Thủ tục lạc hậu

Kiểm tra trinh tiết của các cô gái trong tuyển dụng nữ cảnh sát ở Indonesia

16:00 13/01/2015
Để trở thành nữ cảnh sát ở Indonesia, ngoài những trình độ, vốn kiến thức, rồi ngoại hình thì những cô gái phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết. Mặc dù gặp phải rất nhiều sự phản đối cũng như chỉ trích của xã hội, nhưng cho đến thời điểm này, đất nước Indonesia vẫn chưa có quyết định từ bỏ thủ tục lạc hậu này. Liệu những cô gái còn trinh tiết thì sẽ làm việc tốt hơn hay không thì vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Ước mơ được làm nữ cảnh sát

Quyết định nộp đơn thi tuyển vào ngành cảnh sát với niềm đam mê và mơ ước từ nhỏ, nhưng cô Megawati đã gặp phải rất nhiều quy định nghiêm ngặt mà có nằm mơ cô cũng không nghĩ đến. Cha cô là một cảnh sát viên đã về hưu nhưng ông không muốn cô theo đuổi nghề cảnh sát. Với cha của Megawati thì công việc ở sở cảnh sát vô cùng phức tạp và vất vả nhất là đối với phụ nữ. Bỏ qua mọi lời khuyên cũng như sự ngăn cản của cha, Megawati vẫn quyết định đi theo con đường mà mình đã chọn. Trong suy nghĩ của Megawati thì nghề cảnh sát không hề đơn giản và dễ dàng nhưng cô rất muốn được đối mặt với những thử thách. Là một cô gái trẻ chưa tròn 20 tuổi nên Megawati luôn mong muốn đạt được những hoài bão cũng như mơ ước của mình, mặc dù biết trước những khó khăn mình mắc phải.

Theo quy định của sở cảnh sát quốc gia thì muốn trở thành một nữ cảnh sát phải có đầy đủ những yêu cầu nghiêm ngặt về ngoại hình, tuổi đời không quá 22 tuổi, phải theo một tôn giáo trong sáu tôn giáo quy định và chưa kết hôn. Megawati biết rất rõ những quy định đó và cô luôn tự tin về khả năng cũng như tiêu chuẩn của mình. Một cô gái có ngoại hình cân đối, chiều cao lý tưởng, bảng thành tích học tập đáng nể, thêm vào đó là niềm say mê, sự tâm huyết muốn được cống hiến công sức cho ngành cảnh sát quốc gia thì những quy định đó Megawati có thừa. Cô tự tin với lợi thế của mình và tự tin với con đường mà cô đã chọn nhưng cô không biết được rằng, ngoài những quy định khắt khe đó, cô còn phải trải qua vòng kiểm tra trinh tiết trước khi được chọn lựa vào ngành.

Đối với những hồ sơ được tuyển chọn thì các ứng viên được chọn phải tiếp tục trải qua vòng kiểm tra trinh tiết do chính các bác sỹ của Trung tâm y tế Rusdianto thực hiện. Megawati quá choáng váng và thất vọng bởi giữa thời đại này mà ngay tại đất nước của cô vẫn còn tồn tại những thủ tục lạc hậu đến như vậy. Megawati vẫn quyết định tuân thủ theo những quy định mà sở cảnh sát đưa ra. Trong suy nghĩ của cô đã nung nấu một ý định rằng, nếu như cô được đứng vào hàng ngũ cảnh sát thì việc đầu tiên cô phải làm đó là đứng lên đấu tranh để xóa đi thủ tục kiểm tra trinh tiết này.

Kiểm tra trinh tiết?

