Mùa xuân ấy tôi rời núi…

10:09 12/05/2020
Chẳng biết cơ duyên nào đã đưa gia đình tôi đến sống ở cái thành phố nhỏ bên dòng sông này. Bàn chân tôi từng đi dọc triền sông, từng mải miết viết về bao điều. Nhưng có lẽ, sẽ chẳng có gì đáng nhớ nhất, diệu kì nhất như ngày rời xa những ngọn núi.

Ngày ấy, xóm núi của tôi mọc lên giữa bãi đá ngổn ngang. Phần vì do bom đạn, do công binh nổ mìn đào hang trú ẩn, phần do các công trường khai thác đá thời bao cấp để lấy đá bảo dưỡng đường quốc lộ 6, đoạn dẫn lên đèo Pha Đin. Ở đây, nhà nào cũng phải dọn đá, hòn lớn thì để kè vào bờ rào, nền nhà; hòn nhỏ thì nằm rải rác giữa luống rau, gốc ngô và những khóm hoa.

Cuộc sống ở núi quanh đi quẩn lại hết  trồng ngô, sắn, lúa tẻ nương đến kiếm rau cho lợn ăn, kiếm củi. Thiếu nước, cây và người cứ cằn cọc như đá. Những cây su hào, bắp cải cấy xuống qua mùa sương muối thì chết héo. Mùa gió Lào về, cả cái lá mía cũng xơ xác. Ấy thế mà xuân đến, đám cây mọc khắp bờ rào bỗng bung nở hoa đỏ, hoa trắng, mọi người chợt nhớ ra là  mơ, là mận, là đào đấy chứ.

Nhà văn Bùi Việt Phương.

Khi tôi lớn lên, vườn nhà đầy ắp hoa cà phê mỗi độ vào xuân. Thứ hoa đẫm sương và lung linh trong nắng mỗi sáng chủ nhật được thức dậy muộn hơn mọi ngày. Những buổi chiều cuối xuân, dù nắng đã về bên kia đồi nhưng trời vẫn ấm, tôi ngắm nhìn khu vườn, mảnh nương xanh mướt đến tận sườn núi đá vôi bạc của mình tự nhủ: sẽ chẳng việc gì phải đi đâu, chừng ấy là đủ.

Bỗng dưng một ngày, cha mẹ tôi bàn với nhau, phải chuyển vùng. Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, con đường vào Đại học là sự lựa chọn sống còn của học trò. Vì muốn lo cho tương lai của hai anh em tôi, cha mẹ muốn chuyển nhà về một thị xã phía hạ lưu con sông Đà. 

Tất cả bắt đầu rục rịch, ngô không trồng thêm vụ mới, không mua thêm lứa lợn giống mới và điều đăc biệt nhất là bộ khung nhà mới còn đang nham nhở nhưng nhát đục đành xếp lại một góc.

Một sớm, trước ngày lên đường theo dự định, người bạn thân của cha tôi bỗng dưng chạy đến. Hóa ra, kế hoạch có thay đổi, phải khởi hành sớm hơn hai ngày. Chiếc xe tải của ông không lên nổi con dốc, thế nên chỉ những thứ thiết yếu của gia đình được bốc lên xe mang theo. Tôi phải để lại cái bàn học bao năm, khi bước qua đống gỗ đáng ra sẽ là một bộ khung nhà mới, tôi thấy như vừa từ bỏ một tương lai ở mảnh đất mình đã cất tiếng khóc chào đời này.

Bản làng xưa lại đón tôi (ảnh minh họa).

Tôi đi phía sau cha mẹ và anh, buổi sáng cuối xuân ở núi thật yên bình. Những người hàng xóm đứng ở bờ rào để chào gia đình tôi. Những bờ rào mà chính tôi cùng họ đã kiếm cây và chằng buộc. Họ tiễn chúng tôi về với đồng bằng bằng một ánh mắt thật lạ, nửa như thèm muốn con đường phía trước của tôi, nửa như lưu luyến, lại vừa như một dấu hỏi: Bao giờ các bạn sẽ trở về?

Nhưng có lẽ đoạn đường cuộc chia tay với những người hàng xóm lại sẽ không ấn tượng bằng cảnh vật. Đồng cỏ nhỏ nằm dưới thung với trâu bò đang nhẩn nha, những em bé chưa đến tuổi tới trường đang nô đùa bằng những trái bóng mà ai đó về xuôi vừa mang lên. Trái bóng lăn đi như tôi đang xuôi về phía hạ lưu con sông này. Tôi đi qua rặng tre cao vút rồi cúi đầu che bóng mát cho con đường. Có một thời  tuổi thơ đi học về tôi sợ bóng tre cựa mình như người khổng lồ thức dậy. Rồi lớn thêm, mỗi lần đến trường ngắm tơ nhện giăng trên tay tre hứng đầy sương đêm óng ánh dưới nắng mai. Mỗi trưa đi học về tôi nghe tiếng chim chào mào hót lảnh lót…

Cuối cùng, ranh giới giữa xóm núi và con đường quốc lộ 6 là một quãng đường đất, tôi đi thật chậm chỉ để dấu chân mình hằn xuống đất đậm hơn mọi khi. Ngoái đầu nhìn lại, đúng là vết chân tôi in thật rõ nét trên mặt đường. Tôi bước lên xe, hình như vẫn có chút đất đỏ bám theo để theo tôi về với phố.

