Nhiều nữ nhân viên Liên hợp quốc "tố" bị quấy rối tình dục
"Không có lựa chọn để tìm kiếm công lý và tôi cũng mất việc làm"
Trong số các nữ nhân viên được phóng viên Guardian phỏng vấn, 15 người cho biết họ từng bị quấy rối hoặc tấn công tình dục trong vòng năm năm qua. Những hành vi quấy rối, tấn công tình dục phổ biến là có lời nói, hành vi thiếu đứng đắn cho đến hãm hiếp. 7 trong số 15 phụ nữ đã chính thức báo cáo sự việc đã xảy ra. Những người phụ nữ này làm việc tại Văn phòng của UN tại hơn 10 quốc gia đề nghị giấu kín danh tính một phần vì các nguyên tắc quản lý nhân viên của UN, một phần vì sợ bị trả thù.
Ba phụ nữ làm việc tại các Văn phòng UN khác nhau báo cáo bị quấy rối hoặc tấn công tình dục cho biết, họ đã bị buộc phải chấm dứt công việc hoặc đe dọa chấm dứt hợp đồng lao động trong năm qua. Trong các đối tượng bị tố cáo có một quan chức cấp cao.
Một phụ nữ tố cáo bị một nam nhân viên cao cấp hãm hiếp khi đi công tác ở một địa bàn xa nói rằng "không có lựa chọn để tìm kiếm công lý và tôi cũng mất việc làm". Một cuộc điều tra nội bộ của UN đã tìm thấy đủ bằng chứng cả về y khoa lẫn lời khai nhân chứng ủng hộ cáo buộc của cô nhưng sự việc vẫn rơi vào im lặng. Cô phải điều trị dài ngày trong bệnh viện vì quá căng thẳng.
Nhiều nữ nhân viên của UN tố bị quấy rối, tấn công tình dục trong thời gian qua. |
Hai người phụ nữ bày sự quan ngại với kết quả điều tra của Văn phòng của các dịch vụ giám sát nội bộ của UN (OIOS). Những người phụ nữ này cho rằng, OIOS đã không phỏng vấn các nhân chứng quan trọng. Bản ghi có chứa lỗi và thông tin từ các yêu cầu điều tra bị lộ lọt.
Các thủ phạm bị cáo buộc nắm giữ vị trí lãnh đạo cấp cao nên có thể ảnh hưởng đến các thủ tục tố tụng trong suốt quá trình điều tra. Bảy nạn nhân cho biết được thanh tra hoặc đồng nghiệp khuyên không nên tiếp tục khiếu nại.
Các nạn nhân cho biết, họ không được chăm sóc y tế hoặc tư vấn đầy đủ, đội ngũ y tế do UN cử đến thiếu chuyên môn để giải quyết các trường hợp như vậy. Một nạn nhân cho biết, cô không được tư vấn về sự khủng hoảng khi bị tấn công tình dục nhiều tuần sau khi xảy ra sự việc.
"Có một nền văn hoá không bị trừng phạt trong các văn phòng của UN"
Các nhà hoạt động nói rằng, hiếm khi bị các nạn nhân theo đuổi vụ kiện vì sợ mất việc hoặc cho rằng, các cơ quan chức năng sẽ không có hành động gì. Một nữ nhân viên làm việc cho Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của UN (FAO) nói rằng, nếu báo cáo sự việc bị quấy rối hoặc tấn công tình dục, bạn có thể sẽ mất việc.
Một nữ nhân viên cứu trợ của UN cáo buộc một nhân viên cao cấp quấy rối tình dục nói rằng, cô không có nhiều hy vọng về công lý. "Ngay cả khi lấy hết can đảm để khiếu nại và khai thác mọi khả năng thì cuối cùng, bạn cũng không có được bất cứ thứ gì. Họ sẽ huy động tất cả để chống lại bạn. Bạn sẽ sống trong những mối đe dọa", nữ nhân viên nói.
Từ lâu, UN đã bị chỉ trích vì thất bại trong việc điều tra chính xác các cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình tấn công bạo lực và tình dục người dân địa phương, nhất là ở Cộng hòa Trung Phi và Haiti. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, có một nền văn hoá không bị trừng phạt trong các văn phòng của UN. Trong khi đó, nạn nhân thường xuyên im lặng.
Thực tế cho thấy, các khiếu nại liên quan đến nhân viên UN khó thực hiện vì tính chất quốc tế của tổ chức. Nhiều nhân viên cao cấp có quyền miễn trừ ngoại giao. Ngay cả khi bị cáo buộc phạm tội, những sự cố thường xảy ra ở các quốc gia có hệ thống tư pháp yếu kém. Bên cạnh đó, phần lớn nạn nhân và nhân chứng sợ bị trả thù nên không lên tiếng tố cáo thủ phạm. Một số cơ quan quy định thời hiệu khiếu nại các vấn đề trong thời hạn sáu tháng.
Các quan chức UN cho biết, sẽ "ưu tiên giải quyết nạn quấy rối tình dục và thực hiện chính sách không khoan dung với trường hợp vi phạm". Trong một tuyên bố, UN cam kết sẽ "xem xét tăng cường năng lực hoạt động để điều tra các cáo buộc và hỗ trợ nạn nhân". Một nhóm điều tra cao cấp về nạn quấy rối tình dục sẽ được thành lập. UN cũng sẽ tiến hành khảo sát để xác định chính xác tính chất, mức độ của nạn quấy rối, tấn công tình dục trong các văn phòng của UN trên khắp thế giới hiện nay.