Gìn giữ vẻ đẹp của lễ hội

11:12 23/02/2016
Từ nhiều đời qua, lễ hội là sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân Việt Nam. Cụ thể hơn là nơi kết nối con người với các đấng thần linh, các bậc tổ tiên, biểu hiện sức mạnh tinh thần đoàn kết, tương hỗ. Và hơn hết, lễ hội là một biểu hiện của trình độ văn hóa và kinh tế mỗi thời kỳ, thể hiện bức tranh đa dạng văn hóa của đất nước có hàng ngàn năm lịch sử. 


Thế nhưng, cùng với sự phát triển kinh tế, những thay đổi của nếp sống, nhiều lễ hội đã không còn giữ được vẻ đẹp vốn có, bị mai một, pha tạp; bị chính những người tham gia làm mất sự tôn nghiêm. Việc gìn giữ vẻ đẹp, xóa đi những hình ảnh tiêu cực ở nơi các lễ hội là vô cùng cần thiết, đòi hỏi phải có sự kết hợp của các cơ quan chức năng và chính người tham gia.

Vẻ đẹp và những giá trị

Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng từng nghĩ đến và tham gia lễ hội vào mùa xuân, mùa khởi đầu của một năm, mùa lễ hội. Khi đó, mỗi người đều nghĩ đến việc tham gia lễ hội để cầu phúc, cầu an, mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới…

Dòng người ngộp thở chen chân ở lễ hội chùa Hương 2016.

Người ta sẽ đắm mình trong không khí linh thiêng của các đền chùa, sẽ tham gia những sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật nơi các “hội”. Mọi người thấy mình được an ủi, được nâng đỡ, có động lực và nghị lực để vượt qua những khó khăn, thử thách của năm tới. Rồi sẽ lại thêm yêu người, yêu đời, kính nhớ, biết ơn tổ tiên, thế hệ cha ông đã góp phần làm nên lịch sử, xây dựng đất nước tươi đẹp. Những giá trị truyền thống đã được hun đúc, bảo lưu, gìn giữ trong cả nghìn năm qua vẫn tiếp tục được các thế hệ ngày nay phát huy.

Theo thống kê, hiện cả nước Việt Nam có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, còn lại là lễ hội khác. Trong khi đó, ở nước ta có trên một vạn xã, chia đều thì vẫn chưa đủ mỗi xã một lễ hội/năm. Theo một số chuyên gia văn hóa, số lượng lễ hội như vậy chưa phải là nhiều.

Hàng năm, nhà nước, các cơ quan văn hóa địa phương vẫn nhiệt tình tổ chức lễ hội, phục dựng những lễ hội bị mai một. Đó là điều đáng mừng, là nhu cầu “sân chơi văn hóa” đã được đáp ứng, góp phần làm giàu có đời sống tinh thần cư dân, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Thêm nữa, nhiều chuyến hành hương, lễ hội giống như hành trình khám phá du lịch, tìm hiểu văn hóa, tìm về nguồn cội chứng tỏ đời sống kinh tế người dân đã khá giả, dám bỏ thời gian, tiền bạc cho những hành trình từ trong tâm thức.

Một số chuyên gia văn hóa khác đóng góp ý kiến, cho rằng lễ hội ở ta như vậy là nhiều. Quanh năm người dân đắm mình trong hội hè. Một số lễ hội vẫn gìn giữ được cốt cách, truyền thống và mỹ quan, tạo dựng giá trị lâu bền trong lòng người dân. Theo đó, cần tích cực xây dựng, phát huy hơn nữa những giá trị của các lễ hội lớn, tiêu biểu, mang tầm vóc quốc gia, xứng đáng là những lễ hội mà khi nhắc đến thì nhiều nước trên thế giới cũng biết.

Cần lễ hội “sạch”

Cùng với sự phát triển thì ở các lễ hội, sự lộn xộn, nhếch nhác, biến tướng… vẫn thường xuyên diễn ra, gây nên sự bức xúc trong dư luận, làm cho hình ảnh linh thiêng và văn hóa cũng nhuốm tạp bụi trần gian.

Cảnh ngột ngạt ở Hội Lim (Bắc Ninh).

Lễ hội chùa Hương (Hà Nội) năm nay, theo dự kiến sẽ được tổ chức chặt chẽ hơn, không có cảnh chặt chém, bán thịt thú rừng hoang dã, bớt chen lấn. Nhưng những điều đó vẫn chưa tiến triển được bao nhiêu. Cảnh chen lấn đến ngộp thở của dòng người vẫn diễn ra.

