Khát khao được sống hướng thiện

13:33 02/08/2016
Từ một phạm nhân 47 tuổi đời nhưng đã có 22 năm chấp hành án phạt tù, mang 7 tiền án, Đoàn Hồng Khanh được cho là một phạm nhân "cộm cán" nhưng cuối cùng đã được các cán bộ chiến sĩ Trại giam Thủ Đức cảm hóa, thức tỉnh trở thành người hướng thiện.

Đây là một trong nhiều trường hợp phạm nhân được cải tạo và giáo dục thành công tại trại giam này. Theo lãnh đạo Tổng cục VIII, công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân trong giai đoạn 2012-2015 của Trại giam Thủ Đức có nhiều thành quả đáng ghi nhận và có thể là điển hình để nhân rộng ra các trại giam khác trên cả nước.

Hướng thiện cho những phạm nhân "vào tù, ra khám"

Phạm nhân Đoàn Hồng Khanh quê Hà Nội, hiện đang chấp hành án phạt tù tại Phân trại số 1, Trại giam Thủ Đức (Tổng cục VIII - đóng tại huyện Hàm Tân, Bình Thuận), 47 tuổi đời nhưng đã có 22 năm chấp hành án phạt tù, mang 7 tiền án và 8 năm truy tố trách nhiệm hình sự do đánh bạn tù.

Trước khi bị xét xử và kết án với tội danh "giết người" rồi được đưa tới Trại giam Thủ Đức để chấp hành án, Khanh đã từng nhiều lần "vào tù, ra khám".

Đại tá Nguyễn Xuân Thường trò chuyện với phạm nhân Đoàn Hồng Khanh.

Lý do vì Khanh là một người đã quen lối sống hưởng thụ, chưa khi nào biết lao động chân chính để kiểm sống, hơn nữa bản tính lại hung hăng, côn đồ, nên gần như Khanh không biết sợ ai. Ngay cả khi đang chấp hành án tại Trại giam Thủ Đức, Khanh đã có lần xô xát và đánh một bạn tù trọng thương…

Trường hợp phạm nhân này đã khiến Ban Giám thị Trại giam Thủ Đức phải cân nhắc kỹ lưỡng để có những phương pháp tiếp cận riêng.

Sau những lần tiếp xúc với phạm nhân này của Đại tá Nguyễn Xuân Thường, Phó Giám thị phụ trách Phân trại số 1, Khanh đã dần dần có dấu hiệu chuyển biến trong thái độ, có nhận thức về việc lao động, cải tạo tốt sẽ mang lại sức khỏe, tinh thần phấn chấn và trên hết có cơ hội được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Đại tá Nguyễn Xuân Thường cho biết: "Khi Khanh được đưa tới Phân trại số 1, tôi thấy phạm nhân này có đeo băng tang trên ngực. Tìm hiểu thì phạm nhân cho biết mẹ anh ta vừa mới mất. Từ đó tôi quan tâm hỏi han, tác động, khơi gợi lên tình cảm, cuộc sống gia đình…

Ngày qua ngày Khanh có sự chuyển biến rất rõ rệt và chính bản thân anh ta cũng đã nói lên sự quyết tâm cải tạo của mình cho những phạm nhân khác nghe và làm theo…".

Và đến khi chính Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Trần Hữu Thông, Giám thị Trại giam Thủ Đức đích thân viết thư gửi về gia đình Khanh cùng chia sẻ những tâm tư và cách tiếp cận cảm hóa nhân cách trong con người của Khanh thì có thể nói phạm nhân này đã thực sự bị thu phục.

Và giờ đây trong thâm tâm của người phạm nhân có hơn nửa cuộc đời trong màu áo "sọc trắng đen" này luôn mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cải tạo cảnh quan trại nơi mình học tập và sinh sống thêm sinh động.

"Khi tôi nhận được tin gia đình thông báo mẹ tôi mất, tôi thực sự rất đau khổ, buồn bã trước sự mất mát to lớn đó. Nhưng sau đó bên cạnh nỗi đau thì tôi lại được bù đắp bằng sự quan tâm, động viên của Ban Giám thị trại, đặc biệt là Hội đồng cán bộ Phân trại số 1.

Nó đã thức tỉnh tôi và lúc này tôi khát khao mong muốn được sống thiện để không phụ công lao của bố mẹ đã sinh tôi ra trên cõi đời này.

