Những lá thư tay

15:00 21/08/2014
Tôi không phủ nhận rằng mình thuộc tuýp người hoài cổ. Những thứ của thời quá khứ thường khiến tâm tưởng mình xao động không yên. Bởi tất cả đều thật đẹp. Đẹp vì chúng đã biến mất hoặc đang trên đà biến mất. Một ngày nọ, đang lúi húi gõ bàn phím tán gẫu chợt cô bạn phương xa nghĩ ngợi rất lung khẽ bảo: “Này, hãy gửi thư tay cho tớ đi!”. Tôi giật mình, rồi bâng khuâng, rồi hồ hởi. Ừ nhỉ, tại sao lại không phải là thư tay?

Bức thư tay gửi cô bạn, với riêng tôi, hẳn phải là một thứ kì công. Đã quá lâu rồi bàn tay mới hí hoáy trên cây bút bi mực xanh lúc đậm, lúc mờ. Những nét chữ gượng gạo, lẩy bẩy như thể đã phải kéo lê đi bao nhiêu mỏi mệt trên trang giấy. Cổ tay mỏi nhừ như người bị thấp khớp lâu năm. Một lúc nữa thì cảm tưởng như mình đang trở lại cái buổi đầu cầm cây bút vụng về tập chữ trên giấy ô li ngày thơ trẻ. Nhìn con chữ liêu xiêu, khấp khểnh trên hàng giấy mà lại giận cho cái sự vô tâm của mình. Đã từ bao lâu thôi không cầm vào cây bút, đã từ bao lâu bàn phím máy tính trưng dụng thay cho ngòi mực. Tôi không biết nữa. Chỉ biết rằng, tôi đã nhớ những bức thư tay một nỗi nhớ dài và thao thiết như niềm luyến tiếc tháng ngày cũ kĩ, vấn vương qua tự bao giờ…

Nhiều năm trước, khi hãy còn là một cậu trai 13, 14 tuổi, tôi đã có bức thư đầu tiên. Cái tuổi dở dở, ương ương ấy lắm khi nó làm người ta phải nếm trải những điều thật bồng bột. Giống như tất cả những cậu chàng tấp tểnh đến tuần cập kê khác, tôi mê mẩn một cô bạn cùng lớp. Ngày ấy chẳng có điện thoại, máy tính, internet lại càng không. Nếu không dám nhìn thẳng vào mắt bạn gái mà tỏ tình thì những cậu trai nhút nhát chỉ còn biết vịn vào những cánh thư. Tôi đánh bạo viết một bức thật dài mà giờ đây chẳng thể nào nhớ lại được chút gì. Gói thật kĩ trong chiếc phong bì thật đẹp in hình những trái tim hồng một màu hồng bồng bột, tôi lén chờ đến giờ ra chơi rồi nhanh tay nhét vào ngăn bàn cô bạn. Giờ phút hồi hộp ấy chắc chẳng bao giờ có lại trong đời lần thứ hai. Những ngày sau, một tuần, một tháng rồi hai tháng, đã chẳng có lời hồi âm nào như tôi thầm tưởng tượng, dù chỉ là một mẩu giấy con. Bức thư cứ thế trôi vào quên lãng. Cả tôi nữa, có khi cũng trôi qua lặng lẽ trong tâm trí cô bạn ngày nào.

