Làng lư đồng trăm tuổi ở Sài Gòn tất bật vào mùa Tết

09:46 24/01/2017
Làng nghề đúc đồng truyền thống duy nhất còn sót lại ở Sài Gòn trên đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, chỉ còn 5 cơ sở nằm còn hoạt động đang chạy hết công suất cho nhu cầu mùa Tết. Mỗi độ xuân về, thương lái từ khắp các khu vực Ðông Nam Bộ cho đến miền Tây tấp nập mang sản phẩm từ làng nghề An Hội toả ra khắp cả nước, có khi sang đến nước bạn.


Trăm năm một nghề kỳ công

Vào thời hưng thịnh nhất của nghề đúc đồng cách đây trên dưới nửa thế kỷ, làng nghề An Hội nhộn nhịp với hơn 50 gia đình làm nghề, nằm rải rác ở khu vực ngoại ô Sài Gòn, giáp với Hóc Môn. Người người làm lư, nhà nhà làm lư, sản phẩm đi ra từ làng An Hội luôn là một tác phẩm hoàn thiện về thẩm mỹ và độ bền tương xứng. Tiếng tăm của thương hiệu lư đồng An Hội vượt quá đất Sài Gòn. Thời gian dần mai một, số hộ bám nghề chỉ còn đếm trên đầu ngón tay nhưng tinh thần truyền từ thời cha chú vẫn còn được gìn giữ cẩn thận trong đường nét tỉ mỉ của từng bộ lư đồng.

Nằm trên trục đường Nguyễn Duy Cung, phường 12, quận Gò Vấp, làng lư đồng An Hội với 5 cơ sở đã truyền được đến đời thứ tư và vẫn duy trì cung cấp cho nhu cầu sản phẩm thờ cúng quanh năm. Ông Trần Văn Thắng, tức nghệ nhân Hai Thắng (69 tuổi), chủ của cơ sở cùng tên được xem là người kế thừa bậc thầy, am hiểu về nghề ở giai đoạn huy hoàng nhất hiện vẫn đang miệt mài giữ nghề và chỉ dạy lại cho con cháu.

Trong ký ức của ông Hai Thắng, nghề đúc đồng ở những năm đầu tiên của thế kỷ trước vẫn còn là nghề của những người thợ ở khu Phú Lâm hay Chợ Quán. Bác ruột của ông: nghệ nhân Trần Văn Kỉnh là người đầu tiên ra Chợ Quán học nghề để về mở cơ ngơi, truyền lại cho con cháu. Ông Trần Văn Kỉnh không con, thấy cháu trai 16 tuổi xem mình làm với sự say mê đặc biệt, bèn chỉ dạy lại. Cậu học trò Trần Văn Thắng vừa đi học văn hoá vừa theo bác học nghề để rồi hai năm sau, ông ra mở cơ sở riêng để làm đến ngày nay. 

Nghệ nhân Hai Thắng.

Hơn 45 năm trong nghề, nói về sự am hiểu những kỹ thuật làm lư đồng và sự chắc tay, ông Hai Thắng là người kỳ cựu nhất. Khi người đặt hàng nói sơ qua về kiểu dáng, mẫu mã là ông hiểu ý ngay, bắt tay tự cân đo đong đếm từng hoa văn mà không cần bản vẽ hay vật mẫu.

Ngoài cơ sở Hai Thắng, ở làng nghề còn có các cơ sở: Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển là những người duy trì việc nghề đúc đồng. Thường xắn tay vào làm cùng các nhân công trong xưởng, với ông Hai Thắng, vừa là cách đảm bảo sự hoàn thiện cho các khâu sản xuất, vừa là cách ông chỉ dạy lại cho con cháu, thợ học việc. Nghề làm lư đồng kỳ công không chỉ bởi các công đoạn đều làm hoàn toàn thủ công mà còn đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ và kiên trì chăm chút cho từng chi tiết nhỏ.

Mỗi cơ sở làm lư ở làng An Hội có trung bình 20 thợ làm nghề. Hầu hết thợ giỏi làm cho từng cơ sở đều có thâm niên từ 10 năm đến hơn 20 năm trong nghề, những người đã gắn liền đời mưu sinh của mình với phận chìm nổi của làng nghề. Mỗi người thợ, tuỳ vào kinh nghiệm và sở trường mà đảm nhận một khâu chuyên biệt. Nếu như bước tạo khuôn đầu tiên cho một chiếc lư cần bàn tay nhỏ nhắn, cẩn thận của người phụ nữ thì ở khâu đúc đồng, sức mạnh đôi tay và kỹ thuật của người đàn ông là cần thiết để giữ độ đồng đều của sản phẩm.

