Gần 40 năm ân tình với người tâm thần, người gặp nạn

12:15 16/08/2020
Gần 40 năm qua, ông Phạm Văn Nhẫn (thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm (Hà Nam) chẳng nhớ nổi mình đã cưu mang bao nhiêu người tâm thần. Có những người chỉ tá túc nhà ông dăm, ba hôm rồi ông tìm lại cho họ người thân nhưng có người ông đã nuôi suốt 11 năm qua và nhập khẩu luôn vào sổ hộ khẩu của gia đình. Ông Nhẫn cười bảo, “coi đó là cái nghiệp cũng được mà coi đó là duyên nợ cũng được”.


Tổ ấm của những người tâm thần

Chúng tôi tìm về nhà ông Phạm Văn Nhẫn đúng vào buổi trưa hè nắng gắt. Thấy khách đến, gạt mồ hôi trên mặt, ông cười bảo: “Tôi vừa đi chạy xe ôm về. Nay nắng quá nên cũng ít khách đi”. Ngôi nhà ông Nhẫn nằm ngay mặt quốc lộ. Không biết đây có phải duyên cớ để ông hay “nhặt” được những người tâm thần hay không?

Trò chuyện với khách được một lát thì bà Đào Thị Lam, vợ ông Nhẫn dọn cơm trưa. Bữa cơm toàn người lớn nhưng liên tục là tiếng dỗ dành, nịnh nọt, khi lại quát mắng. Ông Nhẫn giải thích: “Những người tâm thần có khác nào trẻ con đâu. Có những lúc chỉ cần nói ngọt nhưng có những lúc họ cũng cứng đầu cứng cổ lắm nên tôi lại phải giở bài quát mới sợ”.

Ông Nhẫn nói sẽ cưu mang người tâm thần đến khi nào hết sức mới thôi.

Chỉ vào một người đàn ông xấp xỉ tuổi 60, ông Nhẫn cho biết: “Đây là ông Trần Văn Cường, ở đây đã 11 năm rồi nhưng không người thân đến nhận. Mới đây tôi cũng đã nhập hộ khẩu cho ông Cường rồi, giờ coi như thành viên trong gia đình mình thôi”. Đang ăn hùng hục ông Cường lại cười khanh khách, liên tục đưa tay bốc từng miếng cơm đút vào miệng, thỉnh thoảng lại nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn.

Cứ tưởng người tâm thần không biết buồn vui nhưng theo lời ông Nhẫn chia sẻ thì “ông Cường biết vợ chồng tôi thương ông ấy nên kể từ ngày tôi “nhặt” ông ấy về, chưa một lần nào ông ấy bỏ đi. Khoảng 11 năm trước, đêm hôm đó tôi đang ngủ say thì bỗng nghe tiếng loảng xoảng ngoài đường. Hai vợ chồng tôi chạy ra thì thấy một người đàn ông trên người dính đầy máu, quần áo rách tơi tả, tay cầm chai rượu, chửi, khóc, cười náo loạn. Tôi phải dỗ mãi người đó mới chịu theo tôi vào nhà”.

Theo lời kể của vợ chồng ông Nhẫn thì ông Cường mắc bệnh tâm thần rất nặng. Thời gian đầu mỗi khi lên cơn ông này lại vác dao dọa chém những người xung quanh. Nhưng giờ có tuổi tính tình ông Cường cũng đầm hơn và dường như đã được ông Nhẫn “cảm hoá”.

Khoảng 3 tháng trước, cũng trong một buổi đêm, ông Nhẫn nhận được điện thoại của một người dân thông báo có một người tâm thần đang nằm ở nghĩa trang của thôn. Nghe điện, ông Nhẫn vội vàng đến “hiện trường” thì thấy một người đàn ông đang nằm còng queo trên một ngôi mộ. Ông Nhẫn đánh thức người đó dậy rồi dỗ họ về nhà. Việc đầu tiên hai vợ chồng ông làm là lấy cơm cho họ ăn rồi tắm rửa sạch sẽ. Khi hỏi tên gì thì người đàn ông đó đáp tên là Thành.

