Mata Hari- Vũ công điệp viên nổi tiếng nhất

11:13 26/04/2013

“Dù sự nghiệp gián điệp không lâu và không hiệu quả, cũng như vẫn còn nhiều tranh cãi đến giờ, nhưng Mata Hari vẫn được mệnh danh là một trong những nữ gián điệp nổi tiếng nhất lịch sử...”.

Tuổi thơ sóng gió

Mata Hari tên thật là Margaretha Zelle, sinh ngày 7/8/1876 tại Leeuwarden, Hà Lan. Cô là con thứ và là cô con gái duy nhất trong gia đình có 4 anh em. Bố cô là Adam Zelle và mẹ cô có tên Antje van der Meulen. Trong khi xung quanh mọi người đều có làn da trắng, tóc vàng, mắt xanh thì Margaretha nổi bật với mái tóc đen dày, mắt cũng đen và làn da màu ô liu dễ rám nắng. Hàng xóm xung quanh đã nghĩ rằng cô có trong người dòng máu Do Thái hay Java.

Gia đình cô là một gia đình khá giả. Ông Adam Zelle rất thành công trong việc kinh doanh mũ. Ở thời đó hầu như không một người đàn ông nào đi ra đường lại thiếu chiếc mũ trên đầu. Chính vì việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió, kinh tế gia đình khá giả, ông rất chiều chuộng những đứa con, đặc biệt là cô con gái hoạt bát và đáng yêu của mình.

Ngày sinh nhật thứ 6, Margaretha được nhận từ cha mình một món quà rất đặc biệt: một chiếc xe kéo nhỏ được kéo bởi hai chú dê. Vốn có bàn tay khéo léo tài hoa, người bố đã làm cho cô chiếc xe kéo nhỏ mà không nơi nào có. Cô gái nhỏ hoàn toàn vui sướng và thường xuyên chở bạn bè trong chiếc xe kéo đặc biệt của mình.

Ngay từ nhỏ, Margaretha đã cho thấy mình là một cô bé gây được nhiều ấn tượng. Cô thích mặc những bộ quần áo rực rỡ nhất đến trường và luôn tự hào về nguồn gốc cao quý của mình. Đôi khi cô bé thích nổi bật đến mức bịa chuyện về một tòa lâu đài mà dòng họ quý tộc của mình đã sinh sống. Cô bé cũng là một người rất sáng dạ, tiếp thu rất nhanh các bài học về ngôn ngữ và khiến các giáo viên rất yêu quý.

Bi kịch xảy ra khi Margaretha lên 13 tuổi. Gia đình cô phá sản sau những đầu tư sai lầm trên thị trường chứng khoán. Họ phải bán hết nhà cửa ở nơi tốt nhất trong thành phố để sống trong một ngôi nhà tồi tàn nhỏ. Ông Adam Zelle một mình đi tới Amsterdam để tìm kiếm vận may của mình và để lại bốn đứa con cho vợ chăm sóc.

Bà Antje nhanh chóng bị trầm cảm, suy sụp và qua đời. Lúc đó Margaretha tròn 15 tuổi. Bố cô trở về nhà lo tang lễ nhưng không đưa những đứa con mình đi theo. Thay vào đó, ông thuyết phục những người thân nuôi chúng. Margaretha đã về nhà cha đỡ đầu của cô trong thị trấn Sneek sinh sống. Ở tuổi 15, cô đã cao hơn một người đàn ông Hà Lan có chiều cao bình thường. Lúc đó, điều này khiến cho Margaretha rất khó để cưới chồng.

Cha đỡ đầu gợi ý cho Margaretha học trở thành một giáo viên. Bản thân cô cũng không muốn phải sống nhờ gia đình của người cha đỡ đầu nên nhanh chóng rời đến một trường học dành cho giáo viên tại thị trấn Leyde. Tuy nhiên, kỷ luật ở đây rất nghiêm ngặt. Một thời gian sau cô bắt buộc phải rời trường học bởi chuyện riêng bê bối của mình. Đó là sự dính líu tình cảm với chủ thuê đất tại đây. Margaretha trốn về nhà của chú mình tại The Hague. Cô sống ở đó, làm việc nhà và các việc lặt vặt, cố gắng làm cho mình cũng có hữu ích trong gia đình. Năm đó cô bắt đầu bước vào tuổi 18 và đã suy nghĩ về hôn nhân.

