Giải oan cho làng… đói nước

13:20 24/11/2013

Trong những ngày lang thang trên Cao Bằng, dạo qua các bản thuộc khu vực miền núi Trùng Khánh, chúng tôi đã cóp nhặt được vô số chuyện lạ, những tập tục khác thường cùng những lời đồn đại quái ác đeo đẳng những người sống ở vùng đó suốt hàng trăm năm. Đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về một ngôi làng nhỏ suốt cả trăm năm phải đi "ăn mày" các bản làng kế cận để xin từng vốc nước sống qua mùa khát.

Rồi lời đồn quanh ngôi làng ấy có tục nuôi "ma độc", mỗi năm phải "thuốc" chết ít nhất một người khiến những ai có ý định đặt chân đến vùng đất đó cũng phải đôi phần ái ngại. Mong vén lên tấm màn che u ám, huyễn hoặc ấy, chúng tôi đã có cuộc hành trình tiếp cận bản Nặm-Rọi (thuộc địa phận xã Thông Huề, Cao Bằng).

Từ câu chuyện "ăn xin" mùa đói nước

"Đói nước", "làng khô", "bản khát"… đó là những cụm từ quen thuộc đến nỗi gần như là "cửa miệng" của những người dân nơi núi đá Trùng Khánh này mỗi khi nhắc đến bản Nặm-Rọi. Sở dĩ Nặm-Rọi trở nên nổi tiếng như vậy bởi đây là bản có cuộc sống sinh hoạt khắc nghiệt nhất trong vùng. Ông Nông Văn Khoan năm nay 65 tuổi, sống ở bản Khuông cách Nặm-Rọi chưa đầy "con dao quăng", vừa thả bò trên một triền núi ông lão vừa thong thả kể với chúng tôi.

Từ lúc ông Khoan còn nhỏ thì cái bản Nặm-Rọi gần đó đã "có tiếng" lắm rồi. Cuộc sống chỉ dựa vào cây ngô, củ khoai trồng chênh vênh trên triền núi bởi thế, người bản đó gần như quanh năm sống quay quắt trong cái đói, cái nghèo. Tuy nhiên, nước vẫn là thứ họ "đói" hơn cả. "Họ đói nước như bây giờ là bởi mạch nước ngầm từ bụng núi Lũng Thàn không còn hào phóng cho họ nhiều nước như đời ông, đời cha họ nữa. Lũng Thàn không cho nước, các khe suối, mó nước của bản ấy cũng không có nước. Họ chỉ sống dựa vào nguồn "nước trời". Họ khát, họ không có nước nên phải qua các bản gần, bản xa xin nước là chuyện bình thường…" ông Nông Văn Khoan lý giải nguyên nhân "đói nước" của Nặm-Rọi.

Một người dân Nặm-Rọi đang chắt lọc từng chút nước cho vào can.

Để rõ hơn nỗi khổ sở, bi đát vì thiếu nước của "bản khát" cũng như tìm hiểu rõ thực hư sự việc chúng tôi quyết định tiếp cận Nặm-Rọi. Con đường độc đạo dẫn đến bản khá lồi lõm, chênh vênh. Mặt đất vỡ vụn lạo xạo dưới chân khiến việc đi lại của chúng tôi gặp không ít khó khăn. Dọc đường vào Nặm-Rọi, bên một mó nước nhỏ gần như đã khô kiệt một người đàn ông tuổi chừng ngoài 30 đang cặm cụi múc từng ca nước nhỏ cho vào can nhựa.

Theo thông tin mà người đàn ông này cung cấp thì mùa khô nơi đây bắt đầu từ tháng 10 năm trước đến tận tháng 3 năm sau. Do sống chủ yếu dựa vào nước mưa, nước suối thế nên thời điểm đó cũng là lúc khô khát trầm trọng. Không có nước, người dân Nặm-Rọi phải men theo tỉnh lộ 206, vượt quãng đường hàng chục cây số xa xôi nữa để kiếm mó nước (PV-Khe suối nhỏ chảy ra từ các hốc đá) rồi lại chắt vào từng can, xô và vận chuyển về bằng xe máy. 

