Những tên làng nghe cứ nhói lòng

08:44 09/12/2020
Lại chuyện lụt. Nghe mãi, buồn thêm buồn. Nhưng không nói chuyện lụt thì chẳng biết nói chuyện chi. Vì từ bữa đến nay đã hơn tháng mà tất cả vẫn còn ngổn ngang đổ vỡ. Đi từ Lệ Thủy về Quảng Ninh, từ Quảng Ninh lên Minh Hóa, tôi đã gặp những ngôi làng vốn quen nay trở nên lạ lẫm trong bàng hoàng, đau xót. Những ngôi làng xưa xắc mang vẻ đẹp thân gần bỗng dưng bị lụt đổi tên. Ngay cả người làng cũng gọi làng mình bằng cái tên mới.


Thôn nhà sập

Khi dường như tất cả đã nguôi ngoai, chúng tôi trở lại thôn Mốc Thượng, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy. Vậy mà, tất cả vẫn như vừa mới xảy ra hôm trước. Tan hoang. Đổ nát. Những ngôi nhà không có tường trống hoác, chỉ còn chỏng chơ vài chiếc cột xiêu vẹo, mái ngói rã rời, gạch ngói, tấm lợp ngổn ngang khắp nơi.

Ông Nguyễn Văn Nồng, 85 tuổi, nói trong một nỗi ngao ngán vô cùng: "Nhà sập. Đồ đạc cũng trôi hết rồi. Chỉ chắc (còn) cái nền nhà là không trôi thôi! Vợ chồng tui (tôi) may bươn (lao) ra kịp ngoài đường quốc lộ. Không thì trôi luôn!".  Vợ ông cũng đã hơn 80 tuổi đang đứng cạnh, nước mắt lưng tròng: "Hai ông mụ (vợ chồng) tui (tôi) ở với chắc (nhau). Tưởng cũng như mọi khi, nác (nước) lên khoảng hơn mét là rút. Ai dè hắn cứ lên mãi. Lại còn sóng to. Nhà thấp không biết leo lên mô (đâu) nữa phải liều mạng lội ra ngoài đàng (đường) quan... Chạy lụt 5 ngày, về nhà thì còn lại ri (như thế này) đây. Chừ (bây giờ) không biết mần cách răng (làm cách gì)?!".

Bản nhà bạt.

Ngôi nhà của ông Nồng bị sập tường hoàn toàn. Đồ đạc không còn gì. Dường như ông bà đã không còn đủ sức khỏe để thu vén lại mọi thứ. Đó cũng là tình cảnh chung của rất nhiều hộ gia đình ở thôn Mốc Thượng. Lụt lên rất nhanh.  Thôn Mốc Thượng lại nằm ở địa thế khá đặc biệt. Phía Tây, phía Bắc giáp sông Kiến Giang và cánh đồng rộng lớn của các xã vùng giữa huyện Lệ Thủy. Phía Đông, đường quốc lộ 1A án ngữ. Lụt, thôn Mốc Thượng trở nên chơi vơi giữa biển nước. Những ngôi nhà hướng mặt ra sông và cánh đồng cùng lúc chịu sức công phá dữ dội của những cơn sóng cuồn cuộn ập vào.

Ngôi nhà của anh Dương, chị Minh gần như hứng trọn những gì dữ dằn nhất của trận lụt vừa rồi. Sóng to, gió lớn đã hất tung tất cả. Khi chúng tôi đến, anh Dương đang đứng nhìn trân trối vào cái nền nhà chơ vơ trong bất lực. Chị Minh nhặt nhạnh những viên gạch còn nguyên trong đống đổ nát để tận dụng xây lại: "Tui (tôi) về nhà mình mà tưởng đi lộn (đi nhầm). Ngó quanh thì thấy ở mô (đâu) cũng sập như chắc (như nhau) cả. Tui đứng khóc hu hu như con nít. Còn sợ hơn khi lụt lên nữa. Nghèo lâu ni (nay) nhưng đến cơ cảnh như ri (thế này) thì tui (tôi) không nghĩ đến. Trắng tay luôn rồi!".

