Nhật Bản:

Trẻ vùng động đất sóng thần tị nạn nơi khác bị kỳ thị

16:53 27/04/2017
Người dân Fukushima đang phải sống tha hương nơi đất khách, chịu cảnh tái định cư đầy khó khăn và đồng thời còn hứng chịu những chuỗi ngày kinh hoàng về thể chất lẫn tinh thần.


Vào ngày 11-3-2011, thảm họa sóng thần, động đất và rò rỉ lò phản ứng hạt nhân đã gần như "xóa sổ" tỉnh Fukushima (Nhật Bản) khiến 20.000 người thiệt mạng và hơn 160.000 người phải di tán, trong đó có đến 80.000 người đối mặt với cảnh vô gia cư. Tờ JP mới đây cho hay.

Đã hơn 6 năm trôi qua kể từ ngày vụ thảm họa kép xảy ra không chỉ để lại bao nỗi đau mất mát cho người dân nơi đây, mà kéo theo đó còn là những hệ lụy gây nhức nhối cho xã hội, đặc biệt là nạn ức hiếp và kỳ thị học đường. Thực tế, người dân Fukushima đang phải sống tha hương nơi đất khách, chịu cảnh tái định cư đầy khó khăn và đồng thời còn hứng chịu những chuỗi ngày kinh hoàng về thể chất lẫn tinh thần.

"Đồ nhiễm phóng xạ!"

Kể từ lúc thảm họa kép và sự cố rò rỉ nhà máy điện hạt nhân tàn phá Fukushima, nỗi đau của người dân nơi đây vẫn chưa hề nguôi ngoai khi tình trạng kỳ thị và bắt nạt vẫn diễn ra hằng ngày. Những người dân vùng Fukushima, đặc biệt là trẻ em, phải chịu cảnh xa lánh giống như những nạn nhân vùng Hiroshima và Nagasaki sau Thế chiến II khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống nơi này khiến hàng trăm ngàn người chết.

Mới đây, Ban giám hiệu một trường học ở Yokohama đã phát hiện một vụ bắt nạt hết sức nghiêm trọng. Theo lời kể lại từ luật sư gia đình nạn nhân, con trai họ liên tục bị bạn học bạo hành từ lúc chuyển đến đây sáu năm trước. 

Cậu bé bị gọi là "mầm bệnh", thậm chí còn bị trấn lột tiền vì nghĩ cậu nhận được tiền trợ cấp tị nạn. Sau đó, cậu còn phải nộp hơn 1,5 triệu yen (khoảng 25 triệu VND) để không bị ức hiếp. "Họ đối xử với tôi như tên bệnh hoạn vì phóng xạ", cậu bé nói.

Không ít em nhỏ bị bắt nạt, ức hiếp.

Được biết ban đầu ban giám hiệu nhà trường từ chối điều tra sự việc cho đến khi nhận được yêu cầu từ luật sư gia đình nạn nhân. "Đồ nhiễm phóng xạ!". Đó là lời miệt thị của hai đứa trẻ vùng Tokyo dành cho một bé gái vừa từ Fukushima chuyển đến đây sinh sống. 

Người mẹ cho biết cô bé bị sụt cân, bỏ học và thậm chí đòi chuyển trường để không bị các đứa trẻ khác trong trường bắt nạt. Theo thống kê của tờ Asahi, có khoảng 2/3 người tị nạn Fukushima phải sống trong định kiến, đặc biệt là trẻ em phải chịu cảnh bị bạn học lăng mạ, tẩy chay, bạo hành và trấn tiền.

Định kiến tới khi trẻ lập gia đình

Đồng thời, các nạn nhân thảm họa phóng xạ cũng bị kỳ thị trong công việc và hôn nhân khi đến tuổi trưởng thành. Theo đó, nữ giới sẽ khó lập gia đình vì đối tượng kết hôn sợ bị lây nhiễm hoặc con cái sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Một người mẹ thổ lộ: "Trẻ em vùng Fukushima sẽ không thể lập gia đình được, chồng tương lai sẽ sợ chúng nó không thể sinh con". Được biết gia đình bà ngụ tại thị trấn Iwaki cách lò hạt nhân Fukushima khoảng 50km. Bắt nạt và kỳ thị còn để lại ám ảnh tâm lý sâu sắc. 

Nhiều người Nhật là nạn nhân của sóng thần vẫn sống cuộc đời tị nạn.

Bác sĩ Tsubokura Masaharu chuyên điều trị các nạn nhân vùng thảm họa cho biết: "Có một số trẻ em sau khi bị bắt nạt vẫn có thể vượt qua được. Nhưng số còn lại sẽ cố gắng thu mình lại, mất đi tự tin và bản chất vốn có".

Đứng trước tình trạng đáng lo ngại này, Nhật Bản đã nỗ lực đưa ra những chính sách thích hợp nhằm bảo vệ quyền lợi trẻ em tị nạn. Bên cạnh xử lí các trường hợp bắt nạt, chính quyền nước này còn kêu gọi nhà trường phải giúp các em học sinh nâng cao hiểu biết về những ảnh hưởng tinh thần và thể chất do thảm họa gây ra.

Ông Kamoshita Yuya, Chủ tịch tổ chức bảo vệ quyền lợi người tị nạn, phát biểu: "Người tị nạn hay biểu hiện ra ngoài và dễ bị cho là “lập dị”, chính điều đó khiến họ rơi vào cảnh bị bắt nạt".

Ông cho biết thêm hiện các trường học cũng đang nỗ lực giảm thiểu tình trạng này. Tình trạng bắt nạt trẻ em ở Nhật Bản (còn được gọi là ijime) đang ở mức đáng báo động. Theo thống kê năm 2015 có khoảng 224,540 vụ liên tiếp xảy ra. Chính vì thế, điều luật bổ sung nhằm bảo vệ quyền lợi trẻ em, đặc biệt là trẻ tị nạn đã yêu cầu nhà trường phải phòng ngừa vấn nạn này xảy ra.

Một con số có thể khiến nhiều người sửng sốt: Tự tử là nguyên nhân mang tới cái chết lớn nhất cho người Nhật trong độ tuổi từ 10 đến 19 (là những nạn nhân của Ijime), và ngày đầu tiên của năm học mới là ngày nhiều học sinh chọn là ngày tự tử nhất khi không thể chịu đựng được việc quay lại trường học.

Trường Vân

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Mang trong mình dòng máu của đồng bào dân tộc Cor, nhưng lại có hơn 3 năm công tác ở xã vùng cao Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và nặng nghĩa tình với đồng bào dân tộc Hre nơi đây, Đại úy Hoàng Thị Lan Phương luôn coi vùng đất này như quê hương thứ 2 của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文