Những thói xấu của người Việt khi đi du lịch nước ngoài
- Chấn chỉnh tình trạng khách đi du lịch nước ngoài bỏ trốn
- Thuyền trưởng tàu du lịch trộm tiền của khách du lịch nước ngoài
- Tăng cường quản lý công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài
1. Ra khỏi thành phố, đến một nơi nào đó rợp màu xanh của rừng già hay đại dương, tận hưởng những khoảnh khắc riêng tư bên người thân, nạp những năng lượng cần thiết khi trở lại cuộc sống hối hả thường nhật…, đó là lựa chọn của nhiều người trong dịp nghỉ hè hay lễ Tết. Đời sống được cải thiện nhiều, khi miếng ăn, cái mặc không còn là nỗi lo thường trực thì những tour du lịch đương nhiên trở thành nhu cầu của nhiều người.
Quá đơn giản cho việc tìm một tour phù hợp với hoàn cảnh và túi tiền của bạn. Chỉ cần lên mạng vài phút là bạn đã có rất nhiều địa chỉ hấp dẫn tùy theo mục đích chuyến đi: Du lịch tham quan, du lịch giải trí, khám phá, lễ hội, tôn giáo, nghỉ dưỡng, kết hợp với thể thao hay chữa bệnh, kinh doanh… dù là mục đích gì thì nó cũng mang lại một ý nghĩa nhất định bởi đó không thuần túy là sự dịch chuyển giữa các địa điểm mà còn là sự tổng hòa các sự kiện được lưu lại trong ký ức của bạn diễn ra suốt hành trình.
Đi nhiều nơi, đặt chân đến khá nhiều nước, tôi có thể tự hào nói rằng, rất hiếm nơi nào có tiềm năng du lịch lớn như Việt Nam. Chúng ta có hơn 3.200km bờ biển với rất nhiều di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa. Ngần ấy cũng đủ để đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế.
Cạnh chúng ta thôi, một số nước Đông Nam Á chắc chắn không thể có những bãi biển đẹp như của ta với bãi cát trắng trải dài, nước xanh ngăn ngắt có thể nhìn tận đáy mà thay vào đó là những bãi biển nhân tạo; không có những khu rừng nguyên sinh đủ các loại cây mấy trăm năm tuổi mà thay vào đó là những khu rừng mới trồng hay những vườn hoa được cắt tỉa gọn gàng đến khó chịu…
Có thể vì những lý do này mà cách đây không lâu, một tổ chức uy tín trên thế giới có tên là Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) đã không ngần ngại xếp Việt Nam hạng thứ 16 trong số 184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch. Đó là điều khiến chung ta không thể không tự hào và kỳ vọng.
Lấy trộm đồ trong siêu thị cũng là một tật xấu của một vài du khách Việt khiến người nước ngoài có ấn tượng không tốt về người Việt (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Với không ít quốc gia, để có một điểm du lịch nổi tiếng đã là điều đáng tự hào, khi được thế giới nhắc tới và du khách quan tâm thì theo trang mạng du lịch nổi tiếng thế giới Touropia, chúng ta có đến 10 điểm du lịch hấp dẫn mà bất cứ du khách nào cũng muốn đặt chân tới một lần trong đời, đó là: Vịnh Hạ Long, chùa Thiên Mụ, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ Hội An, đảo Phú Quốc, ruộng bậc thang Sa Pa, biển Mũi Né, đồng bằng sông Cửu Long, địa đạo Củ Chi và biển Nha Trang. Đấy là những địa điểm nổi bật, còn rất nhiều điểm khác trải dài trên mảnh đất hình chữ S mà tôi tin cũng không kém phần hấp dẫn bởi sự đặc thù mà chỉ vùng đất đó mới có.
2. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong năm 2015, khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Đó thật sự là những con số ấn tượng cho thấy đời sống của người dân được cải thiện và nhu cầu khám phá, thư giãn trong những kỳ nghỉ cũng ngày một nhiều hơn. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là những chuyến khám phá ở nước ngoài. Không ít người Việt "bê" nguyên những thói xấu của mình sang đó khiến các thành viên trong đoàn đỏ mặt xấu hổ bởi họ cho rằng đó là "nỗi nhục quốc thể”, hoàn toàn xa lạ với lối sống văn minh, văn hóa của người bản địa.
Xin kể một câu chuyện nhỏ khi tôi có dịp đến đất nước Mặt trời mọc: Sáng hôm đó, đoàn phải dậy sớm để ăn sáng rồi lên xe đến thành phố cảng Yokohama. Câu cửa miệng của hướng dẫn viên là nhanh, nhanh, nhanh bởi họ rất sợ thói lề mề của người Việt.
7h30 phải lên xe mà hơn 7h một số người mới lục tục vào thang máy để xuống phòng ăn. Sợ muộn giờ, họ xô đẩy nhau vào thang máy tới mức quá tải không thể vận hành được. Thế là cãi nhau, đâu đó vang lên những câu chửi tục tĩu.