Nhà anh Nguyễn Văn Mạnh ở gần đó cũng sập tanh bành. Anh đang chống lại mái nhà và quây vội tấm bạt vừa mua ngoài chợ xã cho vợ con ở tạm, vì nghe dự báo thời tiết ngày mai là có đợt gió mùa Đông Bắc tràn về. "Không có chỗ mô (nào) ở thì phải chấp nhận thôi chứ cũng lo lắm. Mái nhà đã rung rinh mạnh rồi, có thể đổ sập bất cứ lúc mô (nào) nên rất nguy hiểm... Thôi kệ! Phải cố gắng thôi!". Chúng tôi đi quanh thôn, ở đâu cũng thấy đổ nát, rác rều, bùn đất. Dường như nhân dân ở đây chưa biết bắt đầu thu vén nhà cửa và ổn định lại cuộc sống từ đâu.

Núi lở ở bản sắt.

Ông Phạm Minh Huấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Thủy nói rằng: "Thôn Mốc Thượng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ lụt. Chỉ một đội có vài chục hộ mà đã sập hoàn toàn 16 nhà, nhiều nhà khác sập một phần. Đồ đạc, phương tiện sinh hoạt và công cụ sản xuất, giống má chuẩn bị cho vụ mùa tới cũng trôi theo dòng nước. Nhiều gia đình trở về nhà sau mấy ngày chạy lụt đã không còn nhà. Hiện nay, chính quyền địa phương đã trích ngân sách hỗ trợ bà con một phần và đang tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp hỗ trợ. Ngoài ra, bà con cũng luôn nhận được sự ủng hộ của rất nhiều đoàn cứu trợ trong và ngoài nước nên chắc là tình hình sẽ được cải thiện nhanh thôi". 

Bản nhà bạt

Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh nằm trong một thung lũng bằng phẳng dưới chân núi. Bản vốn là nơi sơn thủy hữu tình và đời sống đồng bào Vân Kiều ở đây được đánh giá là khá nhất trong các bản thuộc xã Trường Sơn. Nhưng trong suốt tháng 10/ 2020 mưa lớn và lũ đầu nguồn xảy ra liên tục đã nhấn chìm bản Sắt. Những ngôi nhà sàn nhỏ xinh của đồng bào ngập trong biển nước. Con đường từ trung tâm xã vào bản sạt lở nghiêm trọng. Bản bị cô lập trong nhiều ngày.

Anh Hồ Văn Tuấn, 26 tuổi, được bầu làm Trưởng bản đã 3 năm. Tôi gặp em trong một chuyến mang hàng cứu trợ lên Trường Sơn. Tuấn đã khóc khi nói về tình hình đời sống đồng bào trong những ngày qua: "Chưa khi mô (nào) mà em chộ (thấy) khổ như ri (thế này) cả. Một tháng đồng bào chạy lụt, chạy lở núi rồi chạy bão mấy lần luôn. Khổ lắm chị nờ (ạ). Em không biết nói răng nựa (nói thế nào nữa)...".

Tuấn khóc. Đồng bào Vân Kiều đứng sau lưng Tuấn, có những mẹ già bẩy, tám mươi tuổi cũng khóc. 26 tuổi, khỏe mạnh, nhiệt tình nhưng đã phải cáng đáng đời sống cho 34 hộ dân với 152 nhân khẩu trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt là vượt quá tầm và cả cảm xúc của em. Cảnh đồng bào với người già, con trẻ bế bồng, dắt díu nhau chạy đi trong mưa lũ, đói và rét còn chẳng cầm lòng được cả những người từng trải huống hồ là một thanh niên như Tuấn!

Nhà bạt ở bản sắt.

Mưa kéo dài, bản Sắt nằm gọn trong lòng hồ. 18 ngôi nhà lút nóc phải sơ tán. Khi nước bắt đầu hạ, đồng bào rục rịch về lại bản thì núi Sắt xuất hiện những đường nứt dài, sạt lở đã xảy ra và nguy cơ sạt lở mạnh hơn là rất lớn. Hết lụt nước lại đến lụt đất?! Lệnh di dời khẩn cấp tiếp tục được phát đi. Đi đâu? Vượt suối sang mé đồi phía bên kia. Bộ đội Biên phòng Làng Mô đã nhanh chóng dựng lên 23 ngôi nhà bạt dã chiến ở đó cho bà con tá túc. Một lớp học phủ bạt với đầy đủ bàn ghế, bảng đen cũng được hình thành. Tuy nhiên, để tiến hành dạy và học theo đúng nghĩa thì rất khó. Sau lụt, nắng trở nên oi gắt. Không khí trong nhà bạt càng trở nên bức bí và ngột ngạt. Một cô giáo với 15 đứa trẻ từ lớp 1 đến lớp 3 học ghép trong điều kiện chưa từng có. Chỉ ở trong đó thôi đã là rất khó khăn đừng nói đến chuyện học.

