Những chuyện ly kỳ xung quanh cặp "linh vật" ở Ứng Hòa

12:00 01/12/2014

Cặp thạch khuyển cứ sừng sững như "đứng gác" ở đầu làng cùng những câu chuyện ly kỳ về nguồn gốc xung quanh khiến người dân địa phương luôn coi như là một linh vật có khả năng ngăn chặn tai ương, xua đuổi những điều xấu xa không cho xâm nhập vào làng.

Cặp "thạch khuyển" kỳ lạ

Nếu ai đã từng đi qua tỉnh lộ 429 đoạn qua đầu làng Thượng (xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) đều không khỏi tò mò về gốc tích và ý nghĩa của cặp chó đá được đặt ngay bên đường. Theo cụ Kim Văn Duyên (81 tuổi) - thủ từ đình làng Thượng cho biết, cặp chó đá này được một vị quan đặt làm từ tận trong Thanh Hóa rồi ra hiến tặng để ở đình làng cách đây đã hơn 300 năm.

Quan sát kỹ cặp chó đá sẽ thấy mỗi con cao khoảng 90cm, nặng khoảng hơn 300kg và được chạm, khắc từ đá xanh nguyên khối. Đánh giá của ban văn hóa chính quyền địa phương cho biết thì đây là một cổ vật có giá trị văn hóa độc đáo với lối kiến trúc, điêu khắc từ thời Lê.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, trước đây cặp chó đá này được chạm khắc cực kỳ công phu với đầy đủ các hoa văn rất tinh xảo như đuôi, mắt, tai,.. nhưng qua thời thời gian, nhiều chỗ đã bị sứt vỡ, hư hại. Không chỉ bị thời gian bào mòn mà cặp chó đá này còn bị phá hoại nhiều lần bởi giặc giã.

Nhiều người trong làng vẫn kể lại câu chuyện vào khoảng tháng 4/1950, khi giặc Pháp kéo về chiếm đóng tại đồn Ba Thá, vị trí cách làng không xa nên chúng thường xuyên dùng pháo bắn vào làng và đi càn quét, đốt phá nhằm ngăn chặn lực lượng du kích tại địa phương. Trong một lần đi càn, một tên lính Pháp khi nhìn thấy cặp chó đá đứng chình ình ngay đầu làng đã giương súng bắn nhiều phát và làm hư hỏng nặng phần đầu của một trong hai con.

Cặp chó đá ngay đầu làng Thượng thuộc xã Viên Nội (Ứng Hòa, Hà Nội) được người dân nơi đây coi như một "linh vật".

Một cao niên trong làng cho biết, ngày trước cặp chó đá được đặt trước lối vào đình làng ở ngoài đê, sau khi đình chuyển vào trong làng thì cặp chó đá cũng được đem theo và chỉ mới được đem ra đặt ở đầu làng khoảng vài chục năm về trước trong một biến cố như để trấn giữ và bảo vệ người dân trong làng.

Đó là vào khoảng đầu năm 1946, chính phủ cách mạng lâm thời khi đó có sơ tán một kho tàng bí mật về cất giữ tại làng. Biết được tin đó nên đến tháng 3/1946, một toán cướp ở nơi khác đã đánh xe kéo về làng với ý định cướp kho tàng đem đi. Khi đó, lực lượng bảo vệ kho do yếu thế hơn so với đám cướp vừa đông vừa hung hãn lại được vũ trang đầy đủ nên đã đánh kẻng báo động.

Nghe tiếng kẻng báo động vang lên, dân làng đã ồ ạt cầm vũ khí kéo ra đầu làng bao vây, tấn công lại toán cướp, đồng thời huy động người khiêng cặp chó đá lên đặt trên đường ngay trước chiếc xe và thiết lập hàng loạt chướng ngại vật khác nhằm ngăn cản không cho toán cướp tháo chạy đem theo kho tàng của chính phủ cách mạng khi đó.

"Sau khi bảo vệ thành công kho tàng của chính phủ lâm thời khi đó khỏi tay bọn cướp, nhận thấy rằng ở đầu làng đồng thời cũng là đầu xã cần phải có vật gì trấn giữ nên người dân đã thống nhất để luôn cặp chó đá từ đó đến nay" - cụ Trần Văn Biên (78 tuổi) - Hội trưởng Hội Người cao tuổi xã Viên Nội cho biết

Những câu chuyện truyền miệng ly kỳ

Những tưởng chỉ là vật vô tri, vô giác nhưng xung quanh cặp chó đá này, người dân đồn đại nhiều chuyện ly lỳ, bí ẩn như chúng có khả năng ngăn chặn tai ương, xua đuổi tà ma không cho xâm nhập vào làng. Tuy nhiên, đối với người dân nơi đây thì kỳ lạ nhất đó chính là chuyện cặp chó đá này dù bị trộm lấy đi nhưng vẫn tự biết đường "quay về".

Các cụ cao tuổi trong làng cho biết, cặp chó đá tính đến nay đã có tuổi thọ khoảng 300 năm.

