Người vợ liệt sĩ hơn 40 năm mới được nhà chồng nhận làm dâu

16:47 31/03/2016
42 năm sau khi thành hôn với người bạn đời của mình, người vợ liệt sĩ ấy mới được về thăm quê chồng, được chính thức nhận làm dâu, thắp hương lên bàn thờ tổ tiên họ nội. Bà không nghĩ đến việc đi bước nữa sau khi nhận được giấy báo tử từ tiền tuyến gửi về mà lặng lẽ sống cuộc sống không danh phận. Cho đến khi người đồng đội của chồng bà lặng lẽ tìm kiếm từng chút thông tin nhỏ nhặt để tìm đến nơi bà sinh sống...


Hạnh phúc ngắn ngủi

Trong kí ức của bà Đào Thị Vui (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai Hà Nội) thì câu chuyện của bà cũng giống như bao câu chuyện tình buồn thời chiến tranh khác. Dù đã ngoài 70 tuổi, nhưng những chi tiết trong kí ức của bà vẫn còn như mới, chưa từng phai nhòa.

Bà kể: "Thời thanh niên, tôi làm việc tại Nông trường Trần Phú đóng tại Nghĩa Lộ, Yên Bái. Ở đó tôi quen chồng tôi là ông Lê Tiến Tửu. Sau nhiều năm qua lại tìm hiểu, năm 1968 chúng tôi quyết định đi đến hôn nhân...". Nhưng chưa được hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một người vợ thì tối hôm đó, có giấy báo gọi ông Tửu nhập ngũ, ba hôm sau lên đường.

Bà Đào Thị Vui và bức ảnh duy nhất của ông Tửu.

Bà Vui kể, ngay sau đêm động phòng, Trung đội trưởng của đơn vị là ông Lê Ngọc Khánh (Đại đội 3, Tiểu đoàn 11 trực thuộc Sư đoàn 316 - Quân khu Tây Bắc) phụ trách nhận quân có đến gặp hai vợ chồng. Ông Khánh cho phép chồng bà hoãn đợt nhập ngũ này để đi đợt sau. Thế nhưng ông Tửu cương quyết từ chối, khẳng định mình sẽ nhập ngũ đợt này như giấy gọi. Khi đó, ông Khánh có hỏi ý kiến bà Vui, nhưng bà Vui nói: "Anh Tửu quyết thì tôi cũng quyết".

Buổi chiều ngày hôm ấy, ông Tửu đến đơn vị nhận quân trang rồi mặc quần áo bộ đội, mang ba lô đạp xe về nông trường với vợ. Theo như lời hẹn, đến khi đơn vị hành quân qua nông trường thì ông Tửu tạm biệt người vợ mới cưới, gia nhập đơn vị hành quân ra chiến trường.

Những năm chiến tranh khốc liệt ấy, biết bao người ra chiến trường có mấy ai trở về lành lặn. Dẫu biết vậy nhưng để yên lòng người bạn đời trước khi lên đường tham gia chiến đấu, hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, bà Vui nuốt nước mắt trong ngày đưa tiễn ông Tửu lên đường. Sang Lào, ông Tửu là điệp báo viên vô tuyến điện cùng Trung đội trưởng Lê Ngọc Khánh. Đến đầu năm 1970, đơn vị của ông Tửu di chuyển xuống mặt trận Trung Lào thuộc tỉnh Xiêng Khoảng.

Giữ chặt tấm di ảnh bé bằng bao diêm, tấm ảnh còn lại duy nhất của ông Tửu, bà Vui nghẹn ngào nói: "Từ khi ông ấy ra chiến trường, chúng tôi còn gặp lại nhau được vài lần khi đơn vị đóng quân ở Mộc Châu, rồi từ đó chỉ trao đổi qua thư từ. Lá thư cuối cùng tôi nhận được vào đầu năm 1970, cách ngày ông ấy hy sinh khoảng 2 tháng...".

Theo như những gì ông Khánh, người trực tiếp tham gia chiến đấu cùng chồng bà Vui kể lại cho gia đình thì ngày 1-4-1970, bộ đội ta ở Xẩm Thoong bị thương nặng quá nhiều, đơn vị của ông Tửu mất hai ngày băng rừng, vượt suối mới đưa được thương binh nặng ra đến cánh đồng Mường Pốt. Khi ra đến đó, ông Tửu và một người đồng đội vừa gác võng cáng một thương binh lên hai cây đối diện nhau để tranh thủ ngồi nghỉ thì bất ngờ máy bay địch lao tới ném bom chớp nhoáng, ông Tửu cùng nhiều đồng đội đang nghỉ ngơi hy sinh trong trận bom đó.

Hồ sơ liệt sĩ và bản chứng nhận hôn nhân viết tay.

