Những huyền tích làng

07:46 22/12/2020
Các cụ trong làng tôi nói rằng, theo phong thủy, thì cư dân sống quanh khu vực có những ngọn núi hình con rùa thường sẽ trường thọ, vì rùa là một trong tứ linh theo quan niệm tín ngưỡng của người phương Đông. Một số loài rùa tuổi càng cao thì… càng to ra. Nghĩa là từ lúc ra đời cho đến lúc chết đi, chúng chỉ phát triển kích thước cơ thể, còn mặt thì vẫn… trẻ măng. Điểm chung của loài rùa là chúng sống rất thọ.

Năm 1985, gia đình tôi chuyển từ Hòa Bình về quê sinh sống. Nhà mới bố mẹ tôi dựng bên đường 21A. Đứng ở cổng nhà nhìn qua bên kia đường thấy rõ một ngọn đồi trông rất giống hình một con rùa, nên người ta gọi là núi Rùa, đồi Rùa. Việc tranh luận đồi cao bao nhiêu thì được gọi là núi, hay núi thấp bao nhiêu thì gọi là đồi đối với mọi người không quan trọng. Ai thích gọi núi hay đồi thì gọi thôi.

Núi Rùa ngày ấy do các cụ trong làng nhận trồng cây và trông coi. Cây bạch đàn non mới được trồng, xung quanh chưa có nhà cao tầng che tầm nhìn, nên trông ở góc nào thì hình dáng núi cũng đặc biệt giống một con rùa khổng lồ. Trên đỉnh núi Rùa có một cái hố nhỏ, sâu, nước rất trong. Bọn trẻ chăn trâu đồn rằng đó là cái giếng không đáy, chỉ cần thả một quả bưởi xuống giếng, sáng hôm sau là thấy bưởi nổi trên sông Bùi. Đặc biệt, trước mũi con rùa là dòng sông Bùi chảy qua, nếu nhìn từ trên cao xuống, có thể thấy như nó đang ở mép sông, chuẩn bị lội qua bờ bên kia.

Một khúc sông Bùi chảy qua núi Rùa, trước khi hòa vào dòng sông Tích, từ đó sông có tên gọi là sông Đáy.

Sông Bùi bắt nguồn từ tỉnh Hòa Bình, chảy đến địa phận cầu Tân Trượng, nơi một bên bờ là cánh đồng làng tôi, bờ kia là làng Bùi Xá thì hòa vào sông Tích. Làng Bùi Xá sống bằng nghề chài lưới trên sông. Bọn trẻ làng tôi hay hát: "Bùi Xá ăn cá bỏ sỏ" (đầu), chẳng rõ có ý chế giễu, hay ngưỡng mộ. Năm 2018, trận lũ lịch sử, lớn thứ hai chỉ sau trận lũ năm 1971, cả làng Bùi Xá chìm trong biển nước. Đã có Đài truyền hình Việt Nam và nhiều báo viết về ngôi làng chìm trong nước này.

Khúc sông Bùi chảy trước mũi "con Rùa" có lẽ là một trong vài khúc sông sâu nhất trên hành trình của sông Bùi. Ngày tôi còn nhỏ, khi đi nhặt củi, hái lá thuốc, thường đứng trên đỉnh núi Rùa nhìn xuống cái hủm nước phình to và trong xanh lặng lẽ đó. Dòng sông uốn mình như một dải lụa lớn, đến trước "mũi rùa" thì dường như khựng lại, phình to, sâu thẳm. Đó cũng là bến sông trong trẻo, sạch sẽ nhất mà những cô sinh viên trường Nghiệp Vụ thường ra tắm giặt mỗi chiều. Đã có cô đuối nước ở đó, càng làm cho khúc sông trở nên thần bí, đáng sợ.

Khúc sông sâu thẳm đó nằm trước mũi của con rùa. Chính vì điều này, người ta đồn rằng xưa có tay phù thủy nổi tiếng của nước lân bang, hắn có tà thuật dời non lấp bể. Chính hắn đã đi khắp nước Việt để tà yểm lên các vùng đất có long mạch quý, hòng kiềm chế sự phát tiết nhân tài của nước Việt. Ngày nọ, hắn gặp một con rùa thần đang chuẩn bị lội qua sông, biết rằng nếu con rùa lội được sang bên kia bờ sông thì nước Việt sẽ có thiên tài, cho nên, hắn đã yểm con rùa đứng mãi bên này sông.

Tôi thích các câu chuyện thần bí, dẫu nhuốm màu thêu dệt, song nó vẫn gợi cho tôi những điều thú vị.

