Lên non thăm xã Anh hùng

08:00 13/09/2015
Lộc An, vùng đất nằm ven lộ 20, là tên một xã Anh hùng trong kháng chiến thuộc huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ở Tây Nguyên rất hiếm những xã nằm dọc quốc lộ được phong danh hiệu cao quý trên, thường là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Tại đây đã một thời, hai anh em Kinh - Thượng chung lưng đấu cật chiến đấu chống kẻ thù chung, và bây giờ hai anh em tiếp tục xây dựng quê hương trở nên an bình - giàu có như tên gọi của mình.

Quốc lộ 20 nối liền Sài Gòn - Đà Lạt được hoàn thành ngày 31 tháng 5 năm 1927, nhưng đến vài năm sau đoạn qua An Lạc (tên cũ của Lộc An) mới xuất hiện gần 10 nông trại trà và một đồn bốt của Pháp để bảo vệ an ninh cho các ông chủ và nhóm tư bản thân hữu thuộc địa thời ấy.

Theo tư liệu cũ, sau khi con đường 20 hoàn thành, người Kinh có mặt tại Nam Tây Nguyên ngày càng đông dọc theo quốc lộ. Lúc đầu là những tù nhân bị thực dân Pháp bắt đi phu làm culi lục lộ, những người phục vụ các đoàn thám hiểm. Sau đó đến các người dân ở miền xuôi lên buôn bán, trao đổi hàng hóa. Vào thời gian ấy bệnh tật triền miên, con người tồn tại với nền văn minh hái lượm.

Theo thời giá ngày 8 tháng 1 năm 1941 tại Djiring (Di Linh) thủ phủ của tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut Donnai): Gạo trắng 6 xu một ký, thùng dầu lửa (20 lít) là 2 đồng. Ðường, muối, cá khô mỗi ký 1 đồng, mỗi bao thuốc lá Bastos giá 4 xu, gà mái thật to mỗi con 1 đồng. Thịt heo mỗi ký là 3 cắc mà muốn mua phải dặn lò mổ trước, thịt bò phải lên tận Ðà Lạt. Trái lại thịt rừng, nhất là thịt nai nhiều vô kể, mỗi ký giá 5 xu, lúc nào cũng có, nhưng ít người dám ăn vì sợ kiết lỵ. Còn giá nhân công thì 2 cắc (hào) một ngày, người có tay nghề thì 3 cắc rưỡi phải mang cơm theo ăn.

Đại diện cho các chủ đồn điền ngoại quốc ở Lộc An thời bấy giờ là ông Lút Xe (Leussert), một sĩ quan tình báo Pháp làm chủ sở trà Bastos. Ông Leussert có vợ Việt và Kờ Ho nên thông thạo tiếng Kinh và thổ ngữ. Chính vì thế, ngoài việc thông hiểu phong tục tập quán của dân bản địa, ông còn dùng các mối quan hệ và tiền bạc thu thập tin tức tình báo để đàn áp sự nổi dậy của người địa phương trong trứng nước. Vì vậy, sau Cách mạng Tháng Tám, quân đội Pháp quay lại Nam Tây Nguyên, chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã tuyển mộ được hơn 60 tay súng bổ sung vào đồn Leussert để bảo vệ an ninh các trang trại tại vùng đất An Lạc.

Tuy nhiên, từ sự hà khắc của các ông chủ ngoại quốc cũng như nhóm người Việt thân hữu chiếm đất phát triển trang trại đẩy người dân vào bước đường cùng nên một số bà con người Kinh và 5 buôn dân tộc Kờ Ho là BĐơr, BKọ, Kon Tờng, KRọt, Kòn Yồng ngả về Cách mạng. Một số thoát ly vào núi Slùng-BNơm- BKẻ… chiến đấu, tiêu biểu như bà Ka Hai, Ka Hẻo, ông KKếu, KSùng, KTòng, KGhèn… còn bà con trong buôn tiếp tế nuôi giấu cán bộ đến năm 1954 và tiếp tục đến năm 1975.

Ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã 2 nhiệm kỳ

Ngày 19/9/2014, tôi được ông Phó Chủ tịch huyện Bảo Lâm Nguyễn Trung Kiên (nay là Chủ tịch) cấp cho một giấy giới thiệu về xã Anh hùng Lộc An để viết cho Tuyển tập Bảo Lâm. Ngày ấy gặp Bí thư kiêm Chủ tịch xã - anh Võ Hữu Hỷ, được anh dẫn đi thăm đất thăm người.

