Người cũ ở xóm mới

10:41 04/07/2020
Xóm mới có năm hộ "lão thành", cơ ngơi nằm rải trên mấy gò đống ven sông, nhà cửa dựng theo kiểu ngày xưa, cây trái lưu niên bao đời; gia đình ông Vấn, gia đình bà giáo Hiền nằm trong số ấy.


Vài chục năm trước, tàu cuốc về lưu lại mấy tháng trời, một công đôi việc: Nạo vét dòng chảy thuận tiện tiêu úng, đất cát hút lên đổ tràn các thùng đấu dọc bờ sông vốn là con đường liên xã. Dải đất dài như một dông đồi mới mọc được phân lô bán nền, thổ canh thành thổ cư, đa phần các cặp vợ chồng trẻ nhanh chân cắm tiền bám mặt đường mặt sông, rủ nhau chồng tầng làm nhà ống theo lối phố.

Bếp củi theo về phố mới.

Xóm mới mùa hè dịu mát hơn trong làng cũ, nhưng mùa đông rét mướt đến sớm hơn. Như sáng nay đương thu, sương gió ngoài đồng Cồn Khôi tràn qua sông Vĩnh Giang dội vào đã se se lạnh, ông Vấn phải thêm khăn thêm áo mới bước ra đường. 

Chênh chếch bên trời, trăng đêm trước còn nán lại, treo vào ngày mới, mờ nhạt côi cút như một niềm kiêu hãnh đã qua. Như trang lứa mình vậy, gần trọn đời phải cầm súng, những người của thời đại đã qua. 

Trên đường lũ lượt các loại xe trẩy về khu công nghiệp, ngược chiều ông tới quán Tre Pheo. Như thường lệ, chủ quán chào khách thân theo cách nhà binh, tự mình pha chế, đặt món ăn ông ưa thích lên bàn. 

Tô phở vừa ấm tay, điện thoại rung chuông, màn hình smartphone hiển thị gương mặt khả ái của Đậu Trắng- ông vẫn gọi con gái như vậy vì nước da tươi tắn giống mẹ, vì cả tâm tính hồn nhiên ngốc nghếch của nó. 

"Bố ạ, con chào bố, bố dậy rồi ạ!". "Rồi…". "Bố nhớ bật bình nước nóng...". Rồi, phích nước đêm qua để lại đủ ấm cho việc sạch hóa răng hàm mặt. Là ông nghĩ vậy, còn miệng thì nói: "Nhớ. Bố đã xong mục thể dục, vệ sinh buổi sáng. Đang...". "Bố, con đi làm đây ạ...". 

Thoáng nghe tiếng kéo cửa, tiếng xe máy, tiếng người lớn nựng trẻ con. Đậu Trắng, sẻ đầu lĩnh một tổ sẻ ở tổng công ty nọ, giọng điệu đã nhuốm hơi hướng... lãnh đạo. Mỗi khi gia đình tề tựu, Đậu Trắng thường lấy quyền trưởng nữ quán xuyến việc bày biện, bếp núc. 

Ông Vấn chưa kịp tra gia vị, điện thoại lại rung chuông, lần này là Đậu Xanh - con dâu, một đồng minh ngố lâu dài của Đậu Trắng. "Bố đây. Bố chào con". Nàng dâu mở lời bằng tiếng cười: "Dạ. Con chào bố ạ. Đêm qua bố ngủ ngon chứ ạ". "Ừ, ngon". "Bố vẫn gọi bữa sáng về chứ ạ!". "Ừ, vẫn, con ạ". 

Ông một tay giữ điện thoại, một tay tra tương ớt. "Vậy... tốt rồi. Bố đừng ra ngoài sớm, bố nhé. Bắt đầu đợt rét đầu mùa đấy ạ". Rét ư, người ta đang tấp nập đồng trong đồng ngoài kia kìa, ngố ạ. "Ừ, bố biết rồi, con". "Vậy... con chào bố, con đi làm đây ạ". Đậu Xanh thường nhấn nhá tiếng "ạ" khi thưa chuyện, khiến ông thấy ấm lòng. 

