Kỳ lạ bí đao khổng lồ ở bàu Chánh Trạch

17:44 04/04/2019
Người dân sống ở bàu Chánh Trạch (thuộc thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) nổi tiếng với truyền thống trồng những trái bí đao khổng lồ mà không vùng đất nào trồng được.


Đến kỳ thu hoạch, mỗi trái bí đao đạt trọng lượng từ 50 - 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg. Nhờ tiếng lành đồn xa mà sản vật này đã giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. Họ hy vọng có một ngày giống bí đao khổng lồ này sẽ xác lập kỷ lục.

Bàu Chánh Trạch ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển. Người dân nơi đây cho rằng, nguồn phù sa của bàu có từ núi Ô Phi. Phù sa từ trên núi Ô Phi chảy xuống, mang theo thổ nhưỡng đặc biệt bồi đắp hàng năm cho bàu. Tại vùng đất này, cả gạo nếp, gạo tẻ hay nhiều loại nông sản khác đều ngon hơn các vùng khác, đặc biệt là giống bí đao khổng lồ.

Theo ông Nhữ Xuân Nhân - Trưởng thôn Chánh Trạch 1, xưa kia bàu Chánh Trạch là con sông lớn, nhưng về sau bị bồi lấp. Ở khu vực này, khi đào giếng người dân vẫn thấy xác tàu mục hoặc vỏ sò. Bây giờ, bàu Chánh Trạch vẫn là vùng trũng thấp, mỗi mùa lũ, phù sa tiếp tục vun đắp thêm màu mỡ. Đặc biệt, người dân ở đây luôn tự hào về giống bí đao khổng lồ được trồng từ bàu. 

"Ông bà xưa truyền lại rằng, phải chọn trái to nhất, khi bí già thì lấy hạt phơi để giống cho mùa sau. Cứ thế, tính trạng tốt được chọn lọc từ đời này qua đời khác. Hiện tại, thôn Chánh Trạch 1 có hơn 50 hộ trồng bí đao", ông Nhân cho biết.

Bí đao "khổng lồ" ở bàu Chánh Trạch.

Bà Nguyễn Thị Én (62 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1) bảo, người dân địa phương không ai biết nghề trồng bí đao có từ khi nào, chỉ biết thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau. Gia đình bà ít nhất đã 4 đời trồng bí đao nên bà gọi là giống bí này là bí truyền thống, nghề này là nghề truyền thống. Năm nay, vườn bí đao với 100 gốc của gia đình bà nặng trĩu trái. Thời điểm này, trung bình mỗi trái bí đạt trọng lượng khoảng 20kg. Trái nào cũng xanh mướt, da mượt mà, đạt yêu cầu theo đúng tiến độ.

"Tôi trồng bí đao trọn cả đời làm nông của mình. Tôi tự hào về những trái bí khổng lồ mà mảnh đất này sinh ra. Mỗi trái bí đao đến kỳ thu hoạch đạt từ 50 - 60kg, thậm chí có trái đạt 80kg. Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thường thấy những vườn bí đao trong làng, trái nào trái nấy cũng to như thế rồi. 

Nguồn nước ngầm nơi này rất dồi dào, chỉ cần đào sâu xuống đất một mét là nước đã phun lên. Có lẽ nhờ đó mà bí đao hấp thụ được nhiều nước để phát triển, cho trái to, chứ chúng tôi không dùng bất kỳ loại thuốc kích thích tăng trưởng nào", bà Én cho biết.

Ông Trương Xuân Ngôn (70 tuổi, ở thôn Chánh Trạch 1) cho biết, vì trọng lượng mỗi trái bí lớn nên việc làm giàn rất công phu. Giàn chủ yếu được làm bằng tre, phi lao, bạch đàn với những trụ chắc chắn để nâng đỡ trái bí. Sau khi làm giàn, người trồng cần kỹ lưỡng với nhiều công đoạn từ gieo hạt cho đến khi thu hoạch. 

