Người phụ nữ Nhật đam mê làm "nông nghiệp sạch" trên đất Việt
"Kiếp trước tôi là người Việt Nam"
Cách đây hơn 20 năm, Mayu trong chiếc áo dài trắng đến Việt Nam du lịch. Qua cửa kính xe khách, cô sinh viên năm cuối nhìn thấy những thửa ruộng, những người nông dân canh tác giữa tiết trời miền Bắc giá rét. Trở về, Mayu quyết định học tiếng Việt, làm luận án thạc sĩ về hình thức canh tác của người Nùng Cao Bằng - tại Việt Nam. Cơ duyên này sau đó khiến chị trở thành người bạn của bà con nông dân trên khắp đất nước.
Quá trình làm luận văn, Mayu Ino thuộc hết các món ăn của người Nùng, những loại giống cây trồng của đồng bào. Không những thế, nhiều món ăn Việt Nam thuộc các vùng miền khác chị đều biết. Với bản tính gần gũi, cởi mở, chị được bà con nơi này con như người ruột thịt.
Mayu Ino tại Bến Tre. |
Tự nhận mình "mê ăn", "ham ăn", Mayu muốn mình và bà con được sử dụng những thực phẩm sạch. Bởi "thực phẩm sạch mới làm nên món ăn ngon", chị nung nấu ý định chung tay với người Việt gây dựng những sản phẩm nông nghiệp sạch.
Lần trở lại tiếp theo, Mayu Ino cùng Trung tâm tình nguyện Nhật Bản hỗ trợ các tỉnh nghèo thông qua dự án "Trồng quýt để xây dựng đập nước và chống xói mòn cho đất".
Với tâm thế của một người sinh ra và lớn lên ở một đất nước khan hiếm tài nguyên, thời tiết khắc nghiệt, Mayu nhận ra nông dân Việt Nam đang sở hữu nguồn đất vàng, các yếu tố khác phục vụ nông nghiệp đều rất thuận lợi. Điều bất cập là bà con sử dụng đất quá thụ động, lạm dụng hóa chất, giống ngoại nhập và cách làm nông nghiệp truyền thống.
"Tôi thấy bà con nông dân Việt Nam đang đi con đường mà người nông dân Nhật Bản đã làm từ cách đây nhiều thập kỷ. Họ bỏ qua những phương pháp truyền thống - thân thiện với môi trường, thậm chí đang tàn phá môi trường sống của mình bằng chính những hóa chất sử dụng trong nông nghiệp. Đó là lý do tôi phân vân về chuyện đi hay ở khi dự án vào giai đoạn kết thúc" - Mayu chia sẻ.
Sau một thời gian trăn trở, Ino Mayu đã lập ra Tổ chức phi chính phủ "Seed to Table" (Từ hạt giống đến bàn ăn - đây là hình thức phổ biến ở Nhật Bản nhưng chưa từng áp dụng trên thế giới), kêu gọi tài trợ từ phía Nhật. Trung bình mỗi năm chị huy động trên 3 tỉ đồng để hướng dẫn nông dân sản xuất rau, nông sản sạch, tìm đầu ra trên thị trường.
Với số vốn ít ỏi được phân bổ đều mỗi năm, công việc của Mayu là đi đến từng cộng đồng người nghèo, tìm hiểu tài nguyên, văn hóa và phương kế sinh nhai truyền thống của người địa phương, từ đó giúp họ nuôi trồng, khai thác tốt tài nguyên, phát triển văn hóa bản địa, gìn giữ môi trường bằng cách canh tác an toàn.
Gìn giữ môi trường, canh tác an toàn, khai thác tốt tài nguyên...trong cách làm của Mayu chính là làm nông nghiệp sạch, sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ. Chị lăn lộn với nông dân, dạy họ cách ủ phân chuồng hay dùng phân trùn quế để bón cho rau, phòng trừ sâu bệnh bằng cách tự pha nước tỏi, ớt phun, tưới, ghi nhật ký nuôi, trồng.