Người già vậy đó, niềm vui có đòi hỏi bao lăm. Ông Vấn nhẩn nha ăn uống. Từ ngày nghỉ hưu mới tạm được ung dung thư thả. Nhớ lại, thương thời trai trẻ quá, cả mấy thế hệ bao nhiêu là người, đằng đẵng những đói khát, đạn bom, vừa hành quân vừa nấu cơm, ăn vội ăn vàng lúc địch tạm lui, nắm cơm lem nhem bùn đất, đôi khi vương máu tươi.

Phòng trà Tre Pheo xinh, thoáng. Góc bàn nhỏ quen thuộc nhòm ra vuông vườn đầy hoa, đi qua bờ cây lộc vừng sẽ đến ngã ba, trạm đỗ xe đưa đón khách, một ngả rẽ vào chợ. Chợ Cây Xanh đã mấy trăm năm tuổi. Xưa kia nó vốn là một cồn cát nhô lên giữa bốn bề đầm lầy, lau lách, sáng sớm chiều hôm, dân chài lưới ghé lại mua bán đổi chác với nông phu. 

Lắm lúc những cái cũ càng lại làm cho ta nhớ lâu.

Một lần về thăm quê, vị tiến sĩ quan đầu xứ Hải Dương lập mẹo cưới chợ. Ngài thân lên Non Côi mời thương nhân về chơi, cơm rượu đãi đằng trọng thị, thấy đất đai sông nước thủy bộ có cơ an cư lạc nghiệp, khách bàn chuyện dựng lều, mở cửa bán hàng. Lại khuyên dân làng kén người kẻ chợ thạo buôn bán về làm dâu. 

Ngày qua tháng lại, nơi tụ bạ đổi chác mua bán chốc lát thành chợ Cây Xanh, định kì ba ngày một phiên, đến thời đất nước yên hàn chợ ngày nào cũng họp, bây giờ sáng chiều nhộn nhịp chả kém thị thành. Hóa ra thể chế nào cũng vậy, nói hay nói tốt bao nhiêu cũng phải có quan thanh liêm vì dân vì nước vì hương thôn, vạn sự mới thành. 

Ông Vấn hứng khởi châm một điếu thuốc, nhả khói vài hơi cho vui thì bỏ. Người làm trong quán Tre Pheo quen nhìn vị khách tóc râu đã nhiều sương gió nhưng dáng dấp chưa chịu qua buổi tráng niên. 

Tre Pheo, ngẫm lại cũng thấy hay hay. Hồi tay thương binh chiến trường biên giới Tây Ninh vừa giải ngũ về quê rắp tâm mở quán, ông Vấn từ mặt trận Hà Giang tạt qua nhà, bảo gọi nó là Tre Pheo. Tưởng đùa cho vui, hóa ra hắn ta khoái, dập thùng phuy phẳng phui, nét bút sơn phóng túng, ngang tàng, dựng biển hiệu bên bụi tre đằng ngà trước cửa. 

Thoát cảnh đói nghèo khá nhanh, gia cảnh hắn sum suê tươi tốt dần lên. Bây giờ "đủ ăn, đủ tiêu, đủ phất phơ", là lão Tre Pheo tự giễu mình như thế, bỗng dưng đổ đốn thơ ca với thú chơi diều y như thời chăn trâu cắt cỏ. 

Tin nhắn đầu tiên ông Vấn đọc trên facebook khi về nhà là cuộc hẹn chơi diều, hắn ta gửi từ đêm qua. Tin nhắn thứ hai của con trai, "bố gửi mã số thẻ đầu thu ti vi để vợ con nạp tiền". Tin sau của bà giáo Hiền, ông bà nghỉ hưu dọn ra phố ở với con mấy hôm trước, nay gửi lời thăm; Lại úp mở "sẽ có người thay em giúp bác việc vặt". Việc gì nhỉ, là đi chợ sao. 

