Những đứa trẻ sinh ra từ… “cái chết trắng”
Mỗi lần về lại mang "bầu"
Ngôi nhà của vợ chồng bà Võ Thị H. (56 tuổi, P. Linh Chiểu, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) nằm lọt thỏm trong một con hẻm nhỏ, tính cả gác xép rộng vỏn vẹn 12m2. Diện tích đó, chỉ đủ kê tấm chăn, chiếc gối ôm cho 6 con người nằm ngủ. Toàn bộ đồ dùng sinh hoạt, nấu ăn và xe hủ tiếu phải để ké phía ngoài đường hẻm. Biết hoàn cảnh của ông bà, những người hàng xóm vui vẻ chấp nhận.
Nguyễn Thị N. (26 tuổi) là con gái út của bà H. và ông Nguyễn M. (57 tuổi). Hồi nhỏ, 4 đứa con của ông bà đều rất ngoan hiền, biết vâng lời cha mẹ. Đến tuổi thanh niên, ra đời, có 3 đứa tu chí làm ăn, chỉ riêng N. đi chệch hướng và đổ về một ngã rẽ khác.
Bà H. và cháu ngoại thứ hai bị đa dị tật từ lúc mới sinh. |
A. đi làm bên ngoài thỉnh thoảng mới trở về nhà. Rồi N. bập vào yêu, bà H. khuyên con, yêu ai thì cũng phải ngắm chọn người đàng hoàng, biết làm ăn, biết chịu trách nhiệm. N. ừ à nghe tai này lọt tai kia. Một ngày đẹp trời, cô vác cái bụng bầu về. Những tưởng sẽ có một lễ cưới long trọng, một cuộc hạnh ngộ giữa hai bên gia đình thông gia cho ngày vui của con trẻ, nhưng sự thật bạc bẽo và thê lương. Cho đến khi đứa trẻ ra đời vẫn không có một lời hối lỗi.
Sinh đứa con đầu, N. vẫn chưa dính vào ma túy, nhưng có lẽ do buồn đời, thất vọng với đàn ông nên cô nàng quyết sống để trả thù đời. N. bỏ con ở lại cho ông bà H. rồi lại mê mệt cho những cuộc chơi, những chuyến bay lắc bất tận.
Đứa trẻ còn đỏ hỏn, N. vẫn chưa ý thức việc làm mẹ. Mỗi lần trở về, N. lảng vảng một chút, ôm con chưa kịp ấm rồi lại vụt đi. Bà H. phát hiện ra biểu hiện lạ của con gái, gặng hỏi thì N. chối đây đẩy và tìm cách lảng tránh. Bà kéo áo con nói như năn nỉ: “Nếu mày nghiện thì nói để ba mẹ đưa đi cai”. N. lạnh lùng trả lời "không có" rồi lên xe phóng nhanh ra khỏi nhà. Từ đó, mấy tháng liền không thấy N. quay về. Bẵng đi thời gian, N. lại về và mang theo một anh chàng người yêu cùng “thể loại đập đá” với nhau.
Bà H. nhìn cảnh đó, giận tím người. Bà muốn được ngồi lại để hai mẹ con nói chuyện với nhau, nhưng chưa bao giờ đứa con gái chịu nghe mẹ tâm sự. Ôm đứa cháu ngoại vào lòng, bà H. chỉ biết khóc. Nhìn con gái ngất ngây bên bạn trai, bà H. có dự cảm chẳng lành.
Vài tháng sau, N. trở về, cái bụng lại lùm lùm. Tuyệt vọng và đau khổ bao trùm lên gia đình nhỏ. Ông M. chỉ biết lắc đầu, bà H. thì lặng lẽ quay đi. Họ chẳng còn lời nào để diễn tả nổi tâm trạng tuyệt vọng lúc bấy giờ. N. hạ sinh một bé trai èo uột, yếu đuối. Đứa trẻ bị đa dị tật trong cơ thể. Vợ chồng bà H. gạt nước mắt đưa tay đón lấy cháu ngoại. Suốt những tháng ngày sau, bà H. phải bỏ công việc buôn bán ôm cháu đi bệnh viện. Riêng N. và anh bạn trai thì cứ nghe thấy việc phải đi cai nghiện liền mất hút, biệt tăm, thỉnh thoảng mới ghé về nhà, ngó mặt con một thoáng. Vì không gặp được con gái, nên bà H. chụp bệnh án của thằng nhỏ gửi qua điện thoại. Bà nhắn rằng, con bị bệnh rất nặng. N. xem qua, rồi nhắn một câu xin lỗi, sau đó lặn mất tăm.
