Mùa xuân ở thôn "ngã ba"

11:20 25/02/2016
Lần thứ hai chúng tôi được ngồi ăn cơm với gia đình ông Thào Seo Cáo. Bữa cơm ngày đầu năm không thiếu thốn như vụ mùa năm ngoái. Bữa cơm có tô thịt mỡ nhóng nhánh, có bát tiết canh đỏ tía và vò rượu thơm lừng hương nếp. Vừa uống vừa ăn, giọng ông Cáo lạc đi cùng những câu chuyện không bao giờ mới ở cái thôn quanh năm đói nghèo này.


"Tết này nhớ ghé…"

Thôn 11, 12 xã Quảng Hòa (huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) từ bao năm nay luôn được mệnh danh là nơi thâm sơn cùng cốc, một trong những vùng "nguyên thủy" nhất của tỉnh Đắk Nông. Địa bàn của thôn nằm ở ngã ba của ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đông (thường gọi thôn ngã ba) nhưng bị ngăn cách bởi sông Ba và những dãy núi điệp trùng.

Tôi đã vài lần đi ngang qua vùng hoang sơ đó và hơn một lần "dầm mình" với những con người "sống trong núi chết vùi trong núi". Tôi ám ảnh không chỉ bởi bức tranh cuộc sống ảm đạm, mốc meo, xám xịt của đồng bào Mông nơi đây, mà còn ám ảnh với đôi mắt trẻ thơ hoảng sợ đến té đái khi thấy chiếc xe máy, những cặp môi thâm xì, mốc thếch, nứt nẻ te tua vì nắng, gió và nguồn nước nhiễm phèn. 

Thôn nằm lẻ loi sau những dãy núi điệp trùng.

Còn nhớ đận đó, vợ chồng ông Thào Seo Cáo mỗi người nắm một bên tay của chúng tôi kéo bằng được vào dùng bữa cơm chiều. Nếu khách không ở lại tức là coi thường gia chủ, không thật lòng và đừng mơ lần sau quay lại được chào đón. Thế rồi chúng tôi ngồi ăn cơm.

Đó là một bữa cơm đặc biệt trong đời của tôi, bữa cơm khác với hàng ngàn bữa cơm tôi từng ăn. Hạt cơm màu nâu tím, còn chưa tróc hết lớp vỏ lúa, cơm vào miệng đã cảm nhận rõ hạt trấu lao xao bám rát cuống họng. Thức ăn là một tô rau cải ngồng già xơ xác, vừa ăn vừa nhả bã, chấm cùng với muối ớt xanh cay xé mắt. Đàn con của ông Cáo sụt sịt chấm chút thức ăn rồi lùa cơm vào miệng ngon như trẻ con ở thành phố uống sữa. Chẳng mấy chốc mà nồi cơm "Thạch Sanh" lòi cháy đen xì. Rồi cháy đen cũng sạch bay.

Chúng vuốt bụng, chẹp miệng đứng lên vẻ chưa no nê cho lắm. Có lẽ do chúng tôi ăn mất vài bát cơm trong khẩu phần ăn hàng ngày nên hôm ấy chúng đói. Gia chủ thì hào sảng, vỗ vai thỏa chí, cười ầm ầm. Khi chia tay, ông Cáo chạy ra đầu nhà dặn dò thống thiết: "Này, ở gần đây thì Tết năm nay ghé nhá. Tết có mổ heo và hát hội vui lắm. Nhớ đó, không đến là không được đâu".

Cứ ngỡ buông một lời hứa hão huyền cho xong để rồi đi, ai dè ngày 29 Tết ông Cáo gọi cho tôi thúc giục phải đến. Đến mà xem người Mông ở "ngã ba đường" ăn Tết thế nào. Ông nhắc lại lời hứa của chúng tôi, nên có uốn lưỡi bảy lần lấy cớ nọ kia cũng không thể nào từ chối được. Và tôi đi. Từ TP Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) chạy xe theo hướng quốc lộ 27 về tới Quảng Hòa hết ngót trăm cây số. Đường nhựa láng bóng, ít ổ gà, ổ vịt hơn một năm về trước. Tới ngã ba giáp ranh ba tỉnh, rẽ phải theo con đường đất đỏ để đi vào thôn 11, 12. Chạy qua cây cầu bê tông, vào làng tái định cư rồi từ đó "xẻ" thêm ba bốn quả núi nữa thì đến. Ở đây, điện vẫn chưa có nhưng sóng điện thoại Viettel bủa vây khắp nơi, sóng căng nứt mắt, hầu như nhà nào cũng có "cục" điện thoại chọi chim.

