Lớp học đặc biệt của bà giáo già

07:06 27/05/2018
Từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, bà Nguyễn Thị Côi (75 tuổi, quận Hoàng Mai) đều đặn đứng lớp. Không một đồng thù lao, thậm chí bà còn phải bỏ tiền mua sách vở cho nhiều học sinh, nhưng gần 20 năm qua bà vẫn cố gắng duy trì lớp học. Lớp học ấy được gọi là “Lớp học linh hoạt”.


Bởi lẽ, những học trò trong lớp của bà Côi đều là những người có khiếm khuyết về mặt thể chất và tinh thần. Chúng là những đứa trẻ tự kỷ, tăng động, thiểu năng trí tuệ…

Một lớp học, 5 trình độ khác nhau

Chúng tôi tìm đến “Lớp học linh hoạt” đúng vào lúc các em đang được ra chơi. Thấy sự xuất hiện của người lạ, những đứa trẻ nhao nhao lên chào. Đứa nhanh hơn thì chạy vào thưa: “Thưa cô có người đến tìm cô”. Trong lớp, hình ảnh một bà giáo già với mái tóc bạc gần hết đang nắn nót từng nét chữ cho một em học sinh.

Bà giải thích: “Cô bé này mới nhập học được mấy ngày thôi nên phải kèm thêm nhiều. Trước kia, em ấy học ở trường bình thường nhưng do bị bệnh tăng động, một phần vì không thể tiếp thu như các bạn, phần khác nhà trường không nhận nữa nên bố em gửi em vào đây học”.

Ân cần rèn từng nét chữ cho học trò.

Khi được hỏi, duyên cớ nào dẫn bà đến và gắn bó với những học trò đặc biệt, bà Côi cười đáp: “Năm 1994, UBND quận Hai Bà Trưng đi tìm giáo viên để dạy học cho những trẻ em nghèo, lang thang cơ nhỡ. Khi ấy tôi đang làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nên nghĩ mình phải gương mẫu, thế là xung phong đảm nhận lớp. Sau đó thì cứ tranh thủ đến những xóm nghèo như xóm Liều ở khu Thanh Nhàn để vận động các em tham gia lớp học. 

Khu vực này trước đó được coi là điểm nóng về ma túy nên có rất nhiều tệ nạn. Những đứa trẻ của xóm này hầu hết đều là dân tỉnh lẻ theo bố mẹ lên Hà Nội sinh sống, ban ngày chúng đi đánh giày, bán báo, bán bánh mỳ… Thế nên UBND quận muốn mở một lớp dạy học buổi tối để các em đến đó học, tránh sa vào tệ nạn”.

Phải một thân một mình đến chính điểm nóng về ma túy để dạy học nhiều khi cũng khiến cô giáo Côi chột dạ. Nhưng chính tình yêu thương đối với những đứa trẻ thiệt thòi đã giúp cô có thêm động lực để không lùi bước. 

“Có lần tan lớp tôi ra lấy xe thì chẳng thấy xe của mình đâu. Còn nhiều lần khác, không bị mất xe thì bị mất bình ắc quy, mất gương thậm chí mất cả lốp. Những lúc như thế lại nhờ các em canh hộ xe để đi tìm bác thợ sửa xe đến giúp” – bà giáo già nhớ lại thời còn đi dạy học miễn phí cho những đứa trẻ xóm Liều.

9 năm theo đuổi dự án của UBND quận Hoàng Mai, đến khi dự án kết thúc, đáng lý cô giáo Côi sẽ cảm thấy vui, thấy thanh thản vì mình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhưng ngược lại, cô lại cảm thấy tiếc nuối bởi cô biết còn rất nhiều đứa trẻ bất hạnh khác không có cơ hội được đến trường. Lúc này, cô Côi cũng đã nghỉ hưu, cô có rất nhiều thời gian rảnh. Cuối cùng cô quyết định sẽ mở lớp dạy học miễn phí cho những trẻ em nghèo, những đứa trẻ tự kỷ, chậm phát triển… 

Những đứa trẻ “bất trị” đang ngoan ngoãn nghe cô giáo giảng bài.

