Một chủng người cổ chưa từng được biết
- Tiết lộ khuôn mặt của tổ tiên loài người từ 3,8 triệu năm trước
- Phát hiện đô thị cổ Maya có thể viết lại lịch sử loài người
Lịch sử phức tạp
Những năm đầu thế kỷ 21, người hiện đại dần phát hiện ra họ mang nguồn gốc phức tạp hơn rất nhiều so với quan niệm trong quá khứ. Gần như không có ai mang gene thuần chủng của người thông minh (Homo sapiens), bởi tổ tiên của chúng ta từ lâu đã hôn phối với người Neanderthal để tạo ra những hậu duệ sau này. Vì thế mặc dù người Neanderthal đã biến mất khoảng 30 ngàn năm trước, bộ gene của họ vẫn tồn tại ở người hiện đại với tỷ lệ khoảng 1-4% trên bộ gene của người châu Á, châu Âu và châu Đại Dương.
Nếu tính cả những bộ mã gene rời rạc của người Neanderthal còn sót lại ở người hiện đại, mỗi người chúng ta mang trong mình đến 20% dấu ấn của người nguyên thủy. Một nghiên cứu vào năm 2014 đã minh chứng điều đó và dần thuyết phục mọi người, dù ban đầu tác giả công trình trên đã gây khá nhiều tranh cãi. Ở một góc độ khác, điều đó cũng có nghĩa châu Phi là lục địa duy nhất có người hiện đại thuần chủng, với bộ gene gần như nguyên vẹn của chủng người Homo sapiens!
Người Homo erectus được cho không mang bộ gene di truyền đến người hiện đại. |
Không giống như những nơi khác, châu Phi chưa bao giờ có người Neanderthal đặt chân tới. Đó là lý do giải thích tại sao ngay cả những người châu Phi hiện đại cũng không mang trong mình gene của người Neanderthal dù tất cả những khu vực khác đều có. Nhờ vào công nghệ hiện đại giúp phục hồi các đoạn gene rời rạc từ hóa thạch, các nhà khoa học gần đây còn phát hiện ra một chủng người cổ khác. Họ tạm đặt tên là người Denisovan.
Chia sẻ về nghiên cứu của mình, tiến sĩ Adam Siepel thuộc Viện Cold Spring Harbor của Mỹ cho biết ông sẵn sàng đi ngược lại các quan điểm trong quá khứ để xây dựng một sơ đồ hoàn chỉnh ghi lại quá trình tiến hóa, hôn phối của người hiện đại với các chủng người khác. Bằng phương pháp so sánh, đối chiếu gene của người hiện đại (thu thập từ các cá nhân trên toàn thế giới) với người cổ, Siepel đã khám phá ra rất nhiều chi tiết thú vị.
Quá trình hình thành người hiện đại diễn ra rất phức tạp bởi có sự hôn phối với những chủng người cổ khác từ hàng trăm ngàn năm trước. Bên cạnh người Neanderthal và người Denisovan, một chủng cổ xưa hơn là người vượn Homo erectus cũng có thể liên quan đến người hiện đại. Quá trình lai giữa các chủng người lặp đi lặp lại nhiều lần trong suốt hàng trăm ngàn năm, qua đó mới tạo nên chúng ta như ngày nay.
Dự án tái sinh người Neanderthal chịu nhiều phản đối. |
Thừa kế và sống sót nhờ tổ tiên
Không phải châu Âu hay châu Á, mà châu Phi mới chính là xuất phát điểm của người Homo sapiens. Từ lục địa đen, người hiện đại di cư sang các châu lục khác vào khoảng 200-300 ngàn năm trước. Đó cũng là thời điểm họ bắt đầu gặp gỡ, hôn phối với các chủng người khác trên hành trình bành trướng trên toàn thế giới. Lý do ấy giải thích vì sao bộ gene của người hiện đại mang rất nhiều mã gene của các chủng người cổ đã và chưa từng được biết tới.
Thú vị hơn, ngay cả chủng người cổ Denisovan cũng được xếp vào nhóm người không thuần chủng với bộ gene khác lạ của mình. Ít nhất 1% gene của người Denisovan cho thấy họ là hậu duệ của người vượn Homo erectus, vốn đã bành trướng trên khắp lục địa Á-Âu khoảng 1 triệu năm về trước. Thông tin về người Denisovan khá hiếm hoi, bởi họ mới chỉ được biết đến vào năm 2008. Trong quá trình phát lộ di tích hang Denisova tại Siberia, Nga, các nhà khoa học vô tình phát hiện hóa thạch của chủng người này.
Nghiên cứu về họ, các nhà khoa học nhận định tuổi thọ con người hiện đại cao hơn tổ tiên trong quá khứ chính là do chúng ta thừa hưởng bộ gene quý của người Denisovan. Họ di truyền cho người hiện đại những mã gene giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm, béo phì, tim mạch và tiểu đường. Tác động xấu duy nhất người Denisovan di truyền lại cho người hiện đại là nghiện chất nicotine có trong thuốc lá.