Gia đình ông Cáo, gia đình Ma Rình, Ma Thư đang xốn xang, háo hức đón Tết mà lòng chúng tôi cũng rạo rực lây. Vài con heo đã buộc sẵn ở gốc cây kêu eng éc chuẩn bị chọc tiết. Ngoài bãi đất trống đầu thôn, cây nêu đã được dựng lên, vải đỏ bay tua tủa giữa trời. Mới đó mà diện mạo hai thôn "nguyên thủy" đã thay da đổi thịt ghê gớm.

Điện chưa có nhưng vài nhà đã sắm được bình sạc, máy nổ phục vụ dịp Tết. Nước sạch vẫn khan hiếm nhưng mùa này suối chưa cạn, ao chưa khô nên tha hồ nước thiên nhiên. Điều dễ nhận biết nhất là trẻ con thấy xe máy không lạ lẫm, không khóc thét rồi bỏ chạy nữa. Các cô thiếu nữ không bụm miệng ngoảnh mặt đi cười e thẹn mà chạy ra bắt chuyện rồi cười phớ lớ. Có lẽ xuân về nên con người cũng phải bung ra, thoát ra cái khung cửi truyền thống. Anh bạn đi cùng tôi nhận định thế.

Bếp lửa những ngày giá rét cũng hiu quạnh.

Mùa xuân "no"

Nhà ông Cáo năm nay được giao trọng trách làm phương trưởng (đứng ra mổ lợn), vì mùa vụ ngô vừa rồi trúng lớn, thóc đầy thùng, ngô đầy nhà. Con lợn khoảng 70kg, ba nhà đụng (chung). Ông Cáo hồ hởi: "Năm nào cũng thế, mổ lợn và đụng thịt trở thành ngày hội vui của cả thôn. Ai cũng háo hức, nhất là bọn trẻ con. Cả năm chúng mới được những ngày Tết có thịt ăn". Mổ lợn xong cả xóm sẽ tập trung lại ăn với nhau một bữa cơm với thịt lợn. Đặc biệt, bữa cơm ấy không được có rau xanh, bởi quan niệm bữa cỗ kèm với rau xanh thì cuộc sống sẽ còn chật vật, khốn khó.

Có một món ăn thú vị nhất của cánh đàn ông trong ngày mổ lợn là món tiết canh. Ông Cáo cho biết, tiết canh đánh hẳn vào chậu lớn rồi cứ thế để giữa mâm rượu, ai thích ăn bao nhiêu thì múc ăn. Có ông cả năm không có điều kiện ăn tiết canh, thèm quá làm một lúc mấy bát, rồi húp luôn cả nước. Ăn xong bị trúng thực "miệng nôn chôn tháo" tưởng chết. Còn những đứa trẻ cũng thèm, cũng ăn ngấu nghiến, ăn đến mức bụng ễnh ra, không tiêu hóa được.

Chẳng nói đâu xa, trong 5 đứa con của vợ chồng Ma Rình, thì ba đứa bị bội thực thịt lợn ngày Tết. Chúng ăn như người chết đói lâu ngày có cơm, ăn quên tất cả mọi thứ xung quanh, ăn như không thể có ngày mai. Bữa cơm thịt lợn trở thành nỗi ám ảnh của những đứa trẻ, người lớn phải chạy tất tả đi hái lá thuốc về "sổ" ruột. Ông Cáo kể rằng, có người say tiết canh, nôn ra toàn máu, dân làng tưởng sắp chết đi gọi thầy mo về cúng đuổi con ma. Thầy mo thắp nhang, miệng hú hét, tay chân múa máy nhảy nhót tưng tửng, chưa kịp tàn cây hương thì người bệnh mở mắt thao láo, cười nhe răng. Lại tỉnh bơ như không.

Còn vợ Ma Thư trong bữa tiệc chắc do nuốt vội quá nên mắc cục thịt trong cổ họng, nước dãi trào ra, mắt trắng bệch, ngã đùng ra giữa chiếu giãy đành đạch. Mọi người xúm lại, người đổ nước, người ấn ngực cho cục thịt "phọt" ra hoặc trôi xuống bao tử. Sau một hồi lạy lục "bầm dập" cơ thể thì cục thịt cũng trôi vào trong bụng, vợ Ma Thư hoàn hồn, không dám ăn thịt nữa.

