Những nghệ nhân oằn mình giữ đồ chơi cho con trẻ

09:00 15/09/2016
Ở nhiều vùng quê người ta so sánh thu nhập của những nghệ nhân giữ gìn nghề làm đồ chơi con trẻ không bằng người phu hồ. Thu nhập của người thợ hồ khoảng 200 nghìn đồng mỗi ngày, còn nghệ nhân chỉ bằng một nửa. Vậy mà vẫn còn những người tâm huyết mong mỏi giữ nghề, giữ cho mỗi mùa Trung thu đến, nhiều em nhỏ có món đồ chơi thú vị.


Thu nhập quá thấp

Nói về sự day dứt với nghề, chắc lẽ ở làng nặn tò he Xuân La thuộc xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là "nóng" hơn cả. Nghề nặn tò he từng rất phát đạt và được trẻ em rất mê. Song trước sự cạnh tranh của các món đồ chơi hiện đại, bắt mắt, thậm chí có cả những trò chơi vô bổ đã lấn át món đồ chơi truyền thống là tò he. Vậy mà nghề vẫn "sống". Thậm chí nhiều người còn cố gắng mang nghề đi giới thiệu ở nước ngoài.

Vì sao thế? Nếu gặp các nghệ nhân, kể cả những nghệ nhân trẻ ở làng Xuân La đều bắt gặp ở họ một nỗi trăn trở và tâm huyết. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Xuân La bày tỏ: "Chúng tôi thao thức với nghề của cha ông, một lòng yêu con trẻ và nếu bị mai một, không tồn tại nữa thì thật đáng tiếc. Dù đã có nhiều thứ mất đi, song có những giá trị mà chúng ta phải giữ, bởi đó là hồn cốt của dân tộc, của tuổi thơ".

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành hướng dẫn trẻ em nước ngoài nặn tò he.

Hẳn vì những trăn trở đó, mà anh Thành đã lắng nghe, tập trung học cho bằng được những "bí kíp" từ các nghệ nhân cao tuổi, để lập trang website, giới thiệu làng nghề, sản phẩm, cùng những người trẻ yêu nghề khác bắt tay nhau tạo chỗ đứng cho sản phẩm làm nghề. Thêm nữa, anh cùng với nghệ nhân khác cũng tích cực giới thiệu sản phẩm trong các khu dân cư, khu đô thị, trường học, mang món đồ chơi này lại gần với các em nhỏ hơn.

Ngay cả những chàng trai trẻ tuổi như Đặng Đình Lân từ ngày còn học đại học, đã lân la tới các trường học để xin dạy nặn tò he cho các em nhỏ. Dần dần nhiều trường thấy bổ ích, nên đã mời Lân đến dạy vào các buổi học ngoại khóa, tăng khả năng sáng tạo, sự hòa đồng của các em. Theo ông Nguyễn Văn Phiên, nghệ nhân lâu năm của làng thì hiện nay tại làng còn khoảng gần 300 người cố gắng tiếp tục duy trì làm nghề do cha ông để lại. Phần lớn những hộ còn lại đã chuyển sang làm các lĩnh vực khác để kiếm sống.

Nếu để so sánh tiền công làm đồ chơi Trung thu với thợ phu hồ, thì người làm đèn kéo quân của thôn Đàn Viên, xã Cao Viên (Thanh Oai - Hà Nội) cũng không bằng. Đơn giản vì làm ra sản phẩm không bán được, không có người mua và người dân phải chuyển đổi nghề nghiệp. Duy chỉ còn một vài người tâm huyết, trong đó nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, Vũ Văn Sinh.

Tiếp xúc với ông Vũ Văn Sinh, nhiều người sẽ tự hỏi vì sao ông mê mẩn với giấy, với tre, với những chiếc đèn cù (còn có tên khác là đèn kéo quân) nhiều năm đến như vậy? Ông Sinh bảo, làng Đàn Viên trước giờ nổi danh với nghiệp làm đèn, làm pháo. Riêng pháo thì cả nước cùng bỏ nhưng nghề làm đèn e chừng khắp Hà thành nơi đây cũng là điểm cuối cùng còn sót lại. Ngẫm cũng tiếc cái nghiệp truyền đời nên cứ mỗi đận Trung thu, cả nhà ông lại xúm vào làm đèn cho đỡ nhớ...