Hồ Văn Tuấn nói với tôi: "Nóng lắm. Lũ con nít trốn hết vô bụi cây hay xuống suối. Ở đó sẽ mát hơn". Vượt gần 10 km đường lầy bùn, trơn trượt để vào bản Sắt, chúng tôi đã chứng kiến đời sống đồng bào dân tộc Vân Kiều trong hoàn cảnh hết sức tình thế như vậy. Tôi gặp Hồ Thị Vân đeo một chiếc gùi trên vai, gương mặt phờ phạc, đôi chân cắm trong bùn nhão. Hỏi em đi đâu? Em nói: "Em ra xã nhận hàng cứu trợ. Chừ (giờ) chỉ mong có áo quần, gạo với nước mắm thôi. Mấy ngày trước không có gạo chỉ toàn ăn sắn. Chừ (giờ) cũng không có sắn nữa. Nhà ngập, áo quần mất hết. Nghe nói có cứu trợ là xa mấy cũng đi".

Nguyễn Văn Muôn - Trưởng bản Sắt, xã Trường Sơn cũng ở độ tuổi của Tuấn -  Bí thư chi bộ, nhưng có vẻ cứng cỏi hơn: "Mấy ngày qua bản ngập trong nước. Các đoàn cứu trợ muốn vô cũng không được vì bùn đất lầy lội rất khó đi. Đồng bào phải ra ngoài đường Hồ Chí Minh để nhận hàng. 10 cây chơ (chứ) 20 cây vẫn cứ đi. Không thì gay go lắm!". Được biết, hôm chạy bão Vamco số 13 vừa rồi, Muôn và chú trâu của mình là hai thành viên cuối cùng rời khỏi bản Nhà Bạt. Muôn chỉ rời đi khi biết chắc chắn rằng trong bản không còn ai ở lại.

Trong chuyến đi hôm đó tôi còn được gặp Dung - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trường Sơn. Dung cũng rất trẻ. Chị chạy như con thoi từ bản này sang bản khác để điều tiết hàng cứu trợ cho đồng bào. Rất bận nên Dung chỉ nói với tôi vài câu ngắn gọn: "Bản Sắt nước rút rồi chị ạ, đồng bào đã về bản nhưng chỉ là để khỏi nhớ nhà thôi. Đồng bào Vân Kiều thương cái nhà của mình lắm á. Đồng bào vẫn phải ở nhà bạt vì núi lở. Vừa rồi lãnh đạo tỉnh, huyện đã lên khảo sát để làm khu tái định cư. Có lẽ là ngay tại địa điểm bộ đội biên phòng đã chọn để dựng nhà cho đồng bào ở bây giờ. Chắc trong thời gian ngắn nữa là triển khai thôi chị ạ. Nhu cầu nơi ăn ở sinh hoạt của đồng bào cấp thiết lắm rồi".

Xóm Nhà Nổi

Cách đây tròn 10 năm, tháng 10 năm 2010 tại xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa đã xảy ra một trận lụt khủng khiếp. Ông Trương Tiến Thư là cán bộ cơ quan văn hóa thông tin huyện Minh Hóa đã nghỉ hưu vẫn còn nhớ như in những gì xảy ra trong trận lụt 10 năm trước. Tân Hóa nằm giữa một lòng chảo, xung quanh là lèn cao. Mùa lũ, nước đầu nguồn ập xuống, Tân Hóa hứng trọn. Hầu như các ngôi nhà ở thôn Yên Thọ 1- Tân Hóa đều lút nóc. Nhân dân ở đây phải chạy trốn lên các lèn cao, hang đá để thoát thân. Nhưng đó là ký ức 10 năm trước. Trận lũ tháng 10 năm 2020 tình hình đã khác, người dân Tân Hóa đã quen sống trên lũ nhờ có những ngôi nhà phao nổi trên mặt nước.

Nhà vượt lũ ở Tân Hóa.

Lớp học nhà bạt.

Nhà sập ở hồng thủy.

Bữa cơm của đồng bào bản sắt.

