Độc đáo lớp học "Vẽ ký ức"

19:19 14/08/2017
xưởng nghệ thuật Tí Toáy đã mở ra một lớp học đặc biệt, đó là lớp "Vẽ ký ức". Cũng với không gian nhiều màu sắc, với bút, với toan… tưởng như là nơi của các em nhỏ nhưng lại là lớp học vẽ cho những người từ 45 tuổi trở lên.

Người ta vẫn nói "người già thường sống bằng quá khứ", cần thời gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm lại những việc mình đã trải qua. Chính những tâm tư ấy khiến không ít người từ tuổi trung niên rơi vào trạng thái buồn chán, cảm giác mình cô đơn. Nắm bắt được tâm lý, xưởng nghệ thuật Tí Toáy đã mở ra một lớp học đặc biệt, đó là lớp "Vẽ ký ức". Cũng với không gian nhiều màu sắc, với bút, với toan… tưởng như là nơi của các em nhỏ nhưng lại là lớp học vẽ cho những người từ 45 tuổi trở lên.

Mượn nét vẽ để tái hiện quá khứ

Quả thực, ở cái tuổi tứ tuần, cầm bút vẽ không phải chuyện đơn giản, hơn nữa không phải ai cũng muốn mình trở thành "học trò" già. Chứng kiến không khí học tập, sáng tạo ở đây mới thấy họ thực sự là những nghệ sĩ, những người yêu nghệ thuật đến nhường nào. Lần đầu cầm bút vẽ, bà Nguyễn Thị Hòa (60 tuổi - Linh Đàm, Hà Nội) không khỏi lóng ngóng.

Ở cái tuổi "ngoại tứ tuần" cầm bút vẽ không phải là việc dễ dàng.

Thế nhưng bà đã vượt qua được những ngại ngùng ban đầu, tìm được niềm vui và an nhiên khi được thả những suy nghĩ, suy tưởng của mình vào từng nét vẽ. Tham gia lớp học một tuần 2 buổi, nhưng đó là quãng thời gian đáng quý để bà có thể sống thư thả với những cảm xúc, những ký ức đã qua.

Đưa bút vẽ bức tranh thiên nhiên vùng cao, bà Hòa nói: "Vẽ theo chủ đề, chủ điểm mà ở đây hướng dẫn thì mình cảm thấy rất thoải mái. Được gọi là phóng khoáng đấy, đưa những nét bút, mặc dù là mới đầu chưa biết gì, nhưng nói chung nó có sự cuốn hút kỳ lạ. Mình cảm thấy rất thư giãn về mặt tinh thần. Bức tranh mình đang vẽ đó là cảnh của một bản vùng cao (Yên Bái), mình đang kể lại quãng thời gian đẹp nhất của mình.

Ngày đó, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm, mình xung phong lên vùng cao công tác. Ở đó tuy vất vả nhưng đầy ắp những kỷ niệm. Có thể bức tranh vẽ ra người khác nhìn vào không hiểu được hết ý nghĩa, thậm chí không hiểu gì. Nhưng đó là tác phẩm cho riêng mình, chỉ cần nhìn vào thôi đã đủ làm tôi rưng rưng nhớ lại tháng ngày đẹp đẽ ấy".

Ở lớp "Vẽ ký ức" này, các "học trò" chẳng hề câu nệ vào kỹ thuật, bố cục, tất cả những gì mà họ làm là để cảm xúc của mình chảy tràn qua đôi tay. Đó là những câu chuyện, những xúc cảm một thời đã qua được họ mượn nét bút, mượn màu sắc, tái hiện lại một cách sống động.

Hoặc, đơn giản chỉ là những điều họ vừa mới nhìn thấy mà dâng lên cảm xúc. Vừa hoàn thành tác phẩm cho riêng mình, ông Nguyễn Điền Quốc Hùng (phố Văn Cao, Hà Nội) chia sẻ đầy tâm đắc: "Tôi biết được lớp này mới được vài tháng, ở cái tuổi này mà vẫn phải đi học đã là một điều ngại ngùng rồi, tuy nhiên ở đây lại phục vụ cho đúng lứa tuổi của mình nên tôi rất hào hứng".

Bức tranh của ông Hùng vẽ về dãy Trường Sơn hào hùng. Ở đó có hoa, có lửa, có khói của bom đạn và cả những đồng đội đã hy sinh. Ông bảo, chỉ có tự tay mình vẽ, tự tay mình tả lại mới thấy được sự bi tráng, đẹp đẽ của chiến tranh.

Nhiều người cho rằng, cần nhiều hơn những lớp vẽ ký ức khi xã hội ngày càng phát triển.