Con Rùa đứng mãi mãi bên bờ sông. Hàng trăm năm sau, cỏ cây đã phủ kín lưng rùa. Một ngày kia có ba cô tiên ở trên trời thấy dưới trần cỏ xanh tươi tốt liền cùng nhau hạ mây cắt về nuôi trâu nhà trời. Đáng tiếc, ba cô đã gặp nạn và ở lại mãi trần gian. Người dân thương tình, lập một ngôi miếu nhỏ thờ phụng và cầu an, gọi là miếu Ba Cô. Ngày tôi còn nhỏ, miếu Ba Cô chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nằm bên bờ sông, thường là người làng Bùi Xá đi đánh cá qua lại nhang đèn cầu may. Có một ông cụ từ trông rất hiền lành. Khi ai đó xin bình an cho một chuyến đi, dù đài âm dương có không thuận, cụ cũng bảo thuận, để người ta vui vẻ mà lên đường, tránh cảm giác bất an.

Ngày nay, miếu đã được xây to đẹp. Làng Bùi Xá có năm tổ chức lễ hội lớn, đắp đập ngăn dòng chảy để sông Bùi dâng nước lên cao, tạo điều kiện tốt nhất cho những đoàn thuyền rước thánh từ làng đến miếu Ba Cô, rồi lại rước về. Ngày làng rước thánh, cờ hoa giăng khắp, lại có phường quan họ hát rất hay, rộn ràng cả khúc sông vốn nhiều năm lặng lẽ.

Làng tôi, làng Trí Thủy có mối tình anh em kết nghĩa với làng An Tràng (ngày nay gọi là Yên Trường) trù phú bên kia sông Tích, gọi là Anh Cả và Em Bé. Một lần tôi đến làng kết nghĩa chơi, được một cụ già kể: Vùng này có làng Chi Nê nổi tiếng là làng khoa bảng. Có một câu ca được truyền đời: "Chó Chi Nê cắn ra chữ/ Chó Đồng Trữ cắn ra khoai lang/ Chó An Tràng cắn ra lúa gạo". Để thấy rằng làng Chi Nê nổi tiếng hay học như thế nào, và làng An Tràng sung túc ra sao. Có điều, lẽ ra làng An Tràng cũng sẽ là làng khoa bảng, còn hay hơn nữa: cả làng sẽ làm quan, nếu trong làng có đủ… một trăm giếng nước. Lẽ đương nhiên, giếng nước phải là giếng thiên tạo. Một truyền thuyết kể rằng chính lão phù thủy kia đã dùng tà thuật trấn yểm vùng đất này, không cho cái giếng nước thứ một trăm được ra đời. Chỉ có chín mươi chín giếng nước, nên dẫu giàu có, làng An Tràng vẫn ít người đỗ đạt cao và làm quan triều đình như làng Chi Nê gần đó.

Chuyện long mạch, trấn yểm của các thầy phù thủy có đúng hay không? Sự tích kết nghĩa Anh Cả - Em Bé giữa làng tôi và làng An Tràng đã kể một câu chuyện.

Mùa thu năm 1886, người dân làng Trí Thủy đã cùng nhau đào một con kênh để tiêu úng và dẫn nước từ sông Tích vào đồng ruộng, gọi là sông Con. Khi sông được đào xong, thấy nước chảy có màu đỏ bất thường. Sau đó không lâu, một loại dịch bệnh xuất hiện khiến người làng chết nhiều, đặc biệt là trẻ em. Các cụ cho rằng quá trình đào sông Con đã làm tổn thương long mạch.

Trước nạn dịch hoành hành, một thầy phù thủy cao tay ở làng An Tràng bàn với các cụ trong làng: không thể thấy chết mà không cứu, huống chi người làng Trí Thủy đối với dân làng An Tràng có nhiều ân nghĩa.

Vốn người An Tràng có một phường tre nứa thường vào khu vực Thủy Xuân Tiên khai thác, được dân làng Trí Thủy giúp. Lại còn nạn giặc Cờ đen năm 1883, dân An Tràng chạy loạn giặc được dân Trí Thủy bao bọc, nên ân nghĩa giữa hai làng càng sâu nặng.

Các cụ làng An Tràng quyết định nghe theo thầy phù thủy, mang một con trâu trắng vào Trí Thủy lập đàn tế trời đất, thành hoàng, thổ thần để hàn long mạch. Quả nhiên, dịch bệnh lui.

Nhà văn Phạm Thanh Thúy (phamthanhthuyk12@gmail.com)

Năm 1887, ân tình giữa hai làng trở nên sâu đậm, đã quyết định làm lễ kết nghĩa anh em. Nghe nói, các bô lão hai làng đã trích huyết ăn thề: "Bao giờ đổ núi Tản Viên/ Cạn sông Tô Lịch mới quên lời nguyền".