Sinh ra và lớn lên trong cái "nôi" của nghề như vậy nên ở cái đận chưa kịp lên 8 tuổi, Vũ Văn Sinh đã biết học nghề của ông, của cha rồi lụi cụi vót tre, dán giấy làm đèn. Những chiếc đèn kéo quân đầu tay của Sinh, dù chẳng phải thứ vật phẩm đắt đỏ nhưng đối với những đứa trẻ cùng trang lứa bấy giờ là báu vật. Giữa đêm rằm, ánh đèn hòa chung với tiếng trống rộn rã, tiếng nói cười của đàn trẻ khiến mùa chơi trăng nào cũng trở nên náo nức.

Sâu hơn về cái nghiệp làm đèn ở Đàn Viên cũng thực kỳ lạ. Làng chế tạo đủ các loại đèn như: Ông sao, kéo quân, lồng đỏ... nhưng chỉ duy có đèn kéo quân là được xa gần chuộng mua hơn cả. Nghe bảo, hết tháng Giêng, người dân Đàn Viên lại tỏa đi khắp nơi lùng mua tre, nứa làm nguyên liệu kết đèn. Nứa, tre mua về được ngâm trong ao từ 1-2 tháng để chống mối mọt.

Chế tạo công đoạn đơn giản nhất là làm đèn ông sao. Đầu tiên của việc làm loại đèn này là cắt khung. Cắt khung rất mất thời gian, làm gì thì làm nhưng tới tháng 5 là những hộ làm nghề phải ráp xong xương đèn. Lúc này, giấy bóng trắng được mua về nhuộm thành các màu đỏ, xanh, tím, vàng rồi chuyển đến những người thợ có tay nghề cao dùng các con dấu có hình măng non, mặt trăng... in lên. Công việc này gọi là phất mặt. Đèn ông sao tiêu thụ được nhiều hay không chủ yếu dựa vào những hoa văn tinh tế đó.

Ông Sinh làm đèn kéo quân.

Chế tạo đèn kéo quân liệu có khó? Ông Vũ Văn Sinh hóm hỉnh đáp "dễ". Ấy nhưng, cái "dễ" mà người nghệ nhân luôn miệng "học tí là biết làm ngay", thực chẳng phải đơn giản. Bởi trung bình mỗi người trong gia đình ông Sinh dù rất thạo tay, thuộc nằm lòng hơn 10 khâu đoạn chế tạo loại đèn này cũng chỉ có thể làm hoàn thiện hai chiếc trong một ngày.

Ông Vũ Văn Sinh bật mí: "Cái khó nhất của cái đèn này là tạo áp lực cho nó quay. Vì nó không quay bằng mô-tơ mà bằng lực gió. Đây cũng là cái khó nhất trong làm đèn kéo quân. Tản đèn giúp cho hình tròn bằng nan tre có dính các hình thù bắt mắt có thể quay. Khi nến được thắp lên, lửa sẽ làm nóng không khí bên trong và gây chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài để tạo ra luồng gió len lỏi qua khe của tán đèn và làm các hình ảnh quay vòng. Bóng của chúng được chiếu lên mặt giấy bên ngoài sống động như xem phim".

Đang lúc hào hứng, bất giác người nghệ nhân thở dài: "Làng có nghề đấy, đèn đẹp đấy nhưng còn mấy ai chơi đèn kéo quân. Giữ nghề thì nghèo. Thu nhập chẳng bao nhiêu"!

Vì nụ cười trẻ thơ

Nỗi niềm của nghệ nhân Vũ Văn Sinh cũng là của nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền, người vẫn được mời dạy cho các em nhỏ ở những lễ hội, Bảo tàng Dân tộc học, Hoàng thành Thăng Long vào mùa Trung thu…

Hay như tôi gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người làm đèn ngôi sao cuối cùng ở làng Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội). Hậu Ái từng là địa chỉ nức tiếng một thời với những món đồ chơi Trung thu truyền thống như đèn ngôi sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy…

Vào thời phát đạt, làng tới 60% người làm nghề và hàng được người buôn đến lấy, mang đi bán khắp nơi và được trẻ con đón nhận. Gần hai chục năm nay làng nghề thủ công đã bị mai một do không phù hợp và không đủ sức cạnh tranh với các món đồ hiện đại. Bản thân bà Tuyến, để sống được cũng phải mưu sinh bằng nghề bán nước ven đường cái. Có khách xa đến thăm bà, nói: "Cơm áo cũng không đùa với nghệ nhân".

Cả làng chỉ còn bà Tuyến làm đèn ngôi sao.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay: "Làng chỉ còn tôi giữ nghề. Mỗi năm gia đình tôi cung cấp chừng 1.700 sản phẩm cho Bảo tàng Dân tộc học, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, các trường học quanh khu vực… Nhìn thấy những em nhỏ tiếp xúc với món đồ chơi một cách hào hứng, tôi rất thích. Tôi thấy được trở lại ngày xưa.