Câu chuyện về những ngôi nhà nổi bắt đầu từ năm 2013. Với mục đích giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà an toàn, từ đó giảm nhẹ tác động xấu của thiên tai đến cuộc sống hàng ngày của họ, chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều), CEO Công ty Tư vấn Thương hiệu G'Brand đã bắt đầu khởi động dự  án Nhà chống lũ với các mô hình nhà an toàn, làng hạnh phúc.

Năm 2014, xã Tân Hóa là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước được dự án nhắc tới. Và những ngôi nhà phao đã xuất hiện giữa thung lũng Tân Hóa trong sự thích thú lẫn ngờ vực của nhiều người. Với các loại vật liệu rẻ tiền như tôn để lợp mái và làm vách bao quanh, thép kết cấu khung nhà, gỗ lát sàn và bên dưới là các thùng phuy hoặc bồn nhựa rỗng đan kết lại với nhau làm hệ phao nổi giúp nâng ngôi nhà nổi lên, hạ xuống theo mức nước lũ. Nhà hình vuông, được neo giữ bằng hệ cọc trượt hoặc dây neo nhằm giữ nhà ở vị trí ổn định, không bị trôi khi nước lên. Ngay lập tức mô hình này đã phát huy hiệu quả.

Nước lũ dâng cao đến đâu, nhà nổi lên đến đó. Những người dân Tân Hóa có nhà nổi hoàn toàn yên tâm khi mùa mưa lũ đến. Từ 2014 đến nay, đã có hơn 90 hộ gia đình được Dự án Nhà chống lũ hỗ trợ kinh phí làm nhà an toàn. Thấy được hiệu quả thiết thực của mô hình nhà nổi và kinh phí xây lắp không quá cao, chỉ trung bình trên dưới 30 triệu đồng cho một căn rộng chừng 16 mét vuông, chính quyền huyện Minh Hóa, các nhà đầu tư và nhân dân đã tích cực phát triển thêm nhiều nhà mới. Hiện tại ở Tân Hóa đã có gần 700 nhà phao chống lũ, đạt tỷ lệ gần 100% số hộ gia đình trong xã. Ông Đinh Minh Đấu - Phó chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Minh Hóa cho biết: "Nhờ có những ngôi nhà này, trong trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua cả xã Tân Hóa cơ bản được an toàn. Bà con đã chủ động được sinh hoạt của gia đình, thấy lũ về là thu dọn đồ đạc, lương thực, thực phẩm, nước sạch lên nhà nổi và sống an toàn trên đó cho đến ngày nước rút, ngôi nhà hạ xuống mặt đất. Cảnh bà con chạy lũ lên hang đá, lèn cao chấm dứt từ khi Dự án Nhà chống lũ xuất hiện".

Tuy nhiên, mô hình nhà phao chống lũ chỉ phù hợp ở những địa phương có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4-14m,  ngâm lâu từ 3 - 10 ngày và không có dòng chảy xiết như tại Tân Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình. Các địa phương có hình thái thiên tai khác thì không sử dụng mô hình nhà nổi này được.

Nhà báo Trương Thu Hiền (thuhienvhntqb@gmail.com).

Thôn Nhà Sập. Bản Nhà Bạt. Xóm Nhà Nổi. Những cái tên làng lạ lẫm. Bạn tôi về Quảng Bình cứu trợ, đi đến đâu cũng luôn miệng "Khổ hè! Khổ hè!". Tôi đọc cho bạn nghe: "Đừng than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!", như một câu trả lời đầy hy vọng. Nhân dân Hồng Thủy sẽ có nhà mới. Đồng bào bản Sắt - Trường Sơn sẽ có bản mới. Và thung lũng Tân Hóa sẽ mãi an toàn trên những ngôi nhà phao vượt lũ.

Trong chiến tranh, đồng bào Vân Kiều, đồng bào sống dọc dãy Trường Sơn đã vượt qua hàng vạn km đường rừng hiểm nguy để nuôi giấu cán bộ, chở che cho bộ đội, công an, dân công hỏa tuyến. Giờ đồng bào chịu cảnh thiên tai thì cả nước sẽ cùng chung tay, đó là cái nghĩa cái tình đồng bào đồng chí và cũng là cái Đạo của người Việt ngàn đời nay.