Cụ Nguyễn Thị Hạ (78 tuổi) người thôn Thượng cho biết, vụ mất trộm xảy ra cách đây đã khá lâu nhưng đến giờ nhiều người vẫn nhớ như in. Đó là vào khoảng đầu tháng 3/2006, lợi dụng đêm tối, kẻ gian đã táo tợn đánh hẳn xe ôtô về làng hì hục đào bới rồi khuân một con chó đá của làng mang đi.

Sáng hôm sau, một người dân trong làng đi chợ sớm đã hốt hoảng khi thấy con chó đá nằm phía bên phải của làng đã "không cánh mà bay". Tin động trời ấy chẳng mấy chốc lan khắp cả làng trên xóm dưới vì xưa nay chuyện như vậy chưa từng xảy ra.

Vụ việc nhanh chóng được báo lên chính quyền và địa phương cũng đã cử người bủa đi khắp nơi truy tìm nhưng tất cả mọi nỗ lực tìm kiếm đều không đem lại kết quả khiến nhiều người trong làng đinh ninh rằng con chó đá vừa có giá trị tâm linh, lại vừa là cổ vật của làng mình đã mất hẳn nên rất tiếc.

Bẵng đi khoảng gần một năm sau, có người phụ nữ lấy chồng ở tận huyện bên khi về làng chơi, nghe mọi người kể lại chuyện làng bị "mất trộm chó đá" thì giật mình cho biết, ở xã bên cạnh nơi chị đang ở có gia đình trưng một con chó đá khá giống của làng. Nghe tin này, các cụ bô lão trong làng liền tất tả tới nơi để xem và nhận ra đó đúng là con chó đá mà làng bị mất cách đó ít lâu.

Theo người chủ của con chó đá đó cho biết, vì thấy con chó đá đẹp nên ông đã bỏ ra một số tiền khá lớn để mua lại từ một nhóm người lạ mặt để đem về trưng tại nhà. Sau này, nhiều người trong làng kể lại rằng khi người chủ đã mua lại con chó đá đó đem về, trong gia đình liên tục xảy ra những chuyện lục đục không hay, việc làm ăn buôn bán cũng gặp nhiều trắc trở và những điều đó là do "cụ" chó đá trừng phạt nên khi thấy có người đến nhận đã làm lễ dâng lên đình và thông báo với chính quyền địa phương xin được đem trả lại chó đá cho làng. Sau khi hoàn thành việc đưa chó đá về vị trí cũ, mọi chuyện trong gia đình người này đã êm ấm trở lại, việc làm ăn buôn bán cũng thuận lợi hơn.

Chuyện ly kỳ về cặp chó đá vẫn chưa hết, cách đây vài năm, khi tuyến đường 429 được nâng cấp và cải tạo, đoạn đường gần nơi cặp chó đá "án ngự" thường xuyên xảy ra những vụ ngã xe rất kỳ lạ. Đặc biệt có hai thanh niên khi đi đến đoạn đường ngay phía trước cặp chó đá thì không may bị ngã xe tử vong, khi xem tuổi mọi người đều bất ngờ vì cả hai thanh niên trên đều tuổi Tuất nên nhiều người đồn đoán cho rằng vì cùng tuổi, "hợp vía" nên hai thanh niên kia đã bị hai "cụ" chó đá "rước đi". Từ đó, vào những ngày lễ, ngày Tết, mỗi khi đi qua đoạn đường này, có người dừng lại thắp hương, cắm hoa trước hai "cụ" chó đá để khấn cầu.

Cứ thế, những câu chuyện truyền từ miệng người này qua miệng người khác chẳng biết đúng sai thế nào nhưng mỗi người lại thêm thắt vào một vài tình tiết trong việc trở về của "thạch khuyển" và cái chết của hai thanh niên kia lại càng khiến nhiều người tin vào sự linh thiêng của cặp chó đá.

Tuy nhiên, lý giải về những chuyện ly kỳ xung quanh cặp "linh vật" của địa phương, cụ Trần Văn Biên cho rằng việc con chó đá sau khi bị mất trộm rồi người mua phải đem trả lại là có thật, nhưng việc đó hoàn toàn không có gì là kỳ lạ, bí ẩn cả bởi người chủ đó đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn lại vô tình mua phải đồ ăn trộm mà có. "Khi biết và lại có xác nhận của chính quyền địa phương nơi cặp chó đá bị mất nữa thì chả ai muốn giữ lại làm gì vì như thế là tiêu thụ đồ gian, dễ dính dáng tới pháp luật nên họ đem trả lại là chuyện dễ hiểu", cụ Biên lý giải.

Cặp "linh vật" ở làng Thượng đã chứng kiến biết bao câu chuyện về việc dựng làng và giữ làng ở vùng đất này.

