Những vũ công chuyển giới chuyên nghiệp đầu tiên ở Ấn Độ

16:09 05/07/2018
Khi nhiều người ở Mumbai vội vã trở về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng, Paras Thakur tiếp tục di chuyển chặng đường dài hai tiếng đồng hồ để đến nơi tập khiêu vũ. Dù vất vả, khó khăn nhưng điều đó không làm giảm đi sự nhiệt tình của Paras Thakur bởi chỉ ở nơi tập khiêu vũ, cô mới có thể là chính mình.


Sợi dây liên kết là tình yêu với khiêu vũ

Thakur là một người chuyển giới nữ, 22 tuổi. Cô và các đồng nghiệp thuộc vũ đoàn Dancing Queens đang tập luyện cho chương trình sắp tới trong thành phố. Dancing Queens là vũ đoàn đầu tiên ở Ấn Độ do phụ nữ chuyển giới sáng lập và điều hành. 

Vũ đoàn dàn dựng và biểu diễn các tiết mục múa theo thể loại tự do, đương đại, dân gian trên nền các bản nhạc Bollywood. Điều đặc biệt là các tiết mục thường có nội dung kể về chính cuộc sống của người chuyển giới ở Ấn Độ.

Dancing Queens là vũ đoàn đầu tiên ở Ấn Độ được sáng lập và điều hành bởi những người chuyển giới.

Dancing Queens ra đời cách đây 14 năm ở Mumbai, do ba phụ nữ chuyển giới sáng lập là Abhina Aher, Urmi Jadhav và Madhuri Sarode. Dancing Queens hiện có tổng số 30 thành viên, trong đó có 18 phụ nữ chuyển giới, 3 thành viên có giới tính bình thường và 9 thành viên khác từ cộng đồng LGBT. Nhiều vũ công chuyển giới vẫn đi ăn xin hay bán dâm để kiếm thêm thu nhập. Sợi dây liên kết họ với nhau chính là tình yêu với khiêu vũ.

Nhà sáng lập Jadhav, đồng thời là trợ lý nghiên cứu tại Humsafar Trust, tổ chức lâu đời nhất của Ấn Độ hoạt động bảo vệ quyền cho cộng đồng LGBT nói rằng, nhiều phụ nữ chuyển giới có khả năng nhảy múa rất tốt, nhưng thường không được công nhận. Đối với phụ nữ chuyển giới, nhảy múa tại một số sự kiện, ăn xin và bán dâm là công việc phổ biến nhất.

“Nhiều người cho rằng, người chuyển giới nhảy múa là thô tục. Họ thường nhìn chằm chằm vào phần dưới của các vũ công để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi về giới tính. Chúng tôi thành lập Dancing Queens để thay đổi nhận thức này", Jadhav nói.

Nhà sáng lập Abhina Aher cũng là một nhà hoạt động nhân quyền làm việc cho tổ chức phòng chống HIV/AIDS ở Ấn Độ cho biết thêm, cô và các đồng nghiệp đã tiến hành khảo sát hơn 50.000 người chuyển giới ở Ấn Độ và thấy rằng, 85% người chuyển giới đi ăn xin và bán dâm, 37% đã học hết lớp 12.

Thakur cho biết, cô cũng từng kiếm tiền bằng cách nhảy múa tại một số sự kiện nhưng không phải lúc nào người chuyển giới cũng được đón nhận. "Đôi khi, chúng tôi trở về nhà với bàn tay trắng và cái bụng trống rỗng. Mọi người luôn nhìn chúng tôi bằng con mắt khác thường dù chúng tôi rất mong muốn được đối xử như những người bình thường khác", Thakur nói.

Đối mặt với sự kỳ thị rất lớn của xã hội

Thakur nói rằng, các vai diễn ở Dancing Queens luôn làm cô cảm thấy xúc động. Đó là những góc nhìn về cuộc đời của phụ nữ chuyển giới ở Ấn Độ. Cô từng bị gia đình chối bỏ, không chấp nhận là phụ nữ chuyển giới. “Mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây, tôi đã có nơi để thể hiện khả năng của mình. Mọi người gọi tôi là “Nữ hoàng nhảy múa”. Khán giả gọi tên mỗi khi tôi xuất hiện trên sân khấu. Tôi có khá nhiều fan hâm mộ. Đó là cảm giác rất tuyệt vời”, Thakur nói.

Một vũ công chuyển giới khác có tên là Managala Aher chia sẻ: “Tôi thường khóc mỗi khi diễn vì nhớ lại quãng thời gian buồn tủi của chính mình. Một người chuyển giới rất khó có thể sống sót nếu thiếu sự hỗ trợ của cha mẹ”, Managala Aher nói.

Một vũ công chuyển giới của Dancing Queens.

Người chuyển giới ở Ấn Độ phải đối mặt với sự kỳ thị rất lớn của xã hội. Họ bị gia đình, xã hội chối bỏ. Vũ đoàn Queens Dancing cũng không ít lần gặp phải sự phản ứng dữ dội từ công chúng. Trong một số buổi biểu diễn, các vũ công đã bị người xem ném đá, chai lọ lên sân khấu và bị xúc phạm bằng những lời lẽ khó nghe. 

"Một số khán giả nói chúng tôi là rác rưởi, không thể xuất hiện trên sân khấu. Vì sự an toàn của mình, sau buổi biểu diễn, chúng tôi phải ngồi trong phòng trang điểm, chờ đến khi khán giả về hết mới dám ra ngoài”, Jadhav nói.

Jadhav cho rằng, sự kết hợp giữa luật pháp và thay đổi thái độ xã hội mới có thể mang đến cho người chuyển giới cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong các buổi diễn, Dancing Queens thường có phần trò chuyện để khán giả có cái nhìn cởi mở hơn về cuộc sống của những người chuyển giới. 

“Một số người nói rằng, họ ngạc nhiên khi chúng tôi có thể trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhiều người đã mang đến cho chúng tôi những cơ hội hợp tác mới”, Abhina Aher nói. 

Tường Phạm (tổng hợp)

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文