Bên cạnh đó, tôi cũng muốn thể hiện tấm lòng không phụ công ơn kiên trì giáo dục của Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ Phân trại số 1", phạm nhân Khanh xúc động chia sẻ.

Một trường hợp đặc biệt khác là phạm nhân Phạm Ngọc My (42 tuổi, quê Cà Mau). My đang chấp hành bản án 28 năm 11 tháng vì tội "mua bán trái phép chất ma túy". Khi đi chấp hành án, My đã phải gửi hai con nhỏ cho bố mẹ già và họ hàng trông nuôi.

Mang bản án quá dài đã khiến My thực sự suy sụp không biết đến ngày nào mới được gặp lại các con. Điều này đã gây nên tâm lý chán nản, coi thường nội quy Trại giam, cố tình gây gổ với các phạm nhân cùng đội, đánh bạn tù đến mức bị tăng khung hình phạt thêm 6 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Trước bản tính hung hăng, chưa ổn định tâm lý của phạm nhân, My đã khiến Đại tá Nguyễn Xuân Thường phải họp Đội Quản giáo tìm phương pháp tiếp cận phù hợp để cảm hóa phạm nhân.

Sau đó, các nữ cán bộ quản giáo đã thường xuyên quan tâm, khơi gợi, chia sẻ những câu chuyện về tình mẫu tử, gia đình, nhất là về các con nhỏ của phạm nhân… Dần dần My đã hiểu chỉ có lao động cải tạo tốt mới là phương cách duy nhất để rút ngắn ngày đoàn tụ với các con, với gia đình.

Giờ đây người phụ nữ tưởng chừng như không còn gì để mất đó đang hàng ngày hăng say lao động, chấp hành tốt nội quy của trại để mong có một ngày được giảm án trở về với các con và gia đình.

Phạm nhân Phạm Ngọc My đang chấp hành bản án 28 năm 11 tháng vì tội "mua bán trái phép chất ma túy".

"Tôi nhận bản án quá dài và phải bỏ lại hai đứa con nhỏ để vào trại cải tạo đã khiến tôi suy sụp và vô cùng chán nản. Vì thế tôi đã gây ra nhiều lỗi lầm khác. Nhưng sau đó tôi vẫn được Ban Giám thị và các cán bộ quản giáo gần gũi, động viên, an ủi để tôi phấn chấn cải tạo tốt.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và thấy được chỉ có con đường cải tạo tốt mới sớm được về đoàn tụ với các con. Tôi hứa quyết tâm cố gắng chấp hành cải tạo thật tốt và sẽ không vi phạm kỷ luật nữa", phạm nhân My bộc bạch.

Đẩy mạnh công tác giáo dục, phù hợp với từng phạm nhân

Theo Đại tá Trần Hữu Thông, cải tạo, giáo dục phạm nhân có rất nhiều yếu tố, nhưng điều quan trọng là phải tôn trọng nhân cách của họ, phải làm sao để họ thấy mình là phạm nhân nhưng vẫn được đối xử tôn trọng, chia sẻ… Điều này sẽ giúp phạm nhân cởi mở hơn và tin tưởng vào cán bộ trại giam cũng như kết quả cải tạo sẽ càng tăng cao.

Mới đây, tại hội nghị Tổng kết công tác giáo dục phạm nhân 5 năm (giai đoạn 2012-2016) tổ chức tại Trại giam Thủ Đức ngày 25-7-2016, Đại tá Trần Hữu Thông cho biết, hiện Trại thường xuyên quản lý gần 8.000 phạm nhân, gồm nhiều loại tội trạng và mức án khác nhau, nhất là số phạm nhân phạm các tội về ma túy, cướp, cướp giật chiếm tỷ lệ ngày càng cao, tính chất tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tập trung ở số phạm nhân có nhiều tiền án tiền sự, phạm nhân án cao thường diễn biến tư tưởng phức tạp, manh động.

Nhiều phạm nhân trước khi đến trại đã bị nghiện ma túy, bị nhiễm các bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao như ghẻ lở, lao phổi, viêm gan, HIV/AIDS… Số có tiền án hiện chiếm trên 32% tổng số phạm nhân toàn trại…

Với những đặc điểm phạm nhân gồm nhiều dạng đối tượng phức tạp như vậy đòi hỏi công tác giáo dục, cải tạo không được cứng nhắc mà phải linh hoạt, biết đổi mới, dám làm, bởi nếu chỉ giáo dục, cải tạo một cách chung chung sẽ không có hiệu quả.

