Người gieo "mầm xanh" trên cao nguyên đá

08:15 18/08/2016
Ngôi trường nghiêng ngả phải chống cột gỗ là lớp học của các em mẫu giáo và các em học sinh lớp một thuộc bản Sán Séo Tỷ, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Đây là lớp học đặc biệt giữa cao nguyên đá bởi điều kiện giảng dạy và cơ sở vật chất vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Giáo viên phải đi đến từng hộ gia đình để vận động các em học sinh đến trường. Nhiều gia đình vẫn chưa lo đủ cơm ăn áo mặc cho con nên việc cho con đến trường học chữ là vô cùng khó khăn.


Nặng lòng với con chữ vùng cao

Giữa khung cảnh chờn vờn sương sớm của buổi sáng bình minh, bản Sán Séo Tỷ hiện ra trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà Mông nằm ẩn mình giữa những nương đá khô cằn. Bản Sán Séo Tỷ có 84 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đồng bào Mông nơi đây còn khó khăn. Người Mông sống khép kín, an phận và nương theo sự may rủi của từng vụ mùa. Cũng vì cuộc sống nên việc lo cho con mình đi học cũng là một điều khó, không phải ai cũng làm được.

Thầy giáo Ma Công Tấn (SN 1987) cho biết: "Đồng bào Mông ở đây sinh nhiều con. Có hộ chỉ cho con trai đi học, con gái không được đi học hoặc chỉ học hết lớp 5 là nghỉ. Thế nên các em gái người Mông thường không biết chữ. Đói nghèo, thất học, thậm chí mù chữ, đó cũng là điều trăn trở của các thầy cô giáo cắm bản ở đây".

Thầy Tấn cùng học sinh của mình.

Thời gian đầu khi thầy Tấn mới lên bản Sán Séo Tỷ, do chưa quen cuộc sống nên mọi thứ đều lạ lẫm. Được sự giúp đỡ, truyền dạy của các thầy cô giáo có kinh nghiệm nên thầy Tấn cũng đã học được tiếng Mông. Để học được tiếng Mông, thầy Tấn phải tích cực giao tiếp cùng bà con dân bản, hoặc bắt chuyện cùng các em học sinh. Học tiếng dân tộc là để hiểu sâu hơn về hoàn cảnh và cuộc sống của đồng bào.

Theo thầy Tấn, biết thêm tiếng của người Mông sẽ dễ dàng truyền đạt kiến thức cho các em. Các em đồng bào dân tộc cần sự gần gũi và chia sẻ. Lớp một của thầy Tấn có tổng số 9 em học sinh. Đa phần các em đều là con nhà nghèo. Vì các em quen sống trên núi cao nên khi đi cũng chỉ cúi đầu, ít khi bày tỏ chính kiến, hay sự bất đồng của mình với mọi người.

Được sự phân công của Sở Giáo dục, thầy Tấn lên bản vùng cao này dạy học cũng đã được gần hai năm. Năm đầu tiên do bản không có điện, nguồn nước khan hiếm, việc sinh hoạt của giáo viên đều phải nhờ sự giúp đỡ của bà con dân bản. Là một thầy giáo trẻ, nặng lòng với nghề, thời gian đầu thầy Tấn phải đi đến từng nhà, khuyên nhủ, động viên các em học sinh đến lớp, đến nỗi bỏng phồng cả đôi bàn chân...

Để có số lượng học sinh đông, vừa giảng dạy thầy Tấn vừa làm công tác tuyên truyền. Lên lớp, thầy giáo thường kể về những câu chuyện huyền bí rồi chia kẹo cho các em nhỏ. Học sinh ở trong bản khát kẹo, thèm những thứ xa lạ ở miền xuôi. Các em ở đây quanh năm chỉ ăn "mèn mén", mùa đông cũng như mùa hè, đều không có đủ quần áo để mặc. Nhiều em mặc áo nhưng lại không mặc quần, các chương trình thiện nguyện cũng ít khi tìm về đến các bản làng vùng sâu, vùng xa này.  

Ở bản Sán Séo Ty, nhiều gia đình chưa lo đủ quần áo cho con đi học.

Theo con đường nhỏ hút sâu và ngọn núi đá, bất chợt có một cơn mưa ùn ùn kéo đến. Thầy Tấn thở dài và nói: "Mưa thế này thì không có học sinh đến lớp, chắc là nhà báo sẽ phải cùng tôi vào bản để gọi học sinh rồi". Theo lời thầy giáo, ở đây mưa nắng thất thường. Bà con ở trong bản họ quen và thích ứng cùng với thời tiết cũng rất nhanh, khi nhìn lên bầu trời u ám là kiểu gì cũng có mưa. Nếu hôm nào không có mưa thì sương mù lại dày đặc, kể cả đứng gần cũng không nhìn thấy mặt nhau.