Nhưng họ gì, bố mẹ là ai, quê ở đâu thì anh Thành không nhớ. “Ngay ngày hôm sau tôi đã chụp ảnh Thành rồi đăng trên facebook nhờ mọi người chia sẻ để tìm người thân nhưng từ đó đến nay vẫn bặt vô âm tín. Thành còn thanh niên nên ăn khoẻ lắm, sau 3 tháng ở nhà tôi mà cháu nó lên được 8 cân”, ông Nhẫn cho biết.

Đầu tháng 8 này, ông Nhẫn cũng đã tiếp nhận 3 thanh niên người Mông rồi sau đó giúp họ trở về quê. 3 người này rủ nhau đi vào Thanh Hoá làm phụ hồ suốt mấy tháng trời nhưng không được chủ thầu trả công. Biết không thể hy vọng gì nên 3 người này đã bỏ công trình và đi bộ từ Thanh Hoá ra Hà Nam. “Đến gần nhà tôi thì cả 3 cháu đều kiệt sức do đói, bàn chân phồng rộp. Thấy vậy tôi đưa cả 3 đứa về nhà cho ăn uống rồi hôm sau tôi mua vé xe khách cho chúng nó về Điện Biên”.

Theo lời ông Nhẫn chia sẻ thì trung bình mỗi tháng ít nhất ông cũng “nhặt” được vài, ba người. Không chỉ “nhặt” người tâm thần mà ông Nhẫn còn giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông. Ông bảo: “Có nhiều trường hợp gặp tai nạn thương tâm dẫn đến tử vong mà chưa có người nhà đến nhận thì tôi vẫn thường tắm rửa thi thể cho họ rồi sau đó tổ chức khâm liệm. Nhiều người cứ hỏi tôi là làm thế có sợ không? Tôi bảo nếu sợ thì đã không làm. Hơn nữa, mình làm việc thiện thì chỉ chả có lý do gì để sợ cả”.

Ba lần tay không bắt cướp

Khi được hỏi duyên cớ nào khiến ông lại làm cái việc “chẳng giống ai” như vậy thì ông Nhẫn cười bảo: “Có lẽ là do tuổi thơ của tôi khổ sở quá, nhiều sóng gió quá nên trong thâm tâm lúc nào tôi cũng mong muốn được giúp đỡ những người bất hạnh như mình”.

Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, Phạm Văn Nhẫn chưa một lần biết đến tình phụ tử bởi trong một lần vụng dại mẹ ông đã mang thai ông. Cậu bé Nhẫn sinh ra đã mang tiếng là “con hoang”. Nhưng rồi vì tuổi đời còn quá trẻ nên sau đó mẹ ông đã bỏ ông lại cho bà ngoại nuôi và đi lấy chồng. Hai bà cháu cứ thế rau cháo nuôi nhau cùng vượt qua những tháng ngày cơ cực.

Năm 1979, khi có lệnh tổng động viên, chàng trai trẻ mới 16 tuổi đã tình nguyện trích máu của mình viết 2 lá đơn xin lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm trở về quê hương, ông được bà ngoại ướm cho một cô gái cùng làng rồi nên nghĩa vợ chồng. “Ngày đó có yêu đương gì đâu, về quê bà ngoại bảo cưới vợ là cưới thôi. Thế mà sống với nhau giờ cũng 40 năm rồi chứ ít đâu. Được cái bà ấy cũng là con nhà nghèo nên rất hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh của chồng”.

Luôn yêu thương những người tâm thần như những người ruột thịt.

Với hai bàn tay trắng, không mảnh đất cắm dùi, ông cùng người vợ trẻ “cày thuê cuốc mướn” để sống qua ngày. Ông Nhẫn nhớ lại: “Ngày đó vợ chồng tôi làm gì có đất, có nhà. Xin bà con hàng xóm được cây tre, bó rơm dựng tạm túp lều lấy chỗ tránh mưa tránh nắng. Hết bơm xe, vác đất rồi cày cuốc thuê. Sau này làm ăn tích cóp mới mua được miếng đất này đấy”.