Đàn ông đi chợ ê ẩm như bị giời hành, dù từ nhà tới Cây Xanh chẳng mấy đỗi đường. Bất giác ông nhìn qua cửa sổ. Ngõ vắng, nhà ai cũng vắng, thoáng một tà áo màu hoàng yến vừa khuất sau vòm cây lất phất lá vàng. Vợ ông đã bỏ ông đi sớm giữa một ngày thu tơi bời lá rụng, dải mây mỡ gà vắt ngang chân trời động mãi chẳng tan. 

Ông Vấn gõ vào bàn phím: Những ngày xa vắng ạ Những ngày xa vắng ơi! Ông định viết tiếp chợt nghe như có ai nhẹ bước ngoài thềm, tiếng gõ cửa se sẽ, ngập ngừng. "Ai đấy. Cửa vẫn mở. Xin mời vào", ông vừa nói vừa bước ra. "Dạ. Chào bác". "À…cô Thảo!". 

Thoáng chốc màu hoàng yến ban nãy là đây ư. Cô Thảo xuống chuyến xe muộn đêm qua, là em gái bà Hiền, ông đã gặp đôi lần. Người đàn bà ngót ngũ tuần vóc dáng vẫn neo lại ở tuổi bốn mươi, đằm thắm cao ráo hơn chị gái. Vậy mà truân chuyên. 

Chuyến đò dọc đầu tiên nhanh như một chuyến đò ngang, cuộc làm lại cũng không đâu vào đâu, lần này về quê anh rể tạm thời giúp anh chị trông coi chốn đi lại của gia đình. Có lẽ chủ nhà nhìn nữ khách lâu hơn bình thường, khách í nhị đứng chếch bên thềm, vừa nói vừa nhìn chùm hoa ti gôn rủ trước hiên. Khóa vòi nước bị kẹt, cô loay hoay mãi không xong. 

"Chị em dặn, có gì thì nhờ bác". Ông Vấn sang, sau ba vòng siết mỏ lết, nước thông dào dạt. "Em... lẽ ra phải sang nhờ bác sớm hơn". "Là thế mới phải, cô Thảo ạ". "Mai em sẽ đi chợ", cô Thảo nói, "Chị em dặn mua sắm giúp bác dùng trong ngày, hạn chế tủ lạnh". "Bà giáo với cô Thảo chu đáo quá, tôi xin nghe vậy".

Ông Vấn về vừa lúc chuông reo, báo giờ uống thuốc. Bọn trẻ nhà này học hành đầy đủ mà ngố, ông mắc vài chứng lặt vặt chúng tưởng bố đổ bệnh bất kì, thành ra lo xa thái quá. Tủ thuốc gắn bên hông giá sách, thiết bị âm thanh nhỏ cài bên trong, mở cửa là nghe cháu gái. Chủ xướng chiêu trò là vợ chồng Đậu Xanh, cậu con rể, tức Đậu Trắng chồng, lắp ráp máy móc. 

Đã thành lệ, hai tháng một lần, bọn trẻ rủ nhau về quê, đưa bố đi bác sĩ, chiều, bầu đoàn thê tử huynh đệ lớn bé, vẻ hãnh diện không giấu giếm, bồng bế nhau lên xe. Lần này chúng hẹn, cận Tết mới về. 

Ông Vấn mở tủ thuốc, tiếng đứa cháu gái ngọt bên tai: "Con chào ông ạ. Ông chịu khó uống thuốc đi ạ. Phải uống đều đặn, đúng giờ đấy, ông ạ. Ông nhớ đọc kỹ hướng dẫn đấy nhé. Là mẹ con bảo con thưa với ông ạ! Chúng con nhớ ông lắm. Dạ, cái này thì không ai bảo con đâu ạ". 

Nhà văn Đỗ Văn Nhâm.

Chà, cháu gái, giống tiếng bà nó thuở học trò thế kia chứ.... Ừ thì uống thuốc!. Thời gian trôi thật nhanh, hay trời cuối thu, người cuối thu nên thế, vừa mới ban trưa đã vụt sang chiều ngả. Mưa bóng mây chưa tạnh hẳn, chân trời kíp dựng một cầu vồng vắt trên đồng Cồn Khôi. 