Bí thư Võ Hữu Hỷ.

Lần này trở lại, may mắn gặp lại anh Hỷ. Hai anh em lại lên đường như những người đồng nghiệp. Anh Võ Hữu Hỷ, sinh năm 1966 tại Quảng Ngãi nhưng sống tại Lộc An 40 năm. Anh có vóc người to khỏe da ngăm như một võ sĩ, luôn lao vào công việc bằng trí tuệ cộng với nhiệt tình. Ở Lộc An nơi nào anh đến cũng được mọi người chào đón thân tình, đã nhiều lần đứng sau lưng anh, tôi cũng được “ăn theo” sự vồn vã ấy.

Nhân vật đầu tiên được anh dẫn đến là ông Đỗ Hạt (Chín Hạt), sinh năm 1945, người Chủ tịch xã đầu tiên Lộc An sau ngày đất nước thống nhất. Bây giờ ông Chín đã già, sau cơn tai biến lúc nhớ lúc quên. Nhà ông ở mặt tiền bán nước mía kiêm rửa xe, khi chúng tôi đến, ông kéo cái bàn nhựa nhỏ xíu bảo con gái làm cho mấy ly nước mía. 

Bằng giọng Bình Định xa xứ, ông chậm rãi tiếng được tiếng mất: “Lộc An mình là xã anh hùng, lại nằm ở ven quốc lộ. Mấy chục năm nay nhờ chuyển đổi cây trồng nên bà con ai cũng khấm khá xuất hiện nhiều người giàu có tôi rất mừng. Đảng ủy, Ủy ban cố gắng phấn đấu lên thị trấn mới đúng tầm cỡ hiện nay. Riêng con em bà con dân tộc ở hai buôn BĐơr -BKọ, các anh cố gắng động viên cho đi học cao thêm, bà con vùng này trước kia là cơ sở nuôi giấu cán bộ”. Không thấy Bí thư Hỷ nói gì, chỉ thấy anh ngồi dạ dạ như đứa học trò đến thăm thầy giáo cũ.

Qua lời giới thiệu của ông Chín Hạt, tôi tìm đến nhà ông Mười Phúc ở Lộc An, một cán bộ quân đội thời chiến, do tính tình nóng nảy nên có biệt danh là Phúc Lửa. Ông Phúc sinh năm 1949, là em ruột ông Hạt. Nghe nói ông này cá tính, dám tranh luận tay đôi với lãnh đạo Khu ủy về chiến thuật quân sự nhằm tránh tiêu hao lực lượng. Ông Phúc từng là giao liên cho K2 (mật danh Khu VI cũ). Ông rành vùng Nam Tây Nguyên như lòng bàn tay, chỉ cần vài ký gạo ông có thể đi một tháng trong rừng. Ông cũng là người người đầu tiên cắm cờ Giải phóng lên tòa hành chánh tỉnh Lâm Đồng vào ngày 28/3/1975.

12 giờ trưa tôi mò đến nhà ông, tự giới thiệu là nhà văn quân đội chuyên viết ký sự “Lửa và Hoa”. Trước mắt xin treo võng ngoài vườn ngủ một giấc nhưng ông phất tay: “Mẹ! thời bình rồi mà chú mày làm như thời chiến! Ăn gì chưa! Nhà tao còn cơm, làm chén đỡ lòng rồi tính sau”. Ông mang cho tôi chiếc ghế bố và cái gối đặt trước hiên nhà, vừa nói vừa cười: “Ngủ một giấc đi! Nhà văn quân đội gì mà trông như thằng ăn mày”. Tôi cười khặc khặc vỗ tay đôm đốp trước khi ngủ lấy sức.

