Nhà còn xây, đường còn ngập
Tối muộn, cơn mưa đầu mùa trút ào ào xuống thành phố. Hơn một tiếng sau, nhiều con phố đã thành sông. Chuyện không có gì mới, bao năm rồi vẫn vậy.
Chỉ khổ những ai không về kịp nhà, người và xe bì bõm trong làn nước bẩn. Vô phúc cho ai nếu xe bị chết máy khi lội nước thì phải đến đêm mới mò về được nhà.
Một clip gần một phút trên mạng xã hội ghi lại cảnh một thanh niên đứng trên tấm gỗ dài, dùng chiếc gậy để đẩy tấm gỗ trôi trên mặt nước. Động tác của anh ta khá thuần thục nên “chiếc thuyền” rất cân bằng, không bị chòng chành dù cùng thời điểm đó, xe máy phóng qua làm nước dềnh lên.
Tác giả của clip có liên tưởng rất sinh động nên đã đặt tên cho clip này là “Người lái đò trên sông Cô lô nhuê” (Cổ Nhuế). Thật ra, vào những lúc mưa gió, chỗ nào cũng ngập nước thì việc đi lại trên những “chiếc thuyền” là giải pháp không tệ dù có chút hài hước.
Mấy chục năm rồi, chuyện mưa rồi ngập ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh đã trở thành chuyện thường ngày. Đỉnh điểm là trận ngập lụt lịch sử của Hà Nội cách đây tròn 10 năm. Nhiều huyện ngoại thành mênh mông trong biển nước và bị cô lập.
Sau trận lụt đó, lãnh đạo thành phố đã họp nhiều lần, đề ra nhiều phương án khắc phục và hạ quyết tâm để Hà Nội không phải sống chung với lũ lụt. Giải pháp thì nhiều lắm, nhưng để nó có tính khả thi hay không lại là câu chuyện khác.
Minh họa của Lê Tâm. |
Một số liệu khảo sát cho thấy, 80% diện tích mặt nước ở Hà Nội đã bị san lấp trong vòng nửa thế kỷ qua. Rất nhiều hồ, ao đã “biến mất” trên bản đồ và tên gọi của nó chỉ còn trong ký ức của những người sống lâu ở Hà Nội. Ngày trước, nhà cửa ít, dân thưa vắng, ao hồ nhiều, mưa to trút xuống đã có chỗ chứa nên ít khi thấy cảnh ngập lụt.
Còn giờ đây, người mỗi lúc một đông, nhà mỗi lúc một nhiều, người ta tận dụng tối đa những chỗ có thể lấn chiếm được để xây nhà trên đó. Thế là thành phố vốn chật hẹp lại trở nên nhếch nhác, luộm thuộm bởi những ngôi nhà cơi nới thiếu thẩm mỹ.
Làng xóm, ngõ ngách, đâu đâu người ta cũng chiếm đất xây nhà. Còn ngoài mặt tiền, nghĩa là những địa bàn thuộc trung tâm thành phố, khi mật độ dân cư luôn đông đúc, các siêu thị, nhà hàng, công sở luôn trong tình trạng quá tải thì chục năm trở lại đây, chúng ta còn thấy những tòa nhà cao tầng thi nhau mọc lên dù thành phố đã có quy định chiều cao cho mỗi tòa nhà.
Tận dụng tối đa đất để xây nhà nên cũng không thấy cây xanh, thảm cỏ, vườn hoa, hồ nước… đến nỗi một người nước ngoài đã phải thốt lên: Thật sự ngột ngạt khi đi vào trung tâm thành phố Hà Nội!
Vâng, câu chuyện chúng tôi muốn đề cập tới đã và đang nóng trong thời gian qua, đó là tình trạng xây quá nhiều nhà cao tầng trong thành phố. Một tòa nhà mọc lên, hàng nghìn con người dọn về đây sống, những hồ ao xung quanh bị san lấp hết. Hệ lụy kéo theo là ô nhiễm, ùn tắc, tai nạn giao thông và tất nhiên, việc ngập úng ngày càng trở nên trầm trọng.
Các cấp lãnh đạo cũng đã ban hành nhiều quy định nghiêm ngặt nhằm báo động khẩn cấp và ngăn chặn tình trạng trên. Rất tiếc, khi những quy định này đi vào cuộc sống thì Hà Nội đã có hàng trăm tòa nhà cao tầng đi vào sử dụng. Giá nhà chung cư cao cấp ở những khu vực trung tâm cực đắt, thậm chí một căn hộ nhìn ra hồ Tây được bán với giá… mấy chục tỷ đồng.
Thay vào đó, hãy xây dựng những công trình phúc lợi trên quỹ đất ít ỏi trong khu vực nội đô như công viên, khu vui chơi cho trẻ em, nơi tập thể dục của người cao tuổi… để thành phố đỡ “ngột ngạt” và tăng chất lượng cuộc sống cho người dân.
Các cơ quan có thẩm quyền cần kiên quyết trong việc cấp phép cho việc xây dựng các tòa nhà ở khu vực trung tâm. Mặt khác, khuyến khích việc xây dựng những khu đô thị tại các quận mới thành lập là hướng đi cần thiết để ổn định quy hoạch chung của thành phố.
Cùng với đó là việc mở thêm những đường vành đai nhằm nối liền trung tâm với các khu vực lân cận… Làm tốt những việc đó, hy vọng vào ngày mưa gió, thành phố chắc sẽ đỡ ngập hơn.