Những đình làng ven biển

11:26 30/07/2014

Anh Đào Văn Hồng, cùng lính biên phòng với tôi năm 1975. Hồng sinh ra và lớn lên tại Mũi Khe Gà ở Bình Thuận. Sau ngày rời quân ngũ, anh theo nghề đông y rồi làm thầy thuốc kết hợp kinh tế vườn nên đời sống gia đình khá ổn định. Trước việc Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào khu đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, là chiến sĩ nhiều năm giữ biển, Hồng điện thoại bảo tôi về Tân Thành gặp lại đồng đội cũ, một thời lênh đênh sóng nước. Từ Bà Rịa tôi và anh Phan Ngọc Quang cùng là dân biên phòng năm xưa phóng xe máy ven theo đường biển chạy qua Long Điền, Đất Đỏ đến Xuyên Mộc, La Gi rồi theo tỉnh lộ 719 đến tận quê anh, Mũi Khe Gà. 

Tôi là dân gốc duyên hải nhưng định cư ở Tây Nguyên gần nửa đời người. Con đường về quê từ núi cao xuống biển cả này tôi đã đi hàng trăm lần, thuộc lòng từng khúc quanh, từng ranh giới địa lý. Nhớ được thăng trầm lịch sử và hình tượng được đất và người 300 năm từ thời cha ông mở đất. Nhưng chuyến đi lần này rất lạ. Dọc đường tôi cứ mơ hồ nhìn thấy bóng người xưa đội nón lá, mình choàng áo tơi hoặc tấm nớp ngả màu thấp thoáng trên đỉnh sương mù hay đứng chỏng chơ trên ghềnh đá… vung tay hò hét ra lệnh con cháu một tấc đất của tổ tiên để lại phải dùng máu giữ gìn, không được dùng hồn thiêng sông núi của ông cha để đổi lấy hòa bình viển vông, lệ thuộc…

Đình làng chứng tích của thời mở cõi

Mỗi người có sở thích đi đường khác nhau. Phần lớn dân “phượt” chạy xe máy dọc theo đường biển, mỗi lần mệt lả đều tìm quán cà phê võng gọi nước uống rồi nằm đu đưa dưới tán dương xanh, chỉ vài phút đã thả hồn theo tiếng sóng biển rì rầm. Nhưng tôi không thích thế! Cứ mỗi lần hoa mắt, mỏi tay tôi thường mua nước mía bỏ bịch kèm theo ổ bánh mì thịt nguội rồi tìm cây đa đình làng hoặc lăng Nam Hải, nằm dưới nền gạch kê đầu trên ba lô nhìn rễ cây xù xì, các hoành phi hay sắc chỉ vua ban để nhớ về một thời cha ông chân trần mang gươm đi mở cõi. Ở xứ mình, đình làng là của chung, ai cũng được vào với điều kiện phải tuân thủ văn hóa cộng đồng ở nơi tôn nghiêm thờ phượng. Có được đi, nằm, ngồi ở đình nhìn cờ xí, gươm đao với hương khói tỏa lên mới nhận ra vong linh và khí phách của người xưa. Ở Việt Nam qua các triều đại, giặc ngoài đã đập phá rất nhiều di tích cha ông. Còn trong nước, mỗi lần thay đổi vương triều hay thể chế cộng hòa, người Việt cũng đã từng san bằng để xây dựng cái mới tô vẽ thành quả của mình. Nhưng đình làng vẫn tồn tại. Đình làng là nơi thờ tự vong linh người có công mở đất (gọi là Thành Hoàng), nơi tế lễ, giáo dục thế hệ đi sau biết được thăng trầm lịch sử địa phương.

Lăng Ông Nam Hải.

