"Nhà chống lũ" và giấc mơ về những ngôi làng hạnh phúc
- Nhà Chống Lũ và hành trình 5 năm sống cùng đồng bào miền lũ
- Chuyện Nhà Chống Lũ và người chạm tay vào giấc mơ
- Mỹ Linh tham gia 'Chuyện của mùa đông' ủng hộ Nhà chống lũ
Nguyễn Hương Giang - thủ lĩnh của dự án Nhà chống lũ đang muốn xây dựng lại những ngôi làng như thế trên khắp mọi miền đất nước, giúp hỗ trợ và phát triển cộng đồng an toàn và bền vững.
Từ Nhà an toàn…
Được khởi động trên mạng xã hội từ năm 2013, với sứ mệnh xây dựng những căn nhà an toàn cho người dân vùng lũ, Nhà chống lũ do chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều) và một vài người bạn cùng thành lập đã nhanh chóng được cộng đồng đón nhận bởi cách tiếp cận và ý tưởng thực hiện hiệu quả.
Sau 6 năm chống lũ, giai đoạn từ năm 2013 - 2019, Nhà chống lũ đã xây dựng hơn 700 căn nhà an toàn, 124 bể chứa nước sạch, 50 nhà vệ sinh mới tại 11 vùng dự án trên cả nước, giúp hơn 3.525 người dân sống an toàn sau thiên tai. Những thành quả bước đầu khả quan và nhiều ngôi nhà đã được dựng lên nhưng vẫn còn đó những trăn trở, khi những ngôi làng đang bị tan rã trong cơn lốc đô thị hóa. Nhiều ngôi làng có thể giàu có hơn lên.
Một ngôi nhà sau khi tham gia dự án "Nhà chống lũ". |
… đến Hạnh phúc xanh
Không chỉ là những ngôi nhà an toàn, mà những ngôi nhà tràn ngập cây xanh, một thành phố được phủ đầy cây xanh sẽ mang lại cho con người cảm giác hạnh phúc. Và dự án Hạnh phúc xanh của chị Giang ra đời, với niềm tin rằng, càng có nhiều cây xanh, con người sẽ càng hạnh phúc hơn.
Dự án cũng dựa trên những khảo sát khoa học về 144 thành phố ở Trung Quốc, nơi nào có nhiều cây xanh hơn thì chỉ số hạnh phúc của con người cao hơn. Hàng nghìn cây đã được trồng lên ở hai thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và cả các vùng ven. Phong trào trồng cây với ý tưởng, mỗi đứa trẻ ra đời, bố mẹ sẽ tặng cho cộng đồng một cây xanh và mỗi cây xanh sẽ mang tên gọi của một đơn vị hạnh phúc.
Hạnh phúc xanh bắt đầu triển khai vào năm 2018, cho đến nay đã trồng được 15.600 cây xanh với 1.770 cây xanh trong đô thị tại Hà Nội; 5.100 cây dương liễu chắn sóng tại Hội An. Tháng 9-2018, Hạnh phúc xanh đã thí điểm trồng 10.000 cây bần đầu tiên.
Nguyễn Hương Giang chia sẻ: “Tôi từng bước hướng đến xây dựng một chiến lược bền vững với các dự án trồng cây xanh trên khắp Việt Nam trong tương lai. Song song với việc trồng cây tôi nhận thấy vấn đề đô thị hóa của các thành phố lớn diễn ra nhanh chóng. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt sân chơi ngoài trời cho trẻ là điều cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Trẻ em đang ngày càng bị cuốn theo những hình thức giải trí điện tử như mạng xã hội, trò chơi trực tuyến… dẫn đến việc cả ngày chỉ tiếp xúc với thiết bị điện tử, hạn chế giao tiếp thậm chí là với người thân trong gia đình”. Vì thế, Hạnh phúc xanh còn xây dựng tính cộng đồng từ việc tạo ra không gian vui chơi, sinh hoạt cộng đồng cho trẻ. “Ai trồng cây, người đó có hạnh phúc”.
Đó không chỉ là một câu thơ mà còn trở thành một phương châm sống trong xã hội hiện nay, khi vấn nạn về môi trường, về sự thiếu hụt cây xanh đang trở thành vấn đề toàn cầu.