Người nghiện ma túy đã và đang gây ra những hệ lụy xấu cho gia đình và xã hội (Ảnh: Duy Trần) |
Khổ đau cùng cực, bất hạnh liên tiếp đổ xuống đầu bà H. khiến bà không muốn sống nữa. Bà đã uống thuốc kết thúc cuộc đời, để không muốn phải nhìn đứa cháu tội nghiệp ngày đêm khóc thét vì đau đớn. Bà H. tỉnh dậy trong bệnh viện, nhìn xung quanh chỉ thấy người chồng ôm đứa cháu bệnh tật đứng bên cạnh. Bất giác, bà không muốn chết nữa. Bà bảo, nếu mình chết thì chắc chắn thằng nhỏ cũng sẽ chết theo. Thôi thì, ráng sống lo cho cháu được ngày nào hay ngày đó.
Những tưởng bi kịch như thế là tận cùng, là không còn gì có thể đau khổ hơn. Thì đùng một cái, Công an phường gọi bà H. lên nhận cháu. Hóa ra, N. lại mang thai, sinh con xong đi cho. Người ta mang lên Công an phường trả lại cho gia đình.
Đứa trẻ thứ 3 được sinh ra từ những cuộc phủ phê với “cái chết trắng”. Hai đứa sau này cùng một cha, nhưng có cũng như không, vì cả cha lẫn mẹ đều “phê đá” tối ngày. Lần thứ 3 ôm cháu ngoại vào lòng, tưởng như trái tim bà H. đã hóa đá. N. thỉnh thoảng mò về, chở đứa nhỏ đi đâu đó vài ngày rồi lại đưa về. Nhiều người khuyên đừng giao con cho N., nhưng với cá tính “trời dạy” như thế, ông bà H. làm sao ngăn cản được. Hai đứa lớn biết suy nghĩ, mỗi lần bảo đi chơi với mẹ là chúng chối đây đẩy, lắc đầu sợ hãi.
Nhìn đàn cháu ngây thơ trong trắng tối ngày ríu rít bên mình, bà H. không cầm nổi nước mắt. Bà thương cháu bao nhiêu thì giận con gái bấy nhiêu. Cho đến bây giờ, N. vẫn thế, vẫn đi biền biệt, vẫn ngáo nghê, dù đã là mẹ của 3 đứa con. Bây giờ, bà H. luôn ám ảnh về cái bụng của N. và luôn hoảng sợ mỗi khi con gái trở về. Phải làm sao để trói buộc đôi chân của nó, làm sao thức tỉnh được lương tri con gái khi mà “cái chết trắng” vẫn từng ngày đeo bám lấy thể xác và tinh thần của nó.
Hy vọng mong manh
Nếu như những đứa con của N. bỏ lại cho ông bà ngoại nuôi, thì những đứa con của Hoàng Văn T. (38 tuổi) may mắn được sống cùng mẹ. Chị Lê Thị Q. (35 tuổi) đang từng ngày héo úa vì phải gánh vác một nách 4 đứa con. Đứa con gái của đời chồng trước năm nay 15 tuổi nhưng tâm hồn như trẻ lên 3, do bị bệnh động kinh, co giật từ nhỏ. Năm 2007, chị Q. gá nghĩa với Hoàng Văn T. (quê Hà Tĩnh). Vẻ bề ngoài, T. là gã trai phổng phao, có tài ăn nói. Nhanh chóng, cô gái lỡ làng ngã vào lòng chàng trai “tân” và bị thôi miên bởi những lời hứa ma mị cho tương lai.
Q. đâu biết rằng, quá khứ của T. từng là một con nghiện rệu rã, xơ xác, bần cùng. Trải qua nhiều lần cai nghiện, T. bỏ quê vào Bình Dương làm công nhân xưởng gỗ. Tại đây, T. “ngựa quen đường cũ” lao vào ma túy như con thiêu thân. Gặp được chị Q. chẳng khác nào “chết trôi mà gặp phải du thuyền”, T. nhanh chóng chớp lấy cơ hội.
