Người “truyền lửa” nghề dệt thổ cẩm

08:20 13/01/2020
Bao bận người dân không thấy bà Trần Thị Kim Hoa (60 tuổi, thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) về làng, cứ nghĩ bà đã rời đi. Nhưng rồi một thời gian sau, những tấm thổ cẩm xuất hiện ở một số bản làng miền núi thì họ biết rằng, bà Hoa đã đi truyền nghề. Bằng tâm huyết của một người con Xê Đăng, bà Hoa mang nghề dệt thổ cẩm truyền cho các cô gái người Xê Đăng, Ca Dong như chờ mong sự nối nghề của người trẻ.


Giữ nghề dệt thổ cẩm

Trước đây, người Xê Đăng ở Trà Cang giữ nghề truyền thống dệt thổ cẩm bằng cách truyền nghề cho con gái, vì thế những cô gái tuổi đôi mươi trong làng đều biết đến nghề. Gia đình bà cũng vậy, hầu hết các thế hệ đều biết dệt thổ cẩm. Khi lên 7 tuổi, Trần Thị Kim Hoa đã thấy mẹ mình làm khung dệt thổ cẩm. Nhiều lần Hoa cũng muốn dệt thử nhưng khi vừa chạm vào khung dệt thì đã bị mẹ mình can ngăn vì sợ hư hỏng tấm thổ cẩm đang dệt.

Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (đội mũ) truyền nghề dệt cho thế hệ sau.

Những lần bố mẹ vắng nhà, Hoa lại mang khung ra dệt theo những bước như mẹ mình, lâu dần thành quen, những bước dệt cơ bản bà cũng dần làm được. Nhưng một thời do chiến tranh, nghề dệt thổ cẩm từ đó mai một dần, thậm chí không còn mấy người biết đến nghề. Đỉnh điểm vào năm 1969- 1970, người dân ở Trà Cang phải bỏ vào rừng để tránh bom, đạn; bỏ lại làng mạc, trong đó có những chiếc khung dệt được làm bằng thủ công.

Sau ngày hòa bình, mọi người đều phải loay hoay với việc dựng lại làng, sản xuất nên nghề dệt thổ cẩm dần vắng bóng. Lớp trẻ ngày đó không mấy ai biết đến làm khung dệt và dệt thổ cẩm.

Nhớ lời dặn của mẹ phải giữ nghề dệt thổ cẩm, giữ văn hóa của người Xê Đăng, cô gái Trần Thị Kim Hoa đã tự mày mò lại cách dệt của mẹ mình tự khôi phục nghề dệt. Những chỗ nào khó và đã quên, Hoa tự đi các bản làng để gặp những người cao tuổi để học hỏi.

“Có một điều mà tôi luôn canh cánh trong lòng đó là chất liệu để dệt những tấm thổ cẩm. Nguyên liệu xưa để dệt thổ cẩm là bông do người dân trồng rồi thu hoạch về, màu của thổ cẩm cũng được làm bằng thứ vỏ và lá cây rừng, còn như hiện nay chất liệu đã được thay thế bằng những sợi len đủ màu”, bà Hoa nói.

Cuối tuần, tranh thủ những ngày không đứng lớp truyền nghề cho học viên, dưới ngôi nhà nhỏ ở làng Tắk Chưng, thôn 3, xã Trà Cang, huyện Nam Trà My, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa vẫn miệt mài bên khung dệt và hoàn thiện những bức thổ cẩm cho người Xê Đăng trước mùa lễ hội. Thời điểm cuối năm âm lịch, người Xê Đăng đặt hàng bà Hoa may đồ thổ cẩm nhiều, bà làm không xuể.

“Mùa xuân, ở vùng cao này người Xê Đăng tưng bừng khoác lên mình những trang phục truyền thống như váy, khố, tấm dồ để dự lễ hội truyền thống như cúng máng nước, ăn trâu huê. Tôi phải tranh thủ dệt rồi may cho kịp”, bà Hoa nói. Dứt lời, bà Hoa nhanh đưa tay vào khung dệt trải đều những sợi len.

Theo bà Hoa, để dệt một tấm thổ cẩm phải ngồi từ sáng đến tối mịt mới hoàn thiện, còn may một bộ trang phục truyền thống áo, quần phải mất ít nhất 5 ngày. Nghệ nhân Hoa là người duy nhất ở Trà Cang biết dệt và may hoàn chỉnh những loại trang phục thổ cẩm. Những năm gần đây, bà Hoa còn đi trưng bày sản phẩm thổ cẩm của người đồng bào Xê Đăng ở nhiều nơi.

Ông Trần Xuân Mố, Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa là người duy nhất ở địa phương dệt và may thành thạo trang phục truyền thống thổ cẩm. Những năm qua bà Hoa cũng truyền nghề dệt thổ cẩm cho nhiều phụ nữ ở địa phương. “Chính nhờ bà Hoa mà nghề dệt thổ cẩm ở Trà Cang được khôi phục. Qua đó sẽ giữ được bản sắc văn hóa của người Xê Đăng ở địa phương”, ông Mố nhận định.

Nhiều người tham gia lớp học của bà Hoa đã thành thạo nghề.

Truyền "lửa nghề" cho thế hệ sau

“Tôi rất muốn truyền nghề lại cho người trẻ, hễ có ai mới dạy nghề dệt thổ cẩm cho học viên là tôi đều đi”, đó là lời trải lòng mộc mạc, chất phát của người nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa khi nói về ước muốn truyền nghề của mình.

Gần 40 năm biết đến nghề dệt thổ cẩm, trong khoảng thời gian ấy, bà đã truyền nghề cho rất nhiều thế hệ trẻ là phụ nữ người Ca Dong, Xê Đăng. Đến nay bà đã tham gia dạy nghề cho 7 lớp học dệt thổ cẩm ở xã Trà Cang và xã Trà Mai (huyện Nam Trà My). Những học viên của bà có người đã thành thạo nghề và cùng bà truyền nghề cho người khác.