Để có học sinh cho lớp học mới này, cô Côi đã phải đến từng khu dân cư của phường Tân Mai, hỏi thăm những gia đình có con trong diện mà cô đang hướng tới rồi động viên họ đưa con tới lớp của mình. Đó chính là “Lớp học linh hoạt” ở Nhà văn hóa khu dân cư số 2, phường Tân Mai. Không giống với các lớp học khác, tại đây, cô Côi phải kèm cặp, giảng dạy riêng cho từng học sinh. Giờ giải lao, cô cũng không được nghỉ mà ngồi giảng bài, kèm riêng cho những em học yếu.

Dạy học trò có nhận thức bình thường đã khó, dạy những học sinh bị thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật còn khó hơn nữa. “Có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi 5 chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau. Có những em đang học lại đứng lên chạy nhảy, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào. Có em thì phải mang kẹo ra dụ mới chịu ngồi im để học” - cô Côi chia sẻ.

Cô giáo kiêm… y tá

Lớp học hiện tại của bà giáo già có khoảng hơn 20 học sinh. Mỗi học sinh lại có một hoàn cảnh và mang trong mình một loại bệnh khác nhau. Thế nên trước khi đem đến cho các em cái chữ thì bà giáo Côi phải hiểu về bệnh lý và hoàn cảnh của từng học trò. Như trường hợp của Tùng, em bị bệnh tăng động, mẹ mất vì tai nạn giao thông, bố ra tù vào tội nhiều lần. 

Hiện Tùng đang sống cùng bà ngoại già yếu. Trong lớp, Tùng thường hiếm khi ngồi im, không trêu bạn này, chọc bạn kia thì lại la hét, quậy phá. Mỗi lần như thế bà Côi lại phải xuống bên vừa động viên, vừa tỏ ra cứng rắn thì Tùng mới chịu ngồi yên. Đến nay Tùng cũng đã bắt đầu biết viết các chữ cái và tập đánh vần. 

Hay như Long bị bệnh động kinh, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Mỗi lúc như thế bà giáo già lại phải chuyển vai trò từ cô giáo sang y tá, vừa bấm huyệt vừa cho Long uống thuốc. “Nhiều lần thì Long đỡ, nhưng cũng có lần Long lên cơn co giật dày và dài quá thành ra tôi phải gọi xe đưa em đi cấp cứu” – bà Côi kể lại.

Không chỉ dạy chữ, nguyện vọng lớn hơn của bà giáo Côi là dạy các em các kỹ năng sống để những học sinh kém may mắn ấy có cơ hội được hòa nhập cộng đồng, có cuộc sống tốt hơn. Anh Nguyễn Văn Hùng (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai bị tự kỷ, dù đã gần 20 tuổi, nhưng nhận thức của con anh chẳng khác nào một đứa trẻ lên ba. 

Anh chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo nên chẳng có điều kiện đưa con đến các trung tâm dạy trẻ tự kỷ, vì ở đó học phí đắt đỏ lắm. Khi nghe có bà giáo già nhận dạy những trẻ bị khuyết tật, tự kỷ, tôi đã đưa con đến đây. Thực sự, phải có tâm lắm thì bà giáo ấy mới làm được như vậy. Bởi tôi biết, đến ngay cả dạy những đứa trẻ có nhận thức bình thường nhiều khi cũng còn cảm thấy đau đầu nói gì đến những đứa trẻ khiếm khuyết thế này. Vậy mà các cháu đến đây, ai bà Côi cũng coi như con cháu của mình. Chăm sóc, dạy bảo chúng nó từng chút một. Đứa nào nghèo quá bà cho tiền mua sách vở, thậm chí còn cho luôn cả cái xe đạp nữa. Nếu không có bà, chúng tôi chẳng biết sẽ mang con đi đâu nữa”. 

