Máy cung cấp hàng tự động đầu tiên cho người vô gia cư ở Anh
Ý tưởng mới
Tờ Nottingham Post đưa tin, khoảng 100 người vô gia cư ở Nottingham có thể truy cập vào máy cung cấp hàng tự động 24/24 giờ bên ngoài trung tâm mua sắm Broadmarsh để nhận thực phẩm, đồ dùng. Theo đó, những người vô gia cư sẽ được cung cấp mã để truy cập vào máy.
Với mã này, các tổ chức từ thiện có thể theo dõi được hoạt động, số lần lấy vật dụng, đồ ăn của những người vô gia cư. Ý tưởng độc đáo này do tổ chức từ thiện Action Hunger đưa ra với mục đích cung cấp thức ăn và quần áo cho người nghèo 24/24 giờ.
Số người sống lang thang trên đường phố ở Anh đã lên đến con số 307 nghìn người. |
Action Hunger đã phối hợp với công ty The Friary để cung cấp mã, giám sát việc người vô gia cư tiếp cận máy cung cấp hàng tự động. Tổ chức từ thiện FareShare tặng một nửa số vật dụng, đồ ăn đặt trong các máy tự động.
Đại diện của Action Hunger nói rằng, tổ chức này sẽ lắp nhiều máy cung cấp hàng tự động cho người vô gia cư trong năm tới. Một máy sẽ được lắp đặt tại Manchester vào tháng 1/2018. "Tất cả phụ thuộc vào sự thành công của kế hoạch triển khai ở Nottingham. Sau đó, chúng tôi sẽ mở rộng địa điểm cung cấp máy bán hàng tự động, tiếp theo là Manchester, London và Birmingham", đại diện của Action Hunger nói.
Theo tổ chức từ thiện Shelter, tình trạng người vô gia cư ở Anh không ngừng tăng lên. Hiện nay, số người sống lang thang trên đường phố ở Anh đã lên đến con số 307 nghìn người. Trong năm 2016, số người vô gia cư đã tăng 13 nghìn.
Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến số lượng người vô gia cư tăng nhanh là do những thay đổi về phúc lợi của Chính phủ.
Số liệu thống kê của Shelter cho biết, trước lễ giáng sinh năm ngoái, cứ 22 giây, tổ chức này nhận một yêu cầu giúp đỡ. Hơn 500 cuộc gọi yêu cầu giúp đỡ được thực hiện vào đêm giáng sinh. Tình hình mùa Giáng sinh năm nay được dự đoán có thể còn tồi tệ hơn. Chính vì vậy, Shelter đã chủ động tuyển thêm nhân viên trợ giúp người vô gia cư qua điện thoại.
Chiến dịch tìm kiếm việc làm cho người vô gia cư
Một chiến dịch gây quỹ cộng đồng nhằm giúp đỡ người vô gia cư cũng được triển khai ở London. Chương trình có tên là "Beam" cho phép những nhà hảo tâm đóng góp tiền, gây quỹ giúp người vô gia cư được học nghề và tìm kiếm việc làm.
Khi tham gia chương trình này, nhà tài trợ có thể theo dõi tiến trình hoạt động của người vô gia cư với hình ảnh tại nơi làm việc, học tập được cập nhật thường xuyên trên mạng internet. Các nhà tài trợ có thể đóng góp kinh phí hàng tháng hoặc một lần.
Đồng thời, có thể chọn tài trợ cho một người vô gia cư cụ thể hoặc đóng góp kinh phí chung cho cả chương trình. Số tiền từ nhà tài trợ sẽ được chuyển thẳng đến nơi đào tạo người vô gia cư.
"Beam" có sự hỗ trợ của Thị trưởng London Sadiq Khan và 10 tổ chức từ thiện giúp đỡ người vô gia cư, trong đó có St Mungo's, Centrepoint và Thames Reach. Sau khi các tổ chức từ thiện giới thiệu người vô gia cư cần giúp đỡ, nhân viên của "Beam" sẽ tìm kiếm tài liệu để xác minh thông tin, sau đó đăng tải lên website tìm kiếm nhà tài trợ.
Tony là người vô gia cư đầu tiên tham gia chiến dịch Beam. Anh đã nhận được sự ủng hộ của 136 người với số tiền lên đến 4.378 bảng Anh. Với số tiền này, Tony đã theo học nghề sửa chữa điện. "Lần đầu tiên khi nghe nói về Beam, tôi tự đặt câu hỏi: tại sao mọi người lại muốn giúp tôi? Tôi không thể tin nổi khi số người quyên góp tiền ủng hộ tôi tăng lên từng ngày.
Khi đọc tin nhắn từ những người ủng hộ, tôi vô cùng xúc động. Nhờ Beam, tôi sẽ cố gắng để trở thành một thợ điện giỏi", Tony nói. Alex Stephany, người sáng lập "Beam" nói rằng, "tôi tin nhiều người có lòng hảo tâm muốn giúp đỡ người khác nhưng chưa biết làm thế nào. Beam ra đời để kết nối tất cả mọi người".
Tờ Independent (Anh) cho hay, theo một nghiên cứu của tổ chức The Children's Society, trong năm qua, lạm dụng rượu ở người lớn làm tổn hại đến cuộc sống của 700 nghìn thanh thiếu niên ở Anh. Theo đó, gần 100 thanh thiếu niên bị mất nhà cửa mỗi ngày do bố mẹ lạm dụng rượu. Nghiên cứu, khảo sát 3.000 gia đình có trẻ em từ 10-17 tuổi cũng phát hiện ra rằng, 2 trong số 5 thanh thiếu niên phải sống trong bạo lực gia đình. |