Nhớ mùa hoa chuối

08:00 04/09/2015
Dọc theo đèo Con Ó, ven sông Đà Đờng là ranh giới giữa Đắk Nông và Lâm Đồng. Đây là vùng rừng lùn, đất sỏi, suối sâu, nhiều loại cây bụi. Vào mùa nắng, gió từ miệt Bình Phước thổi lên rát mặt. Tuy nhiên dọc con đường này có khá nhiều hoa chuối đỏ tươi. Chuối rừng hình ảnh thân quen với dân Tây Nguyên vừa là nguồn thức ăn, cũng là hũ nước thần dành cho những người đi lạc…

Có dịp chạy xe qua Đắk Nông vào mùa khô, nhìn những đám chuối rừng xơ xác đứng ven triền đồi cảm thấy chúng tội tội. Ngày ấy cho đến bây giờ mỗi khi thấy những thân chuối còi cọc, mỏng manh, cố gượng dậy giữa đại ngàn tôi lại nhớ nạn đói năm 1945. Chuối rừng mùa khô cũng giống như những bộ xương di động vào năm Ất Dậu với hốc mắt lõm sâu, đứng, ngồi rồi bất chợt ngã xuống trên đường thôn không mộ chí.

Chuối nhà, chuối rừng và chuối cô đơn

Ở nông thôn xứ mình, gần như nhà nào cũng cố trồng vài cây chuối để có bóng mát, có trái để ăn, có lá gói bánh, có thân cho heo, như nạn đói năm 45 người ta ăn luôn cả củ. Có thể nói chuối là bạn của dân nghèo.

Trong Nam người ta không gọi hoa chuối mà gọi bằng búp. Chuối hoang dã ở xứ mình có hai loại: Chuối rừng và chuối cô đơn. Để dễ phân biệt các loại chuối, bạn đọc chỉ cần nhớ một điều: Chuối nhà búp tím sẫm, chuối rừng búp đỏ tươi và chuối cô đơn búp xanh cốm. Trong đó, chỉ có chuối rừng mới kèm thêm chùm lá đỏ tí hon, tô thêm màu sắc cho đại ngàn.

Tuyến đường từ Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước thường gặp cả vườn chuối bạt ngàn. Trong các loại chuối ấy, chuối rừng nhỏ nhất, nhỏ từ thân, lá đến quả. Trong những lần đi viết phóng sự đường rừng, thỉnh thoảng tôi lủi vô đám chuối rừng, chặt một thân chuối để nhai mỗi khi khát nước. Có lần mang dây ra đo, tôi chưa thấy thân chuối rừng nào lớn hơn 15cm, thường chúng chỉ to trung bình từ 8 đến 10cm. Chuối rừng tuy nhỏ nhưng vẫn sinh sôi nảy nở, chúng thường mọc thành chùm đứng khiêm tốn ở một góc rừng.

Mùa khô vài năm trước, tôi xin đi theo nhóm thanh niên Kờ Ho ở Đạ Tẻh tìm nấm linh chi ngược lên đèo Con Ó qua tận Đắk Nông. Lội rừng cả ngày, nấm đâu chưa thấy chỉ gặp cảnh khát nước khô hết cổ họng. Lúc ấy, tôi lầm lũi đi theo trong lo lắng, còn các em vẫn vui vẻ huýt gió vang rừng như mùa xuân đang đến. 

Đến một góc núi, anh em dừng lại cạnh đám chuối rừng, dùng chà gạt phát ngang 4-5 thân chuối, khoét ở giữa thành một lỗ. Sau đó đi chặt cành tre bọng ruột bằng ngón tay, phát mỗi người một đoạn dài 20cm làm ống hút. Độ khoảng 20 phút, mỗi người đến ổ nước trong thân chuối thọc ống tre hút nước. Nước chuối rừng mát lạnh, chan chát và có vị ngọt. Lúc ấy cảm thấy người khỏe ra như mình được uống nước sâm Ngọc Linh. 

K’Sẩy một thành viên trong nhóm thấy tôi kiên trì hút đến giọt nước cuối cùng. Anh đứng chống nạnh, tằng hắng trong cổ họng: “Hút nữa không, tui chặt cho ông ba cây nữa, ông uống có mà khùng luôn. Loại nước này còn hơn thuốc bổ, ông thấy anh em có đứa nào mang nước đâu, nước trong rừng thiếu gì”. Chưa hết, trước khi đi K’Sẩy còn chặt thêm vài đoạn chuối bỏ vào gùi để dành ăn như mía.