Nhưng cũng từ đó, tôi yêu hơn những bức thư. Chẳng phải vì một sự e ấp tình tứ như trong câu thơ cũ: “Tình thư một bức phong còn kín/ Gió nơi đâu gượng mở xem” hay cái lãng mạn tột cùng của hình ảnh một lá thư nhét trong chai lênh đênh khắp mặt biển xanh vô tận. Đơn giản là tôi muốn đối diện với lòng mình. Đã là thư, viết ra ắt phải có người nhận, người đọc. Nhưng lắm lúc thư viết ra chỉ là cho chính mình. Cứ viết và chẳng bao giờ gửi đi. Thường những bức thư ấy, ta phải tự xé nó đi trong tâm tưởng của mình, phải dặn lòng đừng bao giờ nhớ nữa. Nó cũng gần giống như cảm giác yêu đơn phương, cảm giác có một khối tình tuyệt vọng. Ngày cấp 3, tôi thầm yêu một người con gái, người tôi nghĩ có lúc đã là cả thế giới của mình hoặc có lúc đã thiêu rụi đi cả thế giới của mình. Thuở ấy trong tôi mơ nỗi mơ màng của một chàng thi sĩ còn nàng thì đẹp như một vạt nắng mùa thu. Tôi đã gieo cả lòng mình vào những bức tình thư mà dẫu nhiều năm nữa e là cũng khó mà quên được. Nhưng chẳng bao giờ chúng đến tay nàng. Tôi giữ lại tất cả. Tôi sợ cảm giác bị lãng quên ngày nào. Tôi đã không dám đến bên nàng. Chỉ những bức thư hiểu chuyện. Những bức thư tay khi ấy bỗng thành tri kỉ, một thứ tri kỉ đượm buồn.

Nhưng chẳng phải bức thư nào cũng nhuốm màu thương tiếc như thế. Có những cánh thư chùng chình bao háo hức, mong chờ. Còn nhớ ngày học sinh có dạo rộ lên phong trào kết bạn phương xa trên các báo “Tiền phong”, “Văn học trẻ”… Tôi còn nhớ rõ những giờ ra chơi mòn mỏi chờ lớp trưởng, bí thư lên văn phòng trường khệ nệ khuân về một chồng thư dày cộp. Tôi đã coi những bức thư ấy chẳng khác nào một thứ bảo vật bên mình. Đã bao lần lôi ra ngấu nghiến đọc đi, đọc lại cho thuộc từng câu chữ. Những bức thư chan chứa, hồn hậu, say mê, những dòng chữ ngây ngô, trong trẻo và lấp lánh như cơn gió mát ngày hè. Bức thư tay có thể là điều lãng mạn nhất mà mỗi người ít nhất một lần từng trải nghiệm. Đó là lý do vì sao thư tình (một sự kết hợp hoàn hảo giữa những điều lãng mạn) lại ám ảnh người ta đến vậy. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, người viết những dòng nhật ký rung động hàng triệu trái tim trong “Mãi mãi tuổi hai mươi” từng say mê đến mức “nghiện” viết thư: thư gửi gia đình, thư cho đồng đội, bạn bè và đương nhiên là thư tình. Trong 4 tháng ròng, anh viết cho người bạn gái của mình tới 500 trang thư, có những bức dài tới hơn 50 trang.

Viết hay nhận một bức thư tay, bây giờ, đương nhiên trở thành một điều xa xỉ với nhiều người. Vết thương đầu tiên của thư tay là lúc điện thoại ra đời. Vài phím bấm, một tiếng a-lô, viết thư để làm gì nữa? Vết thương thứ hai, sâu hơn và còn rỉ máu mãi là lúc máy tính, internet tràn vào từng cánh cửa. Một cú nhấp chuột để soạn thư và một cú nhấp khác để gửi đi tất cả. Không phải bơm mực, chẳng cần thay giấy, không phải mua tem, cũng chẳng cần chờ đợi bưu điện tháng ngày, tiện lợi tưởng đến thế là tột bậc rồi. Thế là có một ngày những người yêu thư tay (như tôi) chẳng thể nào cứ hoài cổ mãi. Thư tay cứ thế xa cách dần. Những hòm thư bưu điện thưa vắng khách. Rồi đến một lúc ngoái đầu lại, có ai là không thoáng chút giật mình khi tay đã run, khớp đã mỏi, chữ đã gượng gạo vô cùng trên trang giấy quen thuộc thuở nào.

