Mùa sếu trở về

15:14 19/05/2013
Đi xe máy một ngày đường dài gần 600km, chúng tôi bơ phờ tìm đến đồng cỏ Bàng thuộc xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, nơi được thông báo là sếu đầu đỏ thường về sau Tết. Theo người dân địa phương cho biết, sếu đầu đỏ là loại chim có thân hình cao to đến 1,5m nặng từ 8 đến 10kg và tiếng kêu của nó vang xa đến 2km thuộc giống hạc trời, thường được đúc thành tượng đứng hầu ở các đền thờ. Loại sếu này còn gọi là sếu cổ trụi, là một loại chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Đêm không ngủ

Lúc chúng tôi đến đã là 5h chiều, nên ngủ tạm trong một căn nhà hoang của người dân Khmer dùng để giữ trâu. Căn nhà tuềnh toàng lợp lá dừa nước đã bắt đầu phân hủy nằm trên gò đất cao, xung quanh là cánh đồng cỏ năng rộng mút cả tầm mắt. Ở Nam bộ dường như vào lúc hoàng hôn, mặt trời lớn hơn, ánh tà dương màu vàng úa tỏa những tia nắng yếu ớt lặng chuẩn bị trả lại cho bóng tối mênh mông chạy dài không hết.

Chị Nhi, vợ nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Thương tranh thủ trời còn sáng vội vã tìm kiếm những cành lá, cỏ khô nhóm bếp để làm món mì tôm, trứng và rau xà lách đã mua từ lúc 3h chiều ở một quán nhỏ ven đường. Chừng 1 giờ sau, trời bắt đầu tối hẳn, muỗi từng đàn bay râm ran trong khắp căn chòi tạo thành một thứ âm thanh hỗn loạn như một dàn nhạc không có nhạc trưởng. Anh Quang Bảo dân Sài Gòn chính hiệu giăng mùng, ngồi bó gối nhìn ra bóng đêm cười hằng hặc vừa đập muỗi vừa văng tục chửi đàn muỗi chết đói.

Riêng anh Hoàng Nam có biệt danh Núi Sam là dân thổ địa, sống bao đời trên vùng sông nước, nên anh chủ động chuẩn bị một cái mùng tập thể đốt ngọn đèn dầu leo lét, rồi kéo cả nhóm vào mùng ngồi xếp bằng ăn tối. Đó là bữa ăn đạm bạc, nhưng thấm đẫm tình người, lúc ấy chúng tôi cần nhau hơn bao giờ hết. Có lẽ khi đối mặt với sự khôn khó và cô đơn con người mới cần nhau đến thế! Đến 9h15’ tối, chúng tôi nghe tiếng lội bì bỏm ngoài đồng, tiếng người hự hẹ. Núi Sam bảo “Danh Sự lùa trâu về đấy!”. Đúng thế! Chỉ vài phút sau đã nghe tiếng chân người, tiếng tằng hắng và giọng nói lơ lớ của anh. Danh Sự bước vào chòi giữ trâu hỏi: “Ông nhà văn, và thợ chụp ảnh ở Sài Gòn đến đủ chưa Núi Sam?”. “Đến đủ rồi, anh Sự ăn gì chưa, vào đây ăn mì tôm nấu theo kiểu Ý của tụi này cho vui đi!”. “Chưa! Mấy con trâu cứng đầu quá không chịu về chuồng. Mẹ! Tối rồi mà chúng nó vẫn đứng đó mày ạ! Đúng là ngu như trâu”, Danh Sự lầu bầu.

Danh Sự là tên một người đàn ông đã có tuổi, người Khmer là chủ căn nhà hoang này. Qua ánh đèn dầu mù mờ, tôi nhìn anh với làn da điệp vào bóng tối, dáng anh cao gầy sừng sững muốn đụng đến mái nhà và đôi mắt anh dường như sâu hun hút có quần đen. Thực ra, trong bóng đêm mờ ảo khó nhìn rõ mặt người, nhưng tôi ngẫm nghĩ anh là người tốt, sống chân thật hết lòng với anh em bè bạn.