Megawati đã kể lại tất cả những gì cô đã phải trải qua trong kỳ kiểm tra trinh tiết để được trở thành nữ cảnh sát. Tất cả các ứng viên giống như cô đều không được thông báo trước về chuyện kiểm tra trinh tiết, mà họ chỉ được báo trước khi kiểm tra vài phút. Không chỉ riêng Megawati cảm thấy sốc, mà tất cả những ứng viên đều có cùng một cảm giác choáng váng và sợ hãi. Tất cả những ứng viên đều là những cô gái tuổi từ 17 đến 22 nên đã không thể không sốc khi phải trải qua màn kiểm tra trinh tiết. Các cô còn không thể tin được rằng để trở thành một nữ cảnh sát lại phải kiểm tra cả những vấn đề nhạy cảm đến như vậy. Megawati nói: “Tôi cảm thấy sốc và vô cùng sợ hãi nhưng tôi không còn cách nào khác bởi tôi không muốn từ bỏ ước mơ trở thành cảnh sát của mình”. Nhưng khi trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết thì các cô gái đều cảm thấy kinh khủng. Megawati mặc dù đã rất quyết tâm để có thể bước chân vào ngành cảnh sát nhưng cô vẫn cảm thấy kinh khủng và bị xúc phạm khi bước vào một căn phòng rộng không có cửa. Trong căn phòng có rất nhiều người và cô phải cởi bỏ toàn bộ quần áo cùng với một cô gái nữa để cho những người xa lạ kiểm tra. “Tôi không muốn nhớ về những trải nghiệm kinh khủng đó nữa. Tôi thấy mình không những không được tôn trọng, mà còn bị xúc phạm nặng nề. Vừa xấu hổ vừa sợ hãi, tôi thấy đây là việc làm quá thừa thãi và không cần thiết”, Megawati nói. Không riêng gì Megawati, mà tất cả những cô gái khác đều nói rằng việc kiểm tra trinh tiết thật đáng sợ: “Phải bước vào phòng kiểm tra trinh tiết thật đáng sợ. Tôi cảm thấy như sau khi bị kiểm tra, tôi không còn trinh tiết nữa. Bạn tôi thậm chí đã ngất lịm vì quá đau”. Mặc dù hiểu rõ mục đích của việc kiểm tra này nhưng theo cô, nó “không cần thiết” và “chả liên quan gì”. “Thật đau đớn và đáng xấu hổ”, một ứng viên nói.

Đã có rất nhiều nguồn tin phản đối việc kiểm tra trinh tiết của các ứng viên muốn trở thành nữ cảnh sát ở Indonesia, tại trụ sở của lực lượng cảnh sát quốc gia ở Jakarta, các cơ quan truyền thông đã có mặt để yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ mục đích của việc kiểm tra trinh tiết. Rất nhiều người phản đối bởi việc kiểm tra trinh tiết không có liên quan gì đến năng lực của một nữ cảnh sát, hơn nữa đây là việc làm gây tổn thương và xúc phạm nhân phẩm của các ứng viên muốn trở thành nữ cảnh sát. Đại diện của cơ quan xét duyệt hồ sơ của các ứng viên cùng với Giám đốc Trung tâm y tế Rusdianto nói: “Đó không chỉ là kiểm tra trinh tiết, mà còn là kiểm tra bộ phận sinh dục và đường tiết niệu để xem có bị bệnh hay lây nhiễm nào không. Việc kiểm tra này rất quan trọng đối với sức khỏe của một người phụ nữ”.

Ông Rusdianto cũng nhấn mạnh rằng, việc các cô gái còn trinh hay không cũng không ảnh hưởng tới kết quả tuyển dụng của họ. Nhận thấy những lời giải thích khá mâu thuẫn nên làn sóng của người phản đối càng dậy lên dữ dội. Nếu như việc các cô gái còn trinh tiết hay không không có liên quan gì đến việc tuyển dụng thì tại sao lại phải kiểm tra? Nhận được những câu hỏi khó có thể giải thích được, ông Rusdianto cố ý lảng tránh, ông chỉ trả lời mập mờ rằng: “Tất cả các kiểm tra được thực hiện đều nhằm mục đích tuyển dụng những ứng viên tốt nhất”. Chính những lời giải thích mập mờ đó mà mọi người có nghi ngờ trong việc tuyển dụng nữ cảnh sát có những mục đích mờ ám.