Tôi còn nghe nói, một trong những giao ước giữa hai làng là: "Anh em thì không được kết nghĩa phu thê". Theo đó, trai gái hai làng nếu có lỡ phải lòng nhau thì cũng phải theo lệ làng, không thể nên duyên chồng vợ. Ngày nay, luật đó đã thay đổi, theo Luật Hôn nhân và gia đình do Nhà nước quy định.

Sông Con nay vẫn còn, nhưng núi Rùa thì đã bị đào bới. Người ta đã đào đất ở khu vực đầu rùa, chẳng bao lâu đã… cắt gọn cái đầu con rùa lớn. Cũng nhiều năm rồi tôi không lên núi Rùa chơi, vì chẳng còn ai có thể chơi cùng. Chẳng biết cái giếng có còn, và nó không đáy là… có thực? Cũng lâu lắm rồi tôi không vào miếu Ba Cô xin lộc. Ngày trước, thi thoảng tôi vào miếu xin lộc Ba Cô, ngắm ông cụ từ hiền lành an nhiên. Không biết giờ cụ ở đâu, hay đã ngàn thu thiên cổ. Và miếu Ba Cô, thực chất là thờ ba cô tiên, hay ba người phụ nữ thường dân nào đó, tôi không biết.

Các cụ ở làng An Tràng nói hiện giờ cũng chỉ còn dấu tích của vài cái giếng nước còn sót lại, giấc mơ một trăm giếng nước để cả làng làm quan chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Và cũng từ ngày người An Tràng mang trâu trắng vào tế thần hàn long mạch cho đến nay, người làng Trí Thủy không thể nuôi được trâu trắng.

Phạm Thanh Thúy

Giữa rừng xanh trập trùng, thêm hai mái nhà mới khang trang, vững chãi vừa được khánh thành ở bản Huổi Hán và Mấn 2, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Đây là hai trong số hàng nghìn ngôi nhà đã và đang được Bộ Công an xây dựng tại Lai Châu. Dù không phải là những công trình đồ sộ, cũng không phải là phép màu từ cổ tích, những ngôi nhà này là hiện thân của nghĩa tình, trách nhiệm và tình yêu thương mà Bộ Công an mang đến dành tặng đồng bào vùng cao gặp nhiều khó khăn.

Những giây phút đếm ngược đến đại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), cũng là những phút đếm ngược thời khắc lên đường tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) của ba sĩ quan Công an thuộc Tổ công tác số 5. Thật tự hào khi các sĩ quan lên đường thực hiện nhiệm vụ quốc tế vào dịp đặc biệt của đất nước.

Giám đốc Công an TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho CLB CAHN lọt vào Top 3 V.league 2024/2025 đồng thời giành chức vô địch Cúp Quốc gia 2024/2025; giành ngôi vô địch Giải vô địch các CLB Đông Nam Á góp phần đưa bóng đá Công an Hà Nội vươn tầm khu vực.

Hội thảo “Biến đam mê công nghệ thành bước đệm sự nghiệp” đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích giúp học sinh, sinh viên định hướng lộ trình phát triển bản thân phù hợp, những thách thức của sinh viên từ giảng đường bước vào thị trường lao động; những cơ hội ngành nghề cho giới trẻ trước làn sóng bùng nổ công nghệ cũng như cách thức nâng cao kỹ năng để sẵn sàng bước vào thị trường lao động trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Chiều 24/4, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tổ chức chương trình Gặp mặt, tọa đàm với chủ đề “Viết tiếp bản hùng ca”, nhằm tri ân đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên và nhân viên của TTXVN đã từng tham gia các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào và Campuchia.

Ngày 24/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh điều hành nội dung phiên họp.

Không khí tưng bừng trên từng góc phố, con đường. Màu cờ nhuộm đỏ các tuyến phố chính, những con hẻm nhỏ, tung bay trong tự do như hân hoan chào đón Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ai cũng hân hoan chiêm ngưỡng sự bình yên, vẻ đẹp của  thống nhất….

Chiều 24/4, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Tây Ninh đã phối hợp cùng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt giữ Trương Thanh Nhã (SN 2000, ngụ Cà Mau) để điều tra, làm rõ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Nhiều tháng không có mưa khiến cuộc sống và sinh hoạt của người dân tại các xã Lục Khu, huyện Hà Quảng, Cao Bằng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn do thiếu nước trầm trọng. Trước tình hình đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Cao Bằng không quản ngại khó khăn, kịp thời triển khai nhiều đợt tiếp nước miễn phí đến tận các bản làng xa xôi.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.