Tương tự, cảnh chen lấn, xô đẩy cũng diễn ra tại lễ hội Bà Đen (Tây Ninh). Cứ tham gia dòng người sẽ thấy cảnh toát mồ hôi, nhếch nhác trong đông đúc, nóng bức và ngập tràn rác thải. Người ta cởi trần, trải chiếu ra nằm la liệt dưới gốc cây trong khuôn viên di tích, vứt rác thải bừa bãi đến phát hãi.

Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Nam Định) năm nào cũng diễn ra cảnh chen lấn, xô đẩy, rồi chuyện mua ấn, bán ấn cũng diễn ra lộn xộn. Năm nay việc phát ấn được tổ chức sớm hơn. Ban tổ chức đang nỗ lực để chính hội xuân Bính Thân 2016 khắc phục được cảnh cướp lộc, cướp ấn, chen lấn, xô đẩy.

Có một điều, là với khách tham gia lễ hội tại các đền, chùa cần giữ tinh thần thanh tịnh, thì họ vẫn mang những thói xấu ở ngoài đời. Nhiều người lấy lòng mình đo lòng thánh nhân, tưởng cung tiến nhiều tiền thì có thể “lấy lòng” được thần phật. Một số ngoài đời thường có những hành động mờ ám, phi pháp nhưng vẫn cầu mong lọt lưới pháp luật. Cứ hòa vào dòng người hành lễ ở các lễ hội sẽ được chứng kiến cảnh thi nhau khấn vái, tấu sớ, cố gắng để át tiếng của nhau. Người này chen lấn người kia để được hành lễ trước, có những cô gái ăn mặc phản cảm, cười cười nói nói bên cạnh những người đang trang nghiêm khấn vái; lại có cả chuyện người ta nháo nhác tìm lễ vật bị thất lạc trên bàn thờ Phật... Tất cả tạo nên một mớ hỗn độn ảnh hưởng lớn tới vẻ tôn nghiêm chốn cửa Phật.

Đã từ lâu, mỗi mùa lễ hội đến, các cơ quan thông tấn, cơ quan chức năng lại róng riết bàn luận vấn đề văn hóa lễ hội. Trong đó, nhiều ý kiến chỉ ra rằng nhiều người đến lễ hội mà không hiểu lễ hội, đi theo phong trào, đi để góp vui và đi chỉ để cầu tài (tiền), cầu lộc mà không nghĩ đến chuyện thanh lọc tâm hồn. Lại có ý kiến gay gắt hơn, cho rằng đi lễ hội khổ như thế, chen lấn, xô đẩy, bị chặt chém, thậm chí có người mấy ngày sống cảnh “màn trời chiếu đất”, vậy mà người ta vẫn tham gia? Trả lời cho câu hỏi này, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền cho rằng đó là do hiệu ứng đám đông, và một số người cuồng tín, đi để cầu lợi bằng bất cứ giá nào.

Liên quan đến vấn đề này, Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam cho biết: “Tín ngưỡng là một tri thức. Và một bộ phận lớn người dân không hiểu những việc mình làm khi đi lễ, không hiểu hết văn hóa và tín ngưỡng nên dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Xã hội đang tồn tại rất nhiều thang giá trị khác nhau, đồng thời rơi vào trạng thái vụ lợi. Do đó, cần phải làm sạch lễ hội, bằng nhiều biện pháp tích cực khác nhau, trả lại giá trị và sự linh thiêng cho lễ hội”.

Hàng quán lộn xộn thường thấy ở nhiều lễ hội.

Giáo sư Thịnh hiến kế: Trước hết người dân phải học cách đi lễ hội, có văn hóa tham gia lễ hội; thứ hai các cơ quan quản lý cần tích cực trong điều hành, tổ chức, kết hợp với giới tăng lữ sở tại giảm thiểu cảnh chen lấn, xô đẩy, nạn cờ bạc trong khuôn viên lễ hội; thứ ba các cơ quan thông tấn báo chí cần tích cực tuyên truyền, bài trừ tệ nạn, giảm thiểu bất cập xảy ra trong lễ hội. Bên cạnh đó, cần có các biện pháp quy hoạch tổng thể lễ hội trong cả nước. Đây là trách nhiệm lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để đưa hoạt động này vào nền nếp, nhằm mục tiêu: Bảo tồn và kế thừa có chọn lọc các giá trị văn hóa của lễ hội dân gian.

Nói gì thì nói, ý thức của người dân tham gia là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành công của các lễ hội. Họ chính là những người tôn vinh, làm giàu thêm vẻ đẹp, nét văn hóa của các lễ hội. Do đó, chính họ phải tự lấp đầy dần những thiếu hụt về tri thức và văn hóa.            Hãy trả lại vẻ đẹp cho lễ hội bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Để đó mãi mãi là cầu nối cho những con người đi tìm sự thanh tịnh, giao lưu văn hóa; là nơi phát huy giá trị truyền thống Việt cũng như tinh thần yêu quê hương, đất nước.

Hải Miên

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文