Hình như lão Tre Pheo quên đã hẹn ông, bơi thuyền qua Vĩnh Giang sang bên đó. Trên thảm lúa màu vàng chanh, ba lá diều lớn đang đón gió bứt lên cao xanh. 

Truyện truyền rằng, Cồn Khôi xưa kia là một ngọn núi. Một buổi sáng có một đôi trai gái của vạn chài nào đấy, trong hình dạng Chử Đồng Tử- Tiên Dung, quần nát triền cỏ mật dưới chân núi. Làng xóm chưa kịp bắt về phạt vạ thì sấm chớp. Mưa gió đùng đoàng hết ngày qua đêm, sáng ra núi biến mất. Bao nhiêu công lao đắp nền, dựng đài, bao nhiêu lễ lạt, núi không trở lại cố hương. Dấu tích ước mong núi non phục sinh còn lại một Cồn Khôi hiện tươi tắn dưới bảy sắc cầu vồng. 

Ông Vấn mở trang cá nhân trên Facebook, gõ vào bàn phím: Những ngày xa vắng ạ Đôi lời gửi heo may Mùa thu vừa trở dạ Một cầu vồng trên tay.

Đỗ Văn Nhâm

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

Sau khi tìm đến các mỏ khai thác đá trái phép, Phạm Ngọc Hùng cùng đồng bọn đã tự xưng là nhà báo, có mối quan hệ quen biết với nhiều lãnh đạo nên đã đòi bảo kê, thu mua đá rồi chiếm đoạt số tiền hơn 500 triệu đồng.

Trước năm 1954, Sân bay Điện Biên vốn là sân bay dã chiến của quân đội Pháp. 70 năm sau, qua nhiều lần nâng cấp, Sân bay Điện Biên đã trở thành sân bay dân dụng hiện đại, đáp ứng khai thác máy bay cỡ lớn, là cầu nối kinh tế tại 6 tỉnh biên giới Tây Bắc.

Chiều 5/5, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Hoà Thành (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự đối với Biện Văn Cường (SN 1982, ngụ thị xã Hoà Thành) và Khấu Văn Thum (SN 1986, ngụ Kiên Giang) để điều tra, làm rõ hành vi cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người.

Tại dự thảo Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tự sản tự tiêu, Bộ Công Thương đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp để tự dùng, nếu nối lưới điện quốc gia sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng. Đề xuất này gây tranh cãi.

“Cảnh sát cơ động: Tư tưởng vững vàng/ Nắng mưa chẳng quản/ Hăng say luyện rèn”là khẩu hiệu được 1.000 CBCS hô vang hào hùng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2. Để chuẩn bị cho buổi lễ trọng đại này, trong 3 tháng qua, hơn 5.000 CBCS CSCĐ đã miệt mài khổ luyện trên thao trường để báo cáo với Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc.

Liên quan đến tình trạng tôm hùm ở vùng thả nuôi tôm ven biển xã Vạn Thạnh và xã Vạn Hưng nằm trong vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) chết hàng loạt như Báo CAND đã thông tin, ngày 5/5, PGS.TS Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, cơ quan này vừa có báo cáo gửi đến Cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Khánh Hòa về kết quả khảo sát.

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...

Nhiều dịch bệnh bùng phát từ đầu năm đến nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận hơn 13.700 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; tử vong do bệnh dại tăng gấp đôi; các bệnh truyền nhiễm khác có vaccine dự phòng như sởi, ho gà… đều tăng số ca mắc.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thái Thụy (SN 1988, trú tại khu 5A, thị trấn Na Dương), Hoàng Ngọc Công (SN 1999) và Hoàng Ngọc Anh (SN 2001), cùng trú tại khu 6, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Ngày 5/5, Công an TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự đối với Đinh Vũ Đức Anh (SN 2008), trú tại huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ và Dương Trung Kiên (SN 2008), trú tại TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文