... khi ra khỏi nhà vài bước. Mặc áo dài cũng có nghĩa là được bày tỏ sự kính trọng với những người xung quanh, với không gian sống. Trong bộ sưu tập ấy, cổ nhất là mẫu áo xiêm từ đầu thời Nguyễn (thế kỉ 17).

Bà Thái Kim Lan-chủ nhân bộ sưu tập "Áo dài xưa".

Mẫu áo đặc biệt này gồm áo và váy liền nhau, còn gọi là áo lót và váy lót cho triều phục, ra đời khi việc vận quần chưa được các chúa Nguyễn chính thức công bố. Chiếc áo này chiếm một vị trí đặc biệt trong bộ sưu tập không chỉ bởi vẻ đẹp của nó mà còn bởi sự hiếm quý có một không hai. Bên cạnh đó, trong bộ sưu tập của bà Thái Kim Lan còn có chiếc áo long bào của vua Khải Định. Áo được may bằng vải gấm đoan, tơ tằm cao cấp, màu vàng nghệ sẫm, toàn thân áo được thêu hình rồng năm móng thể hiện uy nghiêm của nhà vua.

Đây là một trong những kiểu áo cung đình thời Nguyễn gồm 5 thân: tứ thân phụ mẫu và thân con. Thân con tượng trưng người mang áo, bốn thân trước và sau tượng trưng cho cha mẹ hai bên nội, ngoại. Năm hột nút là hình ảnh ẩn dụ cho nhân cách con người là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Còn chiếc áo dài lụa vân xanh bằng vải tơ mềm mại là mẫu áo điển hình của thời trang triều Nguyễn không chít eo.

Sở dĩ bà Thái Kim Lan đã gọi tên bộ sưu tập của mình là "Áo dài xưa" là để phân biệt với những chiếc áo dài ngày nay, còn gọi là áo dài cách tân hồi những năm 30 của thế kỉ trước (áo dài Le Mur Cát Tường). Đây cũng là cái tên được Thái hậu Từ Cung lúc sinh thời đặt cho, như một sự hoài niệm về truyền thống trang phục áo dài từ thời chúa Nguyễn.

Đó là năm 1744, là thời điểm kiểu áo cổ đứng cài khuy ra đời. Đây là một cải cách quan trọng của chúa Nguyễn Phúc Khoát nhằm phân biệt lãnh thổ, chính trị, văn hóa giữa Đàng Trong của ông với Đàng Ngoài của vua Lê chúa Trịnh.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa trang phục Trần Quang Đức thì trước năm 1744, người Đàng Trong cũng như người Đàng Ngoài, họ đều chia sẻ với nhau những thói quen ăn mặc, đều để tóc dài buông xõa và khoác lên mình chiếc áo giao lĩnh có cổ đan chéo trước ngực.

Áo mệnh phụ.

Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát quy định toàn bộ người dân Huế và các vùng đất phía Nam thuộc quyền cai trị, cát cứ của ông phải mặc kiểu áo mới: cổ đứng, cài khuy về bên phải kết hợp với chiếc quần hai ống (còn gọi là quần chần áo chít). Đặc biệt đến thời vua Minh Mạng, vào những năm 1820-1830, kiểu trang phục này được phổ biến toàn quốc, trở thành quốc phục của người Việt cả nam lẫn nữ.

Đến đầu thế kỉ 20, dưới bàn tay của các họa sĩ như Cát Tường, Lê Phổ, kiểu trang phục quần chần áo chít này dần được cách tân. Kiểu áo của nữ giới dần ôm sát, chạy dọc theo đường cong cơ thể. Chiếc quần hai ống người ta mặc kèm trước đây thường có các màu đen, tía, nâu, đỏ thì lúc bấy giờ, theo phong trào Âu hóa đã chuyển sang màu trắng, phổ biến rộng rãi vào những năm 1920 của thế kỉ trước.

Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức thì những chiếc áo trong bộ sưu tập "Áo dài xưa" của gia đình bà Thái Kim Lan được thêu, dệt cầu kì với những đường may tinh tế đã toát lên vẻ đẹp thâm trầm vốn có của người phương Đông, khác hẳn với những chiếc áo dài tân thời mà trong đó có những dạng thiết kế lai căng quá mức, ẩn chứng của văn hóa Pháp vào đời sống Việt Nam.

"Trong khi người Việt Nam hiện đại một mực ca ngợi chiếc áo dài tân thời, họ đã vô tình lãng quên quá khứ, quên đi kiểu áo trước khi có sự pha trộn màu sắc phương Tây"-nhà nghiên cứu Trần Quang Đức chia sẻ.

Hành trình đi và về giữa Việt Nam - Đức

Sau năm 1975, đất nước vừa thống nhất, những khó khăn về kinh tế và ý thức hệ đã ảnh hưởng đến số phận chiếc áo dài, đặc biệt những chiếc Áo dài xưa cũng bị coi là biểu hiện của trưởng giả phong kiến.

Ngay lúc đó, khi đang học tập tại Đức, bà Thái Kim Lan đã nhờ mẹ đẻ chuyển sang một nửa số áo dài của gia đình. Những chiếc còn lại được chuyển sang Đức trong khoảng thập niên 80. Trong khi đó, không ít gia đình quyền quý ở Huế khi lâm vào cảnh khó khăn đã nhất mực bán những bộ áo đại bào quý giá chỉ để sống qua ngày.

"Có gia đình từng rất quyền quý đã bán những chiếc áo đại bào để mua một tô bún bò cho con cháu hay mua một vị thuốc chữa cảm. Hoàn cảnh của mẹ tôi lúc đó cũng không khác nếu không có sự kêu nài của đứa con - là tôi ở phương xa. Bù lại, tôi gửi tiền học bổng từ nước Đức về cho mẹ, để mẹ có một chút phương tiện sống mà lưu giữ lại những chiếc áo dài xưa"-bà Thái Kim Lan chia sẻ.

Khi sang Đức du học, bà Thái Kim Lan luôn mang theo bên mình bộ áo dài, trang phục truyền thống Việt Nam. Không chỉ là sự hoài niệm về thuở thiếu thời, chiếc áo dài trên nước bạn cũng có vai trò là một đại diện, làm nên vóc dáng người Việt Nam, thể hiện sự riêng có về văn hóa, về nhân cách và tính tự chủ giữa những người bạn khác nhau trên thế giới.

Cũng bởi thế, bà Kim Lan lại có động lực để nâng niu bộ sưu tập "Áo dài xưa" nơi xứ người, nhất là khi bà đã trải qua một cú sốc văn hóa: chiếc áo dài đã biến mất ngay trên chính quê hương mình. Thế là bà bắt tay vào hành trình đi tìm những chiếc áo dài đã thuộc về dĩ vãng.

Áo dài lụa vàng.

Trong con mắt người trở về, những chiếc áo dài với bà Thái Kim Lan lúc bấy giờ vừa quen vừa lạ. Tất cả làm sống lại quá khứ với một sự nâng niu, trân trọng những nghệ nhân xưa nơi kinh thành Huế. "Năm 1977, tôi bị một cú sốc văn hóa là khi về Việt Nam không thấy chiếc áo dài được mặc nữa. Khi đó người ta muốn bán hết tất cả các thứ và nhất là chiếc áo dài được bán cho ve chai nữa là khác. Bởi vì lúc đó họ xem nó không còn giá trị nữa.

Tôi thấy những chiếc áo dài này quá đẹp để có thể bị mất nên đã vội vàng nhờ mẹ lưu giữ lại và tìm cách đưa qua. Cho nên bộ sưu tập áo dài này đã lưu vong tại Đức hơn 30 năm" - bà Thái Kim Lan nói.