Margaretha có hai nhược điểm khiến cho cô rất khó lấy được chồng trong thời điểm đó. Nhược điểm đầu tiên chính là chiều cao quá khổ, và nhược điểm thứ hai là cô có bộ ngực rất nhỏ trong khi xã hội lúc bấy giờ tôn thờ hình tượng người phụ nữ có dáng đồng hồ cát. Cô đã từng tìm cách để che giấu những khuyết điểm của mình bằng cách nhét các đôi tất vào trong đồ lót. Tuy nhiên, Margaretha lại có một vẻ duyên dáng, phong cách khiến cô thu hút được nhiều sự quan tâm của nam giới.

Cuộc kết hôn bi kịch

Một ngày, Margaretha nhìn thấy trong phần quảng cáo một tờ báo nội dung một sỹ quan muốn tìm người bạn gái tốt để kết hôn. Tin quảng cáo đó do một người bạn của nhân vật chính – Rudolph MacLeod đăng lên. MacLeod là một người đàn ông 38 tuổi đã chiến đấu dũng cảm trong quân đội. Dù không tự mình đăng quảng cáo lên nhưng ông đồng ý gặp Margaretha, người đã viết thư trả lời. Dù hai người chênh lệch lớn về tuổi tác, họ vẫn nhanh chóng có tình cảm với nhau. MacLeod đưa ra lời cầu hôn và Margaretha đã rất hạnh phúc nhận lời.

Đôi vợ chồng chính thức thành hôn vào ngày 11/7/1895 và hơn một năm sau đó đứa con đầu tiên của họ, Norman John đã ra đời. Nhưng thật không may, dù đã làm một người chồng, một người cha, Rudolph vẫn không từ bỏ cuộc sống độc thân của mình. Ông vẫn về nhà quá nửa đêm, say khướt sau khi vui vẻ với những người phụ nữ khác. Không những thế Margaretha còn phải đối diện với những cơn ghen vô căn cứ của chồng mình cùng lối cư xử thô bạo của ông.

Vợ chồng Mata Hari và Rudolph.

Một thời gian sau, Rudolph MacLeod thông báo gia đình sẽ chuyển tới Java, nơi ông sẽ phải đóng quân. Margaretha đã vui mừng, mong muốn được nhìn thấy Java khi ngay từ bé, rất nhiều người cho rằng tổ tiên của cô ở Java. Và cô cũng mong việc thay đổi nơi ở có thể thay đổi được những gì đang diễn ra trong gia đình. Họ mang theo con trai và tài sản chuyển với vùng đất mới.

Thành phố Abawara, trung tâm hòn đảo đã khiến Margaretha cảm thấy say mê ngay nơi này. Nhưng tới nơi đây, những vấn đề trong hôn nhân của họ vẫn đi theo cùng, khi Rudolph vẫn thường xuyên ghen tuông với những người đàn ông khác để ý tới vợ mình. Thậm chí ông còn không cho vợ mình mặc những bộ đồ tử tế vì sợ vợ mình đẹp. Rudolph còn mang về một người phụ nữ bản địa làm vợ lẽ và cho rằng đó là phong tục ở nơi đây.

Margaretha mang thai đứa con thứ hai cũng là lúc mùa mưa tới. Mưa lớn không ngừng ở Java khiến cho cô không thể đi ra ngoài, thất vọng, buồn chán và trầm cảm. Không những thế, Rudolph còn muốn toàn quyền kiểm soát vợ bằng cách cấm vợ học ngôn ngữ tại nơi đây. Cô con gái thứ hai được sinh ra đặt tên là Jeanne Louise. Một năm sau đó, ba mẹ con phải sống bằng tiền cấp dưỡng khi Rudolph lại được gọi đến một vùng đất khác. Để rồi sau đó họ lại được đoàn tụ trong một ngôi nhà rộng rãi và đầy đủ tiện nghi, một ngôi nhà được xây cho một chỉ huy.