Theo ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Viên Nội, riêng đối với những vụ ngã xe và cái chết của hai thanh niên ngay cạnh nơi đặt cặp chó đá chẳng qua chỉ là sự ngẫu nhiên. "Đoạn đê này trước đây đường xấu, toàn đá sỏi rất khó đi nhưng sau khi trải nhựa, nâng cấp thành đường tỉnh lộ 429, đường đẹp hơn và tình trạng nhiều thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, gặp đoạn đường cua ngay khu đầu làng, lại không chú ý quan sát nên bị lạc tay lái, tai nạn xảy ra là điều dễ hiểu"- ông Huân cho biết.

Tiến sĩ văn hóa Nguyễn Thị Ánh Hồng - Khoa Văn hóa Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Theo quan niệm của người xưa, mỗi một làng thường lấy một vật, biểu tượng gần gũi với đời sống của họ để tạo dựng và gửi gắm niềm tin vào đó. Những linh vật đó có thể là một cặp kỳ lân bằng đá, một cây đa,… với mong muốn những linh vật đó sẽ mang tới sự giàu sang, phú quý cho cả làng. Đặc biệt là tục thờ chó đá có ở nhiều nơi trên đất nước ta bởi người xưa quan niệm rằng "Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang", họ tin rằng tiếng sủa của loài chó là gọi sự giàu sang, phú quý tới, đồng thời xua đuổi xui xẻo, ma quỷ đi. Những linh vật đó thường được coi như một biểu tượng chung của làng và nó biểu hiện cho tín ngưỡng tâm linh đặc biệt của người dân tại các làng quê Việt Nam. Đồng thời những "linh vật" đó mang nhiều ý nghĩa tích cực và có chức năng giáo dục rất lớn bởi trong đó kêu gọi sự đoàn kết cộng đồng, khuyến khích việc thiện, bài trừ cái ác, giúp cho con người thoải mái hơn, yên tâm hơn về đời sống tinh thần,…

Huyền Vũ

Có thể khẳng định rằng, với Đề án 06 và ứng dụng VNeID do Bộ Công an chủ công xây dựng đã được phát triển mạnh mẽ, trở nên quen thuộc, thiết yếu trong công cuộc chuyển đổi số của người dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Năm 2024, thành phố đã triển khai ứng dụng hiệu quả VNeID trong chuyển đổi số, góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 (Vietnam Defence Expo 2024) là một sự kiện quy mô lớn, thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Đây không chỉ là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế trong hợp tác quốc phòng toàn cầu mà còn là dịp để giới thiệu các thành tựu quốc phòng cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng và chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm 5 bị cáo gồm: Mai Thị Thanh Thủy (SN 1964, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tài Thắng - Công ty Tài Thắng); Lê Tuấn Tú (SN 1987, con trai bị cáo Thủy, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Quốc tế Tuấn Phát - Công ty Tuấn Phát); 2 nhân viên kế toán 2 công ty gồm: Đinh Thị Lan Hương (SN 1980), Nguyễn Thị Phương (SN 1987); Trịnh Thị Thanh Hòa (SN 1984, thủ kho kiêm thủ quỹ 2 công ty) về tội "Vi phạm các quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 221, khoản 1, khoản 3 - Bộ luật Hình sự.

Không thụ động chờ các chính sách ưu đãi từ Trung ương, ngày càng nhiều tỉnh, thành phố chủ động thu hút các đoàn làm phim nhằm tích cực đẩy mạnh quảng bá địa phương, thu hút khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại từng điểm đến. Đây là động thái cần thiết, không chỉ có lợi cho điện ảnh mà còn có lợi cho các địa phương, mặc dù, việc triển khai này bị cho là khá muộn so với nhiều quốc gia khác.

Kinh tế toàn cầu trong năm 2024 đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trước một loạt thách thức lớn. Từ những căng thẳng địa chính trị kéo dài ở Ukraine và Trung Đông, cho đến những vấn đề nội tại như lạm phát và bất ổn thị trường lao động, bức tranh kinh tế thế giới mang đến cả những tín hiệu tích cực lẫn bài học quý giá. Các nền kinh tế lớn và mới nổi đều tìm cách vượt qua nghịch cảnh, tạo động lực để tiếp tục tiến lên trong bối cảnh biến động không ngừng.

Với khoảng 1,2 triệu lao động từ các tỉnh, thành khác đến Bình Dương sinh sống và làm việc đã góp phần rất lớn để phát triển kinh tế của vùng đất công nghiệp Bình Dương. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo không ít đối tượng "đầu trộm đuôi cướp", "đá cá lăn dưa" và những thành phần bất hảo, côn đồ tìm đến ẩn náu và gây án…

Từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho phép các trường phổ thông được xây cao không quá 5 tầng, thay vì 3-4 tầng như hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, sự điều chỉnh này là hướng mở phù hợp, cần thiết nhằm góp phần giải quyết bài toán quá tải trường lớp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nơi quỹ đất để xây trường trong nội thành ngày càng eo hẹp.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Mê Linh, TP Hà Nội đang điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 5h10' ngày 27/11/2024 tại đường Mê Linh theo hướng từ đường Võ Văn Kiệt đi tỉnh Vĩnh Phúc thuộc xóm Soi, thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội giữa xe ôtô BKS 29C - 733.12 với người đi bộ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文