Nhưng thư tay chưa bao giờ chết. Nó chỉ lùi mình vào những góc khiêm tốn của cuộc sống ngày càng thừa gấp gáp, vội vã và thiếu đi rất nhiều tĩnh lặng, bình yên này. Muốn hiểu tình yêu với cánh thư tay, hãy hỏi những chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo. Có khi nào trên đường hành quân, trong những đêm sương lạnh hay những ngày bão tố dâng đầy mặt biển, các anh thôi mong ngóng cánh thư từ hậu phương hay đất liền? Khi ấy, thư tay bỗng trở thành sợi dây níu giữ hai đầu nỗi nhớ, là biểu tượng của sự thủy chung, là một sức mạnh vô hình nhưng mãnh liệt, đôi khi nuôi sống cả niềm tin của con người.

Tôi cứ thao thức mãi vì những bức thư tay vừa lãng mạn lại vừa chân thực ấy. Lãng mạn là bởi văn chương đã thổi vào biết bao cung bậc cảm xúc cho những bức tình thư: say đắm, nồng nàn, trong trẻo, thánh thiện rồi đôi khi là tuyệt vọng, khổ đau. Chân thực là vì chẳng ai nỡ dối lòng mình khi đặt bút viết ra những dòng ấy. Lời nói đôi khi có thể rẻ tiền và chẳng đáng để tâm nhưng một khi hạ bút viết thư, tôi luôn tin đó là chuyện nghiêm túc. Viết thư là một trong số ít những khoảnh khắc người ta được (hay phải) sống thật với suy tư, với trăn trở của mình, kể cả là những suy tư, trăn trở chẳng mấy khi to tát gì.

Có phải vì thế giới đang ngày càng phẳng hơn đến nỗi lắm lúc người ta nhìn nhau mà chẳng còn muốn gửi gắm gì hay bởi lòng người ngày càng cằn khô, gỗ đá mà thư tay bỗng thành lỗi thời? Như thế là tại ta vô tình hay vì thư tay tự nó đang thụt lùi lại? Là lỗi của ta hay lỗi của những bức thư? Chẳng bao giờ có câu trả lời cũng như chẳng bao giờ tôi biết được vì sao những bức thư tay ngày nào cứ lầm lũi một mình dạt trôi về miền kí ức…

Tiểu Long

Trưa 29/4, lực lượng tham gia chữa cháy đã cơ bản khống chế được đám cháy tại rừng tràm sản xuất Rọc Xây (ấp T4, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) thuộc Sư đoàn 330 – Quân khu 9 quản lý, đồng thời tiếp tục tạo đường băng không cho lửa cháy lan ra các khu vực xung quanh.

Chuyên gia khí tượng thủy văn cảnh báo, các ngày nắng nóng nhất sẽ vào ngày 29/4 và 30/4. Nhiệt độ khí tượng có thể vượt kỷ lục từng được ghi nhận trước đây. Chuyên gia lưu ý, người dân nếu có đi chơi dịp nghỉ lễ nên hạn chế ra ngoài trời trong khung giờ từ 11h trưa đến 16h chiều trong các ngày 29 và 30/4.

Biết người dân vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, một số nhà hảo tâm ở huyện An Phú (tỉnh An Giang), phối hợp Ban Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng đã chở nước sạch đến hỗ trợ bà con.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cứ mỗi dịp 30/4, khi nhân dân cả nước kỷ niệm, ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc thì trên mạng xã hội, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị tái diễn điệp khúc xuyên tạc về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đại thắng mùa xuân năm 1975 cũng như bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm nay, ngày 29/4, sẽ tới Saudi Arabia nhằm tiếp tục nỗ lực đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza. Chuyến công du diễn ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang tăng tốc nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột và ngăn chặn cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel vào thành phố miền Nam Rafah của Gaza. Bên cạnh đó, giao tranh giữa Hezbollah - lực lượng dân quân thân Iran ở Lebanon - với Tel Aviv đang leo thang nhanh chóng và có thể gây ra thảm họa cho cả hai bên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文