Đêm định mệnh của họ diễn ra vào tháng 6/1899, khi chuẩn bị ngủ, Margaretha nghe thấy tiếng kêu thất thanh của vú em chăm sóc các con mình. Trong phòng, hai đứa trẻ nôn ra một chất dịch màu đen và co giật trong đau đớn. Margaretha chỉ biết ôm con trong khi Rudolph điên cuồng chạy đi kiếm bác sĩ.

Norman đã chết vào thời điểm bác sĩ xuất hiện. Nhưng vị bác sĩ này cũng không can thiệp gì được ngoài cách đưa những đứa trẻ đến bệnh viện. Cô con gái được cứu sống và hồi phục. Lũ trẻ đã bị đầu độc. Không ai biết thủ phạm, nhưng họ đồn đại rằng đó là sự trả thù của một ai đó, có thể là từ một người đầy tớ mà Rudolph MacLeod đã đối xử không tốt.

Trước biến cố, hai vợ chồng Margaretha càng cách xa nhau. Cô thường ngồi thẫn thờ hàng giờ đồng hồ trong im lặng. Còn Rudolph phải trở lại Java và chìm đắm trong rượu, thương nhớ con trai. Có những lúc ông lại đổ lỗi hết cho vợ mình về việc mất con. Margaretha vì quá đau buồn, cơ thể yếu, cô mắc bệnh thương hàn. Trong cơn mê, Margaretha vẫn nghe thấy tiếng chồng mình phẫn nộ về việc tốn kém chữa bệnh của vợ. Cô bình phục và cuộc hôn nhân trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.

Lúc đó thế kỷ XX cũng bắt đầu. Có nhiều thay đổi đang diễn ra xung quanh. Margaretha viết thư xin cha một số tiền để có thể trở lại châu Âu, nhưng ông không đồng ý và khuyên cô nên trở thành một người vợ tốt hơn. Rudolph quyết định mang cả gia đình trở về Hà Lan, nhưng cuộc hôn nhân không được cứu vãn. Ngay sau khi trở về, Rodolph đã đánh đập vợ mình.

Mata Hari trong thời gian ngồi tù.

Ở thời đại này, một người phụ nữ ly hôn là một tai tiếng rất lớn. Nhưng Margaretha đã quyết nộp đơn xin ly hôn tại tòa án Amsterdam và được đồng ý. Tòa án còn phán quyết rằng quyền nuôi con thuộc về cô và Rudolph phải trợ cấp cho cô mỗi tháng để nuôi con.

Tất nhiên Rudolph không hỗ trợ bất cứ một xu nào. Không những thế, ông còn quảng cáo trên báo rằng: “Tôi yêu cầu tất cả không được cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người vợ đã ly hôn của tôi”. Ông ta cũng nói với tất cả mọi người rằng chính ông ta đã bị vợ bỏ rơi. Không thể sống mà không có tiền, Margaretha đã đi tìm việc làm nhưng không thể kiếm được việc. Cùng cực lắm cô đành nhường quyền chăm sóc con cho Rudolph.

Trong một thời gian sau đó, Margaretha sống nhờ nhà người thân. Từ trước đó, cô đã từng được đọc và mơ ước về một cuộc sống ở thành phố Paris. Cô dành dụm được tiền để thực hiện một chuyến đi đến Pháp. Thành phố rất rực rỡ và tráng lệ như cô vẫn tưởng tượng, nhưng Margaretha không tìm được một công việc nào để kiếm được tiền bám trụ lại nơi đây. Một lần nữa, không còn cách nào khác, cô buồn bã trở về nhà.

Lúc này Margaretha trở thành một người chán nản nhất. Dường như chẳng nơi nào trên trái đất này có chỗ cho cô. Không có gia đình, không có công việc, cô phải đối mặt với việc sống nương nhờ người khác cho đến suốt đời. Với tình thế “không có gì để mất”, cô lấy hết sự cố gắng quyết tâm còn lại trong mình, tìm cơ hội cuối cùng ở Paris.