Cũng giống như anh Hùng, ông Nguyễn Xuân Sen không giấu nổi xúc động khi nhắc đến bà giáo Côi. Ông bảo, nhờ được vào học “Lớp linh hoạt” mà cháu nội ông đã thay đổi rất nhiều: “Trước kia cháu tôi hay lao vào đánh bạn lắm, tức lên là đập phá đồ đạc, đang khóc lại cười luôn được. Thậm chí ngay cả việc hết mùa đông mà bảo cháu chuyển sang mặc quần áo mùa hè cũng khó khăn lắm. 

Có khi phải mất một đến hai tuần nó mới chịu thích nghi. Nhưng bây giờ thì trộm vía, nó ngoan hơn rất nhiều, biết nghe lời người lớn và không còn đập phá nhiều như trước nữa. Lại còn biết cả nhặt rau, quét nhà giúp ông bà và quan trọng nhất là giờ cháu đã biết đọc chữ. Tôi thực sự thấy vui và biết ơn bà Côi nhiều lắm”.

Với bà giáo già Nguyễn Thị Côi, niềm hạnh phúc lớn nhất chính là được nhìn thấy nụ cười của những học trò và cả phụ huynh trong “Lớp học linh hoạt”. Đến nay, đã có 2 học sinh trong “Lớp học linh hoạt” thi đỗ đại học và có công việc tốt. Một trong số đó là Nguyễn Thị Thanh Thủy (thôn Nhị Giáp, phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội). 

Lớp học chỉ với hơn 20 học sinh nhưng có tới 5 trình độ khác nhau.

Thủy sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đến cả tờ giấy khai sinh để có thể đến trường đi học như bạn bè khác em cũng không có. May nhờ có người chị họ giới thiệu em đến lớp học miễn phí của cô giáo Côi. Khi đến đây, em đã được cô tận tình giúp đỡ, cô mua cho em từ quyển vở đến cái bút. 

Khi thấy em học tốt, cô lại làm đơn lên quận đề nghị để em được nhận giấy khen và phần thưởng. Nhờ sự giúp đỡ của cô mà đến nay Thủy đã trở thành sinh viên của một trường đại học. Em chia sẻ: “Nếu không gặp được cô, không được cô giúp đỡ rất có thể giờ này em đã thành một đứa trẻ hư hỏng rồi”.

Tương tự trường hợp của Thủy, anh Tuấn cũng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bố mất sớm, mẹ sức khỏe yếu nên đi làm thuê bữa đực bữa cái, đến tiền ăn còn không có nói gì đến cho con đi học. Khi biết được lớp học của cô giáo Côi, mẹ anh Tuấn đã dẫn con đến để nhờ bà kèm cặp. Khi thấy Tuấn hằng ngày phải đi bộ một đoạn đường dài đến lớp, cô giáo Côi đã quyết định tặng người học trò này chiếc xe đạp mini. 

Dù không học cao được như Thủy nhưng nhờ biết chữ, biết tính toán nên giờ anh cũng có được một cơ sở sản xuất nhôm kính trong miền Nam. “Giờ Tuấn đang sinh sống ở trong Nam, nhưng hễ có dịp ra Hà Nội là kiểu gì cũng phải ghé thăm cô. Tuấn kể, chiếc xe đạp đến bây giờ cậu ấy vẫn còn giữ. Coi như một sự nhắc nhở về quá khứ nghèo khổ của mình” – bà giáo Côi tâm sự.

Có lẽ, nếu không phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành đến xót xa cho số phận của những đứa trẻ nghèo, những đứa trẻ khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần thì bà giáo Côi đã không đủ động lực để duy trì lớp học tình thương gần 20 năm qua. Giờ đây, đã bước vào cái tuổi “gần đất xa trời” nhưng bà giáo già ấy vẫn ngày ngày đến lớp và coi đó là trách nhiệm của mình. Bà bảo: “Chừng nào ông trời còn cho tôi sức khỏe thì tôi còn theo lớp. Chỉ cần nhìn thấy bọn trẻ ngoan hơn, biết nhận thức hơn là tôi thấy mình hạnh phúc lắm rồi”.

Song Anh

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文