Thời gian đầu chung sống, T. cô gắng giấu nhẹm chuyện nghiện ngập của mình. Chuyện vỡ lở sau 3 ngày chị Q. hạ sinh cậu con trai với T. Hôm ấy, chị Q. vẫn đang nằm trong bệnh viện thì cô em gái bất thình lình trở về phòng trọ lấy đồ đã bắt tại trận T. đang “say” ma túy. Quá hốt hoảng, cô em gái chạy vào bệnh viện thông báo cho chị gái. Q. sốc, nhưng cố giữ tinh thần vì sợ ảnh hưởng đến con mới sinh.
Con hẻm nhà trọ, nơi chị Q. đang từng ngày vật lộn để nuôi 4 đứa con chờ chồng cai nghiện trở về. |
Chuyện nghiện hút bị bại lộ, T. quỳ gối khóc lóc, năn nỉ xin chị Q. tha thứ, hắn hứa sẽ làm lại cuộc đời, quyết đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”. Nhẹ dạ cả tin trước tấm chân tình của chồng, chị Q. đồng ý bỏ qua.
Những ngày sau, T. chăm chỉ đi làm, tối về nhà ẵm con cho vợ nấu ăn. Chị Q. xúc động lắm. Nuôi con nhỏ, cuộc sống thiếu thốn nhưng ông chồng thì cứ dửng dưng. T. đi làm suốt mà mấy tháng liền không mang tiền về cho vợ nuôi con. Chị Q. hỏi thì T. nói công ty đang khó khăn phải nợ lương, hẹn tháng sau sẽ tất toán mấy tháng liền.
Nghĩ đến số tiền hơn chục triệu của chồng, chị Q. an tâm hơn. Nhưng chờ mãi vẫn không thấy tiền đâu, chị Q. hỏi tiếp thì T. nói công ty vẫn chưa thanh toán. Giữa lúc dịch bệnh COVID-19 hoành hành, công ty tạm đóng cửa, T. tạm thời thất nghiệp. Vô công rỗi nghề, T. lang thang cả ngày, tối đến mới về nhà, người lúc nào cũng thất thần, bạc nhược, mắt trắng giã, miệng thâm đen.
Chị Q. sinh nghi và âm thầm tìm hiểu. Chị bàng hoàng phát hiện ra chiếc bơm kim tiêm giắt kín trong lỗ gạch gần nơi T. nằm ngủ. Gặng hỏi mãi thì T. mới khai, vẫn “chơi” ma túy thường xuyên. Cũng chẳng còn gì để mất nữa, anh ta khai luôn, là đi làm được bao nhiêu đều mua ma túy xài hết, giờ chẳng còn đồng nào, thậm chí đang mắc nợ 8 triệu của dân “anh chị”.
Đang loay hoay với thực tại quá bế tắc và đau khổ, thì chị Q. lại phát hiện mình mang thai. Vỡ kế hoạch nhưng vì thương con, không muốn mang tội nên chị Q. quyết định sẽ sinh con. Ngày đi khám, bác sĩ thông báo chị mang song thai. Ngỡ là niềm vui, nhưng đó lại là nỗi buồn thăm thẳm đang đè nặng lên vai người phụ nữ yếu đuối này.
Dân “xã hội” tới tận phòng trọ đòi nợ, T. phải bán chiếc xe máy để trả. Trong một đêm suy nghĩ thấu đáo, anh ta quyết định đi cai nghiện. Ngày T. ra đi, chị Q. cũng chuẩn bị "vượt cạn".
4 đứa con nheo nhóc, gào khóc đói ăn vây quanh lấy người mẹ mỗi ngày. Chị Q. đã bán hết dây chuyền, vàng dành dụm được ngày trước để nuôi con. Có sẵn nghề may, chị vác máy ra đầu hẻm nhận sửa chữa quần áo, giày dép kiếm đồng lẻ cơm cháo qua ngày. Cuộc sống thiếu thốn, nhưng chưa bao giờ chị Q. thôi nghĩ và hy vọng về người chồng đang đi cai nghiện. Chị luôn hy vọng, lần này anh ta sẽ làm lại cuộc đời, sẽ gánh vác cùng chị cuộc sống gia đình. Người ta bảo, hy vọng về sự hoàn lương của một con nghiện là mong manh, có khi lại chuốc thêm tuyệt vọng. Chị Q. nghe thế, cười mà nước mắt tuôn rơi.