Nở rộ dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ: Làm đẹp cũng cần tỉnh táo

11:50 02/08/2019
Khi mà cả thế giới đang lên “cơn sốt” về phẫu thuật thẩm mỹ, những người phụ nữ từ nông thôn đến thành thị đều rỉ tai nhau về một “phép màu” có thể biến họ “từ cú thành công” chỉ trong phút chốc.

Làm cho mình đẹp hơn, tự tin hơn là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Thế nhưng vì phẫu thuật không đúng cách, phẫu thuật không đúng địa chỉ tin cậy sẽ để lại hậu quả khôn lường.

Hậu quả của việc phẫu thuật thẩm mỹ

Chính vì nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn nên gần đây, các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ mọc lên như nấm sau mưa. Mặc dù các cơ sở này đều quảng cáo với người tiêu dùng có đội ngũ bác sĩ, nhân viên giàu kinh nghiệm, được cấp chứng chỉ đàng hoàng nhưng việc kiểm tra, chứng thực những lời quảng cáo là việc không hề đơn giản.

Thực tế đã có rất nhiều khách hàng nhận “quả đắng” tại những cơ sở hành nghề thẩm mỹ không đảm bảo. Sau những ồn ào vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường hay rất nhiều câu chuyện khách hàng phun xăm môi bị sưng, phồng, vẹo mũi sau khi tiêm filer… mà báo chí đã đưa tin, cộng đồng mạng lại được phen xôn xao vì vụ việc “cắt mí gây bão” diễn ra hồi cuối năm ngoái. 

Theo đó, cô gái này đã đến cắt mí mắt tại một cơ sở thẩm mỹ tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) thì hai mí bị sưng đỏ có dấu hiệu biến chứng, các đường khâu hằn rõ, không hề thẩm mỹ chút nào. Hình ảnh được chính nạn nhân đăng tải trên facebook khiến nhiều người tá hỏa vì sợ hãi. 

Một trường hợp khác đi phun xăm môi, đến ngày thứ tư mà đôi môi vẫn có dấu hiệu biến dạng, thậm chí đỏ tấy và mưng mủ khiến chủ nhân vô cùng đau đớn. Tuy nhiên, điều đáng kinh ngạc hơn là khi người này ra hỏi hiệu xăm thì được nhân viên tư vấn mua thuốc đỏ chống lao rắc vào môi?! 

Thêm một ví dụ cũng gây xôn xao tại TP HCM hồi tháng 11 năm vừa qua là trường hợp chồng sắp cưới tự học nghề tại một cơ sở thẩm mỹ tư nhân đã tự mua filler về tiêm nâng mũi cho cô gái khiến vị hôn thê bị đau nhức, sưng tím vùng da quanh trán, thị lực mắt phải suy giảm trầm trọng và có khả năng bị mù vĩnh viễn.

Hình ảnh được chia sẻ trên mạng khi người phụ nữ bị nổ túi silicon khi đang trên máy bay từ TP HCM về Nghệ An.

Đáng sợ hơn là những trường hợp nổ túi silicon sau khi thực hiện phẫu thuật nâng ngực mà báo chí từng nhắc đến. Mới nhất lại là một trường hợp khiến dư luận vô cùng hoang mang. 

Theo đó, sáng 26-7 trên một chuyến bay VN1262 của Vietnam Airlines khởi hành từ TP HCM đi Vinh đã phải hạ cánh khẩn cấp tại Đà Nẵng, để cấp cứu cho một nữ hành khách bị chảy máu ở ngực trái. Nữ hành khách này được chẩn đoán bị vỡ túi ngực phẫu thuật thẩm mỹ do chênh lệch áp suất trên máy bay. Thông tin này đã khiến không ít người lo lắng, đặc biệt là chị em đã đặt túi nâng ngực trước đó. 

Nói về vấn đề này, TS. BS Phạm Cao Kiên – nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, các trường hợp nổ túi ngực trên máy bay nhiều năm trước đã từng được mổ sẻ. Tuy nhiên, cho đến lúc này chưa có một nghiên cứu nào đưa ra nguy cơ nổ túi ngực khi đi máy bay. 

Bác sĩ Kiên cho rằng, trường hợp nữ hành khách này bị chảy máu vùng ngực được nâng có thể do thời gian nâng ngực mới hoặc bệnh nhân nâng ngực đặt size quá lớn. Trùng hợp tai biến này là lúc người bệnh đang đi máy bay nên gây ra hiểu nhầm nổ túi ngực do đi máy bay. Việc rò rỉ túi ngực thì ở nhà, đi làm cũng có thể xảy ra. Với túi ngực chất lượng tốt thì tai biến rò rỉ vô cùng hiếm nhưng hiện nay có nhiều loại túi ngực chất lượng kém cũng được đưa vào sử dụng trong thẩm mỹ.

Đó chỉ là một số ít trường hợp được đưa lên báo chí, thực tế còn rất nhiều người đã phải lĩnh hậu quả đau đớn. Như trường hợp của chị N.T.T (25 tuổi, Hà Nội) bị nhiễm trùng gây viêm tấy, sưng đỏ phải vào Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) để xử lý biến chứng. 