Các ngôi đình miền Đông Nam Bộ nơi tôi đã đến, gần như trong sân đều đắp hình con hổ (cọp) trên tấm bia bằng xi măng. Ngày xưa, cha ông ta gọi động vật khát máu này bằng ông. Có ba loại hổ được thờ là Hắc Hổ, Bạch Hổ và Hoàng Hổ. Nhìn những con thú dữ khắc tinh với con người được tạc trên bia, tự nó nói lên rằng tiền nhân ta 300 năm trước rất hiếu chiến và cũng hiếu hòa đối với loại thú hoang dã này. Sự thờ cúng ba ông: Hổ đen, Hổ trắng, Hổ vàng đã minh chứng cho sự cùng nhau tồn tại. Điều ấy còn chứng tỏ rằng: Nếu ông xâm phạm đất tôi, không những bị tiêu diệt mà còn lấy da làm trống cơm, xương làm cao hổ. Có khá nhiều đình, thờ ông Tiền Hiền, Hậu Hiền, nhưng khi được hỏi các ông Hiền tên gì, sinh vào thế kỷ nào đã làm được gì cho xóm làng thì rất ít người biết! Trên đường đi từ Bà Rịa đến Xuyên Mộc, tôi ghé thắp hương vài ngôi đình, mới phát hiện có đình không thờ Thành Hoàng mà thờ các Thánh Tướng như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ… Sự thờ tự ấy là bằng chứng cho thấy những võ tướng được nhân dân phong thánh gồm những lãnh tụ đủ tâm và tầm, có thần sắc và tài thao lược, thu phục được lòng người. Trên đường ghé thăm đền Trần Hưng Đạo, tôi đốt bó nhang ôm chân Người thì thầm: “Ông ơi! Giặc Tàu đã ngang nhiên mang dàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào hải phận Đại Việt, sơn hà nguy biến rồi ông ơi!”. Không thấy ông nói gì, nhưng dường như đôi mắt của ông hừng hực hướng ra biển Đông, quan sát từng con tàu hải cảnh và tàu đánh cá bọc sắt của Trung Quốc đang nhung nhúc vây quanh dàn khoan trong lãnh hải Đại Việt, đồng thời cảnh báo ý đồ xâm lăng của giặc phương Bắc đã và đang tồn tại hàng ngàn năm nay.

Trong số các ngôi đình ven biển, duy nhất ở xã Tân Tiến, thị xã La Gi có Thành Hoàng, còn gọi là dinh Thầy Thím. Huyền bí về vị Thành Hoàng này là cả một truyền thuyết dài. Chúng tôi tìm gặp ông Bảy Thạnh, người bản địa, được ông cho biết: Thầy và Thím là đôi vợ chồng người Quảng Nam được sinh ra thời vua Gia Long. Lúc thiếu thời, Thầy theo nghiệp bút nghiên nhưng khoa cử lận đận, nên vào núi tu, làm nghề bốc thuốc chữa bệnh giúp người. Rồi biến cố xảy ra trong việc tranh chấp ngôi đền nên mang tội chết. Trước khi xử trảm, Thầy Thím dùng hai tấm vải điều đỏ biến thành cặp rồng bay về phương Nam lánh nạn tại rừng Tam Tân, thuộc xã Tân Tiến bây giờ. Đến nơi mới, Thầy Thím lại tiếp tục chữa bệnh, giúp người trong vùng, vì vậy ai cũng kính mến. Sau này vợ chồng Thầy chết được bà con an táng tại đây. Tương truyền rằng sau khi vợ chồng Thầy tạ thế, được hai ông Hắc Hổ và Bạch Hổ thường về tảo mộ.