Vì thế, bên cạnh làm tốt các chế độ chính sách cho phạm nhân, đảm bảo các quyền của con người không bị pháp luật tước bỏ như chế độ ăn mặc ơ, nhận gửi thư, tiền quà, liên lạc điện thoại, thăm gặp….

Ngày hội Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của phạm nhân.

Trại giam Thủ Đức đã đẩy mạnh công tác giáo dục phạm nhân thông qua phương pháp phù hợp với từng loại đối tượng, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp giáo dục thu hút được phạm nhân chú ý lắng nghe và chủ động tiếp nhận kiến thức như giáo dục kết hợp thuyết trình bằng tranh ảnh, âm nhạc, xem phóng sự, các hoạt động bổ trợ với nhiều chủ đề tình bạn, tình yêu, gia đình, sức khỏe…

Trong 5 năm qua, điểm nổi bật trong công tác giáo dục phạm nhân của Trại giam Thủ Đức là đã phát động thành công các phong trào trong phạm nhân như cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương"; "Đọc và làm theo sách"; tổ chức hội thi "Văn hóa ứng xử trong phạm nhân", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Tìm hiểu tác hại của ma túy, cách phòng chống HIV/AIDS trong phạm nhân"; tổ chức hội nghị gia đình phạm nhân; vận động tham gia xây dựng "Quỹ Tấm lòng vàng"; Xây dựng nếp sống "Trật tự, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm" gắn với quan điểm chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm; động viên tinh thần, vật chất các phạm nhân ốm đau, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn; Tổ chức hội nghị gặp mặt gương điển hình tiêu biểu trong tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Đặc biệt, tổ chức triển khai cho phạm nhân viết thư "Gửi lời xin lỗi" tới người bị hại, thân nhân người bị hại, cơ quan, tổ chức và thân nhân gia đình của phạm nhân. Đây là hình thức giáo dục mới mang đậm tính nhân văn, là cơ hội nhằm giúp phạm nhân thông qua những lá thư nhận thức rõ hơn về những lỗi lầm mà mình đã gây ra cho người bị hại…

Đây cũng là cơ sở để nắm bắt, đánh giá thái độ cải tạo của phạm nhân trong quá trình chấp hành án tại trại, kết quả có trên 14.000 thư được gửi đi.

Bên cạnh lao động và cải tạo, dạy nghề thì việc tạo môi trường lành mạnh và nâng cao đời sống tinh thần cho phạm nhân cũng được trại quan tâm.

Trại thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ thể thao, nhất là vào các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2-9, để những ngày cải tạo không chỉ là những ngày chấp hành án tẻ nhạt.

Vừa qua, ngày hội Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong phạm nhân đã được trại tổ chức dưới sự tham gia nhiệt tình của phạm nhân các phân trại, có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc mang tính nghệ thuật cao…

Công tác chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng sau khi đã chấp hành xong án phạt tù cũng được Trại giam Thủ Đức thực hiện hiệu quả.

Vị Giám thị trăn trở: "Hiện nay điều chúng tôi quan tâm là rất cần sự phối kết hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là những đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến chính sách xã hội, đến việc quản lý, giáo dục phạm nhân để chuẩn bị tốt "đầu ra" cho phạm nhân…

Điểm mấu chốt là làm sao để họ có công việc ổn định cuộc sống, nhằm hạn chế tình trạng tái phạm tội và thực tế nhiều người từng chấp hành án tại trại giam này đã hoàn lương và thành đạt. Họ là những minh chứng cho thành công của công tác cải tạo, giáo dục phạm nhân của trại giam thời gian qua…".

Có thể nói, niềm vui của những cán bộ chiến sĩ Trại giam Thủ Đức là từng ngày thấy được sự thay đổi, hướng thiện của những con người từng một thời lầm lỗi. Nơi đây, biết bao con người từng một thời ngang dọc giang hồ, thậm chí khi vào trại vẫn tiếp tục nhiều lần vi phạm nội quy trại giam, nhưng với lòng nhân ái bao dung, tinh thần trách nhiệm sâu sắc, cán bộ chiến sĩ Trại giam Thủ Đức đã giúp họ quay về với nẻo thiện, sửa sai làm lại cuộc đời.

Phú Lữ

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文