Ông Phúc hành nghề sửa xe đạp ven đường, khi tôi ngủ vẫn nghe tiếng ông rút căm reng réc. Ông đúng là Phúc Lửa, lúc tôi có mặt tại hiệu sửa xe, đã thấy ông đuổi thẳng cẳng 2 thiếu niên dắt xe vào với thái độ xấc láo vì tội thừa tiền thiếu chữ. Đến khi vắng người, ông mang bình trà ra ngồi với tôi, chép miệng: “Bây giờ mấy thằng con nít có chút tiền trong túi, chúng xem người lớn như ôsin của gia đình nó. Mấy thằng lính của tao ngày xưa, nhiều thằng giàu cũng có đứa biết anh biết em, thỉnh thoảng đi xe con ghé thăm biếu tao bao trà, bịch trái cây cũng đỡ tủi thân. Lộc An tức An Lạc xưa là xã anh hùng nay sắp lên thị trấn cũng mừng. Nhớ lại ngày xưa gian khổ quá, kể lại cả ngày chưa hết”.

Buổi chiều tôi và Bí thư Hỷ hẹn gặp lại nhau tại BĐơr để thăm các già làng và buôn làng nông thôn mới của bà con gốc Tây Nguyên. Trên đường đi, ông Bí thư tâm sự: “Lộc An là một trong 11 xã được tỉnh chọn làm “điểm” xây dựng nông thôn mới (NTM) theo lộ trình từ năm 2010 đến năm 2015. Mới tổ chức lễ đón nhận bằng vào tháng 2 năm nay. Anh biết! Đối với nông thôn Tây Nguyên, được công nhận xã chuẩn NTM coi như văn bản chứng nhận về đời sống vật chất, tinh thần của một địa phương. Vì trong 19 tiêu chí phải đạt từ: Giao thông, thủy lợi, điện nước, trường học, chợ búa, bưu điện, nhà ở, lao động, y tế ,văn hóa, môi trường, an ninh trật tự… cả một hằng số phía trước.

Mỗi lần gặp lãnh đạo huyện tỉnh là mỗi lần các ổng vỗ vai: “Thế hệ trước đã làm nên một Lộc An anh hùng trong kháng chiến mà thế hệ sau không xây dựng được NTM là có lỗi với tiền nhân”. Nghe xong về nhà lo đến nỗi ngủ không được. Ở nông thôn xứ mình, bà con ra cửa gặp nhau. Nhất là người lãnh đạo, khi mình làm đúng ra đường được bà con bắt tay vỗ vai, vào hội trường vỗ tay rần rật. Còn khi làm trật bị dân chửi rát mặt cũng khổ tâm lắm anh ạ!”, anh Võ Hữu Hỷ chép miệng như phân trần công việc của mình.

Già làng KSéo, vị Chủ tịch 2 thời kỳ

Đường vào các buôn làng của xã anh hùng bây giờ đã tráng nhựa. Tuy nhiên những con đường ngoằn ngoèo như rắn bò, chuyện thiết kế đường thẳng ở buôn làng gần như là không thể. Vì tâm lý, bà con không thích miếng đất của mình bị chia cắt khi có con đường đi qua. Chính vì thế rất khó tìm con đường nông thôn nào ở Tây Nguyên thẳng tắp như ô bàn cờ, trừ những nơi có quy hoạch trước khi dân đến.

Vợ chồng già làng K'Séo.

Buôn BĐơr được tái lập sau ngày giải phóng, nhưng mãi năm 1990 vẫn còn nghèo, vì chỉ trồng bắp lúa từ rẫy và kiếm ăn từ rừng. Thời đổi mới, Nhà nước vận động chuyển đổi trồng cà phê, chè, cũng từ đó bà con vẫy tay chào tạm biệt một thời đói khổ, những đôi vợ chồng trẻ đã gắn nụ hôn từ biệt trên dãy nhà dài ong ong mùi khói. Chúng tôi chạy xe trên con đường thôn hoa đỏ hoa vàng nhà xây thẳng tấp. Tại trung tâm buôn có sân bóng, có trạm y tế, trường học, gần như nhà nào cũng có TV chảo, thu sóng từ vệ tinh. Ông KHành một già làng trí thức ở BĐơr nói với tôi: “Nếu Nhà nước mình không chuyển đổi cây trồng chắc bà con ở đây còn đói khổ dài dà..”  

Bí thư Hỷ dẫn tôi đến thăm ông KSéo. Ông già này được bà con Kờ Ho và chính quyền gọi là già làng uy tín. Ở Tây Nguyên, chức danh già làng uy tín tự nó minh chứng là người có tuổi, có học thức giải quyết vấn đề có lý có tình mà người gốc bản địa gọi là “Thông cái tai, mát cái bụng”. Muốn được tên gọi này không phải tự mình phong chức mà phải được bà con tin tưởng. Đặc biệt là các con, những sản phẩm do mình tạo ra phải gương mẫu cho thế hệ trẻ. 