Câu chuyện của bà Lê Hồng Hà (Long Biên, Hà Nội) cũng khiến không ít người xúc động bởi mục đích tham gia lớp vẽ. Bà Hà tâm sự: "Tôi có một cậu con trai, sinh cùng ngày, cùng tuổi Đinh Mão với bố nó. Chính vì thế mỗi lần vào dịp sinh nhật cũng muốn tặng một món quà gì đó đặc biệt, tôi đã vẽ con mèo để tặng hai bố con. Có thể đến sinh nhật lần sau tôi lại vẽ một bức tranh gì đó gắn liền với kỷ niệm của hai vợ chồng. Chắc chắn lúc đó ông nhà tôi sẽ rất xúc đông. Tôi đã diễn tả được mong muốn của mình, cùng với cái đam mê của mình để mang đến một kỷ niệm, quà tặng cho người chồng và con của tôi".

Cần nhiều hơn sân chơi nghệ thuật cho người cao tuổi

Từ những ngày đầu mở lớp, qua 4 khóa học, lớp "Vẽ ký ức" luôn thu hút được lượng lớn học viên tham gia. Nó như nhu cầu tự thân của các bà, các mẹ - những người đã đi qua một đời vất vả, bươn chải, nay muốn sống chậm lại, muốn nâng niu cảm xúc của mình.

Vì thế, bên cạnh chuyên môn thì những giáo viên giảng dạy lớp học cũng phải là người rất tâm lý và hiểu được ý đồ của học viên. Anh Lê Trường Quang, họa sỹ hướng dẫn lớp cho biết: "Có thể là những ký ức, vui buồn hay thế nào đấy thì các cô các chú vẫn lưu lại trong tim mình và đến khi thông qua trí nhớ, thông qua hình ảnh. Tấm ảnh mà các cô các chú chụp qua các cuộc đi chơi, học tập, nghiên cứu gì đó. Sau này khi các cô các chú có thời gian tĩnh lặng lại, nhìn ngắm lại và mình muốn thể hiện tất cả các ký ức của mình như là những bức tranh, để thổi được những tình cảm của mình, tâm tư của mình trong tác phẩm đó. Quả thực dạy ở lớp này mình phải là người gần gũi, bên cạnh việc dạy những nét vẽ cơ bản thì phải thường xuyên tâm sự để biết các cô, các chú cần gì và vẽ gì".

Những ký ức sẽ thực sự được sống lại khi tham gia lớp "Vẽ ký ức".

Khi cuộc sống ngày càng đủ đầy về vật chất, người ta có xu hướng chăm lo hơn về đời sống tinh thần, nhất là với người cao tuổi. Có rất nhiều lớp học khiêu vũ cho người già, các môn thể dục dưỡng sinh… nhưng lớp học về nghệ thuật vẽ cho người cao tuổi còn rất mới mẻ.

Nói về lớp học "lạ" này, chủ xưởng vẽ Tí Toáy Atelier, người sáng lập - Lê Đăng Ninh chia sẻ: "Tại sao lại là lớp học "Vẽ ký ức"? Bởi vì ký ức là thứ rất gần gũi với người cao tuổi. Họ là những người rất thiếu sân chơi về nghệ thuật, đôi khi cảm thấy cô đơn. Con cái đi làm, cháu đi học, hằng ngày ở nhà không biết làm gì để khuây khỏa, để nâng cao đời sống tinh thần của mình".

Nhiều học viên đến lớp học vẽ đặc biệt này là do con cháu vận động, giới thiệu nhưng sau đó lại rất hào hứng. Anh Lê Đăng Ninh cho biết, có lần một cô gái đưa bố ngoài 60 tuổi đến đăng ký và "ép" bố theo học.

"Ông bố đành miễn cưỡng ngồi nghe giảng, rồi cầm chì, pha màu. Thế nhưng vài buổi sau, bác ấy là học viên xuất sắc, hôm nào cũng đến lớp đúng giờ. Các buổi học, theo như bác ấy chia sẻ, là khoảng thời gian bác cảm thấy được thư giãn và thoải mái nhất" - anh Ninh kể.

Tại lớp học đặc biệt, độ tuổi từ 60 trở lên chiếm khá lớn, đó là lúc họ rất dễ cô đơn, buồn tủi. Thậm chí có một số học viên sống cô độc không bạn đời, không con cái. Thời gian đến lớp là những giây phút họ tìm được niềm vui và hạnh phúc. Khi ngồi vẽ mọi ưu phiền đều tan biến.