Thế nên, để "tiết kiệm" nước, dân bản địa rất hạn chế việc tắm giặt. Nước lấy về chủ yếu chỉ phục vụ cho việc nấu ăn việc tắm giặt sẽ được "để dành" khi ra các mó nước ven tỉnh lộ 206. Tình trạng thiếu nước ở khu vực này kéo dài lâu chưa? - Lâu rồi, không nhớ rõ nữa…! tay vẫn không ngưng đổ nước vào can, người đàn ông này đáp gọn lỏn.

Chỉ tay vào một chiếc bể đá dùng để chứa nước đã phủ đầy cỏ rác, người đàn ông đó cũng cho biết thêm "xây bể đấy, 5 năm rồi nhưng làm gì có nước đâu, giờ đây bỏ không đấy, chẳng làm gì…".

Thực hư Tục "thuốc" chết khách

Câu chuyện nuôi "ma độc" hay nhiều nơi còn gọi bằng cái tên khác là "thuốc thư" nhuốm màu huyễn hoặc ấy, nghe qua tưởng chừng như không hề liên quan đến Nặm-Rọi. Tuy nhiên, qua lời kể của người dân bản địa, chúng tôi được biết khá nhiều câu chuyện ly kỳ về "ma độc" ít nhiều liên quan đến cái đói, cái khát ở Nặm-Rọi .

Bể chứa nước nay khô kiệt, mọc đầy cỏ rác.

Ông Nông Văn Khoan kể lại: 20 năm về trước, Nặm-Rọi gần như bị các bản làng anh em gần đó xa lánh. Mỗi khi có việc lớn gì liên quan đến ngôi làng ấy là người ta tìm cách thoái thác để không phải đến dự. Sở dĩ vậy vì dân trong vùng tin rằng trong bản ấy có người nuôi "ma độc" hại người. Nghe đâu cũng đã có đôi ba trường hợp có biểu hiện của việc trúng phải "ma độc" chết bất đắc kỳ tử sau khi rời khỏi ngôi làng đó.

"Ma độc", theo những người dân nơi đây là thứ độc được nuôi, được chăm sóc thậm chí được thờ cúng giống như tục thờ ma xó của người Dao trên vùng Nguyên Bình hay bùa ngải của người Mường. Cách "luyện" để sản sinh ra "ma độc" và trông hình dáng nó như thế nào thì chỉ người "có nghề" mới biết được. Để biết có vô tình trúng phải "ma độc", bị "thuốc" chết hay không phải dựa vào các triệu chứng như: Nóng rát, khản đắng nơi cổ họng, chân tay tím tái, rủn đi… lạ ở chỗ nếu đem người bị trúng "ma độc" đi bệnh viện thì cũng không khám ra bệnh gì cả. Người đó cũng từ từ héo mòn mà chết nếu như không tìm thấy thầy giải độc cao tay hoặc chính người bỏ độc để xin họ thuốc giải.

Ông Nông Văn Khoan cho rằng núi Lũng Thàn không còn  cho người dân Nặm-Rọi nước như đời ông, cha họ nữa.

Sở dĩ, tập tục bỏ độc này tồn tại và được cho là duy trì ở Nặm-Rọi bởi theo quan niệm vùng đất này thường xuyên "đói nước", nuôi "ma độc" sẽ giúp mùa màng thuận lợi, "nước trời" nhiều, người dân bản Nặm-Rọi sẽ không phải nơm nớp nỗi lo về nước nữa. Tuy nhiên, như một lời nguyền bám chặt lấy những người nuôi "ma độc". Nó sẽ trở thành "dao hai lưỡi" khi mà chủ nhân của nó trong vòng một năm không "thuốc" chết được ai để cúng ma nó thì nó sẽ trở lại tác quái, vật chết hết trâu bò, lợn gà… khiến người nuôi nó phải điêu đứng.