Việc anh xởi lởi: “ĐM, bụng đói meo đây, mì tôm mì tiếc gì chơi láng hết!” chứng tỏ Danh Sự là người sống thật với mình và không câu nệ. Trong đời này, khi mà đồng tiền và hy vọng ảo choán chỗ tâm thức, con người sống với nhau hai mặt, sự băng hoại đạo đức của xã hội cũng bắt đầu từ một trong những nguyên nhân đó, Danh Sự vẫn còn là người nguyên chất. Đêm ở cánh đồng cỏ Bàng, Phú Mỹ dài dằng dặc.

Chúng tôi nằm co ro, mắt mở lao láo, hình tượng đàn sếu đầu đỏ bay lượn với tiếng kêu trầm vang vọng, tưởng tượng cả trăm con sếu bay lượn vươn mắt lơ láo quan sát bóng người rồi xòe cánh rà chân dài ngoằng cả mét trước khi đáp xuống. Danh sự vẫn không ngủ, anh nằm võng ở hiên nhà đong đưa kẽo kẹt, chậm rãi hút thuốc. Đóm lửa trên môi anh chập chờn trong đêm tối, mùi thuốc lá giồng Kiên Lương khen khét nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. “Ông nhà văn ngủ chưa?”, tiếng Danh Sự khàn khàn nói trổng một mình. “Dạ, chưa” Tôi trả lời. “Ra đây nằm chơi đi, tôi móc võng cho ông rồi!”. Tôi cố ngồi chồm dậy, mò ra hiên chòi, nằm đong đưa gần anh giữa bầu trời đen mênh mông cỏ năng cỏ lác.

- Anh là nhà văn, anh biết tiếng Khmer không? Danh Sự vui vẻ đưa cho tôi một điếu thuốc lá giồng đã quấn sẵn.

- Dạ không biết! chỉ biết tiếng Khor thôi. Tôi ở Tây Nguyên mà!

- Anh biết tiếng Tây không! Danh Sự hỏi tiếp.

- Dạ! nói được tiếng Anh và tiếng Pháp sơ sơ. Tôi trả lời.

- Sao hay vậy cha nội? Nói một câu nghe coi! Thằng Ba Sự này chưa được nghe tiếng Tây bao giờ ông ơi!

Đêm ấy, Ba Sự kể cho tôi nghe về cuộc sống phiêu bạt của dòng họ nhà sếu, mà cả đời anh gắn liền với loại động vật hoang dã này. Ba Sự sinh ra và lớn lên tại đất Kiên Lương, mảnh đất đặc quánh tình người từ ngày xưa cho đến bây giờ, anh nhớ được từng ụ mối, từng ngôi nhà, con lạch và biết được tâm tính các loài cá đồng khi nước ròng nước lớn. Anh quấn thêm điếu thuốc lá giồng miền tây mùi khen khét, tỉ tê với tôi trong đêm vắng bằng giọng và cách nói thật thà chân chất Nam bộ. “Ngày xưa, lúc tui còn nhỏ, năm nào cũng chờ sếu về gài bẫy bắt nó mần thịt. Con sếu, ngó nó thì đẹp, nhiều thịt nhưng ăn dỡ ẹt ông ơi! Tôi rút ra được một điều, trên đời này chưa chắc cái gì đẹp là cái đó ăn ngon ông ạ! Sau này nghe nhà nước nói nó sắp bị diệt chủng, cố giữ lại nên tụi này không bắt mần thịt nữa. Anh biết không! Mỗi năm từ tháng một đến tháng sáu dương lịch là mùa sếu về kiếm ăn tại cánh đồng cỏ Bàng. Phú Mỹ không phải là nhà của nó, nên chỉ về kiếm ăn thôi. Năm nào chúng cũng mò về đây cả, có khi đến 2 hay 300 con, rồi về ít đi, năm ngoái chỉ có 38 con, còn năm nay chưa biết. Anh có biết vì sao đàn sếu về thưa dần không? Chắc ông “đách” biết! Loại sếu này sống ở các vùng nước cạn và chỉ ăn củ năng kim cùng với mầm lá non cỏ bàng. Củ năn kim to nhất cũng chỉ bằng đầu ngón tay, thơm và giòn, củ của nó nằm sát trên mặt đất, chỉ cần lấy đoạn cây cụt (ngắn) khèo khèo vài cái là nó tróc lên thôi, ông ạ!”.