Đình làng và lăng Ông Nam Hải khác nhau. Đình làng do nông dân dựng lên nằm trong đất liền, còn lăng Ông, lăng Bà do ngư dân xây cất, mặt tiền luôn đối diện với biển. Ông Bà được thờ trong lăng là cá voi và tên lăng cũng có nhiều cách gọi. Nếu cá đực chết già gọi là lăng Ông, chết trẻ gọi là lăng Cậu. Cá cái chết già gọi là lăng Bà, chết trẻ gọi là lăng Cô. Nếu như phương Tây, họ xem cá voi là một nguồn lợi lớn có giá trị kinh tế cao thì ở Đông Nam Á cá voi được xem là phúc thần của biển cả. Ngư dân gọi loại cá này bằng những danh xưng trang trọng như: Ông Khơi (xa), Ông Lộng (gần), Ông Nam Hải. Do những đặc điểm về tín ngưỡng dân gian trên, cá voi ở biển Đông không những được bảo vệ mà còn xem như một vị thần cứu mạng. Và nếu như ở đình làng, nông dân thờ Thành Hoàng đi với Hắc Hổ, Bạch Hổ và Hoang Hổ thì ở lăng Nam Hải ngư dân thờ cá voi. Cho dù việc thờ phượng bằng hình tượng gì cũng là niềm tin và sự kính trọng. Những đình, lăng hôm nay được người dân tôn tạo lớn hơn, hiên ngang nhìn về biển cả như pháo đài của lòng dân. Nơi ấy có một quyền năng vô hình thổi hồn vào tầng lớp lao động, trở thành sức mạnh vật chất. Chính họ là những người chít khăn tang lên đầu ra trận bảo vệ biên cương khi chính phủ tuyên bố lời hiệu triệu sơn hà nguy biến.

Con đường của biển

Trong đời người, bạn không thể nói yêu biển mà chưa một lần đến biển nước mình để tận mắt nhìn thấy vẻ hiền lành thơ mộng và hung dữ tàn bạo của thiên nhiên. Sự sống ấy được con người gọi là hồn biển. Mà hồn biển không phải tự nhiên mà có. Đó là xương máu của ông cha đổ xuống từ thế hệ này đến thế hệ khác, như những con sóng miệt mài ngày đêm bạc tóc đổ vào bờ.

Con đường ven biển nối liền Bà Rịa - Phan Thiết là con đường lộng gió, được tráng nhựa rộng thênh thang. Để có con đường chiến lược và kinh tế này, các vị lãnh đạo địa phương đã rất quyết tâm biến rừng hoang, đất cát khô cằn trở thành những mạch máu chảy đều trong cơ thể đất nước. Đi trên đường nghe tiếng sóng biển rì rầm, gió thổi vào rừng dương vọng lên trầm bổng như lời ru của mẹ dưới bóng dừa xanh cát trắng. Con đường này đi xuyên qua quê cha đất tổ của tôi. Tuổi thơ, tôi đã từng đi dọc đi ngang trên cát, hụp lặn dưới làn nước biển, hàng ngày đào chang chép, đuổi bắt những con cồng xanh đỏ, hái rau Cốc nấu canh với cá Mai, hoặc mang về rửa qua loa ngồi nhai ngồm ngoàm với cá Đù kho nhạt. Sau này lớn lên tham gia quân đội cầm súng gìn giữ biển trời. Tôi yêu con đường quê tôi như máu thịt của mình. Nhưng bây giờ trở về quê muốn tắm biển, có nơi phải mua vé vào cửa 50 ngàn. Trên đường đi gặp cả trăm dự án du lịch, có dự án thật có dự án treo, nhưng thật hay treo gì người dân địa phương cũng không còn cơ hội xuống những bãi biển đẹp, nơi một thời ấu thơ bò lết rồi lao mình xuống biển hò hét tát nước vào nhau. Đã không ít cư dân bản địa mỗi lần ra biển phải đi vòng hàng rào dự án “ma” rồi ngửa mặt lên trời chửi đổng. Chưa hết, còn những cơ sở mang chữ Hoa khai thác Titan chấp chóa dưới ánh nắng mặt trời. Khi đến biển Tân Tiến, thị xã La Gi, tôi dừng lại một trạm bảo vệ ngay chân đống Titan ngất nghểu, chỉ tay vào hai hàng chữ Hoa thẳng đứng trên bờ tường hỏi: “Hai hàng chữ này mang nghĩa là gì hở anh!”. Ông bảo vệ khoảng 50 tuổi lắc đầu cho biết: “Tôi ngồi cạnh nó suốt ngày nhưng không hiểu. Nghe mấy người trước nói lại đó hai câu thần chú của người Tàu dùng để yểm ma, ông ơi!”