Ở Việt Nam mình có tâm thức bất thành văn tự là dù Kinh hay Thượng cha mẹ tài giỏi, giàu có nhưng không dạy được con cái, để chúng hư hỏng đều được xem như mới thành công một nửa. Trong chữ Nôm của cha ông mình ngày trước có câu “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Hiện nay không ít người bậc cha mẹ không lo tu thân tề gia mà chỉ thích bình thiên hạ. Có nghĩa là nhà mình “nát như tương” mà lên mặt dạy dỗ người khác.

Già làng uy tín như cây Kờ Nia cổ thụ che mát cho buôn làng. Ông KSéo hiện thân một bóng cây đã sống 80 mùa bông bí nở. Lúc chúng tôi đến, “cây Kờ Nia” vừa đi thăm hàng xóm về, ông vui vẻ bắt tay Bí thư Hỷ: “Hôm nay chú mày lại dẫn khách lạ đến thăm KSéo à! Gặp được người đến chơi mình vui cái bụng lắm!”. Hai ông bắt tay rồi ôm nhau vỗ vai rất tình cảm. 

Anh Hỷ giới thiệu tôi là nhà văn quân đội đến viết về buôn làng, ông đột ngột chuyển sang nói tiếng Pháp bằng âm sắc Kờ Ho một cách lưu loát. Đã nhiều lần được tiếp chuyện với các trí thức Kờ Ho ở Nam Tây Nguyên, tôi đều bị những tình huống như thế. 

Các trí thức Kờ Ho, tuổi từ 80 trở lên, đa số trong họ không ai chịu nói tiếng Việt với giới báo chí. Có lẽ, việc các ông ấy sử dụng ngoại ngữ để nhận ra người đối diện là ai hoặc để chứng tỏ mình là người sắc tộc có đẳng cấp! Lúc đầu tôi ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng, dần dần lo đối phó. Gặp được người nói tiếng Pháp các cụ rất vui, nói cười như thời trai trẻ.

Ngại Bí thư Hỷ ngồi buồn nên tôi vừa nói chuyện với già làng KSéo vừa dịch tiếng Việt để chia sẻ thông tin, được dịp ông càng nói tợn với tốc độ nhanh hơn, đến khi anh Hỷ đề nghị nói tiếng Việt già mới chịu chuyển đổi ngôn ngữ. Ông nói: “Lâu lắm mới dợt lại tiếng Pháp, mình lại nhớ ngày xưa, thời học 4 năm ở tại École Franco-KHo tại ĐRan vào năm 1957”.

Già KSéo sinh năm 1935 tại buôn BĐơr, bị “bắt” đi học trường Pháp dành cho người thiểu số từ năm 12 tuổi. Chuyện bị đi học của ông giống như ở Nhật và Đức người ta vẫn đang áp dụng với cấp I. Đối với hai nước này học sinh ở lứa tuổi tiểu học mà không đến trường cha mẹ phải đối mặt với án tù.

Từ những năm 1930 người Pháp ở Đồng Nai Thượng có chủ trương chọn một số cháu nhỏ Kờ Ho bắt đi học tập trung tại Djiring (Di Linh) và DRan (Đơn Dương) sau đó lên Đà Lạt học bậc cao. Ở buôn BĐơr có hai người được chọn là ông KHành và KSép. Ông KHành thi đậu bằng Diplome (tốt nghiệp cấp II) vào chiến khu, còn ông KSép về nhà rồi đi lính chế độ cũ hàm hạ sĩ quan. Đến năm 1968 trở về địa phương giữ chức vụ Chủ tịch xã Tân Lú đến năm 1975.

Chuyện hình thành xã Tân Lú tại BLao trước năm 1975 cũng là điều lạ trong quản lý hành chánh đối với đồng bào gốc Tây Nguyên. Ngày ấy bà con sống theo buôn, mỗi buôn có thể cách nhau 10 đến 20 cây số nhưng các buôn dù xa hay gần cũng đều đặt đơn vị hành chánh cấp xã do người bản địa làm Chủ tịch. Ông KSéo quản lý gần 10 buôn, gồm có Bờ Su Pang ly, Đạ Bin, Kontè, Kon Rạch, Đạ Nghịch, Blao Chéré…

Già KSép đập vai tôi: “Tiếng là làm chủ tịch xã chế độ cũ nhưng già thuộc diện “Ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” đó. Mình cũng làm cách mạng mà!”. Tôi vỗ tay đôm đốp hỏi: “Cụ thể là sao!”. 

