Lớp học giàu tình thương của cô giáo Lý

17:30 14/08/2019
Dù bị liệt đôi chân sau một lần bạo bệnh, sức khỏe yếu, điều kiện gia đình khó khăn khiến cô giáo trẻ Phạm Thị Lý phải bỏ dở việc học. Nhưng không đầu hàng số phận, từng ngày cô Lý vẫn cố gắng trau dồi kiến thức và dạy cho nhiều học sinh trong thôn và thị trấn Yên Mỹ.


Từ ước mơ dang dở...

Sinh ra trong một gia đình nề nếp tại vùng quê thôn Đỗ Xá, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Từ nhỏ, cô bé Phạm Thị Lý đã phải chịu thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa vì mất cha. Thấu hiểu những vất vả của mẹ khi gánh trên vai trách nghiệm của người trụ cột gia đình, Lý luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi.

Có lẽ với Lý, ước mơ duy nhất của cô ngay từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường là trở thành cô giáo, được đứng trên bục giảng. Mong ước là vậy, thế nhưng, may mắn đã không mỉm cười với Lý khi cô liên tục vấp phải những khó khăn, trở ngại. 

Sau khi tốt nghiệp cấp 3, cô gái trẻ đem theo ước mơ của mình thi vào ngành Sư phạm. Trượt đại học, mẹ mất sau một tai nạn. Những tưởng những bất hạnh, đau khổ cũng chỉ dừng lại ở cái ngày mẹ của Lý rời bỏ 3 anh em để về với bố, thế nhưng chỉ một thời gian ngắn sau khi mẹ mất, căn bệnh tim bẩm sinh của Lý tái phát khiến cô phải nhập viện cấp cứu. 

Trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh vì sức khỏe yếu, tim của Lý được cứu nhưng biến chứng sau ca mổ đã khiến đôi chân của cô teo tóp và liệt hoàn toàn. Nếu muốn di chuyển đi lại trong nhà, Lý phải dùng 2 tay thay đôi chân để lết người đi.

Biết Lý chịu nhiều thiệt thòi, những người thân trong nhà, đặc biệt là chị gái và anh trai đã cố gắng tìm mọi cách giúp Lý điều trị đôi chân. Thế nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả khi đôi chân của cô ngày càng không còn cảm giác. Mơ ước được đứng trên bục giảng tưởng chừng như đã khép lại với cô gái trẻ, thế nhưng thẳm sâu trong trái tim người con gái đó vẫn còn ngọn lửa đam mê cháy bỏng với sách vở, với ước mơ được làm cô giáo.

Cô giáo Phạm Thị Lý đang kèm cặp các cháu trong vùng làm Toán và đánh vần từng con chữ.


Đến người mẹ thứ hai của hàng trăm em nhỏ

Chưa từng nghĩ đến hạnh phúc gia đình, cũng chưa từng nghĩ sẽ trở thành một người mẹ. Thế nhưng, giờ đây Phạm Thị Lý lại trở thành người mẹ thứ 2 của hàng trăm em nhỏ trong thôn Đỗ Xá. Mỗi buổi tối trong tuần, con ngõ nhỏ dẫn vào nhà cô Lý lại thêm tấp nập, đông đúc hơn bởi tiếng nói cười rộn rã của những đứa trẻ.

Theo Lý, ban đầu khi biết cô dạy kèm cho một số bạn học sinh là con của người quen, trong làng cũng có một số lời lẽ không hay. Nhiều người cho rằng một người bị liệt như vậy thì làm sao có thể đủ sức dạy học, hơn nữa chưa qua đào tạo nghiệp vụ chuyên môn thì làm sao có thể dạy cho học sinh hiểu được. Tuy nhiên, với tinh thần học hỏi và sự nhiệt huyết, Phạm Thị Lý đã chứng tỏ cho mọi người thấy người khuyết tật cũng có thể dạy học, làm đẹp cho đời nếu như có niềm tin và nghị lực.

Lý cho biết: “Mình dạy học sinh đã được gần chục năm. Bắt đầu từ một cậu bé mới vào lớp 1. Sự tiến bộ của bé sau những buổi học với mình đã khiến nhiều người trong làng, trong xã dẫn con cháu đến nhờ mình dạy hộ. Mình dạy độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5, chủ yếu kiến thức cơ bản cùng với việc giải đáp thắc mắc của các em khi làm bài. Bên cạnh đó, với các em nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 thì mình cũng luyện chữ, hướng dẫn các em tập đọc để các em có hành trang vững vàng khi bắt đầu vào năm học mới ”.

Lớp học tình thương ban đầu chỉ với số học sinh ít ỏi, thế nhưng tính đến thời điểm hiện tại, số học sinh theo học cô Lý đã lên tới hàng trăm em. Để đảm bảo điều kiện học tập cho các em, cô Lý đã phân chia thành các ca học để từ đó có thể quan tâm, chỉ bảo các em nhiều hơn. 