Vũ nữ thoát y nổi tiếng

Lúc này, mong muốn có một cuộc đời mới, cô từ bỏ tên cũ và lấy tên là Mata Hari. Trong tiếng Malay, matahari có nghĩa là “con mắt của bình mình”. Mata Hari trở thành một vũ nữ thoát y bắt đầu buổi biểu diễn đầu tiên của mình vào ngày 13/3/1905. Chính trong buổi biểu diễn đầu tiên của mình, Mata Hari cùng với bốn vũ công phụ họa biểu diễn những điệu múa để tranh giành sự chú ý của thần Siva đầy đam mê và tinh tế. Cô đã nhận được những tiếng vỗ tay, hò reo không dứt.

Thành công bất ngờ khiến cô nổi tiếng chỉ sau một đêm. Không chỉ vậy, Mata Hari đã biến những màn múa thoát y thành một hình thức nghệ thuật, biết khéo léo che cơ thể mình bằng ánh đèn, bằng những động tác và luôn mặc một bộ quần áo mỏng màu da che phủ cơ thể.

Mata Hari cũng không mấy khi tiết lộ thân phận thật của mình. Mọi người thường biết tới cô như một vũ công sinh ra ở Ấn Độ, mẹ cô cũng từng là vũ công và qua đời khi sinh ra cô. Chính vì khán giả ở châu Âu không biết các chi tiết cụ thể về văn hóa châu Á, Ấn Độ nên họ đều cảm thấy sức hút từ nền văn hóa khác, cũng như chấp nhận bất cứ điều gì Mata Hari tạo ra. Cô nói với khán giả của mình: “Điệu múa của tôi là một bài thơ thiêng liêng mà mỗi lần bước chân là một từ, mỗi từ lại được tôn vinh lên bởi âm nhạc”.

Khán giả tin rằng mỗi điệu múa của Mata Hari đều mang đậm chất thiêng liêng của tôn giáo trong tự nhiên. Mata Hari đã nói dối, hay có thể gọi là hư cấu cuộc đời mình để chiếm được cảm tình của người xem. Cô phải làm thế để tạo ra bản sắc riêng cho mình. Với vẻ ngoài đặc biệt, Mata Hari hoàn toàn phù hợp với những điều đó.

Nhưng sự nghiệp của một vũ công, cũng giống như một vận động viên, có tuổi đời rất ngắn. Mata Hari cũng không phải là một ngoại lệ. Đặc biệt khi cô bắt đầu sự nghiệp của mình khi đã gần 30 tuổi, muộn hơn rất nhiều so với các vũ công khác. Một vài năm sau, cơ thể cô bắt đầu mất đi sự cuốn hút vốn có. Mata Hari bắt đầu tăng cân, giống như bất cứ người phụ nữ nào khi bước sang tuổi 30. Và chỉ đơn giản, cô mất đi sự tươi trẻ, đầy sức lực của mình. Hơn thế nữa lúc này có rất nhiều vũ công trẻ hơn, xinh đẹp hơn vào nghề. Rất nhiều người trong số họ là vũ công giỏi.

Thời kỳ hoàng kim của Mata Hari kéo dài từ năm 1905 đến năm 1912. Khi đến gần 40 tuổi, người ta thấy Mata Hari giống như một người phụ nữ mua vui cho đàn ông chứ không còn là một vũ công thực sự nữa.

Quang cảnh xử bắn Mata Hari.

Khi xung quanh có rất nhiều người đàn ông yêu thích, cuộc sống của Mata Hari cũng có nhiều mối quan hệ tình cảm phức tạp. Trong thời gian đó, Mata Hari đã tìm cách để liên lạc với con gái, nhưng hầu như đều không có kết quả. Lá thư mang đậm tình cảm của một người mẹ luôn bị trả lại nguyên vẹn bởi Rudolph MacLeod.

Mata Hari đã luôn nhớ về con và chưa bao giờ nguôi ngoai vì không thể ở bên cạnh con gái mình. Khi Rudolph không cho Mata Hari liên lạc với con, kể cả qua đường bưu điện, Mata Hari đã ấp ủ một kế hoạch bắt cóc con gái mình. Lúc đó cô bé 13 tuổi.

Mata Hari có một người hầu tên là Anna Lintjens. Họ đến với nhau và có sự đồng cảm khi đều cảm thấy cuộc đời xô đẩy đến tận cùng. Anna đã từng có một đứa con ngoài giá thú khi cô còn trẻ. Và tất nhiên Anna không thể có cơ hội kết hôn nào khác.