Ở đây không câu nệ kỹ thuật và bố cục, những điều mà họ làm là để cảm xúc chảy tràn qua bàn tay.

Bà Dương Hương Giang (Ba Đình, Hà Nội) vốn là người phụ nữ đơn thân, cuộc sống tẻ nhạt, quanh năm bí bó trong bốn bức tường. Từ khi tham gia lớp học, bà Giang thấy mình được hồi sinh, năng động hơn rất nhiều: "Cuộc sống của tôi như thể thay đổi hoàn toàn từ khi tham gia lớp học "Vẽ ký ức" này. Đến đây không khí rất cởi mở, vui vẻ, mọi người đều yêu quý nhau, không hề có tinh thần cạnh tranh trong lớp. Tham gia lớp học không chỉ cho tâm mình tĩnh lại, thể hiện được tình cảm của mình qua từng bức vẽ mà còn thu thập được nhiều kiến thức, bài học bổ ích. Chúng tôi được học từ tranh tĩnh vật, vẽ chân dung, tranh phong cảnh, tranh cắt dán. Dịp lễ tết, chúng tôi tự tay vẽ bưu thiếp và trao tặng cho nhau, tặng các cháu, thậm chí là những người hàng xóm. Tuổi này rồi mà còn được nhìn ngắm những bức tranh do chính mình vẽ thì quả thực là rất hạnh phúc. Ở nhà tôi, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một tâm sự đã qua trong cuộc đời".

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Điều tệ hại nhất với con người trên thế gian này là đánh mất ký ức. Có một câu chuyện ở Nhật Bản khiến tôi rất xúc động là, sau vụ sóng thần, nhiều gia đình mất người thân, nhà cửa bị cuốn trôi hết. Một nhóm sinh viên đã lập ra một chương trình có tên là Phục hồi ký ức.

Họ đi tìm lại ảnh của những người đã chết cho người đang còn sống. Đó là việc làm vô cùng ý nghĩa. Bởi ký ức chính là tình yêu, là sự suy tưởng của con người về những gì họ đã sống. Khi đánh mất ký ức tức là lúc con người trở nên vô cảm và lạnh giá. Chính vì thế tôi thấy đây là một lớp học hết sức đặc biệt, rất nhân văn. Tôi nghĩ chúng ta nên có nhiều hơn những lớp học kiểu như thế này.

Phong Anh

Chính sách này không những động viên tinh thần và hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ma túy, mà còn đóng góp vào sự thành công trong công tác phòng, chống tội phạm ma túy. Từ đó có thể nhân rộng mô hình hiệu quả này ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Công an chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp nhận thông tin đối với sai phạm của Trung tâm xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Thốt Nốt tại KCN Thốt Nốt (giai đoạn 3) đối với 3 hợp đồng cho thuê đất của Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Ngày 7/5, Cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp. Hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến hàng không với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Lịch sử không xoay vòng để những người di cư tìm lại câu hỏi nên đi hay ở của bối cảnh quá khứ. Điều quan trọng và mang tính thời sự hiện nay là làm thế nào để việc hòa hợp dân tộc được thực hiện thiết thực, người Việt dù ở bất cứ đâu trên thế giới, bất cứ thành phần, địa vị nào cũng đều hướng về Tổ quốc, đoàn kết vì sự phát triển của quê hương, đất nước.

Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ từ bỏ chiến dịch ném bom hàng ngày nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen sau khi đạt được “hiểu biết chung” cũng như việc Oman xác nhận làm trung gian cho lệnh ngừng bắn giữa Washington và Houthi.

Các tổ công tác Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) đã chia nhỏ lực lượng, cơ động di chuyển nhiều vị trí và tiến hành mật phục tại các điểm nóng, truy lùng xe quá tải qua lại trong đêm tối. Phóng viên CAND theo xe của tổ công tác di chuyển qua rất nhiều trục đường chính cũng như đường nhánh tại khu vực ngoại thành. 

Việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để áp dụng chung cho đầu tư xây dựng các dự án đường sắt là rất cần thiết và cấp bách để tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế, hiện thực hóa mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Trong những năm qua, lực lượng Công an xã đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một lực lượng bán chuyên trách trở thành trụ cột vững chắc trong hệ thống bảo đảm ANTT tại cơ sở. Với quyết tâm chính quy hóa lực lượng, Công an xã ngày nay không chỉ đảm nhận các nhiệm vụ hành chính mà còn trực tiếp đối mặt với những thách thức an ninh ngày càng phức tạp, từ tội phạm hình sự, tội phạm công nghệ cao, an ninh tại các khu công nghiệp, đến phòng, chống buôn lậu tại biên giới.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.