Sau này, có nhiều năm sống ở Hà Nội, tôi thích những con phố vô cùng. Ngồi bên ly cà phê, bên tách trà ngắm dòng người hối hả thấy chính sự vội vã, ồn ã đó tạo nên dư vị cuộc sống cho mình. Rồi cái ngày đặc biệt ấy cũng đến, gần một phần tư thế kỷ tôi được trở lại với núi. Những ngôi nhà mới mọc lên ở xóm núi. Đá không còn, người ta đã hạ cốt những dốc cao, bạt núi, dẫn nước sạch và xây thêm một ngôi trường… Những người chủ nhân mới chỉ lờ mờ nhớ tên những người hàng xóm cũ của tôi cùng câu nói: Thế thì từ lâu lắm rồi anh nhỉ?

Con đường này đưa tôi đi và lại đón tôi trở về.

Tôi như người khách ghé thăm miền đất mới. Ngoài ngọn núi đá vôi vẫn trầm mặc kia, tất cả đã thay đổi. Núi ở với người chứ người đâu có chịu cả đời với núi. Có thể những cư dân mới này sẽ lại có một ngày chuyển xuống đồng bằng để nắm bắt cơ hội trong cuộc sống, để tiện cho công việc làm ăn, cho việc học hành của con trẻ. Có một chút gì đó như được gặp lại núi sau từng ấy năm, lại có chút gì như vĩnh viễn mất đi, thời gian không đợi ta được, tất cả đều tự mình vận động để thay đổi. 

Người bạn bằng tuổi đi cùng quay sang hỏi tôi, với anh thì nơi này chắc chắn chả có cảm xúc gì: "Vậy là ông được về lại nơi sinh ra và lớn lên rồi đấy nhé, đỡ nhớ, đỡ thèm chưa?". Tôi cười: "Ờ! Rồi mà lại chưa ông ạ". Xe lăn bánh, chúng tôi trở về trên con đường cũ. Sớm mai lại thức dậy ở thành phố quen thuộc bên dòng sông, lại hối hả đến công sở, lại hòa mình vào guồng quay hối hả của công việc. 

Cuộc đời chỉ có thể chắt ra những kỷ niệm như một ly rượu ủ lâu ngày, chứ không ai được tắm mình trong ký ức vì còn bao thứ tương, cà, mắm, muối… phải lo toan giữa đời thường. Nhưng trong lòng tôi mỗi dịp cuối xuân lại nhớ về ngày rời núi, một sự kiện sẽ còn lưu luyến và tiếc nuối mãi trong cuộc đời mình. Sớm ấy, mùa xuân, tôi đã rời xa núi như thế đấy…

Nhà văn Bùi Việt Phương

Tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Cho muôn đời sau”. Dự chương trình có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội; các đồng chí trong Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân cùng đông đảo khán giả yêu âm nhạc.

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với các bị can: Huỳnh Thế Năng (SN 1959, cựu Tổng giám đốc Vinafood II), Đinh Trường Chinh (SN 1974, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà) và Nguyễn Thọ Trí (SN 1961, cựu Phó Tổng giám đốc Vinafood II) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Thông tin nhà thiết kế Nguyễn Công Trí - người được mệnh danh là “phù thủy thời trang Việt Nam” bị bắt liên quan đến đường dây ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy, khiến dư luận sửng sốt. Từ một tên tuổi gắn liền với thời trang cao cấp, thảm đỏ danh giá và những bộ sưu tập làm rạng danh làng mốt Việt, Công Trí giờ đây sụp đổ, đánh đổi bao năm gây dựng hình ảnh bằng một lựa chọn sai lầm.

Trước khi sáp nhập, năm học 2024-2025 ngành GDĐT TP Hồ Chí Minh có hơn 1,7 triệu học sinh, Bình Dương có khoảng 520.700 học sinh và Bà Rịa - Vũng Tàu có 300.000 học sinh. Sau khi sáp nhập, hiện thành phố có khoảng 2,6 triệu học sinh, nhiều nhất cả nước. Về quy mô trường lớp, sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 3.500 trường học từ bậc mầm non tới THPT.

Liên quan đến vụ lật tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long do dông lốc bất ngờ khiến nhiều người thiệt mạng vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) khẳng định đây là trường hợp hy hữu, đồng thời kêu gọi các cơ quan truyền thông, cộng đồng chia sẻ để ngành Du lịch tiếp tục vực dậy sau đại dịch COVID-19.

Chiều 24/7, tại xóm Bản Đồn, xã Tân Kỳ, tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công an phối hợp Tỉnh uỷ, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khởi công "điểm" thực hiện Đề án của UBND tỉnh về "Xây dựng 1.000 căn nhà cho nhân dân thực hiện mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sau sáp nhập tỉnh từ nguồn kinh phí đề nghị Bộ Công an hỗ trợ".

Chiều 24/7, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hưng Yên tiếp tục xét hỏi các bị cáo từng là cán bộ, phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam do bị cáo Đồng Xuân Thụ là cựu Tổng Biên tập. Được biết, trước khi gây ra vụ án này, tháng 10/1997, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã xử phạt hành chính bằng hình thức cảnh cáo đối với Đồng Xuân Thụ về hành vi giả mạo giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan Nhà nước, của tổ chức xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.