Mayu Ino nỗ lực kêu gọi bà con giữ gìn hạt giống bản địa. Với chị, mỗi hạt giống là một nền văn hóa, văn minh phải trải qua nhiều thế hệ mới có được. Hạt giống bản địa bao giờ cũng cho sản phẩm ngon, thơm, chất lượng hơn giống ngoại nhập.
Mayu lo ngại giống ngoại nhập cho năng suất cao, thời gian thu hoạch ngắn nhưng chất lượng sản phẩm không thể bằng giống bản địa. Hơn nữa, nếu cứ chạy theo giống ngoại nhập, dần dần bà con sẽ đánh mất đi nguồn gen thực vật quí giá mà nhiều nơi trên thế giới ao ước có được.
Mayu và cộng sự hướng dẫn họ cách làm đất, lựa chọn và bảo tồn hạt giống, cách làm phân ủ, cấy lúa cải tiến, canh tác theo mô hình lúa - vịt, lúa - cá, canh tác trên đất dốc... Chị kêu gọi người dân địa phương cùng mình sưu tập các loại giống bản địa, lập hồ sơ thông tin, hỏi kinh nghiệm canh tác, đặc tính của từng loại giống từ những người cao tuổi trong vùng nhằm để lại cho thế hệ sau.
Mayu Ino trong các hội thảo bàn về phát triển nông nghiệp bền vững. |
Với những trăn trở về việc bảo tồn những giống cây bản địa tại các địa phương. Mayu cho biết: "Thực tế trồng trọt và so sánh cho thấy việc dùng giống lúa mới vừa mất tiền, năng suất lại không cao như người ta nói.
Như cách đây hơn 10 năm, bà con dân tộc được quảng cáo đây là giống lúa tốt, cho năng suất cao. Bà con tin và trồng. Kết quả là giống mới bị sâu bệnh, một loại bệnh mà bà con chưa từng thấy, và dịch bệnh còn lây cả sang các giống cây bản địa, phải mất 3 năm để điều chỉnh.
Mọi việc tạm ổn với giống cây mới thì đến năm 2009, bà con lại không còn giống mới này để sử dụng do nguồn cấp giống từ Tứ Xuyên - Trung Quốc bị gián đoạn. Cuộc sống lại khó khăn. Trong cái rủi có cái may, bà con quay lại với giống bản địa, loại giống đã qua sàng lọc của tự nhiên, chịu được thời tiết và kháng sâu bệnh mà tổ tiên để lại cho bà con."
Ngoài trồng trọt, chị còn hỗ trợ bà con phát triển chăn nuôi để tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có. Trích một phần số vốn ít ỏi được tài trợ, tổ chức của Mayu Ino biến chúng thành những con bò cái, những chú vịt đẻ để cho các hộ gia đình "mượn".
Sau một năm, bò sinh ra bê con, vịt đẻ trứng, ấp thành con, tạo ra đàn mới. Những hộ được hỗ trợ sẽ dùng bê và vịt con trả lại cho Seed to table. Con bê hay những con vịt mới sinh đó lại được mang đi cho những hộ nghèo khác "mượn".
Cho đến nay, Seed To Table đã cho vay 72 con bò và hàng chục ngàn con vịt. Nhờ sáng kiến đó, biết bao gia đình khó khăn ở Hòa Bình và Bến Tre đã thoát nghèo ngoạn mục.
Hành trình gian nan đưa rau sạch ra thị trường
Dự án triển khai được một năm, nhà nông quen dần với hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ. Tình cảm giữa bà con nông dân và Mayu trở nên thân thiết. Rồi bất ngờ, những người nông dân này bỏ Mayu chạy theo dự án trồng rau an toàn với lý do đơn giản là họ được hỗ trợ hoàn toàn vật tư nông nghiệp.
Sở dĩ nói rằng nông dân bỏ Mayu vì việc họ không theo dự án đẩy Mayu vào tình thế khó khăn mà có lẽ những bà con nông dân này không lường tới.