Đất được chọn cũng được sàng lọc cẩn thận khi phải là loại cát không lẫn tạp chất từ Đồng Nai, Bình Dương. Đất sét được tán nhuyễn, trộn với tro trấu giã nhỏ tạo thành lớp đất phủ bên ngoài một khuôn đúc thạch cao có sẵn. Lớp áo thứ hai được tạo thành từ đất sét tốt làm dày thêm độ chắc của chiếc lư. Bàn tay người thợ càng phết đều lớp đất sét để định hình sản phẩm thì chiếc lư càng rắn chắc.

Khi đất sét trong khuôn khô, người thợ sẽ tách ra để chuyển qua công đoạn đắp khuôn sáp. Sáp ong được dùng để trộn chung với sáp nến, tạo thành một lớp bản dày, màu nâu cánh gián đắp lên khuôn đất. Kỹ thuật định hình cho bộ lư đồng được làm dày thêm bởi bàn tay người thợ. Khuôn sáp này quyết định hình dáng và hình thù bên ngoài cho một bộ lư khi người thợ vẽ khung sáp này thế nào, khi đổ đồng vào sẽ ra thế ấy. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải cực kỳ khéo tay và am hiểu những hình thù cần có trên một chiếc lư sao cho chuẩn mực. Thông thường, người thợ sẽ tạo hình hoa lá, rồng phụng, mai lan cúc trúc cho lư.

Khuôn sáp khi làm xong sẽ được đắp thêm hai lớp đất nữa để đưa vào lò nung. Công đoạn nung đồng, đổ đồng là khâu phức tạp nhất, đòi hỏi hoàn thiện bởi bàn tay người thợ chuyên nghiệp. Khi những gia đình xung quanh yên giấc thì cũng là thời gian các lò đúc đỏ lửa. Mẻ khuôn đất định hình xong thường được đưa vào lò nung từ nửa đêm cho đến sáng ngày hôm sau, khi thời tiết bên ngoài dịu nhẹ, giảm bớt sức nóng toả ra từ các lò nung nóng hầm hập.

Ông Năm Thắng tường tận, trước khi nấu đồng, phải lựa chọn kỹ loại đồng từ các loại tạp liệu rồi pha theo kinh nghiệm để sản phẩm cho ra không bị phai màu, móp méo theo thời gian. Đó là cách mà con mắt làm nghề cho người thợ biết chứ không có sách vở nào dạy. Nguyên liệu đồng nóng chảy phải được lựa chọn sao cho không lẫn tạp chất và nấu cho đồng nóng đến độ nhất định để đổ vào khuôn. Ngoài mẫu mã, loại lư, thì màu đồng và chất liệu cũng là các yếu tố quan trọng quyết định giá trị của bộ lư. Sau khi đồng nguội, khuôn được đập bỏ để mang thành phẩm đi đến các khâu làm nguội như mài dũa, chạm khắc hoa văn rồi đánh bóng.

Những nét khắc trên bộ lư quyết định độ tinh xảo của sản phẩm, vì vậy, khâu chạm trổ đòi hỏi sự chính xác đến từng ly, khiếu thẩm mỹ và sự sáng tạo cao từ những người thợ. Chỉ mất khoảng 30 phút đến một giờ đồng hồ để người thợ hoàn thành việc chạm khắc cho bộ lư.

Sản phẩm tinh thần không thể thiếu ngày Tết

Khi một bộ lư đồng hoàn chỉnh đặt lên bàn thờ tổ tiên là cả một tác phẩm tâm linh mà người làm đã đặt hết tâm huyết lửa nghề vào đó. Dấu nghề in sâu qua hàng nghìn đường nét chi ly khắc bằng tay dày đặc trên bộ lư. Lư đồng làng nghề thông thường có hai loại: loại có hình dáng tròn hoặc bầu dẹt theo kiểu Bắc hay hình vuông kiểu miền Nam. Bên cạnh đó là các loại tượng đồng, bát nhang, bình hoa, chân đế, khay rượu, tượng thờ, tượng phong thuỷ, đài cắm cũng được sản xuất phục vụ nhu cầu đại trà.

Tuỳ vào hình dáng, kích cỡ cũng như độ tinh xảo của hoa văn mà giá bộ lư cũng dao động từ vài triệu đến hơn chục triệu. Những loại lư nhỏ hàng chợ có giá từ 2-5 triệu đồng/ bộ, hàng đặt giá từ hơn 5 triệu đến 15-20 triệu/ bộ. Người am hiểu, trân trọng giá trị của các sản phẩm thờ cúng hay các địa điểm tôn giáo, thờ tự là nhóm khách hàng chuộng sản phẩm lư đồng An Hội nhất bởi hình dáng đặc trưng, có hồn phách và chất liệu không bị bào mòn theo thời gian.