Trong đêm hôm đó, lúc ông Khánh cùng nhặt nhạnh thi thể còn sót lại của ông Tửu và nhiều đồng đội khác đem đi chôn cất, thấy những di vật còn sót lại như chiếc bật lửa, bút kim tinh, cái lược bằng đuya-ra và khăn thêu trong ngực áo anh Tửu đều có ghi hai chữ Tửu - Vui, nước mắt ông Khánh lã chã tuôn rơi.

Khoảnh khắc ông Khánh chôn những kỉ vật đánh dấu một cuộc tình chưa trọn vẹn ấy vào lòng đất cùng thi hài ông Tửu đã trở thành lý do ông Khánh tìm kiếm thông tin của bà Vui sau này.

Nhận dâu ở tuổi 65

Sau khi nhận được giấy báo tử của đơn vị ông Tửu gửi về, bà Vui đã khóc ròng nhiều ngày sau đó. Lấy nhau chỉ vài ngày, thậm chí bà còn chưa kịp về thăm nhà chồng thì đã ly biệt người âm, kẻ dương. Lau giọt nước mắt, bà Vui kể: "Tôi thương ông ấy vì cha mẹ ông ấy cũng không còn, từ bé chỉ sống cùng người chị gái. Trong thời gian tìm hiểu nhau, ông ấy cũng đã về nhà tôi để xin phép bố mẹ, còn tôi thì chưa được gặp người nhà bên nội".

Ít lâu sau, dường như không chịu đựng được nỗi đau khi làm việc tại nơi hai người quen biết nhau, bà Vui xin nghỉ việc rồi quay về quê nhà với mẹ ở Thanh Oai bây giờ, sống cuộc đời khép kín để thờ chồng. Cũng từ khi đó, tuổi xuân cũng như hạnh phúc một đời người phụ nữ ấy coi như đã khép lại. Cuộc sống ngày ấy đầy những khó khăn, về quê nhà bà Vui nhận công việc trông trẻ cho hợp tác xã rồi kết hợp công việc đồng áng. Cơm áo gạo tiền khiến cho việc muốn một lần tìm về quê chồng mãi chưa thể thực hiện.

"Nhà ông ấy ở xã Đông Lĩnh, huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Sau này tôi có nhờ người con nuôi và mấy đứa cháu tìm hộ nhưng không ra, mãi một thời gian sau này mới biết đó là huyện Đông Hưng bây giờ", bà Vui cho biết.

Nhưng rồi, khi nghĩ đến việc ông Tửu chưa từng đưa về nhà giới thiệu với gia đình, bà Vui lo sợ khi mình giới thiệu là dâu chắc không ai tin. Thế nên nhiều năm sau đó, bà sống lặng lẽ trong căn nhà nhỏ để thờ cúng chồng. Nỗi ám ảnh về việc chưa được thắp hương lên bàn thờ tổ nhà nội, chưa được nhận làm dâu kéo dài cho đến năm 2010, 40 năm sau khi chồng mất.

Ngôi nhà nhỏ nơi bà Vui sinh sống từ khi trở về quê mẹ.

Năm 2010, cựu binh Lê Ngọc Khánh, người Trung đoàn trưởng năm nào cùng đoàn quy tập tỉnh Nghệ An sang Lào tìm mộ liệt sĩ Tửu và các anh em khác trong đơn vị. Ông Khánh bảo chính ông là người tuyển ông Tửu vào lính, chiến đấu cùng ông rồi cũng chính tay ông chôn cất ông ở nghĩa trang Mường Pốt. Biết mộ đồng đội mà không giúp đoàn quy tập đi tìm mộ thì sống không yên.

Tại Mường Pốt, người ta thông báo cho ông Khánh biết mộ liệt sĩ Tửu đã được đưa về nghĩa trang quốc tế Việt - Lào ở Nghệ An năm 2006. Tại nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, ông Khánh tìm thấy 14 ngôi mộ của đồng đội mình hi sinh trong lần ném bom hồi ấy, trong đó có mộ ông Tửu. Rồi ông đến Sở LĐ-TB&XH Yên Bái, Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) tìm danh sách liệt sĩ để thấy tên anh Lê Tiến Tửu kèm theo nội dung "khi cần báo tin cho vợ là Đào Thị Vui ở Thanh Oai, Hà Tây".

Ông Khánh cũng lặn lội về tận Hà Nội để tìm kiếm thông tin về bà Vui, sau khi nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ, ông cũng đến được nhà bà ở Cao Viên. Khi đó, bà Vui vẫn chưa được hưởng chính sách vợ liệt sĩ do giấy tờ của chồng đã bị mối mọt ăn hỏng trong quãng thời gian đầy gian khó.