Mata Hari nói với Anna hãy đi đến nơi Rudolph và con gái mình đang sống, đợi ở trường của Anna và đưa cô bé đến Amsterdam và từ đó đi tàu sang Paris. Anna đã làm đúng theo kế hoạch nhưng không thành bởi Rudolph đã đến tận nơi và đón con gái mình. Anna thực hiện nỗ lực cuối cùng, nói với Rudolph rằng mẹ của cô bé có một món quà từ Paris dành tặng cho con, nhưng Rudolph cộc cằn ra lệnh cho Anna đi. Anna trở về Paris trong sự cay đắng thất vọng của Mata Hari.

Cuộc đời điệp viên

Mata Hari cũng cố gắng để giữ một chỗ đứng cho mình trong thế giới giải trí. Vào ngày 23/5/1914, cô xuất hiện trong một chương trình ca nhạc ở Đức. Một số khán giả nghĩ rằng chương trình “không đứng đắn” và báo với cảnh sát. Một sĩ quan cảnh sát mang tên Grieble đã quyết định xem và ngay lập tức bị mê hoặc bởi Mata Hari. Họ đã hẹn hò với nhau.

Cũng có nhiều tài liệu tin rằng không phải Grieble mà là Traugott von Jagow, cấp trên của Grieble mới là người hẹn hò với Mata Hari. Chỉ biết rằng cuộc đời tình báo của Mata Hari bắt đầu nhen nhúm từ lúc này. Một số nguồn tin cũng cho rằng Mata Hari đã được huấn luyện tại một trường đào tạo gián điệp của Đức nằm ở Antwerp, Bỉ.

Với thể chất tốt, sức chịu đựng và nghị lực phi thường, Mata Hari đã đáp ứng được mọi kỷ luật nghiêm khắc và được mệnh danh là “Mắt Hổ”. Tại đây Mata Hari được đặt mật mã “H21” và có 15 tuần để học các loại mật mã, giao tiếp, hóa chất, ghi nhớ các bản đồ, hình ảnh cũng như các mô hình vũ khí của đối phương. Mata Hari cũng được cảnh báo về những số phận của các điệp viên không trung thành. Tuy nhiên, Mata Hari luôn phủ nhận việc mình đã tham gia huấn luyện điệp viên.

Khi tình hình giữa Pháp và Đức căng thẳng, Mata Hari cũng trở về Pháp sau khi tới Thụy Sĩ và ghé qua Hà Lan. Tại Paris, Mata Hari bị đưa vào đối tượng nghi ngờ khi gần đây đã có quan hệ tình cảm với một người Đức, và rất có thể làm gián điệp cho đất nước đó. Khi trở về Paris, Mata Hari gặp được tình yêu của đời mình. Đó là một sĩ quan trẻ người Nga có tên Vladmir Masloff, thường được gọi là Vadim.

Lúc đó Mata Hari 40 tuổi, còn Vadim mới 21 tuổi, chỉ bằng tuổi đứa con trai đầu nếu còn sống của Mata Hari. Không hiểu có phải vì thế không mà cả hai đều dành cho nhau những tình cảm mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau đó Vadim phải trở lại mặt trận và bị thương. Mất con mắt bên trái, Vadim quay trở về và Mata Hari đau đớn khi người yêu bị thương. Tình yêu của họ lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Khi nguy cơ con mắt phải cũng bị mất thị lực, Vadim được điều trị tại một bệnh viện quân đội gần Vittel, một địa điểm trong khu vực chiến tranh. Mata Hari không được tới Vittel vì cô vẫn luôn bị nghi ngờ là một điệp viên của Đức. Bạn bè khuyên cô tìm tới Georges Ladoux, một đội trưởng trong quân đội để xin phép ra thăm người yêu.

Georger Ladoux là một người trong tổ chức phản gián Pháp. Ông hỏi Mata Hari về việc theo dõi quân Đức cho người Pháp. Tất nhiên, cô không trả lời ngay và Georger cũng nói rằng ông có thể chờ đợi. Và tất nhiên, ông cũng có thể sẽ chấp thuận chuyến đi Vittel của cô.