Báo chí CAND hướng về miền Trung ruột thịt
Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, nhường cơm sẻ áo, chung tay chia sẻ, động viên đồng bào, chiến sỹ vùng lũ bị thiệt hại do mưa bão gây ra, vừa qua Đảng ủy, lãnh đạo Cục đã kịp thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể: Công đoàn cơ sở, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, tích cực tham gia các Đoàn cứu trợ; lập trang Fanpage phát động, kêu gọi quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt. Đến hết tháng 10 đã tiếp nhận được số tiền gần 800 triệu đồng qua tài khoản của Truyền hình CAND. Số tiền trên không chỉ có sự đóng góp của CBCS, nhân viên Cục Truyền thông CAND mà còn của nhiều cá nhân, tổ chức, các đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh trong cả nước đã tin tưởng, gửi gắm.
Bên cạnh đó, ngay khi mưa lũ hoành hành ở miền Trung, nửa đầu tháng 10/2020, Báo CAND đã kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác cứu trợ, cứu nạn; đồng thời, kêu gọi sự ủng hộ với đồng bào miền Trung. Với tình cảm và sự sẻ chia, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và bạn đọc đã tích cực hưởng ứng... Tính đến ngày 22/10, thông qua Báo CAND, nhiều bạn đọc, tổ chức và doanh nghiệp đã ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão lũ, với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng.
Trương Thu Hiền

Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm cao, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng với Chính phủ, cùng các cơ quan, tổ chức trong cả hệ thống chính trị, quyết tâm vượt qua các khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đối với 3 nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm chính của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Sáng 12/11, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương tổ chức Hội nghị tập huấn công tác tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và nghiệp vụ công tác Đảng trong CAND. Trung tướng Lê Văn Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu khai mạc.

Sau gần 2 tháng thực hiện tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại, Cơ quan CSĐT 2 cấp Công an TP Hồ Chí Minh đã tiến hành khởi tố 6 vụ án/31 bị can để điều tra về các tội “Mua bán, tàng trữ trái phép chất độc”, thu giữ hơn 9,7 tấn Xyanua, 315 kg axit Sulfuric, 105 kg axit Clohidric cùng nhiều tang vật có liên quan; khẩn trương truy xét các đầu mối tiêu thụ Xyanua tại nhiều tỉnh, thành, thu hồi 313,5 kg Xyanua được mua bán trái phép…

Ngày 12/11, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phan Thanh Việt (SN 1953, trú tại: ấp Phong Lưu, xã Đông Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi thường trú trước khi phạm tội: thôn An Hải, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Đây vụ án gây xôn xao dư luận trên 40 năm qua, đối tượng đã cùng đồng bọn gây ra vụ án mạng khiến 6 người tử vong và trốn lệnh truy nã suốt 43 năm.

Chiều 12/11, Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang cho biết, đã làm việc với ông Trần Hữu Tân (SN 1991) và tiến hành đình chỉ hoạt động của bến thủy không phép cạnh cầu Cửa khẩu Giang Thành (tại ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang).

Xuất phát từ chuyện mâu thuẫn cá nhân, sau giờ chào cờ đầu tuần, 2 nam  sinh cùng 2 nữ học sinh xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, hai nam  sinh đã dùng vật sắc nhọn (nghi là dao) đâm 2 nữ sinh trọng thương.

Những ngày qua, một đoạn clip dài 1 phút 15 giây, ghi lại cảnh một đám ăn hỏi ở miền Tây Nam Bộ xuất hiện trên mạng xã hội thu hút rất nhiều người xem và bình luận. Trong clip này, một người phụ nữ xưng là mẹ của cô dâu đã tuyên bố cho con gái cưng của hồi môn sau đám cưới là 600 công đất (60ha), trị giá 90 tỷ đồng.

Tuyến Quốc lộ 54 qua địa bàn tỉnh Vĩnh Long có lưu lượng phương tiện đông, lòng đường hẹp, mặt đường lồi lõm và đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được đầu tư, nâng cấp, tiềm ẩn loạt nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. 

Liên quan đến dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới - Quốc lộ 32C, đại diện Ban QLDA Thăng Long (đơn vị được Bộ GTVT giao quản lý, thực hiện dự án) cho biết, thời điểm hiện tại, Ban đã làm việc với đơn vị tư vấn triển khai thiết kế lập dự án theo lệnh khẩn cấp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文