Chị Trần Thị Kim Thảo (30 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Cang) là học viên đầu tiên do bà Hoa truyền nghề vào năm 2010, sau 2 tháng dưới sự chỉ bảo của bà Hoa, chị Thảo đã bắt đầu thành thạo dệt và làm một số sản phẩm cơ bản thổ cẩm. Sau gần 10 năm học nghề, đến nay ngoài dệt những sản phẩm truyền thống của đồng bào, chị Thảo còn may được những quần áo thổ cẩm và cùng bà Hoa tham gia các lớp truyền nghề cho người đồng bào nơi đây.

Những ngày đầu tháng 1-2020, bà Hoa và chị Thảo được mời để giảng dạy và truyền lại cách dệt thổ cẩm cho hội viên phụ nữ xã Trà Mai tại nhà cộng đồng thôn 1 (xã Trà Mai) do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Nam Trà My Phối hợp với Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tổ chức. 25 học viên là phụ nữ người Ca Dong rộn ràng tham gia lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do hai nghệ nhân giảng dạy, truyền nghề.

Ngoài dạy cho các chị em biết cách dệt, bà Hoa còn bày cho họ một số công đoạn từ làm khuôn có đến dệt những sợi lên thành tấm thổ cẩm. Bên cạnh đó bà hướng dẫn thêm cho học viên về cách phối một số loại màu sắc trên trang phục thổ cẩm để có thể ứng dụng vào đời sống.

Chị Hồ Thị Huệ (34 tuổi, thôn 3, xã Trà Mai) là một trong những hội viên tham gia lớp học dệt thổ cẩm đợt này. Chị Huệ cho biết, trong các lễ hội hiện nay ở thôn bản của chị, một số đồng bào người Ca Dong đã mặc đồ thổ cẩm. Chị rất mong muốn sau này sẽ tự dệt và may đồ thổ cẩm cho đồng bào mình nên vừa qua khi có thông tin sẽ mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm do nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa giảng dạy chị đăng ký tham gia ngay.

Người dân khoác lên mình những trang phục truyền thống bằng thổ cẩm để dự lễ hội truyền thống - Ảnh: Tư liệu NTM.

“Người dân chúng tôi sống ở đây chỉ phụ thuộc vào nương rẫy, ngoài ra cũng không có công việc gì có thêm tiền. Nếu học được nghề dệt thổ cẩm, tôi sẽ tự dệt và may được những bộ áo quần thổ cẩm cho gia đình mình mặc trong các ngày hội, giữ được nét văn hóa của người đồng bào mình, ngoài ra tôi còn có thể tự dệt thổ cẩm ở nhà để kiếm thêm thu nhập”, chị Huệ nói.

Đôi bàn tay thô ráp, cứng cáp của chị Huệ sau bao năm quanh năm gắn với dụng cụ lao động làm nương rẫy sau khi được bà Hoa, chị Thảo uốn nắn, truyền nghề nay đã có thể di chuyển mềm mại cho ra được tấm khăn thổ cẩm. Cầm tấm thổ cẩm vừa hoàn thành trên tay, chị Huệ rất phấn khởi.

Bà Vũ Thị Mai Thuyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Trà My cho biết, trong năm qua đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan khác tổ chức một số lớp dạy nghề cho hội viên phụ nữ, trong đó có mây tre đan, dệt thổ cẩm. Riêng lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, Hội mời bà Trần Thị Kim Hoa về giảng dạy, truyền nghề.

“Sau 2 tháng học tập, 25 học viên của lớp sẽ được bà Hoa, chị Thảo truyền đạt các kiến thức về dệt may thổ cẩm, qua đó góp phần vào việc khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở địa phương. Sau khi học xong hội viên đã được truyền nghề có thể tận dụng thời gian nông nhàn dệt thổ cẩm kiếm thêm thu nhập”, bà Thuyên nói.

Hà Vy

Thủ đô Hà Nội cùng với nhiều tỉnh thành ở miền Bắc được dự báo có mưa rào và dông rải rác, cục bộ mưa to về chiều tối, thời tiết mát mẻ. TP Điện Biên Phủ khả năng mưa diễn ra vào ban ngày.

Nếu có cơ hội đến Điện Biên dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhất định bạn không thể bỏ qua các di tích lịch sử gắn liền với một “thiên sử vàng” của dân tộc Việt Nam; là nơi các thế hệ đi trước đã  hy sinh của bao máu xương để làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, bằng các biện pháp nắm tình hình, thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã chủ động trong công tác quản lý người nước ngoài (NNN) nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam; phát hiện, xử lý dứt điểm các vụ việc phức tạp, vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra, không để trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại cơ sở cũng như ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch và quan hệ đối ngoại với các nước.

Là đơn vị chủ công trong công tác bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các hoạt động kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung, Lễ diễu binh, diễu hành nói riêng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng trong cùng, các đơn vị của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đã chủ động triển khai lực lượng, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác bảo vệ.

Ngày 5/5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Thanh Tâm (SN 1997, ngụ huyện Củ Chi) về tội: "Giết người" và "Cướp tài sản".

Ngày 4/5, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã có Thư khen gửi Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương; đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao về thành tích triệt phá nhóm đối tượng hoạt động thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền với quy mô rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Hướng tới 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), 66 năm Ngày Truyền thống lực lượng An ninh chính trị nội bộ (10/5/1958 - 10/5/2024), từ ngày 3 - 5/5, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa lực lượng làm công tác An ninh chính trị nội bộ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và TP Hà Nội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文