Ông giải thích: “Bà con dân tộc trong buôn bị bắt vì tội danh thoát ly vào rừng hay tiếp tế cộng sản, mình đi vô thẳng tòa hành chánh gặp Đại tá Tỉnh trưởng bảo lãnh thả ra vì người ta đi tìm cái ăn mà, tiếp tế cũng cho bà con nó ăn mà. Ông Tỉnh trưởng bắt làm giấy cam kết thả ra tuốt. Sau năm 75 có người làm quan to bên cách mạng ghé thăm cám ơn. Vì thế sau giải phóng mình đâu có đi tù, mình làm việc cho dân, dân bảo lãnh mình chớ!”.

Ông KSép mang một quyển vở học trò được bỏ vào bịch nylon cẩn thận. Ông kéo ra đọc từng trang như trả bài, ông đọc to: “KSép sinh năm 1935, năm 1945 đi học trường Pháp, năm 1965 đi lính Sư đoàn 7, năm 1968 giải ngũ làm Chủ tịch xã Tân Lú, sau năm 1975 làm Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Lộc An 40 năm mở ngoặc không có lương nhưng làm nhiệt tình được Đảng, Nhà nước cho đi tham quan Sài Gòn - Hà Nội - Nha Trang… đóng ngoặc. Trong những năm làm cán bộ mặt trận đã làm được 16 điều là: Toàn dân đoàn kết, không nghe lời kẻ xấu, cưới hỏi ma chay phải theo nếp sống mới không được dùng Sơnơm krơchớt chau (bùa ngải giết người)…”. Ông đọc một hơi dài đến 30 phút. Đoạn tôi chú ý là trong 8 đứa con 3 trai 5 gái, ông đều ghi ngày sinh tháng đẻ từng đứa như Ka Préo sinh ngày 28/5/1961, Ka Próp ngày 16/12/1964….

Già làng KSéo dẫn tôi đi thăm các đại gia Kờ Ho có biệt thự to, đến đâu ông cũng được mọi người cúi đầu chào ông Chủ tịch. Tôi bá vai vui vẻ hỏi đại gia KĐẹo, 47 tuổi, nguyên Trưởng thôn BĐơr: “Già KSéo có hai chức chủ tịch chế độ cũ và mới. KĐẹo chào ông chủ tịch nào!”.  “Chào cả hai mà, vì ổng luôn làm việc cho dân, bà con ở đây tin ổng mà, ổng nói được cái suy nghĩ của bà con với chánh quyền hai thời kỳ đó chớ”.

Phòng khách nhà đại gia K'Đẹo.

Anh KĐẹo là một trong những người giàu nhất buôn BĐơr. Nhờ trồng cà phê và trà, anh xây được hai biệt thự cho mình và cho mẹ đẻ. Đối với chế độ mẫu hệ con trai phải đi ở rể lo cho gia đình bên vợ.

* * *

Chia tay buôn BĐơr, đi dọc theo con đường liên thôn, tôi nhớ câu nói buồn buồn của KĐẹo: “Bây giờ bà con Kờ Ho ở đây không cho con đi học cao nữa đâu, vì học xong không có việc làm lại về trồng cà phê uổng tiền lắm”. 

Tuy nhiên hoa đến mùa vẫn nở, ven đường buôn hoa đỏ, vàng, tím được trồng trước hiên nhà khang trang, ở phía xa là đồi chè cà phê xanh mướt bạt ngàn. Còn mặt đường 20 nhà cao tầng mọc lên trở thành phố xá, các nhà máy, hiệu buôn người ra vào nhộn nhịp. Hơn 70 năm trước khó có thể tưởng tượng sự đổi thay tại dãy núi Sà Lùng với giá ngày công 2 cắc, thịt nai không dám ăn vì sợ kiết lỵ. Chuyện ấy bây giờ nghe chừng như huyền thoại.

Ký sự: Trần Đại

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文