Người Mường làm Thành hoàng làng của người Kinh
Từ thời còn thuộc trấn Sơn Tây (chưa thành lập tỉnh Mường Hòa Bình), người Mường họ Đinh Công được cử từ Vĩnh Đồng ra "ăn lang" cai quản vùng Phú Mãn (thuộc Quốc Oai ngày nay). Đây là vùng giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi nên người dân vùng xuôi lên khai phá. Tại Hòa Mục (Hòa Trúc nay) có một bộ phận cư dân do hai anh em ông Trương Văn Lễ và Trương Văn Nải dẫn đầu hăng hái khẩn hoang, tạo ruộng, lập làng.
Khi đồng đất, ruộng nương được ra tấm ra miếng, dân cư đã đông lên, trại được hình thành thì có kẻ xấu kéo đến tranh chấp, cướp phá. Gần đấy là bản Mường do gia đình họ Đinh Công ăn lang. Ông Đinh Công Xuân sinh năm 1858 là con của ông Đinh Công Thành và bà Quách Thị Pén được kế tục làm Lang cai quản các vùng Trấn Voi, Đồng Âm, Cổ Rùa, Yên Lệ, Quang Rượu, Bằng Lệ… Khi mới hơn 20 tuổi, ông Đinh Công Xuân được làm Đội trưởng hương dõng "Y toán thủ dũng" do Án sát họ Nguyễn ở phủ Sơn Tây cấp bằng. Thời gian này giặc cướp nổi lên rất nhiều, chúng cấu kết với bọn người xấu ra sức cướp bóc, tranh chấp vùng Hòa Mục. Thấy tình hình phức tạp tại Hòa Mục, ông Xuân đã nhiều lần can ngăn, nhưng kẻ xấu không những không nghe mà còn kéo quân mang vũ khí gây gổ làm dân tình hoang mang không dám đi làm.
Ảnh thờ Thành hoàng làng Đinh Công Xuân. |
Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, ông Đinh Công Xuân hẹn hai bên đang tranh chấp đất đai, lãnh thổ đến một địa điểm rộng, bằng và có nhiều cây gạo lớn (Khu vực đền Trúc Đóng hiện nay) để thương lượng. Nửa đêm về sáng, ông Xuân cho người của mình mang súng kíp trèo lên ngồi sẵn trên những cành gạo to. Khi hai bên đã tề tựu và giáo gươm tua tủa, ông Đinh Công Xuân đứng ra dàn xếp với tinh thần đất đai đâu cũng của triều đình, mọi người bảo ban nhau cùng làm cùng ăn…nhưng đối phương (bên gây tranh chấp) cương quyết không chịu và hùng hổ gây chiến.
Lúc này, một tay súng trên cây gạo mới bắn chỉ thiên ra mặt. Vị trí các tay súng thiện xạ người Mường ngồi trên cây gạo cao hơn tầm với của gươm giáo nên đối phương không thể chống đỡ. Lúc đó ông Xuân tuyên bố nếu kẻ nào ngoan cố sẽ bị tiêu diệt. Lập tức vài tràng súng kíp bắn xuống cày xới ngay dưới chân tên chỉ huy của đối phương, khiến chúng phải bỏ chạy. Sau đó, ông Xuân cho một số người ở lại ổn định tình hình và giúp ông Trương Văn Lễ, Trương Văn Nại cùng bà con yên tâm xây dựng xóm làng (trại). Ghi nhớ công ơn vị lang Mường, năm 1880, người dân ở trại Hòa Mục đã dựng đền thờ, thờ sống ông Đinh Công Xuân.
Sau thành tích này, tháng 9 năm 1885, Tri phủ Quốc Oai cấp bằng cho ông làm Cai tổng Tổng Giã Cát, huyện Yên Sơn. Ông Đinh Công Xuân viết đơn lên trấn xin mộ một trăm hương dõng để chống giặc cướp và kẻ xấu nhằm giữ yên Hòa Mục. Sau đó, ông Đinh Công Xuân được làm Đề Lại huyện Mỹ Lương (gồm cả Chương Mỹ, Mỹ Đức và Lương Sơn ngày nay).
Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, ông Đinh Công Xuân làm Đồn trưởng Đồn Giã Cát và sau đó được cất nhắc làm Quan phó Đạo Ba Thá. Năm Thành Thái thứ Tư, ngày mồng 6 tháng ba năm Nhâm Thìn (tháng 4-1892) ông Đinh Công Xuân được bổ làm Phó Lãnh binh tỉnh Phương Lâm (tỉnh Hòa Bình chuyển từ Chợ Bờ về Phương Lâm nên gọi là tỉnh Phương Lâm) theo đề nghị của Tuần phủ kiêm Chánh Quan lang Đinh Công Nhung như sau:
Hiện nay ở nơi đóng quân, số quân rất đông, công việc phiền nhiễu, sự quản đốc phải được người cán bộ giỏi mới có thể chu đáo, thanh thỏa. Xét nơi quân thứ Lương Sơn, thuộc viên là người mẫn cán, văn cũng an nhàn, vũ từng giản luyện, vả lại được lòng dân tín phục, có thể làm quản đốc được. Rồi sẽ tư lên quan Đề đốc ở trú này và quan Khâm sai đại thần cả Nha kinh lược tường xét. Vậy cấp quyền đệ lên quan Pháp, lại thêm chữ phê và đóng dấu cho ông ấy sung làm chức Phó lãnh binh tại nơi hành thứ theo quan Đề đốc đại nhân đốc xuất viên binh các đạo làm mọi công việc cốt được tốt đẹp, đợi có thực trạng sẽ khen thưởng cho. Nếu mà chức vụ không chăm đã có phép nước. Vậy cho tờ quyền cấp này cho ông Đinh Công Xuân làm Phó lãnh binh thứ giữ giấy này để làm việc.
Thành Thái năm thứ Tư (1892) tháng Ba ngày mồng Sáu. Đóng dấu "Phương Lâm Tuần phủ Quan phòng".
Đại Pháp Khâm sai "man tỉnh" kinh lý đại thần vạc duyệt y. Đóng dấu "Bắc kỳ Khâm sai đề đốc kinh lý đại thần quan phòng".
Chợ Bờ, ngày 04 tháng 4 năm 1892. Đóng dấu: "Province Muong - Commissaire du Gouvernement".
(Thời gian này tỉnh lỵ tỉnh Mường lại chuyển lên Chợ bờ)
Năm 1898, ông Xuân được thăng chức Tuần phủ kiêm Chánh Quan lang tỉnh Hòa Bình (tỉnh Mường chuyển tỉnh lỵ từ Chợ Bờ về đóng tại xã Hòa Bình nên gọi tỉnh Hòa Bình) thay ông Đinh Công Nhung nghỉ hưu trí. Ngày 25 tháng Tư năm Canh Tuất (1910), ông Đinh Công Xuân mất tại chức, linh cữu được đưa về an táng tại trấn Voi. Sinh thời ông Xuân lấy 4 bà vợ và có 10 con (5 trai, 5 gái).
Đền thờ Trúc Đóng tại thôn Hòa Trúc xã Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội. |
Như vậy, ông Đinh Công Xuân được dân người Kinh ở làng Hòa Mục dựng đền thờ từ lúc ông còn sống và làm Đội trưởng hương dõng (tương tự như Xã đội trưởng sau này) vì công lao dẹp loạn giữ yên (trại) làng cho người dân Trúc Đóng chứ không phải lập đền thờ khi ông làm Tuần phủ kiêm Chánh Quan lang tỉnh Mường Hòa Bình. Sau này, làng Trúc Đóng (nay là Hòa Trúc) mở rộng, dân cư đông lên, đền được nâng cấp xây dựng khang trang hơn. Khi hai ông người họ Trương - người có công lập làng là Trương Văn Lễ và Trương Văn Nải tạ thế, nhân dân lại thờ hai ông bên cạnh ông Đinh Công Xuân tại đền Trúc Đóng. Hiện nay, đền Trúc Đóng được nhân dân Hòa Trúc đóng góp kinh phí hàng tỷ đồng xây dựng khang trang trên nền đền cũ. Tuy nhiên, ở vị trí chính giữa hậu cung chỉ có ảnh ông Đinh Công Xuân, còn hai vị họ Trương có bài vị bên cạnh.
Đến thăm đền Trúc Đóng, chúng tôi được các ông Nguyễn Đăng Điền, Trưởng ban Quản lý đền; ông Trương Công Huân, cháu 4 đời cụ Trương Văn Lễ; ông Đinh Công Su, cháu 4 đời cụ Đinh Công Xuân và ông Đinh Công Lạc, hậu duệ dòng họ Đinh Công ở mường Cời (Lương Sơn, Hòa Bình) cùng sang đón tiếp chu đáo, tận tình và giới thiệu lịch sử vùng đất Hòa Trúc và ngôi đền Trúc Đóng. Mắt thấy, tai nghe mà bâng khuâng mà trân trọng. Truyền thống coi trọng nghĩa nhân "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta, cũng như tình đoàn kết người Kinh, người Mường, miền xuôi, miền núi từ xa xưa đến nay được tôn trọng và duy trì. Tìm hiểu về quan lang người Mường Hòa Bình, ngay trên đất Hòa Bình, cho đến nay, chúng tôi mới gặp người đầu tiên được lập đền thờ, chính là ông Đinh Công Xuân. Hơn nữa, ông Xuân lại được người Kinh lập đền thờ từ khi ông còn sống. Đó là điều đặc biệt.
Hàng năm, vào ngày 26 tháng 10 âm lịch nhân dân ở đây lại tổ chức Lễ hội đền Trúc Đóng để ôn lại quá trình hình thành, phát triển làng Hòa Trúc và ghi nhớ công lao của các vị thành hoàng của làng!