Đầu tiên, đào hố thật sâu rồi lấy phân xanh (lá cây) để dưới, lót lớp mỏng phân chuồng lên trên rồi lấp lại, ủ trong vòng 5 - 10 ngày. Sau đó gieo hạt, khi dây có 2 lá mầm và độ cao chừng 50cm thì mới đào xung quanh và đưa phân chuồng, xác bánh dầu (xác ép đậu phộng) xuống hố. Khi nách lá có rễ đâm xuống, chúng liền ăn phân đang nằm dưới đất nên tươi tốt rất nhanh. Lúc này, ngoài nguồn nước ngầm thì cần tưới thêm nước cho hợp lý.

Ông Ngôn bên trái bí đao do mình trồng.

"Bí đao thường được xuống giống từ giữa tháng 11 đến đầu tháng Chạp. Sau Tết Nguyên đán, dây bí bắt đầu ra hoa, kết trái. Thời điểm này, người trồng phải canh để lựa những trái đẹp mà giữ lại, mỗi dây bí chỉ giữ lại một trái. Khi bí bắt đầu được vài kg thì dùng dây để giữ bí không bị rớt khỏi giàn. Dây buộc bí thường là rơm quấn lại hoặc đoạn lưới chắc chắn dùng để đánh bắt trên biển. 

Đến cuối tháng 4 âm lịch, người trồng bắt đầu thu hoạch. Lúc thu hoạch phải có nhiều người để tránh cho bí khỏi bị rơi. Thường là một người cắt dây, 2 người giữ bí. Phải cẩn thận như vậy, bởi nếu rơi thì ruột bí sẽ bị động, không bảo quản được lâu. 

Cái hay là giống bí đao này có thể để cả năm mà không bị hư hỏng. Vì vậy bà con luôn giữ trong nhà một lượng bí để bán cho các cơ sở hoặc hộ gia đình sản xuất mứt bí trong dịp Tết Nguyên đán năm sau. Năm trước, giá bí đao dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Năm nay, chúng tôi hy vọng giá sẽ cao hơn năm trước", ông Ngôn cho biết.

Điều kỳ lạ, giống bí đao này chỉ khi trồng trên đất bàu Chánh Trạch thì mới cho ra trái to, có thể đạt trọng lượng lên đến 80kg. Khi đưa hạt giống đến ươm trồng ở nơi khác thì trái nhỏ chứ không to. 

"Nhiều người dân vùng khác đến xin hạt giống, chúng tôi mang đúng loại giống đang trồng ra cho. Tuy nhiên, họ đem về gieo trồng thì cho trái rất nhỏ, giống bí đao bình thường. Một số người sau đó quay lại nói vui rằng, bí đao ở bàu Chánh Trạch là "độc nhất vô nhị", lập kỷ lục Guinness. Có lẽ, trên thế giới chẳng nơi nào trồng được", ông Ngôn cười vui.

Ngoài thu hoạch trái, người dân còn thu hoạch nước hứng từ dây bí đao. Mỗi dây có thể lấy lên đến vài lít nước, giá mỗi lít dao động từ 70.000 - 100.000 đồng. Nước bí sẽ được đem cất vào can nhựa để trên 2 ngày cho nước lóng lại là có thể uống. Nước từ thân bí dùng để thanh nhiệt, mát gan, trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào và có thể để từ năm này qua năm khác mà không bị hỏng.

"Sau khi thu hoạch trái, cắt dây bí đao cách mặt đất khoảng 1m rồi dùng chai, lọ hứng lấy nước. Trong vòng 1 - 3 ngày, nước từ thân dây có màu trắng đục sẽ tự chảy vào chai. Mỗi dây có thể cho từ 1 - 2 lít nước, tùy theo mức độ xanh tốt của dây. Nhà nào trồng bí cũng làm như thế, bởi vừa bán được giá cao, vừa giữ lại một ít để dành cho con cháu uống mỗi khi có bệnh. 