Nhưng những khoảnh khắc như thế rất ít. Nếu để so sánh thì trước đây, trong đêm rước đèn, phá cỗ em nhỏ nào cũng có đèn ngôi sao, nhưng giờ thì khác. Nhiều em nhỏ không có chỗ chơi hoặc không được người lớn hướng dẫn, sử dụng đồ chơi truyền thống. Mặc dù đời sống kinh tế bây giờ khá hơn rồi".

Để thắp lên nụ cười cho con trẻ, theo những nghệ nhân tâm huyết trong cả nước, cần có biện pháp giáo dục các em bằng giảng dạy trong các lễ hội, những buổi học ngoại khóa. Món đồ chơi ấy, không chỉ dùng chơi trong mùa Trung thu, mà trong học tập, giao lưu các em cũng cần phải biết, trân trọng.

Theo Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, dịp Tết Trung thu năm nay, ngoài một số cơ quan quen thuộc thì có gần 20 trường học đã mời bà đến dạy cách làm đèn sao, ông tiến sĩ, hay ý nghĩa của những trò chơi này trong buổi phá cỗ. Lịch đã kín, nếu còn trường học nhờ thì bà dạy cho giáo viên để họ chủ động hướng dẫn cho học sinh. Bà nhấn mạnh: Những việc làm như thế chính là khơi thêm giá trị về những món đồ chơi truyền thống và văn hóa dân tộc mà các nghệ nhân đều cố gắng làm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thành cũng đầy tâm huyết. Anh thường xuyên được các trường mời phối hợp giảng dạy môn nghệ thuật nặn tò he, giúp trẻ em và các bạn sinh viên hiểu và làm quen với đồ chơi truyền thống và chương trình hoạt động ngoại khoá như Trường Đại học Ngoại ngữ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều trường tiểu học và đón tiếp các đoàn du lịch, học sinh về thăm quan làng nghề…

Anh Thành cho biết, luồng gió thị trường thổi đến khiến các nghệ nhân, các làng nghề phải oằn mình. Nhưng chúng tôi vui vì một bộ phận thanh niên, em nhỏ vẫn còn hào hứng. Tuy vất vả nhưng tôi tin nhiều nghệ nhân ở những làng nghề làm đồ chơi cho con trẻ mùa Trung thu, đều muốn hướng đến nụ cười hồn nhiên trẻ nhỏ; muốn góp phần gìn giữ sự hồn nhiên ấy, cũng như là giá trị của những món đồ chơi đậm chất văn hóa".

Thục Miên

Trong trận đấu với Tottenham tại vòng 35 giải Ngoại hạng Anh 2023/2024 diễn ra tối 28/4 (giờ Việt Nam), Arsenal đã dẫn trước tới 3-0 trước đối thủ nhưng suýt chút nữa đánh mất chiến thắng khi để đối thủ ghi liền 2 bàn trong hiệp 2.

Công an tỉnh Nghệ An và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đồng chủ trì vừa đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia, bắt 12 đối tượng điều hành, quản lý website "Thiendia2.cc" (hơn 1,1 triệu thành viên trên toàn cầu) truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy trên mạng internet (đã tán phát trên 19 triệu nội dung đồi trụy với hàng trăm triệu lượt truy cập). ''

Khi phát hiện người phụ nữ bế trên một cháu bé đang khóc không ngớt và chân tay co giật đứng ở lề đường, tổ tuần tra của Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Thọ đã khẩn trương đưa cháu bé trong tình trạng sốt cao, co giật đến bệnh viện cấp cứu. Do được cấp cứu kịp thời, hiện tại cháu bé đã giảm sốt, bệnh viện đang tiếp tục theo dõi điều trị cho cháu ổn định.

Trung tá Hoàng Anh Công Minh đang làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì đối tượng Phạm Ngọc An (SN 2001, trú xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) điều khiển phương tiện, phía sau chở Trương Ngọc Thảo Nhi (SN 2009) tông thẳng vào Trung tá Minh khiến anh ngã xuống đường, bị thương.

Chiều 28/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa bắt tạm giam Lê Thị Thanh Nghi (SN 1985, ngụ phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và Nguyễn Đăng Trình (SN 1983, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Chiều 28/4, thông tin từ Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, trong ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5,  toàn quốc xảy ra 71 vụ tai nạn giao thông, làm chết 20 người, bị thương 68 người.Cùng ngày, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 14.515 trường hợp vi phạm Luật giao thông và ra quyết định xử phạt 31 tỷ 830 triệu đồng.

Ngày 28/4, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với đối tượng Dương Minh Cường về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文