Nhưng có lẽ những chiếc áo dài này sẽ nằm yên nếu không có cú sốc văn hóa lần thứ hai. Chiếc áo dài được hồi sinh trên đất nước Việt Nam trong vài thập niên gần đây nhưng nó chỉ hiện diện chủ yếu trên sân khấu biểu diễn thời trang, trong đám cưới, đám hỏi, trên thị trường may mặc mà khách hàng là những người Việt hải ngoại, du khách, người sính diện.

Ngày nay áo dài vắng bóng trên đường phố, chỉ dành cho những doanh nhân, hoa hậu, ca sĩ. Người dân thường hầu như đã quên rằng chiếc áo dài là trang phục của họ, dù vẫn biết đó là trang phục Việt Nam trên sân khấu mà họ nhìn lên ngỡ ngàng như mơ.

Ngày nay, chiếc áo dài được các nhà thiết kế biến tấu đến vô cùng, còn thời trang đường phố lại ngập màu sắc phương Tây. Và thế là bà Thái Kim Lan đã "hồi hương" những chiếc áo dài xưa của mình thông qua triển lãm "Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh" tại Việt Nam vào năm ngoái.

Trang phục được ví như khuôn mặt của một thời đoạn là dấu ấn của một nền văn hóa. Ẩn sau mỗi bộ trang phục là tinh thần trân quý sự hoàn hảo của những người thợ may trong từng đường kim mũi chỉ, cách lựa chọn vải chính, vải lót cho đến từng hột nút, khuy cài áo.... Họ chính là những nghệ nhân vô danh, đã để lại cho đời sau những tác phẩm nghệ thuật đích thực, để biết rằng người Việt Nam có lịch sử, văn hóa trang phục kín đáo, trầm mặc riêng có.

Nhà thiết kế Vũ Thảo-người sáng lập ra thương hiệu thời trang bằng chất liệu vải dân tộc Kilomet 109: Nhiều bài học về kĩ thuật may của người xưa

Nhà thiết kế Vũ Thảo, người lập ra thương hiệu thời trang Kilomet 109. (Nguồn internet).

Kiểu dáng, họa tiết trên áo mang nét đặc trưng riêng của áo dài Việt Nam khác hẳn với trang phục của người Trung Quốc. Những bộ áo dài ở đây đẹp là bởi nó có dấu ấn thời gian. Theo thời gian, nó có tuổi tác hơn và những màu sắc không phải rực rỡ như ban đầu. 

Tôi rất thích các kĩ thuật ở đây. Mỗi tấm áo dài đều được thể hiện bởi nhiều kĩ thuật, ví dụ như vê viền, vê vạt hay cách khâu đột, thêu... Chất liệu chính cho đến chất liệu phụ trang trí đều rất tỉ mỉ.

Nghệ sĩ sắp đặt Veronika Witte (Đức): Vết cắt một mảng đời hàng trăm năm của áo dài Việt Nam

Những chiếc áo dài này hàm chứa nhiều giai thoại. Tôi đã lên đường với nhiều câu hỏi và đi tìm câu chuyện của những chiếc áo dài hàng trăm tuổi. Bộ sưu tập “Áo dài xưa” của bà Thái Kim Lan như vết cắt một mảng đời hàng trăm năm của áo dài Việt Nam, khi chưa chịu ảnh hưởng của văn minh phương Tây.

Chiếc áo dài xuất thân từ Huế, bắt đầu với triều Nguyễn, trở thành Quốc phục của người Việt. Dù rằng lịch sử của những chiếc áo dài này không dài như kiểu áo giao lĩnh, áo tứ thân nhưng nó đã mang trong mình câu chuyện dài ngót 3 thế kỉ. Tôi đã đưa ra ý tưởng và làm nên triển lãm "Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh" như một cuộc trùng phùng hiếm có.

Một sinh viên nhận học bổng trao đổi của Viện Hàn lâm Đức cách đây 50 năm là bà Thái Kim Lan đã đem vốn liếng văn hóa quê nhà lưu giữ tại Đức trở về Việt Nam để làm nên một cuộc đối thoại mang đầy ý nghĩa nghệ thuật trên mảnh đất nghìn năm văn vật.

Đậu Dung

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文