Tôi để ý trong thang máy hôm đó có 3 vị khách châu Âu. Đầu tiên họ nhăn mặt khó chịu, tiếp đến họ buộc phải nói to: Trật tự, trật tự! Và hai tay họ giơ lên cao như diễn đạt họ không thể hiểu những gì đang diễn ra, rằng tại sao lại có những người mất lịch sự và thô lỗ đến thế.
Cảnh báo của người Nhật với khách du lịch Việt. |
Vâng, đó là những thói xấu khó bỏ của người Việt khi du lịch ở nước ngoài. Mới đây, một vị giám đốc của một công ty du lịch trong buổi hội thảo với chủ đề Nâng cao hình ảnh du lịch Việt do Hiệp hội Du lịch tổ chức đã thẳng thắn vạch ra 8 thói xấu của người Việt là: Trang phục cẩu thả, không lịch sự, không phù hợp với hoàn cảnh; Nói to, nói tục, chửi thề chỗ đông người; Tác phong chậm chạp, lề mề; Ồn ào trong bữa ăn, lãng phí thức ăn; Xả rác, khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; Không chấp hành quy định tại các điểm tham quan; Trộm cắp vặt trong siêu thị và cố tình trốn ở lại, cư trú bất hợp pháp…
Tất nhiên, không phải khách du lịch nào cũng sẵn có thói xấu như vậy, song điều chúng ta có thể khẳng định được, những thói xấu ấy không còn là cá biệt, xảy ra ở hầu hết những đoàn đi tour. Nó là những thói quen tồn tại trong một thời gian dài và thật buồn là nó được diễn ra ở những nước văn minh, nơi con người luôn tôn trọng cộng đồng, tự giác chấp hành pháp luật và sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác.
Chúng ta luôn mong muốn du lịch nước nhà phát triển thì trước hết và trên hết, mỗi cá nhân phải thay đổi những thói quen xấu đó!
3. Vậy cần làm gì để du lịch Việt cất cánh? Một chuyên gia du lịch đã từng nói, đại ý: Chúng ta có đủ sữa, đường, bột, trứng, hương liệu… để làm ra một chiếc bánh. Nhưng chiếc bánh có ngon không, đẹp mắt không để người ta vừa nhìn đã thèm lại là một câu chuyện khác. Du lịch Việt cũng vậy. Nghĩa là chúng ta chưa thật sự tạo ra một sản phẩm sống và tìm cách để nâng cao chu kỳ của sản phẩm đó. Không phải cứ có tiền là làm du lịch thành công, quan trọng hơn cả là phải yêu nghề, hiểu nghề, biết lắng nghe và tìm ra những ưu điểm nổi trội của mình để kế thừa và phát huy.
Nhiều doanh nghiệp du lịch nước ngoài khi liên kết với chúng ta đều lắc đầu ngao ngán cho rằng, các chính sách phát triển du lịch của chúng ta quá rườm rà, chậm chạp, không bắt nhịp với sự thay đổi của tình hình. Cùng với đó, sự liên kết các doanh nghiệp du lịch của chúng ta chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, nâng đỡ nhau cùng phát triển trong khi việc này ở các nước trong khu vực làm khá tốt tạo ra một môi trường du lịch hoàn hảo mặc dù về phong cảnh, thiên nhiên, các giá trị văn hóa truyền thống của họ không hẳn đã hấp dẫn hơn chúng ta.
Cách đây vừa đúng 10 năm, năm 2006, Terry Borton, TS giáo dục học (Đại học Harvard), nguyên Tổng biên tập Tạp chí The weekly Reader, lần đầu tới Việt Nam đã viết trong một bài báo: Khi Singapore giành được độc lập, quốc gia này còn nghèo hơn Việt Nam bây giờ. Nhưng quyết định ban đầu của nhà nước này là xây dựng một đại lộ có cảnh quan đẹp chạy từ sân bay về trung tâm đô thị. Chính phủ Singapore muốn dùng con đường đặc biệt này làm cho mỗi du khách phải choáng ngợp bởi viễn cảnh mà quốc đảo này sẽ đạt tới. Phải chăng Việt Nam cũng nên nghĩ tới một tiếp cận như vậy cho lối vào Thủ đô.
Đến hôm nay, dự án cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp nối cầu Nhật Tân - sân bay quốc tế Nội Bài, nhà ga T2, nhà ga VIP A Nội Bài đã đi vào hoạt động và từ sân bay về trung tâm thành phố chỉ mất 20 phút, du khách sẽ có những ấn tượng tốt đẹp về sự thay đổi ngoạn mục này.
Vâng, chúng ta đã và đang cất cánh từ những công trình như thế, cụ thể và hoành tráng. Và du lịch Việt chắc chắn cũng sẽ khởi sắc một cách ổn định và bền vững trong một ngày không xa.