Trong bóng đêm, Ba Sự dúi cho tôi một nắm củ bảo ăn thử. Tôi bóc vỏ đưa vào miệng nhai từ từ để chiêm nghiệm hương vị một loài thảo mộc mà không ít lần được nghe kể. Thực tình, đối với cảm giác của tôi, củ năng kim không ngon lắm, nhưng bùi bùi, có vị ngọt ngọt lại có hương thơm. Thảo nào mỗi năm đàn sếu lại mò về đây vừa có lá non cỏ bàng vừa có món củ năng khoái khẩu. Ba Sự đập muỗi chửi thề, tiếp tục câu chuyện: “Nhưng bây giờ cánh đồng cỏ năng Phú Mỹ bị teo lại do người ta đào đất nuôi tôm, ngay cả đàn trâu của tui cũng không biết có còn nơi để thả rông suốt ngày đêm không nữa. Tui đã báo với thằng Núi Sam khoảng 4 hay 5h sáng là chim sếu về, trước khi hạ cách chúng nó bay lượn nhiều vòng kêu oắc oắc để quan sát người rồi mới đáp xuống. Bây giờ chắc đến 3 giờ, còn hơn một tiếng nữa chúng tới, anh cũng cố ngủ một chút để lấy sức.” Có lẽ vì mất ngủ nên giọng anh khều khào, và chỉ trong vài phút Ba Sự đã ngáy khò khò. Trong mùng tập thể, các bạn tôi chìm sâu trong giấc ngủ sau một ngày đường mệt nhọc. Tôi vẫn không thể nào ngủ được, chập chờn hình ảnh đàn sếu bay dáo dác kiếm ăn khi mà cách đồng cỏ năng càng ngày càng mất dần, cũng như người nông dân không còn đất rồi họ sẽ ra sao! khi mà cả đời người, từ thế hệ này sang thế hệ khác tồn tại trên mảnh ruộng được tính theo giạ lúa, lấy số giạ lúa hàng năm để làm cơ sở để đánh giá giàu nghèo!

Những nén hương mang hồn của đất

Trời sáng dần, bình minh đã bắt đầu xuất hiện. Trên bầu trời xanh trong, một đàn sếu bay về. Những tiếng kêu gọi đàn như muốn phá vỡ không gian yên tĩnh, đàn sếu bay hiên ngang chấp chới dưới bầu trời chập chờn mây trắng một cách yên bình như một bức tranh kiệt tác của thiên nhiên giữa trời mây và non nước. Chúng bay có hàng lối, tuần tự con trước con sau như một hàng quân, kết lại thành hình chữ V rất đẹp. Đàn sếu bay đảo 3 vòng trước khi đáp xuống đồng cỏ Bàng.

Từ 5h sáng, nhóm chúng tôi đã lấy bùn xoa đầy người bò theo hướng ngược gió để chúng không phát hiện mùi lạ, tay mang máy ảnh, vai vác chân máy nhích dần từng bước. Có lúc phải ngâm mình dưới nước để có thể tiếp cận trong cự ly gần nhất 200m, 100m, 70m… Đàn sếu vẫn vô tình ung dung nhởn nhơ một cách vô tư, có lẽ chúng không còn xem loại động vật hai chân là kẻ sát thủ nữa. Vì cũng đã lâu rồi người Kiên Lương xem sếu đầu đỏ là những người bạn quí hiếm, góp phần minh họa cho cuộc sống yên bình mà không phải nơi nào cũng được thiên nhiên ưu ái như thế.

Bò trong điều kiện nước bùn quánh lại cộng với máy ảnh cồng kềnh một quãng đường dài 150m, anh Quang Bảo vừa đuối sức vừa đau lưng nên ngồi dậy xoa bóp, bị con sếu đầu đàn phát hiện, chúng kêu vang trời rồi cả đàn hốt hoảng vỗ cánh bay lên để lại cho chúng tôi một không gian đầy luyến tiếc và thất vọng. Nhóm chúng tôi lúc này được phép đứng dậy, nặng nề mang đồ nghề về lại ngôi nhà hoang trong lặng lẽ. Cùng lúc ấy anh Danh Sự trở về chặc lưỡi. “Loại chim này khi đã bị động bất thình lình, ngày mai nó không trở lại đâu, tôi biết mà! Hay là mấy cha trưa nay ra chợ mua nhang, trái cây cúng vái thổ địa coi, biết đâu trời đất chứng lòng thành của mấy ông. Đất có thổ công, sông có hà bá mà, tui nói thiệt đó!”. Ba Sự ngặt nghẽo cười.  Ngay buổi chiều, chúng tôi ra chợ quê mua một con gà trống, bánh trái, nhang đèn đặt lễ trước sân chòi lạy tạ khấn vái thổ địa mong ước đàn sếu ngày mai trở lại.