Trong các loại rau làm ghém, búp chuối rừng là số một, nó vừa ngọt vừa chát vừa thơm. Bà con dân tộc dùng chà gạc xắt mỏng ra ăn chứ không phải như người Kinh đem ngâm nước muối. Có anh em để nguyên trái cắn bụp bụp, nhai rào rạo đến nỗi hai bên mép chảy ra hàng sữa trắng thấy mà thèm.

Chuối cô đơn khác hẳn chuối nhà và chuối rừng. Thân chuối trưởng thành có cây đường kính đến 50cm, cao 5-6m tỏa bóng mát rượi. Sở dĩ nó có tên đau buồn này là do chúng chỉ tồn tại một mình. Chuối cô đơn có nhiều điểm khác biệt: Thứ nhất, nó mọc lên bằng hạt chứ không phải bằng củ. Thứ hai, thân cây, lá, búp chuối đều có một màu xanh cốm. Thứ ba, chỉ đến mùa đông mới trổ buồng, quả của chúng xếp kin kít, bìu ríu nhau chứ không theo nải. Trên buồng có rất nhiều mo xanh, xếp chồng liên tiếp lên nhau trông giống hệt như đóa hoa sen. Cuối cùng là khi quả trên buồng chín vàng mọng cũng là lúc thân chuối già tự héo rũ rồi từ từ chết.

Chuyện chuối cô đơn được kể rằng: Ngày xưa tại một bản nọ, có một đôi nam nữ yêu nhau thắm thiết, nhưng cha mẹ hai bên đều không đồng ý. Vì thế đôi bạn trẻ quyết định trốn lên rừng. Nhưng sau một thời gian, chàng trai phát bệnh, chân tay sưng lên kèm theo mọng nước. Thấy bệnh tình mỗi ngày nặng hơn, chàng khóc lóc và tự trách mình đã làm khổ người yêu, nên chờ đến đêm bỏ đi không một lời từ biệt. Sáng tỉnh dậy, không thấy chàng trai, cô gái nghĩ rằng người yêu đi săn như mọi khi mà không biết đó là lần cuối cùng được sống với nhau.

Ngày ngày, cô gái không thấy người yêu trở về, trong khi đó cái bụng của cô ngày một to lên. Sau thời gian mỏi mòn đợi chờ, cô gái quyết định đi tìm. Một ngày kia, cô bất ngờ phát hiện ra một phần thi thể của ai đó, sau phút hoảng sợ cô phát hiện ra chiếc vòng đeo cổ của người mình yêu. Quá đau buồn, cô kiệt sức chết rồi hóa thành một cây chuối kỳ lạ. Sau này được một người tiều phu đào gốc mang về nhà trồng nhưng không thấy nảy mầm, mà chỉ thấy ra quả chín rồi chết rũ, cả đời cây chuối chỉ sống một mình nên đặt tên là chuối cô đơn.

Chuối cô đơn tự nó mang một tình sử buồn. Vì vậy tôi chưa từng thấy ai đứng nhìn nó với đôi mắt rạng rỡ. Năm trước, kỹ sư Huỳnh Nhị, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ môi trường Vườn quốc gia Phước Bình ở Ninh Thuận, dẫn tôi đi thăm khu chuối cô đơn do vườn trồng thử nghiệm. Kỹ sư Nhị cho biết: “Hiện nay trung tâm đang có dự án phát triển loại chuối này, đã chuẩn bị nơi trồng, mục đích gây giống cho bà con dân tộc Raglay, Kờ Ho, Chu Ru. Hột chuối cô đơn là nguồn dược thảo trị bệnh đi ngoài, sỏi thận, phù thũng, sưng tay chân, viêm loét dạ dày, dị ứng da…

Mới đây, tôi ghé thăm một gia đình mua bán chuối rừng ở chân đèo Tà Pứa. Ông chủ tên là Huỳnh, 47 tuổi, dân gốc Quảng Trị. Trước sân nhà anh phơi đầy chuối đã bóc vỏ, còn trong nhà chuối xanh, vàng nằm la liệt như quả đười ươi đã phơi hai nắng. Anh Huỳnh cho biết: “Chuối rừng ra trái quanh năm như chuối nhà, nhưng vào mùa mưa quả mập hơn. Trung bình mỗi ngày nhà tôi thu vô khoảng 100 đến 150 ký, giá mỗi ký 10 ngàn. Mình mua ngang rồi bẻ trái ra ủ kín, đến khi chín vàng mới lột vỏ đem phơi khô, chủ yếu cho người ta ngâm rượu và làm thuốc, giá mỗi ký khô 55 ngàn. Cũng nhiều nơi đặt mua nhưng ngặt nỗi, phải đủ 500 ký họ mới đến chở. Trong lúc mình không đủ vốn dài hơi”.

