Nỗ lực trong công tác tái hòa nhập cộng đồng
- Khen thưởng 47 tập thể, cá nhân xuất sắc thực hiện các biện pháp tái hòa nhập cộng đồng
- Phối hợp giáo dục giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng
- Giảm án cho 26 phạm nhân cải tạo tốt, tái hòa nhập cộng đồng
- Quảng Bình: 1.492 trường hợp tái hòa nhập cộng đồng có việc làm ổn định
- Tái hòa nhập cộng đồng cần sự chung tay của toàn xã hội
Lai Châu là tỉnh mà tình trạng người phạm pháp, nhất là tội phạm mua bán người và ma túy tương đối phổ biến. Nhờ sự nỗ lực vào cuộc của lực lượng Công an tỉnh, đặc biệt là công tác tái hòa nhập cộng đồng được nêu cao, nhiều người chấp hành xong án phạt tù đã nỗ lực vươn lên hòa nhập, làm lại cuộc đời.
Những tấm gương sáng
Theo giới thiệu của các đồng chí Công an tỉnh Lai Châu, chúng tôi đã tìm đến xã Mường So, huyện Phong Thổ là mảnh đất văn hóa độc đáo, cũng nổi tiếng về một người từng chấp hành xong án phạt tù, đã gây dựng cơ nghiệp, trở thành người có ích - ông Tạ Khắc Tiến.
Ngồi trong cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Tiến giờ “oách” lắm. Điện thoại gọi tới tấp lấy hàng, ông và công nhân bận luôn chân luôn tay. Ngơi việc, ông đã dành cho chúng tôi chút thời gian quý báu của mình. Hồi tưởng lại quá khứ, ông Tiến cho biết, xưa trai xóm, bản cứ người này kéo người kia, nên trở thành nô lệ của “nàng tiên nâu” và sa vào con đường buôn bán ma túy.
Tạ Khắc Tiến cưới vợ năm 1992, và trong một lần cùng bè bạn “bắt tay”, buôn ma túy để có tiền. Ông Tiến cũng bị lôi cuốn vào cuộc. Những vụ buôn bán nhỏ lẻ, nguồn hàng dè xẻn từ bạn bè đã trót lọt, nhưng rồi ông đã bị lực lượng Công an bắt gọn khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng khá lớn. Năm 1997 ông bị Tòa án nhân dân Lai Châu tuyên phạt 12 năm tù, chấp hành án phạt tại trại giam Phù Yên (Sơn La).
Ân hận vì những việc mình đã làm, được giám thị trại giam động viên, giúp đỡ, chia sẻ nên ông đã nghĩ lại. Ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, ông đã cải tạo tốt. Ông đã được giảm án nhiều lần, và năm 2005 đã trở về.
Ông lại được chính quyền xã Mường So, Công an huyện Phong Thổ và xã Mường So giúp đỡ, cộng với nguồn vốn vay từ Hội Phụ nữ xã, đã có khoản vốn vay và phát triển kinh tế. Hiện nay ông Tiến đã thành lập được công ty riêng, làm ăn phát đạt, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khác làm lại cuộc đời, giúp cho nhiều người nghèo được vay vốn làm ăn.
Ông Tạ Khắc Tiến (xã Mường So) là một tấm gương vươn lên làm giàu. |
Tôi gặp tại Hội nghị gặp mặt những người một thời lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng được Công an huyện Than Uyên tổ chức vào tháng 4-2016, đó là chị Mùa Thị Chư, sinh năm 1977 (xã Tà Mung).
Năm 2005, vì thiếu hiểu biết, chị Chư vấp vào tội mua bán ma túy. Bị Công an Thanh Uyên bắt, và bị Tòa án nhân dân huyện kết án 13 năm tù. Sau đó không lâu bố chồng mất, và chỉ một tháng sau chồng chị cũng mất, khiến chị rất đau lòng khi biết tin.
Trong thời gian chấp hành án được cán bộ chiến sỹ Công an tại trại giam tận tình hướng dẫn, động viên, nâng cao nhận thức pháp luật chị cố gắng cải tạo tốt.
Năm 2015 chị được đặc xá về địa phương, gia đình chỉ còn mẹ chồng già 80 tuổi và 4 đứa con. Chị Chư đã được Công an xã Tà Mung, chính quyền địa phương quan tâm cho vay vốn phát triển kinh tế, nuôi mẹ già và con dại. Chị Chư đã vượt qua khó khăn, tự tin hòa nhập cuộc sống.
Một tấm gương khác là anh Thào Văn Hoan, sinh sống ở bản Sang Thàng, xã San Thàng (TP Lai Châu). Hiện anh là chủ một trang trại nấm làm ăn khá phát đạt.
Ngẫm lại thời gian qua, cách đây 13 năm, vì hám lợi anh Hoan đã tàng trữ trái phép chất ma túy trong nhà và bị Công an bắt giữ. Anh Hoan bị kết án 13 năm tù.