Và cụ già "gần đất xa trời" vẫn còng lưng mưu sinh.

Cũng khổ, chẳng ai trách được chúng, chỉ vì đói nghèo triền miên nên mới sinh ra "tai nạn" ngày Tết như vậy. Đó là những chuyện vui quanh miếng ăn ngày Tết ở nơi "chó ăn đá, gà ăn sỏi", nơi sáng mở mắt ra đã thấy đói, tối buông màn đi ngủ bụng vẫn lép. Chuyện vui nhưng nghe cứ thấy chát đắng cổ họng, nghe mà đau nhói con tim.

Xong bữa tiệc thịt lợn, là đến màn lễ hội văn hóa đặc sắc. Người Mông sống bằng nghề nông, do địa vực cư trú ở miền núi cao, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên họ phải giao hòa với thiên nhiên cả khi sống và chết. Từ đó, xuất hiện vô vàn thần linh và vô vàn hồn thiêng, như: Thần Thổ Địa (thour tiv), Thần Trời (đangz ntux), Ma Thần (đangz nhênhs), Ma hoang (đangz kuk)… Cúng các thần linh và linh hồn người Mông gọi là mở hội núi. Hội núi diễn ra liên tục hai đến ba ngày. Trong những ngày này, người ta chỉ tập trung vào uống rượu và múa hát cho quên đi những lo toan nghèo đói thường ngày.

Lần thứ hai chúng tôi được ngồi ăn cơm với gia đình ông Cáo. Bữa cơm ngày đầu năm không thiếu thốn như vụ mùa năm ngoái. Bữa cơm có tô thịt mỡ nhóng nhánh, có bát tiết canh đỏ tía và vò rượu thơm lừng hương nếp. Vừa uống vừa ăn, giọng ông Cáo lạc đi cùng những câu chuyện không bao giờ mới ở cái bản quanh năm đói nghèo này. Ông chỉ định đứa con gái còn tỉnh táo của mình hát một làn điệu dân ca của dân tộc Mông. Con bé Thào Thị Liên, 14 tuổi mà giọng đã vỡ tung, thánh thót như chim họa mi:

"Gái trai nói với nhau ba ngày nói chưa đủ
Tiền bối già cả đã ngả cây nêu rồi
Gái trai gặp gỡ nhau ba ngày vẫn chưa chán
Tiền bối già cả đã ngả cây nêu xuống
Cây nêu ngả xuống nằm vắt ngang lưng núi
Vui chơi hội xong, gái trai lại bắt tay vào làm ăn…
Đường tình duyên không bỏ được ta
Ta không rũ được mình
Ta đóng tên vào lòng nhau cùng gặp vào phiên chợ
…Ta đóng tên vào tim nhau tới ngày hội mùa năm sau…"

Liên vừa dứt lời ca, thì mâm rượu cũng tàn mồi, ông Cáo nằm quay đơ ra chiếu ngáy khò khò, vài chiến hữu khác thì loạng choạng, khật khưỡng ra về. Ma Rình phả một hơi nồng nặc mùi rượu vào mặt người bạn của tôi, nói như ra lệnh: "Về nhà tao uống rượu tiếp, vẫn còn lòng lợn, tiết canh". Tôi chợt mường tượng, nếu như mùa vụ nào cũng bội thu, nếu như bữa cơm nào cũng có thịt lợn như những ngày Tết thì có lẽ, con người nơi đây sẽ là phiên bản đẹp nhất về cuộc sống cộng đồng.

Ngọc Thiện

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

Sáng 27/4, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, người dân vẫn tiếp tục rời Hà Nội đi du lịch và về quê qua cửa ngõ phía Nam Thủ đô khiến mật độ phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ tăng cao, ùn tắc kéo dài đã xảy ra trước trạm thu phí.

Từ nhiều năm qua, hơn 60 hộ gia đình nông dân ở thôn Lễ Lộc Bình, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) bức xúc vì con đường đi ra đồng đất Khu A hình thành lâu đời bỗng bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho một hộ dân, cất nhà trên đó; để rồi bà con không có lối đi để sản xuất, vận chuyển nông sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文