Lúc chúng tôi trò chuyện có một cặp vợ chồng Kờ Ho mang đến hai gùi chuối khoảng 30 ký, anh đếm tiền trả 300 ngàn. Hình như có khung giá, nên người bán lẫn người mua chẳng ai nói câu nào, chỉ thấy vui vẻ bằng mắt với nhau. Tôi xin một quả chín vàng ươm ăn thử, chuối rừng ngọt thanh, dịu dàng nhưng quá nhiều hạt, đến nỗi phải dùng lưỡi đẩy hột ra mới nuốt được.

Lúc chia tay, anh Huỳnh còn tặng tôi một bịch chuối tươi và dặn: “Có ai hỏi mua chuối rừng khô, anh giới thiệu nhé! Chuối nguyên chất hái từ rừng không pha trộn”. Anh còn đưa cho tôi một nửa tờ giấy học trò ghi hàng chữ ngoằn ngoèo bằng bút bi: “Huỳnh-Nhạn chuyên bán chuối rừng khô sỉ và lẻ nguyên chất, chân đèo Tà Pứa”. Tôi thuộc lòng tờ quảng cáo đã giới thiệu vài người dưới phố nhưng không biết anh có bán được ký nào chưa!

Mì Quảng và rau sống chuối rừng

Đi dọc các tuyến đường Nam Trung Bộ và Tây Nguyên gần như nơi nào cũng thấy quán bán mì Quảng. Mì Quảng thuộc họ phở nhưng mang nét đặc trưng của xứ Quảng Nam. Đến các quán mì tôi mới phát hiện ra một điều kỳ lạ, gần như các ông bà chủ không phải tất cả là người Quảng mà có thể là dân tứ xứ. Tôi đã từng gặp các ông bà chủ nói giọng Bắc, Trung, Nam. 

Cách đây vài ngày tôi ghé quán mì Quảng ở ngã ba Sao Bộng, huyện Bù Đăng, Bình Phước. Phải ghé gần 5 quán mới gặp được bà chủ người Quảng Nam chính hiệu. Biết tôi muốn tìm hiểu xuất xứ loại mì này, chị vui vẻ ra mặt. Chị kể từ khâu dùng bột nghệ, tráng bánh, rồi dùng củ nén phi với dầu phộng xoa lên bánh trước khi cắt ra thành sợi, rồi đến cách ăn. 

Chị nói: “Ăn kiểu mì ni không dùng muỗng chi cả, chỉ dùng đũa lua vào miệng, húp rột rột, mồ hôi mồ kê chảy ra mới đúng là dân Quảng gốc. Ăn mì Quảng bằng tô mì bự, phải có đĩa rau sống to, mà rau sống không có chuối là mất đi một nửa. Chuối rừng xắt ra thành sợi, có sợi trắng sợi đỏ góp phần trang trí đĩa rau. Dân Quảng ở miền quê như Thăng Bình, Quế Sơn, nơi mà suốt ngày vọng lên tiếng chó sủa, heo kêu, bò rống nên người dân ở đấy hiền lành thật thà như tô mì Quảng. Vì nó mang dáng thô mộc, cái chi ra cái đó.” Chị kể tôi nghe rồi cười sặc sụa như người bạn đồng hương lâu ngày gặp lại.

Mới đây, tôi được gặp chị Trần Thị Kim Ngân, trên 60 tuổi, dáng người quý phái tại một quán cà phê vườn ở phố trà B’Lao. Chị Ngân dân Quảng Nam thứ thiệt. Trong câu chuyện, gặp những câu mang nghĩa cấm kỵ, chị nói câu này “hệ” à nha! Có lẽ một thời chị là đại gia, nên trên người khoác lên bộ quần áo đắt tiền đã qua bóng thời gian. Hôm qua có dịp đi ngang, nghe trong nhà chị vọng ra tiếng chuông, tiếng mõ buồn buồn, nên ghé thăm để biết. 