Làm gián điệp là một việc nguy hiểm nhưng Mata Hari và Vadim cần tiền. Cô cũng không dự định làm lâu dài mà chỉ chờ đợi qua một cuộc đảo chính lớn, lấy sự biết ơn của nước Pháp và kết hôn hạnh phúc với người yêu của mình.

Đó là tháng 12/1916, ở Đức, Mata Hari đã có quan hệ tình cảm với Arnold Kalle. Trên giường, ông ta đã nói với Mata Hari về việc “cố gắng sắp xếp một tàu ngầm để đưa một số sĩ quan Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vào trong khu vực của Pháp”. Trong thực tế, Kalle đã nghi ngờ nên đưa ra một câu chuyện sai và theo dõi người tình của mình. Mata Hari vờ đưa ra những bí mật của Pháp cho Kalle.

Trong những lần tiếp theo, Mata Hari vẫn cố tìm kiếm thông tin cho Pháp. Kalle giận dữ nói với Mata Hari rằng ông biết cô đã để lộ thông tin tuyệt mật của phe Đức. Mata Hari trở về Pháp và tin rằng mình đã có được những thông tin quan trọng. Nhưng cấp trên của cô không thừa nhận và nói rằng những thông tin đó không hề có giá trị, cũng như cô phải làm tốt hơn nếu muốn kiếm tiền từ tình báo Pháp. Mata Hari không nhụt chí, chờ đợi một nhiệm vụ mới.

Trong lúc đó, Ladoux và các cộng sự nghiên cứu về những tin nhắn của Kalle tới các đồng minh của mình ở Berlin với những nội dung như: “H21 thông báo rằng Công chúa George, Marie Bonaparte dùng mối quan hệ của mình với Briand để người Pháp giúp đỡ chồng cô thống trị Hy Lạp”.

Với những nghi ngờ của Pháp về Mata Hari làm việc cho tình báo Đức trước đây, những tin nhắn này khiến Mata Hari bị đưa vào một kế hoạch của Đức. Phía Đức cố tình để người Pháp đọc những tin nhắn này và xử lý Mata Hari, điều họ cần làm khi phát hiện ra Mata Hari đã đồng ý làm gián điệp cho Pháp.

Ngày 13/2/1917, Mata Hari bị bắt. Cô đã bị thẩm vấn nhiều lần mặc dù luôn dứt khoát khẳng định mình không phải là một điệp viên hai mang. Mata Hari bị giam trong nhà tù Saint Lazare, nơi không có phòng tắm và cô chỉ có thể làm sạch mình bằng một bát nước nhỏ. Mata Hari bị phân lập với các bạn tù khác và không được phép viết thư cho Vadim. Người duy nhất cô được tiếp xúc là luật sư của mình.

Việc Mata Hari bị bắt lúc đầu đã được giữ bí mật. Dù trong nhà tù cô tìm mọi cách để chứng minh sự vô tội của mình nhưng đều không có kết quả. Phiên tòa xử cô được kết thúc bằng việc công bố án tử hình dành cho Mata Hari. Lúc này công chúng vô cùng chú ý bởi họ muốn được biết tin về người vũ công, biểu tượng của sự quyến rũ ngày nào. Tuy nhiên thời gian trong tù, bột thực phẩm và việc thiếu vận động khiến người vũ công ngày nào trở nên béo hơn, gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi dù sự quyến rũ vẫn không mất đi.

Ngày 15/10/1917, Mata Hari bị đưa đi xử bắn. Cơ thể của Mata Hari không có người nhận nên được đưa vào hiến xác tại trường y tế. Sau cái chết của mình, Mata Hari vẫn được nhắc đến. Dù sự nghiệp gián điệp không lâu và không hiệu quả, cũng như vẫn còn nhiều tranh cãi đến giờ, nhưng Mata Hari vẫn được mệnh danh là nữ gián điệp nổi tiếng nhất, phần lớn là do cô đã là một nghệ sĩ nổi tiếng trước khi bước vào hoạt động gián điệp, một vũ công với những điệu múa độc đáo và khả năng chiều lòng bất cứ người đàn ông nào

Quang Trường – Trọng Hưng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文