Cũng vì lẽ đó nên khi biết Nặm-Rọi có người nuôi "ma độc", dù không biết chính xác là ai nhưng những người dân trong vùng đều "cách ly" cả bản ấy để đề phòng. Cứ như thế Nặm-Rọi bị xa lánh cho đến tận thời điểm hiện tại. "Là khách lạ vào đó vẫn nên đề phòng, nhỡ may có chuyện gì cũng chẳng thừa đâu…"- một "thổ địa" người Tày ở bản Khuông tên Nông Vĩnh trên đường tìm vào Nặm-Rọi đã khuyên tôi như vậy.

Giải mã bí ẩn

Bản Nặm-Rọi có 61 hộ dân, trên 232 nhân khẩu với 100% là bà con dân tộc Nùng. Là một trong những làng nghèo khó, nguồn sống chủ yếu là làm nông nghiệp, hoàn toàn dựa vào củ sắn, hạt ngô. Do không có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Thanh niên trai tráng trong làng hầu như đều bỏ đi bốc vác thuê, làm quặng tìm kế sinh nhai. Ông Phùng Văn Ráy, trưởng bản Nặm-Rọi trong điệu bộ khá e dè khi cung cấp thông tin cho chúng tôi về ngôi làng "đói nước" này.

"Trước đây cũng có nhà báo về tìm hiểu sự việc, có người họ nói không thật khiến chúng tôi càng khổ sở hơn. Nay nhà báo về hỏi chuyện mong nhà báo nói giúp dân chúng tôi với, đói khát đã khổ lắm rồi còn bị thêm tiếng bỏ độc nữa thì…".

Băn khoăn với ông trưởng bản việc thiếu nước ở Nặm-Rọi thì được biết do địa hình, địa chất vùng này rất phức tạp. Thiếu nước, người dân cũng từng nghĩ đến việc khoan giếng lấy nước. Thế nhưng có gia đình đào đến vài ba lần, thậm chí sâu mấy chục mét vẫn không có nước. Dân nghèo vì thế việc đào giếng, xây bể trữ nước gặp nhiều khó khăn. Cũng bởi vậy nên hầu hết người dân Nặm-Rọi chọn cách đi xin nước ở các bản làng khác để sống qua mùa khô.

Theo tìm hiểu của chúng tôi vào thời điểm hiện tại, việc "đói nước" của Nặm-Rọi cũng đã được vơi đi phần nào. Lý do là một công ty nhằm mục đích khai thác khoáng sản đã kéo một đường ống cung cấp nước dài ngót chục cây số từ sông Bắc Vọng chạy qua Nặm-Rọi đến tận chân đèo Khau Liêu. Mặc dù chỉ là nguồn nước xin ké từ đường ống dẫn nước đó nhưng cơn khát vào những mùa khô ở Nặm-Rọi đã được xoa dịu đi ít nhiều.

Rời Nặm-Rọi trong nắng chiều, bất chợt trong tôi xuất hiện hình ảnh những phụ nữ, những em bé người Nùng gùi nước bằng ống bương trên các ngả rừng cheo leo tìm đường về bản. Những chiếc xe Min thồ nước bằng can nhựa, vượt lên các con dốc chênh vênh. Có nước để sinh hoạt đã là điều may mắn lắm với hơn 200 con người ở Nặm-Rọi chứ chưa nói đến nguồn nước ấy có đảm bảo vệ sinh, có thực sự sạch.

"Con ma độc" ở Nặm-Rọi hẳn nhiên không tồn tại, thứ đáng sợ hơn độc ấy gấp hàng trăm lần chính là những lời đồn ác miệng, thêu dệt khiến những nỗi oan kéo dài suốt hàng chục năm vẫn không gột rửa được

Đinh Luyện - Lưu Vĩnh

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

Sau nhiều ngày đưa ra xét xử sơ thẩm, ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với 2 bị cáo Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, đều trú tại TP Huế) trong vụ án "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra ở Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thuộc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文