Tổ chức giám sát nhân quyền HRW đã yêu cầu lực lượng cảnh sát Jakarta phải loại bỏ thủ tục kiểm tra trinh tiết gây xúc phạm nhân phẩm nặng nề với các cô gái muốn trở thành cảnh sát của Indonesia.Trong báo cáo đưa ra hôm 17/11/2014,Tổ chức giám sát nhân quyền HRW đã lên án việc kiểm tra trinh tiết là thủ tục mang tính kỳ thị và xúc phạm nhân phẩm nặng nề. Theo USA Today, trên trang web chính thức của lực lượng cảnh sát Indonesia có ghi: “Cùng với các thủ tục kiểm tra bệnh tật và thể chất, những phụ nữ muốn trở thành nữ cảnh sát phải trải qua cuộc kiểm tra trinh tiết. Vì thế, mọi phụ nữ muốn làm cảnh sát nên giữ gìn trinh tiết của mình”. Theo Global Post, với một quốc gia phần đông dân chúng theo đạo Hồi, các cô gái còn trinh được xem là biểu tượng của sự thuần khiết và ngay từ năm 1965, thủ tục kiểm tra trinh tiết đã được áp dụng trong việc tuyển dụng nhân sự ngành cảnh sát.

Cho dù đấy là một việc làm theo đúng thủ tục nhưng liệu có cần thiết đối với xã hội thời nay. Các cô gái có mơ ước được trở thành nữ cảnh sát liệu có đủ can đảm để vượt qua kỳ thi tuyển, trong đó có cả việc kiểm tra trinh tiết. Riêng đối với Megawati, người đã vượt qua mọi đau đớn và tủi hổ để bước chân vào hàng ngũ cảnh sát thì cho rằng, cô sẽ kêu gọi mọi người có cùng quan điểm với mình đứng lên bảo vệ những cô gái muốn trở thành nữ cảnh sát, kêu gọi mọi người ủng hộ để đất nước Indonesia không còn duy trì những thủ tục quá lạc hậu như vậy.

Phương Mai

Những "ông sao khiếm thính" có thể khiến bạn nghĩ đến một khiếm khuyết của cơ thể nhưng thực tế, những "ông sao" của showbiz Việt có khi còn thính tai hơn bất kỳ ai. Nhưng, họ chủ động "khiếm thính" vì sự kiêu ngạo ngông cuồng của chính mình theo kiểu "mục hạ vô nhân". Chính vì thế, thay vì được quý mến như những ngôi sao, họ đã bị cộng đồng gọi là "ông sao" hoặc "sao sao".

Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.

Giữa thung lũng có một “tọa độ chết” được đánh dấu, nơi đó được gọi bằng những cái tên rất hãi hùng như “cái rốn da cam”, “vùng đất chết” khi mang trong đất sự hủy diệt của chiến tranh còn sót lại. Nhưng, nhiều nỗ lực đã giúp hồi sinh vùng đất này tươi xanh như từng có.

Kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm Ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức lễ kỷ niệm với chương trình nghệ thuật đặc biệt “Quảng Bình hành trình khát vọng - phát triển” diễn ra tối 2/6, cùng nhiều hoạt động khác.

Ngày 26/5, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (ĐH KTQD) đã tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh với sự tham gia của hàng ngàn thí sinh đến từ Hà Nội và nhiều tỉnh, thành. Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là gần 7.000. Trường mở 6 mã ngành/chương trình mới, là những ngành có nhu cầu nhân lực xã hội rất cao.

Theo Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Các đường dây vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam được phát hiện, bắt giữ gần đây tiếp tục cho thấy TP Hồ Chí Minh vẫn là địa bàn tiêu thụ, vừa là địa bàn mà tội phạm lợi dụng để trung chuyển, vận chuyển đi các nước, các địa phương…

Các cường quốc đang trong cuộc đua ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động tác chiến và viễn cảnh con người để máy móc ra các quyết định khai hỏa vũ khí có thể không còn xa.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文