Năm 1984, vào một buổi trưa nắng hai vợ chồng ông Nhẫn đang phơi rơm thì bỗng nghe tiếng trẻ con khóc từ phía xa. Vợ chồng ông chạy tới thì phát hiện một cháu bé trai khoảng 11 tuổi bị lạc đường. Vợ chồng ông đã đưa đứa bé về nhà cho ăn uống, nghỉ ngơi. Sau đó ông bắt đầu đạp xe đến nhiều nơi để tìm lại gia đình cho đứa bé.

Dọc đường, ông Nhẫn nhìn thấy một cụ già vừa đi vừa mếu máo gọi “cháu ơi, ở đâu thì về với ông”. Khi ông Nhẫn hỏi thì biết được rằng cụ già này chính là người mà mình đang cần tìm. Biết ơn ông Nhẫn, gia đình cháu bé xin ông làm bố nuôi cháu bé.

Những ngày đầu khi thấy ông Nhẫn thỉnh thoảng lại đưa một người tâm thần về nhà cho ăn uống, tắm gội sạch sẽ nhiều người đã ác khẩu nói rằng ông bị điên. Khi những người tâm thần ông Nhẫn “nhặt” được ngày một nhiều hơn thì thu nhập từ việc làm nông và bán thêm quán nước không thể đủ. Lúc này, ông Nhẫn quyết định sẽ chạy xe ôm để có thêm “đồng ra đồng vào”. Có lẽ chính cái nghề xe ôm này lại càng khiến ông có nhiều cơ hội để “hội ngộ” những người tâm thần.

Những lúc rảnh ông Nhẫn lại tỉ tê, ngọt nhạt, tâm sự với những người tâm thần mà ông mang về nhà, hy vọng trong lúc tỉnh táo hiếm hoi họ nhớ được địa chỉ, người thân của mình.

Khi có 1 vài thông tin của họ, ông gọi điện cho tổng đài 1080 để xác minh và kết nối với người thân đến nhận. Hít hơi thuốc thật sâu ông Nhẫn kể: "Nhiều trường hợp không liên lạc được bằng điện thoại, tôi phải lấy xe máy đi đến tận nơi của bệnh nhân. Lần nhớ nhất là một bệnh nhân ở Hòa Bình, anh này tận huyện Lạc Sơn. Mất mấy ngày tôi mới đến được địa phương và nhờ Công an xã đưa vào nhà. Sau đó gia đình họ nhận được người nhà, họ vui mừng lắm”.

Bên cạnh nuôi người tâm thần, cứu người bị tai nạn giao thông, ông Nhẫn còn có một khả năng đặc biệt khác, đó là “tay không bắt cướp”. Lần thứ nhất là khi ông Nhẫn đang chạy xe ở khu vực cách nhà chừng 5km. Khi thấy một nam thanh niên bộ dạng đói khát, rách dưới đang lê từng bước chân dưới trời nắng ông Nhẫn đã hỏi: “Cháu bị đói à? Về nhà chú chú cho ăn cơm”.

Người thanh niên không nói không rằng trèo lên xe ông Nhẫn. Sau khi cho nam thanh niên ăn uống và vệ sinh ông Nhẫn hỏi quê quán thì được biết người này quê Đắk Lắk. Qua tiếp xúc ông Nhẫn phát hiện người này mắt nhìn liến láu, có nhiều biểu hiện bất thường. Đợi thanh niên đi ngủ ông đã gọi điện hỏi Công an để xác minh thì được biết đó chính là đối tượng trốn nã.

Để tránh bị nghi ngờ, ông Nhẫn vờ như không có gì xảy ra, vẫn cho nam thanh niên ngủ lại nhà mình. Sáng hôm sau ông chở anh ta lên xã, nói dối là đi làm tạm trú. Sau đó, Công an ập vào, còng tay thanh niên này rồi di lý vào miền Nam.