Anh Hoan tâm sự: “Quãng thời gian trong tù tôi dằn vặt bản thân, tự trách mình đã lầm đường lạc lối để rồi phải chịu cảnh tù tội. Trong đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng phải cải tạo tốt để trở về với gia đình, với vợ con”.
Năm 2013, do cải tạo tốt anh Hoan đã được giảm án ra tù trước thời hạn 3 năm, 9 tháng. Trở về địa phương, anh nhận được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và cán bộ Công an xã, Công an thành phố thường xuyên đến động viên gia đình anh làm kinh tế.
Thiếu vốn sản xuất, anh Hoan bàn với vợ nhờ Hội Liên hiệp phụ nữ xã San Thàng đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội vay 20 triệu đồng về chăn nuôi lợn và vỡ đất làm nương để trồng ngô. Đất không phụ công người ngay vụ ngô đầu tiên gia đình anh đã thu được 5 tấn ngô, anh bán đi một ít còn lại để chăn nuôi lợn.
Từ đó “cánh cửa” vào đời của anh đã mở rộng, khi anh tu chí làm ăn và gặp thời, ngoài trả nợ, anh còn trở nên giàu có, giúp đỡ lại những người nghèo khác.
Nhiều cặp vợ chồng từng là nô lệ của ma túy, đã tích cực lao động. |
Giá trị của đôi bàn tay
Qua thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Mường Tè hiện có 125 người đã chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại các xã, thị trấn trên địa bàn. Huyện Than Uyên có 300 người. Phong Thổ có 530 người. Địa bàn thành phố Lai Châu có 308 người.
Trung tá Nguyễn Việt Anh - Phó trưởng Công an thành phố Lai Châu cho biết: “Người chấp hành xong án phạt tù thường có tâm lý mặc cảm. Khi được cộng đồng và chính quyền địa phương giúp đỡ, họ sẽ vơi bớt mặc cảm và tích cực lao động để làm lại cuộc đời. Nhiều người đã gây dựng kinh tế gia đình bằng đôi bàn tay chăm chỉ”.
Còn Thiếu tá Giàng A Lẩu - Phó Trưởng Công an huyện Than Uyên thì tâm sự: hầu hết những người một thời lầm lỗi đều được học nghề tại các Trại giam của Bộ Công an, song khi chấp hành xong án phạt tù, nhiều trường hợp khó tìm kiếm việc làm ở địa phương do nghề được học không phù hợp.
Một số trường hợp đã nghiện chất ma túy trước khi chấp hành án phạt tù, nay trở về lại tái nghiện. Một số trường hợp chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh nhưng không đủ điều kiện vay, trong khi điều kiện gia đình quá khó khăn.
Do vậy hiện tại huyện còn 198 người đang trong thời gian theo dõi, chưa được xóa án tích, trong đó có 104 người được xếp vào nhóm còn gặp những khó khăn trong cuộc sống, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định, thiếu vốn để tổ chức sản xuất, còn tự ti, mặc cảm; 71 người được xếp vào nhóm sống trong môi trường phức tạp về ANTT, dễ bị lôi kéo vi phạm pháp luật; 15 người được xếp vào nhóm không chịu sự quản lý, giáo dục của chính quyền, sống buông thả, lười lao động, tiềm ẩn nguy cơ tái vi phạm pháp luật.
Tuyên truyền pháp luật ở Lai Châu. |
Về công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù, Đại tá Bùi Gia Lượt - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, việc thực hiện Nghị định số 80/CP góp phần tạo điều kiện cho những người một thời lầm lỗi có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn 700 người chưa có việc làm ổn định.
Để công tác tái hòa nhập cộng đồng tiếp tục có hiệu quả thiết thực, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân xóa bỏ mặc cảm kỳ thị, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương ổn định cuộc sống.
Tiến hành rà soát, phân loại, cập nhật thông tin, chủ động quản lý số người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Phối hợp tổ chức dạy nghề, tạo điều kiện cho vay vốn; xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả.
Nói về nỗ lực bản thân và những tấm gương tái hòa nhập cộng đồng tốt, được lãnh đạo Công an tỉnh Lai Châu khen ngợi, ông Tạ Khắc Tiến tâm sự: “Chúng tôi biết ơn các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Công an địa phương đã giúp chúng tôi làm lại cuộc đời. Nhiều người vì ham giàu, thiếu hiểu biết nên đã sai lầm. Khi đã nhận ra cái sai, chúng tôi sẽ đi đúng đường sáng, làm ăn lương thiện, làm giàu chính đáng, bằng chính đôi bàn tay của mình, dù nhiều hoàn cảnh vẫn rất khó khăn. Không còn cách nào khác, phải nỗ lực vươn lên thôi”.