Đừng để bia rượu bào mòn sức khỏe và nhân cách
Tất nhiên, nhận xét trên không nói về tất cả đàn ông nhưng những gì diễn ra hàng ngày cũng đủ minh chứng cho nhận xét trên là có cơ sở. Về việc thích nhậu nhẹt, tại các thành phố lớn, bạn cứ bước ra phố là thấy ngay quán nhậu.
Có khu vực quán nhậu mọc san sát hình thành nên một "tổ hợp" nhậu, nghĩa là số lượng người đến rất đông và mỗi quán sẽ có một "đặc sản" riêng phục vụ khách. Bia, rượu, đồ nhắm được đội ngũ tiếp viên phục vụ cực nhanh, đon đả chào mời.
Việc nhậu nhẹt diễn ra từ trưa tới chiều. Nhiều công chức viện đủ lý do tới đây rồi nghỉ việc buổi chiều luôn. Mà có đến công sở thì cũng đâu làm được gì khi người nồng nặc mùi bia rượu và cái đầu không còn tỉnh táo. Số người khác không nhậu buổi trưa thì khi thành phố lên đèn là tụ tập, chén chú chén anh đến đêm mới loạng quạng ra về.
Minh họa Lê Tâm. |
Còn lười việc nhà thì quá rõ. Vì "ngồi đồng" trong quán nhậu mấy tiếng liền nên việc nhà dồn hết cho vợ con. Nhiều vị lấy lý do công việc, bàn chuyện làm ăn với đối tác… để dối vợ con rồi ngồi lỳ ở quán đến khi nào không thể uống được nữa mới về nhà.
Đàn ông ở các nước kinh tế phát triển chắc chắn không bao giờ có thời gian vô bổ kiểu như thế. Khoảng 7 giờ tối tại các ga tàu điện ngầm, bạn sẽ thấy dòng người ùn ùn đi xuống tàu bởi lúc đó mới tan sở. Nhiều người phải di chuyển một quãng đường dài, qua nhiều ga mới về được đến nhà.
Họ không có thời gian nghỉ ngơi mà tranh thủ giúp vợ trông con hoặc làm những việc khác. Bạn sẽ thắc mắc, bận thế thì thuê người giúp việc, làm việc ở công sở chưa đủ sao mà về nhà còn phải vất vả đến thế. Xin thưa, tiền thuê người giúp việc rất cao, gần bằng với lương bạn đi làm đấy.
Viện Xã hội học mới đây đã thực hiện một cuộc tham vấn cộng đồng về lạm dụng bia rượu ở Việt Nam để rồi đi tới nhận định: ba nhóm uống rượu bia nhiều nhất là cán bộ công chức (trên 38%), đặc biệt cán bộ công chức ở Hà Nội với trên 48%, kế đến là người lao động tự do (38%) và thanh niên (25%).
Không cần nói các bạn cũng quá hiểu tác hại từ rượu bia. Một bác sỹ công tác lâu năm tại khoa cấp cứu một bệnh viện khẳng định: Nếu bạn lạm dụng bia rượu, chắc chắn bia rượu sẽ "bào mòn" sức khỏe và nhân cách bạn.
Điều này thì quá đúng. Dùng nhiều bia rượu đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm.
Và nếu nghiện bia rượu, bạn sẽ luôn bị lệ thuộc vào nó, người bệ rạc, không tập trung làm một việc gì đến nơi đến chốn và xã hội sẽ nhìn bạn với ánh mắt coi thường.
Bia rượu vào, bạn sử dụng các phương tiện giao thông sẽ không còn chuẩn nữa, không chỉ gây nguy hiểm cho bạn mà còn cho nhiều người tham gia giao thông. Số liệu điều tra của ngành Công an cho thấy, cứ 10 vụ tai nạn giao thông thì có tới 6 vụ liên quan tới bia rượu.
Chưa hết, bia rượu làm con người mất kiểm soát, dễ bị kích động và dẫn tới bi kịch của nhiều gia đình. Rượu vào lời ra, trước là cãi nhau, sau là xô xát và kết cục là có người chết, người khác thì bị thương. Đáng buồn là nhiều bi kịch diễn ra ngay trong một gia đình, khi thủ phạm và nạn nhân đều là người thân.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc nghiêm cấm công chức, viên chức sử dụng rượu bia vào buổi trưa một lần nữa cho thấy, người đứng đầu Chính phủ vô cùng sốt ruột trước thực trạng tác phong làm việc của không ít công chức, viên chức hiện nay.
Đất nước ta còn nghèo, đội ngũ công chức, viên chức quá hùng hậu nhưng làm việc kém hiệu quả, luôn hạch sách, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp - những người đóng thuế để nuôi chính những cán bộ công chức này.
Để xong việc, nhiều doanh nghiệp chấp nhận phải chi ra những khoản tiền không nhỏ phục vụ cho một số cán bộ, công chức mà điểm đến đầu tiên là các quán nhậu. Phải chăng đây cũng là lý do để nhiều quán nhậu có đất sống?
Rất nhiều người đồng tình với Chỉ thị của Thủ tướng và mong rằng, Chỉ thị sẽ có ý nghĩa trong cuộc sống. Nó cũng là giải pháp cần thiết để xây dựng đội ngũ viên chức sống lành mạnh, có văn hóa và trách nhiệm với bản thân, cộng đồng.