Đêm thứ hai về trong căn nhà hoang mang tâm trạng khắc khoải lo âu. Liệu lời cầu nguyện của chúng tôi với hương thần thổ địa có trở nên hiện thực. Sếu là loài động vật hoang dã, trái đất này là ngôi nhà chung của nó. Có thể hôm nay chúng đến Việt Nam, ngày mai lại bay sang khu ngập nước Ramsa ở tận Philippines, thổ thần nào giữ được những con vật mà tổ tiên mang dòng máu di trú. Đêm đã khuya, ngoài đồng tiếng trâu giẫm chân huỳnh huỵch, tiếng con kúm núm kéo dài và tiếng chim cuốc kêu từ xa vọng về như tiếng khóc than ai oán, nhưng lại là một sự trường tồn dành cho loài động vật sống về đêm. Tối nay Ba Sự không về.

Không biết sáng mai có sếu về hay không! Nhưng đến 4h sáng, chúng tôi tiếp tục lên đường nằm phục sẵn trên bờ con sáng, cách đồng cỏ Bàng cách 30m nằm im, đầu đội cỏ, toàn thân trét bùn, 3 máy ảnh đặt sẵn trên bệ như lính đặc công thứ thiệt. 5h37’, 5 con, rồi 7 con, rồi cả đàn 21 con đáp xuống trong lặng lẽ không một tiếng kêu. Toàn cảnh đàn sếu đủ sắc màu đang từng bước kiếm ăn, thỉnh thoảng xòa cánh, nhảy đùa giỡn với nhau... tất cả những khoảng khắc vàng ấy đều lần lượt ghi vào trong bộ nhớ máy ảnh chúng tôi. Một vài con đã nhìn thấy những chòm cỏ cử động, nhưng có lẽ chúng đã nhận thấy không nguy hiểm nên vẫn đi lại bình thường.

Trên đường về, tôi cứ ám ảnh những lời tỉ tê của Ba Sự trong bóng đêm. “Năm 2000 sếu về Phú Mỹ 300 con, năm 2005 có 100 con, năm 2010 có 38 con và năm nay là 21 con. Không biết sang năm là bao nhiêu. Ông nhà văn “đách” biết đâu! Những nhà giàu, có thế lực cố tình cho sán cạp phá bỏ đồng cỏ để làm đầm nuôi tôm nước lợ, mai mốt còn cỏ đâu mà sếu mò về kiếm ăn, rồi chúng nó cũng sẽ chết thôi, chết vì đói, chứ diệt chủng gì? Người giàu độc ác thiệt ông ơi!”

Trần Đại - Văn Thương

Hôm 13/12 (giờ địa phương), ông François Bayrou (73 tuổi), lãnh đạo đảng Phong trào Dân chủ Pháp (MoDem), đồng minh của Tổng thống Emmanuel Macron, được bổ nhiệm giữ cương vị thủ tướng Pháp. Theo The Guardian, tân thủ tướng tự nhận mình là "người đàn ông của vùng đồng quê".

Giá rét tê tái vẫn tiếp tục bao trùm khắp các tỉnh thành miền Bắc với nền nhiệt thấp phổ biến từ 10-13 độ, vùng núi 7-10 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ. Nhiều nơi tại miền Bắc rét đi kèm với mưa.

Sau khi nhiễm liên cầu lợn, bệnh nhân C.T sốt 38 độ C, bị ban sung huyết, xuất huyết rải rác vùng cẳng chân, vành tai, hoại tử khô đầu ngón tay. Qua các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm màng não mủ do liên cầu lợn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文