Đó là căn nhà xây khá đẹp nằm ngay mặt phố, trong nhà mọi thứ đều mang màu đặc trưng của Phật giáo, từ nền gạch, bàn ghế đến tủ giường đều là màu nâu, ở trên bàn còn có hai xâu chuỗi tràng hạt. Trước sân có vài chậu kiểng trồng hoa chiếu thủy, mùa này hoa nở trắng thơm phức. Nhìn hình ảnh một đại gia đến tuổi về chiều, ngồi trầm ngâm bên nhang khói, kinh kệ với chuông mõ công phu, tôi đoán đây là một phụ nữ đã từng trải qua một cuộc đời sóng gió.

Biết chị là dân Quảng gốc, nên tôi mang chuyện mì Quảng ra kể xem như phần mở đầu gặp gỡ. Đến khi tôi kể vùng quê xứ Quảng có tiếng gà gáy trưa, tiếng gà mẹ tục tục gọi con, tiếng heo kêu, bò rống và tiếng mẹ gọi con… chị ôm mặt khóc. Tôi biết đã đụng chạm một thời xa vắng của người con bỏ xứ ra đi nên chắp tay xá xá xin lỗi.  

Chị tự tay pha ly cà phê nóng cho hai người, trong lúc đang còn ầng ậng nước mắt, rồi đọc một đoạn thơ: “Em là cô gái Thăng Bình/ Ngọt ngào đất mẹ, nặng tình quê cha/ Bao năm xuôi ngược đường xa/ Nhớ chiều khói bếp, nhớ cà dầm tương/ Nhớ trăng tháng 8 vấn vương/ Bên mâm mì Quảng lệ thường trào ra”. 

Tôi hỏi vì sao lại có nước mắt trong lúc đang ăn. Chị giải thích: Ở quê mình, nấu cơm bằng rạ. Đến mùa mưa rạ ướt phải nằm xuống thổi phù phù, trong các bữa ăn gia đình, bao giờ cũng ong ong mùi khói, khói chập chờn lan tỏa. Mì Quảng là món ăn đặc sản, nhà nào cũng biết làm. Mì ở quê mình, dầu phộng thiệt béo, ớt thiệt cay, sợi mì thiệt to, nhứt là phải có cái tô tổ bố để trộn rau sống. Anh nghĩ với không gian vừa khói vừa ớt cay nồng làm sao không rơi nước mắt được. 

Tôi xa quê nhiều năm, ăn mì Quảng khắp vùng miền mới nhận ra cách ăn lua, húp không thích hợp với người Huế điệu đàng, người Hà thành kiểu cách. Vì vậy, mì Quảng không bước chân qua bên kia đèo Hải Vân được, cho dù có người lưu lạc ra ngoài nớ. Tuy nhiên, mì Quảng là món ăn vùng miền, bởi nguyên liệu có gì làm nấy. 

Ở vùng hạ lưu, người ta làm nhưn bằng tôm, cua, cá biển, thịt heo, kèm thêm trứng gà. Ở vùng thượng nguồn, nhưn mì chỉ có gà, cá đồng và lươn. Một tô mì hoàn hảo không nằm trong sợi mì hay nước nhưn mà nằm trong rau sống. Mì gà dứt khoát rau sống phải bằng bắp chuối trộn rau quế đỏ. Mì cá, mì lươn rau sống bằng thân chuối cây trộn với cải con hoặc rau quế trắng. Đặc biệt nhứt là rau sống chuối rừng.

Nhớ buổi sáng tháng ba năm 1968 khi đến mùa chim tu hú bắt đầu kêu, tôi từ Đà Nẵng về, cả vùng Bình Giang vắng lặng như tờ không nghe tiếng gà tiếng heo kêu, bò rống. Vào nhà thấy một mâm mì Quảng có rau chuối rừng đỏ trắng đang ăn dở nhưng không thấy mẹ đâu. Tôi gọi khàn cổ mới thấy mẹ dẫn các em về trong dớn dác, áo quần tơi tả, mặt mày lem luốc. Lúc ấy, được mẹ cho biết hai bên vừa mới đánh nhau, xác người còn nằm trong vườn chuối. 