Những học sinh học ở trường buổi sáng, cô Lý sẽ kèm ở lớp học tình thương vào buổi chiều và ngược lại. Lớp học của cô giáo Lý bắt đầu từ 7 giờ  - 10 giờ  sáng và 13 giờ  - 15 giờ chiều. Tận dụng chiếc máy tính của nhà hảo tâm tặng cho lớp học tình thương, cô giáo Lý lên mạng tải các bài hát về dạy cho các em hát vào những buổi sinh hoạt đầu tuần. Còn những buổi cuối tuần cô giáo Lý kể cho các em nghe về những câu chuyện mang tính nhân văn, qua đó truyền đến các em lối sống đẹp... 

Không có công việc ổn định và hàng tháng vẫn phải lên bệnh viện lấy thuốc uống duy trì huyết áp ở mức ổn định, thế nhưng khi các phụ huynh ngỏ ý gửi tiền học phí, cô Lý kiên quyết không nhận.

Cô giáo Lý sống một mình nhưng lúc nào cũng bận rộn với những đứa trẻ lỡ cỡ. Chị Nguyễn Thị Phàn, hàng xóm của chị Lý, có chồng đi làm ăn xa liền góp gạo thổi cơm chung với cô giáo làng đơn thân. Từ ngày có chị Lý, bữa cơm nhà chị sum vầy hơn, không thất thường bữa nấu bữa không như trước. Không chỉ có vậy, 3 con nhỏ của chị Phàn cũng được cô Lý chăm sóc, dạy học như con đẻ của mình.

Dù các em học sinh trong lớp học của mình có nhiều độ tuổi khác nhau nhưng vẫn được cô giáo Lý xây dựng kế hoạch giảng dạy hợp lý để quá trình học tập của các em ở lớp, ở trường không bị gián đoạn. Cô thường xuyên liên hệ với các thầy cô giáo đang dạy học, hỏi thăm về những học sinh của mình đã kèm cặp ở nhà, dõi theo từng bước tiến bộ học văn hóa của các em trên lớp. Những điểm cần uốn nắn, những gì cần lưu ý, cần phải bổ sung… 

Lớp học của cô giáo Phạm Thị Lý luôn thu hút rất đông các học sinh từ lớp 1 đến lớp 5.

Cô Lý tâm sự: “Để có phương pháp dạy học hiệu quả và hợp lý cho các em, tôi đã tìm tòi, học hỏi qua sách báo, internet, qua các thế hệ giáo viên đi trước và phải tự sáng tạo; phải biết lực học của từng em để có cách củng cố kiến thức, dạy cho phù hợp. Phương châm của tôi là vừa dạy học vừa phải biết kết hợp với dạy dỗ, phải động viên, khuyến khích và yêu mến các em thực sự bằng cả tấm lòng”.

Có lẽ chính bởi tình yêu thương vô bờ bến của cô giáo Phạm Thị Lý dành cho các em nhỏ mà phần lớn các em nhỏ đều gọi chị với cái tên thân thương như: Mẹ Lý hay bác Lý”. Theo học mẹ Lý từ khi đang học lớp 1, đến nay cô bé Đỗ Thị Lương đã bước sang tuổi 14, nhờ sự quan tâm, chỉ bảo cặn kẽ của người mẹ thứ 2 này mà thành tích của Lương ngày càng tiến bộ.

Chia sẻ về sự quan tâm, chăm sóc của mẹ Lý đối với bản thân, Lương cho hay: “Nhà em ở sát với nhà mẹ Lý nên từ nhỏ em đã làm quen tiếp xúc với mẹ Lý, do bố mẹ bận công việc nên hằng ngày mẹ Lý đều là người chăm sóc em và em trai của em. Dù chân mẹ bị liệt nhưng mẹ vẫn lo cho chúng em từ bữa cơm đến giấc ngủ cho đến chuyện học tập”.

Người phụ nữ không có đôi chân lành lặn, có một quả tim yếu và thừa tới 2 quả thận nhưng luôn lạc quan với cuộc sống của mình. “Mình phải biết đâu là đủ và đâu là bằng lòng. Nếu so với người bình thường mình cảm thấy bất hạnh nhưng so với những người cùng cảnh ngộ thì mình may mắn hơn nhiều người. Mình nhìn vậy để thấy những người khổ hơn mình, để luôn cố gắng và cố gắng hết mình. Ai trong bước đường cùng cũng sẽ tìm ra lối thoát cho cuộc đời của mình”, cô giáo khuyết tật Phạm Thị Lý chia sẻ.

Chưa từng được đào tạo chuyên môn ngành Sư phạm, thế nhưng cô giáo khuyết tật Phạm Thị Lý vẫn đang cố gắng từng ngày để có thể truyền thụ nhiều hơn kiến thức cho các em nhỏ. Những đứa trẻ cô đang dạy dỗ vẫn đang vô tư lớn lên trong tình thương của mẹ Lý mà chúng không hề hay biết rằng chính sự vô tư, hồn nhiên đó là nguồn động lực lớn lao để mẹ Lý tiếp tục hành trình vượt lên mặc cảm của bản thân và kiên trì với ước mơ nuôi dưỡng những mầm xanh.

Trần Toản

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

Hỏi: Cháu tôi bị bạn bè lôi kéo, tụ tập tham gia đua xe máy và bị Công an quận tạm giữ cả xe và người để xử lý theo quy định pháp luật. Xin hỏi hành vi của cháu tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (Trần Văn Hải, TP Hồ Chí Minh)

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文