Tượng Trần Hưng Đạo.

12h, chúng tôi ghé khu du lịch mang tên Ngảnh, nơi có cảnh biển đẹp nhất La Gi, cũng may vẫn còn bãi để tắm. Đây là vùng khá hoang sơ, nơi ấy có bờ cát, đá nhô ra thành một eo nhỏ, nên gọi là Ngảnh, nước biển ở Ngảnh trong veo, trên bờ là rừng dương xanh thẫm. Du khách vào đây hầu hết từ khu tâm linh Thầy Thím, mỗi năm có hàng chục ngàn người hành hương đến cầu lộc, cầu tài và theo quy luật năm nay xin lộc, năm sau phải trả, cứ thế khu ăn theo này trở thành điểm đến rộn ràng.

Ven tỉnh lộ 719 từ La Gi về Phan Thiết, năm xưa là vùng trồng lúa hai vụ, mỗi năm vào mùa lúa chín, cả cánh đồng vàng rực chạy dài theo tầm mắt, bây giờ sắc màu ấy trở thành ký ức. Hiện nay cây thanh long lên ngôi với những cành nhánh tua tủa chỉa lên không trung, xanh cả đất trời. Ba mươi năm trước tại Tân Hải, Tân Thuận, Tân Thành cứ vào khoảng 5-6h chiều, khói lam từ các ngôi nhà tranh tỏa lên nhuộm cả vùng quê yên tĩnh. Bây giờ hầu hết là nhà xây, thanh long bao bọc. Dân cư ven đường một thời bằng lòng với ruộng nương cày cấy, nay ra đường bằng xe máy điện thoại di động cầm tay. Thi thoảng có mùi nước hoa để lại khi họ rồ ga lao về phía trước.

Vùng đất mang tên Gà

Chúng tôi đến Mũi Điện lúc 4h, nắng chiều vàng ươm phủ lên mặt biển, trên bờ cát hàng trăm chiếc thúng khổng lồ nằm chơ vơ dọc theo mép nước. Vùng đất này rất lạ, đi đâu cũng có tên Gà. Ví dụ như thôn Văn Kê, thôn Khe Gà, mũi Kê Gà… Anh Đào Hồng dân xứ “Kê” chính hiệu nhưng khi được hỏi vì sao nhiều Gà thế! Anh cũng lắc đầu. Có lẽ vì “tự ái dân tộc”, anh bắt tôi lên xe chạy thẳng đến nhà Sáu Lúc, một thành viên ban hội tự của Vạn Văn Phong (lăng Bà) thuộc dòng họ Lâm đã sống ở đây tròn 4 thế hệ. Khi được hỏi về Gà, anh Sáu lại gãi đầu bảo vợ lên xe chạy xồng xộc đến gặp anh trai là Năm Hoàng và bố là ông Hai Tuấn để hỏi tiếp. Ông Hai 90 tuổi còn khá minh mẫn nhưng phải đi xe lăn, ông cho biết bố mẹ ông đã định cư tại đây từ năm 1920 vào thời vua Khải Định. Khe Gà được khai phá từ năm 1900, lúc ấy chỉ có vài nóc nhà từ Phan Thiết di cư vào. Ông chỉ tay ra Mũi Điện, chỉ cách nhà vài trăm mét: “Ở phía dưới này có một cái khe nước ngọt từ trong rừng chảy ra, hàng ngày gần như tất cả gà rừng từ núi Tà Kú ra uống nước nên gọi là Khe Gà. Cách đây khoảng 2 cây số có một cửa biển cạn bây giờ là cánh đồng muối gọi là Văn Kê. Truyền thuyết Thành Hoàng là Ông Tiền Hiền người có lông như ngựa. Ông Lông Ngựa giỏi võ đã từng đánh nhau với cọp, cọp bị ông tiêu diệt máu đổ thành vũng nên gọi là Vũng Máu tại thôn Văn Kê bây giờ. Tuy nhiên mỗi năm cúng đình phải ra Vũng Máu để hương khói, cho con cháu nhớ được gian khổ người xưa”. Đang câu chuyện về đình làng một cách rôm rả, ông chỉ vào mặt tôi hằn học: “Chú là người viết, chú có dám đề nghị chánh quyền bỏ chữ Kê thay bằng chữ Khe được không! làm gì một vùng đất lại mang hai chữ Gà - Gà, thật vô lý!”. Người già luôn nặng lòng với đất.