Và những ngôi làng hạnh phúc…
Năm 2019, thủ lĩnh của Nhà chống lũ với những trăn trở về hai chữ “Hạnh phúc”, làm thế nào để con người, đặc biệt là những người nông dân, những người có phần yếm thế trong xã hội được sống hạnh phúc.
Nguyễn Hương Giang đã cùng các cộng sự của mình đẩy dự án lên một bậc cao hơn, đó là xây những ngôi “Làng hạnh phúc” với sứ mệnh xây dựng một mô hình cộng đồng kết nối mạnh mẽ và bền vững, nơi mà không gian và điều kiện sống được quy hoạch an toàn, hài hòa với thiên nhiên, nơi cộng đồng tự chủ và có mũi nhọn sinh kế dựa trên thế mạnh truyền thống; nơi cộng đồng tự chủ bảo tồn văn hóa truyền thống đồng thời với việc tiếp cận được các kiến thức cấp tiến.
Những ngôi nhà trong dự án "Nhà chống lũ" đang được người dân rất quan tâm. |
Nguyễn Hương Giang kể say sưa về những dự định của chị, về giấc mơ xây dựng những ngôi làng hạnh phúc. Dự án đang tiến hành những bước đầu tiên tại Nóc Lâng Loan (Nam Trà My, Quảng Nam) với 70 hộ tái định cư người dân tộc Xơ Đăng.
Nằm sâu trong dãy núi Tây Trường Sơn, để đến được với Nóc Lâng Loan là một hành trình đầy hiểm trở. Từ Đà Nẵng đến đây chỉ 180km nhưng mất 8 giờ di chuyển. Những con đường sình lầy, sạt lở… Nhưng ở Nóc Lâng Loan, những mái nhà lúp xúp, xinh xắn tôn xanh lặng lẽ hiện lên sau làn mây. Nóc Lâng Loan đẹp đến mức tưởng chừng như ở đây không có gì xấu xí có thể diễn ra.
“Chúng tôi có thể giúp thêm gì ở đây. Chẳng có gì tang thương như những vùng chúng tôi đã bước qua. Hay chúng tôi nhầm”. Chị Giang chia sẻ khi đặt chân đến Nóc Lâng Loan.
Nhưng rồi chị chứng kiến những hỗn loạn có thể kéo đến bất cứ lúc nào khi có một con mưa rừng xuất hiện. Những mái tôn màu xanh lợp tạm ấy chỉ như những chiếc áo mưa rách tả tơi trong mưa. Ỏ Nóc nhiều nước khi trời mưa nhưng lại thiếu nước sinh hoạt. Vì thế, người dân ở đây còn có cả lễ “cúng máng nước”. Thời tiết khắc nghiệt, sáng nắng chói chang, chiều mưa như trút và đêm nhiệt độ xuống 12 độ, người dân ở đây uống rượu để giữ ấm và hạnh phúc của họ là được uống rượu và hát.
“Làm thế nào để giúp họ có cuộc sống bền vững hơn trên chính mảnh đất của mình để hạn chế được những nguy cơ khắc nghiệt của thời tiết, của cái lạnh và giữ cho văn hóa của họ được tồn tại theo thời gian”. Đó là những trăn trở trong hành trình đi xây những ngôi nhà hạnh phúc của Giang và team của chị. Vẫn là sự chung tay chung của cộng đồng và chính những người dân nơi đây, tiêu chí dựng làng hạnh phúc của “Nhà chống lũ” sẽ dựa trên văn hóa, tập quán, thói quen sinh hoạt của từng ngôi làng.
Trong chương trình Cất cánh Việt Nam 2019 mà Nguyễn Hương Giang được mời với tư cách là một diễn giả, người truyền cảm hứng vì cộng đồng, vì một Việt Nam có thể cất cánh từ những con người dám làm, dám thay đổi như chị, Hương Giang chia sẻ: “Mỗi người sẽ có cho mình một khái niệm về hạnh phúc riêng. Với tôi, hạnh phúc sẽ là rất nhiều những hình ảnh nhà chống lũ”…
Một mùa xuân mới lại về trên Nóc Lâng Loan. Người dân ở đây sẽ đón một cái Tết ấm áp hơn, “giàu có” hơn và chắn hẳn họ sẽ biết quý giá những hạnh phúc bình yên mà họ đang có khi có sự đồng hành của Quỹ Sống của Phạm Hương Giang và cộng đồng.