"Seed to Table" là một dự án phi chính phủ và nhận tiền tài trợ từ các doanh nghiệp cũng như Chính phủ Nhật Bản để hoạt động. Để nhận được tài trợ, Mayu phải trình bày những việc mà tổ chức của chị sẽ làm, trong đó có việc giúp đỡ triển khai nông nghiệp hữu cơ tại xã nêu trên.
Do đó, khi nông dân bỏ ngang dự án, ít nhiều ảnh hướng đến kế hoạch mà Mayu cam kết thực hiện với các nhà tài trợ. "Cũng một năm sau đó, khi chương trình trồng rau an toàn không còn được hỗ trợ, bà con xin quay lại với tôi nhưng tôi từ chối. Tình cảm là tình cảm còn công việc là công việc. Tôi không thể làm việc với những người thiếu sự cam kết và thất hứa như vậy", Mayu chia sẻ.
Chưa kể, chính sách địa phương, thời tiết, dịch bệnh, thói quen tiêu dùng tại địa phương khiến nhiều hộ nông dân bỏ ngang quá trình trồng rau hữu cơ, chạy theo các hình thức canh tác cho thu hoạch ngắn ngày. Thay đổi tư duy cho bà con là điều luôn khiến Mayu đau đầu.
Ban đầu, thưc phẩm sạch bà con làm ra bị các tiểu thương ép giá, chị lại phải nghĩ cách đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Mayu cố gắng kết nối với các nhà hàng, tổ chức các chương trình ẩm thực nơi người nông dân trực tiếp giới thiệu sản phẩm họ trồng với các đầu bếp nổi tiếng và người tiêu dùng để qua đó họ có thể giới thiệu sản phẩm rau hữu cơ rộng rãi hơn đến cộng đồng.
Mayu đi theo hướng chứng nhận PGS (một hệ thống đảm bảo "có giá trị" cho các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là cho thị trường nội địa). Sản phẩm làm ra sẽ được kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua các cửa hàng, phiên chợ. Chị còn mang sản phẩm của những nhóm này chào hàng tại các nhà hàng, doanh nghiệp của Nhật Bản.
Họ rất quan tâm và đặt mua, thậm chí mua để đưa về Nhật. Nhưng Mayu nói, đó chưa phải mục tiêu chính của chị. Người tiêu dùng tại Việt Nam rất đông, chỉ cần họ biết được giá trị sản phẩm nuôi trồng hữu cơ và mua đúng giá, là đã giúp nông dân có niềm tin và động lực tiếp tục sản xuất.
Bên cạnh các dự án trên, Mayu còn xây dựng "ngân hàng con giống" để cung cấp giống gia súc, gia cầm và kỹ thuật chăn nuôi giúp hơn 1.000 hộ gia đình khó khăn ở huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) cải thiện cuộc sống.
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng Mayu Ino luôn kiên nhẫn và dứt khoát đồng hành cùng bà con trên hành trình đưa thực phẩm sạch đến người tiêu dùng và cải thiện cuộc sống của nông dân. Một người dân Bến Tre kể, có lần bà con thu hoạch được đồ ngon, đã đem tặng Mayu để cảm ơn nhưng chị nhất định trả tiền.
"Chị ấy bảo nếu nhận như vậy là tham nhũng, tôi không làm vậy được, mong bà con đừng tạo điều kiện cho tôi thành người xấu. Chính cách hành xử như vậy của Mayu Ino khiến chúng tôi học hỏi được rất nhiều và áp dụng vào đời sống của mình" - người nông dân này cho biết.
Hiện, Mayu đang thực hiện một dự án xây một nhà chế biến nông sản rộng chừng 80m2 cho phụ nữ tại xã Vang Quới Đông, huyện Bình Đại với tổng chi phí chừng 1 tỷ đồng. Do nguồn vốn có hạn, chị chạy đôn đáo khắp nơi tham khảo giá từ các nhà thầu. Sau những tất bật của công việc, thú vui của người phụ nữ này, đơn giản chỉ là ngồi quán ốc vỉa hè với bạn bè. Chị đặc biệt thích ăn ốc và các món bánh của hai miền Nam - Bắc.