Lần thứ 2, ông Nhẫn phối hợp với Công an bắt được 2 tên cướp xe máy, bên trong cốp đựng rất nhiều tiền. Ông Nhẫn nhớ lại: “Sáng hôm đó tôi đang đi đám ma thì vợ tôi gọi điện về nhà có người sửa xe. Thấy 2 thanh niên có nhiều biểu hiện khả nghi nên tôi đã tìm cách báo Công an. Chỉ mất một chút thời gian là Công an đã xác định được chiếc xe mà tôi đang sửa là chiếc xe bị mất trộm. Khi biết bị lộ, hai đối tượng đó đã lấy cọc tiền trong cốp xe ra định mua chuộc tôi nhưng tôi từ chối. Cũng đúng lúc đó thì Công an ập vào nhà và tóm gọn 2 tên trộm”.

Lần khác, ông Nhẫn cũng tóm được một đối tượng đang trốn nã bằng một cách rất tình cờ. Khi đó, gã này vào quán của ông uống nước nhưng uống xong thì không chịu trả tiền. Thấy bất thường nên ông Nhẫn phản xạ và khoá tay được đối tượng. Khi Công an huyện xuống hiện trường thì biết đấy chính là đối tượng mà họ đang truy nã.

Những người biết ông Nhẫn đến giờ vẫn thường bảo ông là người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Còn ông thì cười bảo: “Tôi cưu mang những người tâm thần đã gần 40 năm nay rồi. Thế nên giờ hễ thấy người nào đi lang thang là người ta lại gọi điện thông báo để tôi đến đón về. Tôi sẽ cố gắng làm việc này cho đến khi nào không còn sức nữa thì thôi”.

Với những việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa của mình, năm 2013 ông Nhẫn đã vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam vì “Đã có thành tích trong hoạt động nhân đạo và từ thiện”.

Phong Anh

Trước những dấu hiệu bất thường liên quan đến việc lập, phê duyệt quy hoạch, thực hiện dự án Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Lâm Bình (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh), Thanh tra Bộ Xây dựng vừa có văn bản yêu cầu địa phương này làm rõ, đồng thời có văn bản báo cáo Thanh tra Bộ trước ngày 25/12/2024.

Ngày 24/12, tại Công an tỉnh Tuyên Quang, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Nhận diện xu hướng dịch chuyển của tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự lên không gian mạng”. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an chủ trì Hội thảo.

Năm 2024 ghi dấu mốc quan trọng với việc 19 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong việc phục hồi phát triển kinh tế, xã hội (KTXH), bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cung ứng điện, than, xăng dầu... cho phát triển KTXH, bảo toàn vốn và các nguồn lực Nhà nước giao.

Các nguồn thạo tin ngày 24/12 cho hay, thời gian gần đây, Nga đã tiến hành nhiều đợt phản công lớn tại Kursk. Cường độ các cuộc tấn công cho thấy quyết tâm của Tổng thống Vladimỉr Putin nhằm loại bỏ con bài mặc cả của Ukraine trong bối cảnh sức ép đàm phán gia tăng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vào tháng 1/2025.

Ngày 24/12, Công an phường 1, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã phối hợp với chị Lê Thị Kim Ngân (SN 1984, ngụ huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) trả lại 4 cây vàng 9999 cho người đánh rơi.

Những ngày này, phường Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội nơi có Nhà thờ Lớn đón rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi và đón lễ Giáng sinh. Nhằm đảm bảo cho nhân dân được đón lễ Giáng sinh, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí an ninh, an toàn, Công an phường Hàng Trống đã lập kế hoạch, tham mưu cho Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chính quyền địa phương tổ chức các phương án phân luồng giao thông và giữ gìn an ninh trật tự (ANTT).

Năm 2025 là năm đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức theo chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới ban hành năm 2018. Học sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số 9 môn tính điểm còn lại của chương trình lớp 12.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文