Sáng hôm sau chúng tôi mò ra Mũi Khe Gà. Thực ra đây là một hòn đảo rộng 5ha với những bờ đá hoa cương và hàng trăm cây sứ đại thụ. Mũi đất này còn được gọi là Mũi Điện do người Pháp sử dụng năng lượng mặt trời để chiếu sáng về đêm. Theo lịch sử hàng hải, Mũi Khe Gà được xem là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của hải trình từ Nha Trang đi Vũng Tàu. Từ nữa thế kỷ XVII đã có rất nhiều thuyền bè qua lại nơi đây bị đắm do không xác định được tọa độ. Vì vậy năm 1897 Toàn quyền Doumer đã cho xây ngọn hải đăng cao 35m, nếu tính từ mặt nước biển cao 65m, người Pháp đặt bóng đèn 2.000W quét sáng 22 hải lý (khoảng 40km). Bên trong hải đăng có 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép dẫn đến đỉnh. Xung quanh chân tháp có hai hàng cây sứ tỏa bóng mát với mùi hoa thơm lừng quanh năm.

Đảo Khe Gà.

Anh Sáu Lúc dẫn chúng tôi ra lăng Bà, khi đi qua khu đất có những tấm bia đá vuông vức 30x40, anh cho biết đây là nơi chôn cất của những người phu da đen xây dựng hải đăng hơn 100 năm trước. Nhìn những nấm mồ hoang vô chủ, chúng tôi cảm thấy lòng se lại, không biết ở tận châu Phi xa xôi kia, có ai biết được dòng tộc mình còn có những người nằm lại ở ven bờ biển heo hút này. Điều đáng chú ý là có một số dự án du lịch treo bảng cần sang nhượng. Khi trở về tôi hỏi anh Năm Hoàng được anh cho biết: “Trước đây Khe Gà là dự án cảng nước sâu để vận chuyển bô xít từ Tây Nguyên xuống, nhưng hiện nay đã được Chính phủ dừng lại. Những dự án đang treo bảng bán là của những đại gia chạy tắt đón đầu các năm trước”. Khi được hỏi có khoảng bao nhiêu dự án thật và “ma”, anh bấm đốt ngón tay nhẩm tính: “Tổng cộng khoảng 30, trong đó thật là: Thuận Quý, Tiến Thành, Ánh Dương, Đồi Xứ, Bình Yên, Cánh Buồm Xanh còn lại là “ma”. Cũng giữa lúc chuyện dự án chưa chấm đứt, anh vung tay chém gió một cách giận dữ  chỉ ra phía trước: “Chuyện “thật, ma” là chuyện của các đại gia, chuyện cái chợ Khe Gà mới là chuyện của dân nghèo. Mấy chục năm nay bà con buôn bán tôm, ghẹ, cá… tại đây. Từ ngày Công ty Biển Ngọc quản lý, họ không cho ngồi bán nữa, bà con nay chạy chỗ này mai chạy chỗ khác, có lúc Công an xuống đuổi như đuổi tà. Đã mấy lần tôi phát biểu trong hội đồng nhân dân xã nhưng cũng chẳng ai ra tay, kết cục bây giờ cũng chưa có chợ, nhiều lúc đi biển về nghe bà con than vãn, tức muốn ói máu. Mấy ông xã mình chỉ chạy theo dự án trên trời, còn chuyện dưới đất bỏ mặc bà con, ông thấy có tức không? Mẹ cha nó!”. Anh Năm lầm bầm chửi một mình.