Sở dĩ bí đao ở đây cho nhiều nước là vì đặc dây, chứ ở nơi khác thì không có được vì dây bí thường rỗng ruột. Điều đặc biệt, nước hứng từ các dây bí để càng lâu thì càng trong và thơm. Nếu chỉ cần có một giọt nước lã hoặc một loại nước nào đó mà dính vào nước bí đao thì nó sẽ hư và bốc mùi ngay", bà Én cho biết.

Sau khi thu hoạch trái, người dân sẽ thu hoạch nước hứng từ dây bí đao.

Theo ông Nhân, tuy là loại đặc sản "độc nhất vô nhị", nhưng người dân hoàn toàn tự trồng, tự bán. Những năm trước đây, giá bán rất thấp, có lúc chỉ đạt 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính quyền huyện, xã đã liên tục tuyên truyền giới thiệu hình ảnh bí đao khổng lồ tại các lễ hội văn hoá miền biển trong tỉnh Bình Định, các lễ hội rau - củ - quả miền Nam... nên khi đến mùa thu hoạch, nhiều thương lái từ các tỉnh, thành phía Nam đã tìm đến thu mua. Do đó, người dân rất phấn khởi và ngày càng mở rộng diện tích gieo trồng.

"Năm trước, một công ty thực thẩm ở TP Hồ Chí Minh tìm về đây mua mấy chục tấn bí đao khổng lồ. Tôi nghe nói là họ mua rồi đưa ra thị trường nước ngoài tiêu thụ. Năm nay, đến thời điểm này, bí đao mới đạt trọng lượng từ 15 - 25kg, nhưng đã có một số thương lái đến đặt hàng. Chờ đến mùa thu hoạch, họ sẽ đưa xe tới thu mua. Nếu những quả bí đao khổng lồ ở bàu Chánh Trạch được tiêu thụ cả thị trường trong và ngoài nước thì chắc chắn người dân sẽ phát triển mạnh mẽ việc trồng loại đặc sản này", ông Nhân cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuyên - Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, tuy nằm sát biển nhưng phần lớn người dân sống ở bàu Chánh Trạch làm nghề nông. Từ bao đời nay, vùng đất này có một sản vật bí đao đặc trưng. 

Bí đao khổng lồ chỉ vùng này mới có, đó là nhờ nguồn đất có mạch nước ngầm đặc biệt, giúp gốc bí luôn có độ ẩm tự nhiên để trái bí to kỳ lạ. Sản vật bí đao Chánh Trạch khá nổi tiếng vì thời gian qua nhiều nơi đã chọn trưng bày ở các dịp lễ hội phục vụ khách tham quan.

"Thời gian qua, chính quyền cấp trên thường xuyên hỗ trợ để chính quyền xã liên tục quảng bá sản phẩm bí đao khổng lồ ở bàu Chánh Trạch, tìm đầu ra và vị thế vững chắc cho sản phẩm. Trên cơ sở lợi thế đã đạt được, sắp tới chính quyền địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích. 

Hy vọng trong tương lai, đây sẽ là một sản phẩm đặc biệt của Mỹ Thọ và là nguồn thu nhập ổn định, lâu dài cho người dân. Người dân sống ở bàu Chánh Trạch mong muốn có một ngày giống bí đao khổng lồ này sẽ xác lập kỷ lục", ông Tuyên cho biết.

3 năm trở lại đây, khi sản phẩm bí đao khổng lồ ở Chánh Trạch 1 dần nổi tiếng trên truyền thông, một công ty du lịch đã liên kết với các hộ dân trồng bí đao để triển khai tour du lịch cộng đồng đến đây. Khi đến mùa thu hoạch, họ đã đưa khách du lịch đến đây tham quan, chụp ảnh với những trái bí nặng bằng người lớn. 

Ngoài ra, du khách đến đây còn được thưởng thức các món làm từ bí đao như: canh bí đao hầm xương, trà bí đao sao trên than hồng… Đặc biệt là được uống nước bí đao nguyên chất. Nhiều du khách cũng không quên mua bí đao khổng lồ mang về để cả nhà dùng và biếu cho người thân.

Phan Nhuận Phin

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文