Xét về bộ gene, người Denisovan có chung nguồn gốc với người Neanderthal, nhưng thuộc về một chủng người cổ xưa hơn rất nhiều. Phần khó hiểu duy nhất trong chuỗi nghiên cứu này là tại sao người Denisovan có ảnh hưởng lớn đến người hiện đại như vậy nhưng dấu tích về họ lại vô cùng hiếm hoi? Nếu không có hóa thạch của mẩu xương ngón tay được tìm thấy tại hang Denisova, hẳn chúng ta đến giờ vẫn chưa hề biết tới người tổ tiên này.
Quan trọng hơn, người Denisovan nhiều khả năng trong quá khứ từng tiến xa hơn bất cứ chủng người cổ nào khác trên hành trình khám phá các lục địa. Không lâu sau khi hóa thạch đầu tiên của người Denisovan được tìm thấy, các nhà khoa học phát hiện di chỉ tiếp theo về họ trên đảo Melanesia thuộc Papua New Guinea. Ngay cả người Neanderthal cũng không có phân bố gene rộng khắp, trải dài từ Siberia đến Đông Nam Á như người Denisovan.
Điều này giải thích phần nào tại sao các thổ dân trên đảo mắc rất ít bệnh liên quan đến tim mạch, và phần lớn dân số nghiện thuốc lá! Việc nghiên cứu thêm về bộ gene quý người Denisovan để lại có thể giúp y học hiện đại có thêm nhiều nghiên cứu đột phá trong quá trình điều trị các bệnh nan y. Điều khó khăn nhất đến lúc này là chúng ta không thể khoanh vùng chính xác khu vực mà người Denisovan từng đặt chân đến, bởi nó quá rộng nhưng lại có quá ít di chỉ khảo cổ được phát hiện.
Sơ đồ tiến hóa và di cư của các tộc người trong quá khứ. |
Chúng ta là hậu duệ của những ai?
Việc con người có một phần năm bộ gene được thừa hưởng từ các chủng người nguyên thủy càng kích thích các nhà khoa học tìm hiểu thêm về người cổ thông qua việc phân tích gene. Chúng ta có khoảng 3% gene của người Neanderthal, 1% gene từ người Denisovan, vậy 16% còn lại thuộc chủng nào? Giới nghiên cứu chỉ dám suy đoán đây là phần thuộc về người Homo erectus, nhưng họ lại không thể nào chứng minh được điều đó. Trong một khả năng khác, đây có thể là chủng người mới chưa từng được biết đến trước kia.
Sở dĩ người Homo erectus được cho là không liên quan đến người hiện đại bởi các bộ gene thu thập về chủng người này trước đây không cho thấy điều đó. Ngoài ra, thời kỳ xuất hiện khá lâu trước khi người hiện đại ra đời cũng là một phần nguyên nhân khiến người Homo erectus bị gạt ra khỏi danh sách những người tổ tiên trực hệ. Tuy nhiên, chúng ta thừa kế rất nhiều di sản từ họ như thói quen sống theo các nhóm lớn, cũng như kỹ năng sử dụng lửa.
Những nghiên cứu đột phá về quá trình hình thành và phát triển người hiện đại thường xuất hiện mỗi lần sau một thập kỷ, vì thế việc những luồng thông tin tranh cãi như trên không phải chuyện hãn hữu. Khi mới phát hiện ra người Neanderthal, chúng ta từng khẳng định đây là một chủng người tiến hóa lên người hiện đại, nhưng luận điểm đó sau này được bác bỏ. Trên cây tiến hóa, người Neanderthal chỉ là anh em với chúng ta chứ không phải tổ tiên.
Điều tương tự cũng xảy ra với người Denisovan, chỉ khác biệt là chủng người này được phát hiện khá muộn. Nhưng dù có tìm kiếm liên tục trong thời gian qua, các nhà khoa học cũng không thể phát hiện thêm dấu tích nào về người anh em thứ tư để lại 15% bộ gene cho người hiện đại ngày nay. Vậy làm thế nào để biết chắc chắn về bộ gene của con người thừa hưởng từ những chủng người nào? Một giả thuyết viễn tưởng vừa được đưa ra thời gian gần đây: Tái sinh người nguyên thủy.
Kế hoạch táo bạo và đầy tranh cãi đó được đưa ra sau khi các nhà khoa học công bố lập xong bản đồ gene của người Neanderthal dựa vào những di chỉ còn sót lại. Việc chủng người này từng sinh sống ở những vùng lạnh lẽo nhất thuộc Kỷ Băng hà đã giúp quá trình trên diễn ra nhanh hơn, bởi chúng ta tìm được không ít thi hài người Neanderthal được vùi trong tuyết ở vùng cực Bắc. Một số người còn ở trạng thái gần như nguyên vẹn khi được phát hiện. Tuy nhiên dự án này vẫn đang vấp phải khá nhiều tranh cãi về tính khả thi cũng như vấn đề nhân đạo.