Buổi trưa, vợ chồng anh Sáu Lúc dẫn chúng tôi về nhà anh, một ngôi nhà xây bề thế dưới chân động cát. Chị Sáu đã trên 50 tuổi, tuy đã có nhà cửa và con cái thành đạt, nhưng trên đôi mắt vẫn còn đọng lại sự gian khổ của đời người, chị là nhân chứng bằng mắt trên 30 năm tại vùng đất một thời heo hút này. Chị Sáu không chịu ngồi ghế cứ đi vòng vòng nói với chúng tôi với âm sắc buồn buồn: “Ở xứ này bây giờ có đường sá, có khách đến thăm, chứ gần 40 năm trước, các anh chị không thể tưởng tượng nổii đâu. Hồi đó chỉ có vài chục gia đình sống bằng biển giã, hàng ngày ăn khoai với cá. Hôm nào anh Sáu nhà tui đi thúng về trúng cá, lúc ấy tui mới nhìn đã muốn khóc rồi. Ăn thì không hết mà bán chẳng ai mua, nên phải gánh ra tận Phan Thiết. Gánh bộ 50 cây số theo bờ biển trên nắng dưới nóng, có đoạn phải bò qua ghềnh đá, có lúc vừa đi vừa khóc. Nhà cha mẹ tui ở Tâm Tân có lưới có ghe, thời con gái không phải làm gì, đến khi có chồng khổ như thế này, nhiều lúc tủi thân lắm”. Chị Sáu òa khóc, đưa những ngón tay còn in đậm một thời khắc khổ gạt nước mắt. “Nhưng tui không hận, vì ai cũng khổ như mình, nhưng có lúc buồn. Đến đêm tối hù, tụi tui từ Phan Thiết mò về động cát, cả 5-6 người phụ nữ đi gánh, ai cũng được chồng ra đón còn tui thui thủi một mình.” Chị lại rấm rứt khóc. Anh Sáu cúi gầm xuống nền nhà trong khắc khoải: “Thì tui cũng đi thúng chứ được ở nhà đâu!”. Chị nhìn chúng tôi tiếp tục: “Ngày nhà nước phóng đường, bà con mừng hết chỗ nói, xe ủi tới đâu, cả xóm kéo nhau tới đó coi. Đến lúc kéo điện, dây tới đâu cả xóm cùng theo”. Chị nhoẻn miệng cười trong nước mắt. “Bây giờ lại đến cái chợ bị Công an đuổi lên đuổi xuống, thật buồn hết chỗ nói!”. Trong đời người, mọi thứ đều có thể qua đi nhưng đối với chị Sáu ký ức bao giờ cũng còn ở lại.

 * * *

Cả tiểu đội chúng tôi, những người lính biên phòng cũ rời biển Tân Thành ra quốc lộ I để đến nhà anh Quang, một đại gia thanh long tỉnh lẻ. Ban đêm đi trên con đường rộng thênh thang, hai bên là những trụ đèn cao áp sáng rực. Lớp trẻ lớn lên tại Tân Thành bây giờ khi nghe chuyện gánh cá, đôi khi ngỡ ngàng như chuyện cổ tích. Trên đường đi, tôi liên tưởng những bóng đèn rực sáng này đang chiếu hắt xuống từng trái tim người đi xuôi ngược để nhắc nhở rằng đất nước mình có được đường, điện và chủ quyền hôm nay là thừa hưởng từ xương máu của cha ông. Ngay Mũi điện Khe Gà, ngọn đèn 2.000W như con mắt thần quét ra biển Đông và xa hơn nữa những ngôi đình ven biển từ Quảng Ninh đến Vũng Chùa. Đôi mắt của các tiền nhân Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Võ Nguyên Giáp… đang nhìn ra biển Đông để quan sát tàu Cảnh sát biển Việt Nam ngày đêm chống chọi bất chấp mạng sống và cũng quay lại trên bờ xem hơn 90 triệu con cháu mình trong và ngoài nước có còn nội lực giữ được biển đảo hay không!

Trần Đại - Ngọc Quang

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文