Sau ngày đất nước thống nhất, tôi dẫn mẹ vào Nam để chăm sóc. Ngày ấy mẹ sống với cậu út, ngày nào mẹ cũng nấu cơm ngồi chờ. Cậu là cán bộ, thường đi nhậu trưa chiều, mẹ cứ ngồi đợi, đến nỗi một nồi cơm mẹ phải hâm đi hâm lại ăn mấy ngày. Có lúc tự tay làm cho cậu út tô mì Quảng nó cũng không ăn. Mẹ buồn rồi chết, chừ (bây giờ) đến lượt tôi hằng ngày mỏi mắt trông con về cũng rứa”, chị lại sụt sùi khóc.

Vào những năm 90 thế kỷ trước, chị Ngân từng là một đại gia mua bán vật liệu xây dựng, rồi chủ khách sạn, có nhà riêng to đẹp trong phố nhưng gia đình không êm ấm, anh chị chia tay, chị nhận nuôi 5 đứa con nhỏ. Hiện nay các con của chị đều có công việc ổn định có cháu là bác sĩ, có đứa là tiến sĩ giảng viên đại học, chúng nó đều du học ở nước ngoài bằng khả năng thật sự của mình. 

Tôi quý trọng chị, vì phong cách rất hồn nhiên khi lật lại trang sử đời mình, chị kể cho tôi nghe từ lúc cơ hàn khốn khó, kể về người mẹ đắm đuối vì con, rồi đến món mì Quảng. Trong khi thời đương đại này không ít các trọc phú hoặc các đại gia không chính danh, họ cố tình che đậy mình là người sinh ra ở gốc rạ, hoặc từng là người ở phố nghèo hèn. Họ xem như ngày xưa đã chết. Nếu ai vô tình đào bới những tháng năm hàn vi của họ, coi chừng bị xã hội đen đến thăm và trong số họ tôi chưa từng thấy ai có con học đến tiến sĩ.

Chuối rừng thân ốm tong teo nhưng sức sống lạ kỳ. Ở khu rừng nào có chuối mọc, ở đó là lãnh địa của chuối. Vào mùa mưa, chuối mọc thành vùng, thành rừng, thành một nơi đầy những chiếc lá hình bán nguyệt màu xanh sẫm chất chồng lên nhau. Mùa xuân, chích choè than, chích choè lửa kéo về làm tổ trên nách lá, trên buồng chuối. Chim non sinh ra và lớn khôn bằng những trái chuối vàng ươm rồi bay đi xa. Mùa xuân sang năm chúng lại bay về, bắt đầu một vòng đời mới.

* * *

Lúc chia tay, chị Ngân tiễn tôi ra trước cửa nhà thoang thoảng mùi hoa mai chiếu thủy, Chị nói như tâm sự: “Tôi sinh ra lớn lên ở miền quê nghèo, tuổi thơ trôi nhanh bên những thung lũng chuối rừng. Con chim nhớ lá còn có thể quay về nguồn cội nhưng con người đôi khi lại không. Mấy chục năm trước ba tôi mất, chỗ ba nằm dưới chân núi, trước một rừng chuối trổ bông đỏ cánh sen. Sau này rất nhiều lần tôi tự hỏi, không biết lần cuối cùng tôi đi theo ba chặt chuối về làm rau sống là khi mô! 

Xã Bình Giang của tôi bây giờ giàu có, nhưng trong tâm thức một người xa quê như tôi luôn mang ký ức đám chuối rừng vàng, xanh, đỏ chen lẫn mùi vị giòn giòn, ngòn ngọt, chan chát của món rau sống ngày xưa. Bây giờ có tuổi, sống một mình trong ngôi nhà vắng lặng tiếng người, nhiều lúc ngồi ngóng đợi con, lại nhớ về mẹ làm tô mì Quảng - hoa chuối ngồi chờ cậu út năm nào, nước mắt cứ chảy ra”. Và tôi, người viết bài này tiếp tục đọc lại câu thơ trở thành chân lý của ông Đỗ Trung Quân: “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”.

Như Long

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

Sáng 30/4, Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết, lực lượng chức năng vừa dập tắt vụ cháy lớn xảy ra tại Cửa hàng điện tử - điện lạnh Ninh Trang (thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn). Vụ cháy không gây thiệt hại về người, song đã thiêu rụi nhiều tài sản có giá trị trong cửa hàng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文