Ông Khánh cũng đã giúp bà Vui tìm về đơn vị cũ để xin xác nhận của đơn vị, của những người trực tiếp tham dự lễ cưới ngày hôm đó, giúp chứng minh được rằng bà Đào Thị Vui là vợ của ông Lê Tiến Tửu. Nhờ những giấy tờ đó, từ năm 2010, chính quyền địa phương đã có những hỗ trợ chính sách cho bà Vui và còn trợ giúp bà tiền trợ cấp một lần trong thời gian 5 năm trước đó, tính từ năm 2005.

Nhưng chi tiết cảm động nhất trong câu chuyện của người phụ nữ có cuộc đời không vui như tên gọi này là ngày bà về quê chồng, được nhận làm dâu. Tháng 7-2010, ông Khánh đã dẫn bà Vui đến UBND xã Đông Lĩnh, Thái Bình.

Hôm ấy có cả Bí thư, Chủ tịch xã, ông tự giới thiệu: "Tôi là Lê Ngọc Khánh, nguyên cán bộ tuyển quân đồng chí Lê Tiến Tửu và cùng đồng chí ấy sang Lào chiến đấu. Đồng chí Tửu hi sinh năm 1970, mộ đã quy tập về nước. Đây là bà Đào Thị Vui, vợ đồng chí Tửu. Giờ tôi đưa con dâu về quê hương liệt sĩ để họ hàng nhận dâu sau 42 năm kể từ khi cưới".

Nghe vậy, cả Bí thư, Chủ tịch xã nói: "Cảm ơn thông tin của đồng chí về liệt sĩ Tửu và đưa vợ liệt sĩ về quê chứ từ trước tới giờ, gia đình và chính quyền địa phương không hề biết liệt sĩ Tửu có vợ". Lúc này bà Vui đã 65 tuổi và vẫn còn hồi hộp vì "sợ sau 42 năm lấy chồng giờ bị từ chối làm dâu". Tại nhà bà Lê Thị Xuân (86 tuổi, chị ruột ông Tửu), khi đại diện UBND xã giới thiệu xong, cựu binh Khánh đưa đầy đủ giấy tờ photo từ hồ sơ liệt sĩ của liệt sĩ Tửu báo cáo với gia đình liệt sĩ Tửu. Bà Xuân giục con gọi điện báo tin gấp cho họ hàng. Trong cảnh đoàn viên, bà Xuân nhìn em dâu nghẹn ngào: "Mất cậu Tửu rồi thì còn có em dâu". Rồi hai chị em ôm ôm lấy nhau.

Lê Phong

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng với Chính phủ, cùng các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng 12/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nghiệp vụ công tác Đảng trong CAND. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu khai mạc.

Sau gần 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại, Cơ quan CSĐT 2 cấp Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khởi tố 6 vụ án/31 bị can để điều tra về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, thu giữ hơn 9,7 tấn Xyanua, 315 kg axit Sulfuric, 105 kg axit Clohidric cùng nhiều tang vật có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ Xyanua tại nhiều tỉnh, thành, thu hồi 313,5 kg Xyanua được mua bán trái phép…

Ngày 12/11, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Thanh Việt (SN 1953, trú tại: ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi thường trú trước khi phạm tội: thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Đây vụ án gây xôn xao dư luận trên 40 năm qua, đối tượng đã cùng đồng bọn gây ra vụ án mạng khiến 6 người tử vong và trốn lệnh truy nã suốt 43 năm.

Chiều 12/11, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, đã làm việc với ông Trần Hữu Tân (SN 1991) và tiến hành đình chỉ hoạt động của bến thủy không phép cạnh cầu Cửa khẩu Giang Thành (tại ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Xuất phát từ chuyện mâu thuẫn cá nhân, sau giờ chào cờ đầu tuần, 2 nam  sinh cùng 2 nữ học sinh xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, hai nam  sinh đã dùng vật sắc nhọn (nghi là dao) đâm 2 nữ sinh trọng thương.

Những ngày qua, một đoạn clip dài 1 phút 15 giây, ghi lại cảnh một đám ăn hỏi ở miền Tây Nam Bộ xuất hiện trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người xem và bình luận. Trong clip này, một người phụ nữ xưng là mẹ của cô dâu đã tuyên bố cho con gái cưng của hồi môn sau đám cưới là 600 công đất (60ha), trị giá 90 tỷ đồng.

Tuyến Quốc lộ 54 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long có lưu lượng phương tiện đông, lòng đường hẹp, mặt đường lồi lõm và đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp, tiềm ẩn loạt nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. 

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, đại diện Ban QLDA Thăng Long (đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý, thực hiện dự án) cho biết, thời điểm hiện tại, Ban đã làm việc với đơn vị tư vấn triển khai thiết kế lập dự án theo lệnh khẩn cấp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文