Với người làm lư, mùa Tết là thời gian nhộn nhịp nhất khi khách mua tăng, nhu cầu lớn đến từ các điểm bán lẻ, thương lái các chợ khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Nam. Ban ngày, các cơ sở luôn rền vang tiếng đục, tiếng gõ mà đứng bên ngoài cửa đã nghe thấy. Đêm xuống, các lò nung đỏ lửa, tiếng người, tiếng chân hì hục không ngừng. Bên cạnh đó, nguồn nhân công địa phương cũng có việc làm để kiếm thu nhập trang trải cho ngày đầu năm. 

Một cơ sở làm lư đồng truyền thống.

Ông Hai Thắng ngậm ngùi, nghề làm lư đồng thủ công đang chịu cạnh tranh lớn từ sản xuất lư công nghiệp khiến thị trường thu hẹp. Nếu như vào thời hoàng kim, dịp Tết là lúc chứng kiến người mua ra vào như trẩy hội, sản phẩm xuất đi đều đặn ở các nước Lào, Campuchia thì ngày nay thưa dần.

Bà Phạm Thị Liên, chủ cơ sở Ba Cồ ở làng lư đồng hồi tưởng: “Khi tôi mới về làm dâu làng An Hội thì đã thấy cả một làng ai cũng đều làm lư, bám riết lấy cái nghề này mà sống, từ người lớn đến trẻ con. Thế nhưng, 25 năm theo chồng duy trì cơ sở gia đình cũng là thời gian tôi chứng kiến sự mai một bởi nhiều biến động thời cuộc”. Theo bà, giá đồng trên thị trường lên xuống thất thường, làm thủ công hiệu quả kinh tế không thực sự cao nên bà chủ yếu duy trì cơ sở cốt để giữ lửa cho gia đình và các con, khi chồng bà sức khoẻ kém không thể quán xuyến hết.

Nếu như ngày thường, trung bình một tháng mỗi lò sản xuất từ 100-120 bộ lư và các sản phẩm thờ cúng khác, với quy mô gần 10 công nhân, ngày Tết, số nhân công và thời gian hoạt động tăng gấp đôi. Hai tháng cuối năm, làng phải chạy hết công suất để đáp ứng trung bình gần 500 bộ lư cho thị trường. Để có một bộ lư thành phẩm, người làm phải mất đến ba ngày. Những ngày giáp Tết, ngoài số lượng lư sản xuất mới thì nhu cầu đánh bóng lư, đúc lư theo đặt hàng của khách cũng tăng cao nên các cơ sở cũng tăng cường thời gian để duy trì song song dịch vụ này.

Nói về sự kế thừa giữa nhịp phát triển không ngừng của công nghệ, ông Hai Thắng kỳ vọng một trong số các con trai sẽ nối nghiệp cha, dù các con phần lớn ra ngoài phát triển sự nghiệp riêng, người làm kỹ sư, người làm dịch vụ vận chuyển. Thợ giỏi để sản xuất ngành này hiện nay không còn nhiều cũng như đòi hỏi mặt bằng sản xuất lớn. Người phụ nữ duy nhất làm chủ cơ sở ở làng An Hội, bà Phạm Thị Liên, người coi nghề của chồng như tâm huyết đời mình không mong gì hơn lò đúc gia đình luôn đỏ lửa.

Huỳnh Duyên

Chiều 10/1, Trung tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác Công an năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Công an TP Cần Thơ. Về phía địa phương có đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ. Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ chủ trì hội nghị. 

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, Chủ tịch HĐTV Công ty Vận tải thủy bộ Hải Hà (Hải Hà Petro) Trần Tuyết Mai đã sử dụng sai Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) gây thiệt hại hơn 317 tỷ đồng. Ngoài ra, bị can Mai còn dùng hai hệ thống sổ sách kế toán để không đóng hàng chục tỷ đồng thuế bảo vệ môi trường.

Theo điều tra, Công ty CP đầu tư xây dựng Hùng Phát Group (có địa chỉ tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), nay đổi tên thành Công ty CP tập đoàn đầu tư Hùng Phát Group (địa chỉ số 6 phố Hoàng Sâm, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) do Lê Phú Long (SN 1989, quê quán tỉnh Thanh Hóa, trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là đại diện pháp luật.

Ngày 10/1, đại diện VKSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tiến hành luận tội và đề nghị mức hình phạt đối với 144 bị cáo có đơn kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam) ĐKVN), 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Ngày 10/1, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên án đối với bị cáo Phạm Thị Tuyết Nhung (Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Thương mại Dịch vụ Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 7 đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngày 10/1, lãnh đạo UBND TP Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) xác nhận thông tin, trên địa bàn vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng khiến 1 người từ vong và 4 người khác phải nhập viện cấp cứu.

Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước. Cùng với cấp uỷ chính quyền các cấp và các ban ngành đoàn thể trên địa bàn, Công an tỉnh Điện Biên là một trong những đơn vị phát huy cao độ tính tiền phong, gương mẫu trong việc kết nối, tổ chức triển khai hỗ trợ cũng như trực tiếp thực hiện Đề án. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.