Trên đường đến lớp học, nhìn về phía sườn đồi là những mầm ngô xanh tốt đang đua nhau nảy nở trên đá. Bà con người Mông thường trồng ngô dưới những chân núi đá. Do đất ít, đá nhiều nên họ phải xếp những viên đá để che chắn đất. Ở đây có nhiều trận lũ quét, đất đá xói mòn nên đất càng ngày càng thu hẹp. Những chỗ trước kia người Mông trồng được ngô, nay phải bỏ hoang vì chưa cải tạo được đất.

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, câu chuyện giữa người giáo viên trẻ mỗi lúc một thêm gần gũi. Sự khắc nghiệt của mảnh đất khiến chúng tôi lại nghĩ đến các em nhỏ. Các em không khác gì những mầm xanh, đang vươn mình đứng dậy. Các em khát tình yêu thương, sự gần gũi, và cả những sự sẻ chia vật chất, đó là những thứ xa xỉ của trẻ em thành phố… Vượt qua những thiếu thốn, các em nhỏ trong bản Sán Séo Tỷ đang được các thầy cô giáo cắm bản dạy dỗ, biến những trang sách thành ước mơ, hoài bão, để các em bay xa, bay cao, tựa như những đám mây phiêu bồng trên bầu trời.

Những "mầm xanh" trên đá

Theo thầy giáo, những hôm không có mưa, bản Sán Séo Tỷ đẹp như một bức tranh kỳ vĩ. Trong màn sương mờ ảo, lớp học hiện ra cùng với lá cờ đỏ sao vàng cứ tung bay phấp phới. Vào mỗi buổi sáng, thầy Tấn phải đi bộ hơn 2km mới đến lớp học. Đến lớp học, chúng tôi mới thấm thía và cảm nhận sức học ở nơi này là như thế nào. Trường học là một mái nhà gỗ xiêu vẹo, tồi tàn. Người dân phải lấy những cây cột gỗ để chống vì lo sợ gió bão. Thầy Tấn tâm sự: "Sợ nhất là vào mùa mưa bão, có nhiều hôm gió to, lồng vào bên trong lớp học, tôi lại phải hô hào các em chạy ra ngoài".

Những hôm trời mưa, giáo viên phải vào bản để gọi học sinh lên lớp.

Bên trong lớp học được ngăn ra làm đôi, một bên là 14 em mẫu giáo, còn một bên là 9 em học sinh lớp một. Cạnh cổng ra vào là dòng chữ: "Ra lớp hiểu bài". Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, gió hắt những hạt mưa vào bên trong phòng học, khiến cho bàn ghế của học sinh ướt đẫm. Những hôm có gió bão lớn, thầy Tấn lại phải dồn học sinh ở một góc nhỏ. Vừa giảng bài, thầy Tấn vừa phải nhìn lên mái nhà, hết ngồi rồi lại đứng nhưng trong lòng vẫn không an tâm vì phòng học.

Chúng tôi ngồi nói chuyện trong một không gian chật hẹp, thì cô Sùng Thị Dú (giáo viên mầm non) cũng vừa đến. Cô Dú bảo: "Ở đây khó khăn về mọi thứ, các em học sinh mẫu giáo vẫn chưa có đủ quần áo để mặc. Nếu trời mưa to như thế này, các em nhỏ không thể đến lớp được vì đường xa. Mùa này còn đỡ chứ mùa lạnh các em cũng không có đủ quần áo để đi học. Dân ở đây chủ yếu trồng ngô, nhà nào nhiều nương thì đủ ăn, nhà nào ít nương, ngô xấu thì không đủ ăn. Những nhà có điều kiện thì vẫn lo đủ quần áo cho con, nếu không thì các em học sinh vẫn phải ở lỗ".

Thầy Tấn góp chuyện: "Lớp mình có 4 em học sinh ở xa nhất là Hờ Thị Súa, Sùng Thị May, Già Mỹ Nu, Hờ Thị Cáy, các em phải đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ. Ngoài 4 em đi học xa, các em mẫu giáo cũng đi xa như vậy". Đối với lớp mẫu giáo, cô Hờ Thị Dú phải cho các em làm quen tiếng Việt như các hiện tượng nắng, mưa, gió bão, hoặc cho các em làm quen với các con vật. Cô Sùng Thị Dú là người Mông ở trong bản nên khi truyền dạy kiến thức, các em mẫu giáo cũng dễ tiếp thu hơn.

Hai em phải đi bộ hơn hai giờ đồng hồ mới đến lớp.

Chúng tôi nói chuyện được một lúc thì trời bắt đầu tạnh, mây quang, không khí đã trong lành trở lại. Bản làng người Mông lại hiện ra với những hàng rào đá, bên những cây mận, cây đào. Không gian tĩnh lặng, lẫn vào những âm thanh của tiếng gà gáy xa xa. Bức tranh của lớp học lại ùa về với những em bé Mông thơ dại. Nhìn về phía cuối con đường mòn là hai em học sinh ở xa nhất đang bước về lớp học. Thầy Tấn chạy ra đỡ lấy bó củi trên tay một em và nói: "Đây là hai em học sinh xa nhất, phải đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ mới đến nơi". Nhìn xuống đôi bàn chân nhỏ xinh của một em nhỏ là đôi dép nhựa lẹt quẹt, phải khâu vá nhiều chỗ. 

Đi theo thầy cô giáo đến nhà bà Vừa Thị Song (64 tuổi) để gọi học sinh lên lớp. Qua cuộc nói chuyện với bà Song, được cô giáo dịch lại: "Cháu ở với bà cả đêm cũng không khóc, cứ ở với mẹ là lại khóc nhè". Nhà bà Song có hai học sinh, bố của hai đứa trẻ đi làm thuê ở bên Trung Quốc, hơn một năm rồi nhưng chưa về, cũng không có tin tức gì. Tết vừa rồi do con trai không về nên bà Song không mổ lợn. 

Quay trở về trường, các em học sinh bản Mông đã tụ tập đầy đủ ở trong lớp. Nhiều em có áo nhưng lại không có quần, vẻ lam lũ khiến những ai mới nhìn cũng phải chạnh lòng thương cảm. Mặc dù sống trong lam lũ nhưng các em vẫn ánh lên sự hồn nhiên trong trẻo. Theo thầy Tấn, em Già Mỹ Tính nhà đông con nhưng chỉ có một mình được đi học. Dù nhà nghèo đường xa nhưng em Tính học rất giỏi và chịu khó.

Trong lớp lại vang lên những tiếng ê a. Các em ở bản Sán Séo Tỷ này chính là những mầm xanh, là thế hệ để thay đổi cuộc sống của đồng bào Mông. Sự nghèo đói thiếu thốn vật chất không thể giết chết ước mơ của những đứa trẻ với những miền đất lạ mà chúng chưa thể đặt chân tới…

Minh Phượng

Tối 4/1, tại Quảng trường 10-3, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Công an, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên (VTV8) - Đài truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Chương trình “Người truyền lửa” năm 2025 với chủ đề “Lửa ấm Cao Nguyên”.

Sau hơn 1 tháng trao đổi với chúng tôi về những vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Phân hiệu Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh (Phân hiệu) thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, ngày 30/12/2024 ông Hà Tài Sáu, Giám đốc Phân hiệu đã có văn bản trả lời xung quanh những vấn đề này…  

Ngày 4/1, Cục CSGT cho biết, kể từ ngày 1/1/2025, lực lượng CSGT được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Nội dung này được căn cứ theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Nghị định 151/2024/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư 71/2024/TT-BCA của Bộ Công an.

Ít nhất 8 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong vụ hoả hoạn nghiêm trọng tại chợ dân sinh ở thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc.

* Thu giữ 10 bánh heroin và 15kg nghi là ma tuý tổng hợp dạng đá

Ngày 4/1, thông tin từ Công an tỉnh Quảng Trị cho biết vừa tổ chức khen thưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy vì đã có thành tích xuất sắc trong đấu tranh, truy xét và làm rõ đối tượng liên quan vụ phát hiện số lượng lớn ma túy trên xe ô tô khách bị TNGT.

Ngày 4/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Bùi Thanh Tùng và Phan Văn Tiến, là phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”, quy định tại Điều 170 BLHS.

Sáng 4/1, tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, Cục Công tác đảng và công tác chính trị, Ban Thanh niên CAND - Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh, Tỉnh đoàn Đắk Lắk cùng các đơn vị đồng hành đã tổ chức Chương trình “Về với buôn làng”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文