Theo các bác sĩ tại đây, do chị T luôn cảm thấy tự ti vì vòng ba khiêm tốn nên đã nhờ một người không có chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ đến nhà tiêm silicon dù không rõ nguồn gốc loại chất này. Sau khi tiêm, dù vòng ba được nâng cấp nhưng lại có biểu hiện sưng tấy khiến chị T. không thể ngồi… 

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) cho biết, từng có rất nhiều cảnh báo về những biến chứng nguy hiểm do silicon công nghiệp được bơm trực tiếp vào cơ thể, thậm chí có thể gây liệt hoặc tử vong nhưng nhiều người vì mong muốn được đẹp hơn nên vẫn bất chấp. 

Với trường hợp của bệnh nhân T., các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật, vét hết silicon đã bơm vào cơ thể và phần viêm nhiễm. Sau phẫu thuật, vòng ba của bệnh nhân khó có thể phục hồi lại như ban đầu do bị biến dạng. Thậm chí, bệnh nhân còn phải làm phẫu thuật tạo hình vòng ba với chi phí tốn kém.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên nhập viện vì hậu quả của việc làm đẹp thiếu hiểu biết. Bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương) chia sẻ, thời gian gần đây, bệnh viện cũng tiếp nhận và xử lý không ít trường hợp bị biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy) tại các spa. 

Đơn cử như trường hợp nữ bệnh nhân Đ.T.M. (23 tuổi, ở Hà Nội) sau khi tiêm filler vào vùng mũi tại một spa trên địa bàn quận Đống Đa, mũi bệnh nhân bị sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ... Do chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, phá hủy tế bào nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. 

“Tiêm filler làm đẹp hiện được khá nhiều chị em lựa chọn để nâng mũi, tạo cằm vline, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn... Trên thị trường cũng có nhiều loại filler với các mức giá khác nhau. Nếu tiêm các chất làm đầy không bảo đảm chất lượng, trôi nổi, không đúng kỹ thuật có thể gây bội nhiễm, nhiễm trùng vùng tiêm, thậm chí là hoại tử mô…”, bác sĩ Phạm Cao Kiêm nói.

Không chỉ Việt Nam mà nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ nở rộ trên toàn thế giới.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng tiếp nhận và “sửa chữa” cho không ít trường hợp bị biến dạng mặt, mũi, mắt, ngực… GS.TS Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình của bệnh viện cho biết, lý do là nhiều chị em quá tin vào những lời quảng cáo thổi phồng của các spa, cơ sở thẩm mỹ không đủ điều kiện cơ sở vật chất, con người và hoạt động không phép để làm đẹp.

Trên thực tế có những nhân viên spa bình thường, không được đào tạo cũng thực hiện tiêm filler cho khách hàng. Hay có người chỉ được đào tạo qua các khóa ngắn hạn, thực hiện được vài ca cũng mở dịch vụ làm đẹp. Họ hoàn toàn không phải bác sĩ, không được đào tạo chính quy, do đó xảy ra tai biến là điều dễ hiểu. 

Được biết, đối với phẫu thuật thẩm mỹ, để thực hiện được những ca phẫu thuật có chảy máu hoặc có sự xâm lấn, các bác sĩ cần phải được đào tạo chuyên nghiệp 6 năm cộng với ít nhất 3 năm thẩm mỹ mới được cầm dao kéo. Còn đối với các dịch vụ làm đẹp, chăm sóc da đơn giản hơn, người thực hiện cũng cần trải qua quá trình đào tạo và các kỳ thi sát hạch rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề.

Cần siết chặt quản lý

Theo thống kê mới nhất, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có trên 60 cơ sở làm đẹp được Sở Y tế, Bộ Y tế cấp phép, quản lý nhưng thực tế, số lượng các spa, viện thẩm mỹ lên đến hàng trăm và đang thực hiện đủ các loại hình dịch vụ làm đẹp. Ngay cả các cửa hàng cắt tóc, gội đầu cũng tiến hành tiêm truyền trắng da, tiêm giảm béo, xăm mí mắt, xăm môi, tiêm filler, nhấn mí… 

Theo quy định hiện hành, các spa vốn chỉ được phép chăm sóc da và các dịch vụ làm đẹp thông thường. Các spa này do phường, quận quản lý và chỉ cần đăng ký kinh doanh là được phép hoạt động. Còn với các cơ sở làm đẹp có bác sĩ làm việc và được Sở Y tế cấp phép mới được thực hiện dịch vụ có xâm lấn và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục cho phép. 

Thậm chí, phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ do Sở Y tế cấp phép cũng chỉ được làm các tiểu phẫu (như cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền...) và không được làm các phẫu thuật lớn như: Căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực. Riêng đối với những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải thực hiện ở các bệnh viện.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng, tuy nhiên mọi người cần tỉnh táo lựa chọn cơ sở làm đẹp.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội chia sẻ: “Tôi không hiểu sao người dân vẫn có thể mù quáng đi vào những nơi cắt tóc, gội đầu để thực hiện thủ thuật nhấn mí, rất không bảo đảm và mất an toàn. Người dân nếu có nhu cầu làm đẹp cần đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc đến các cơ sở thẩm mỹ có biển hiệu, tên bác sĩ, số giấy phép hoạt động tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra ảnh hưởng đến sức khoẻ”. 

PGS.TS Nguyễn Tài Sơn – Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: Phẫu thuật thẩm mỹ nếu những tai biến xảy ra sau đó do lỗi kỹ thuật thì tâm lý thực sự nặng nề, thậm chí khiến cho tình duyên, gia đình lục đục... thậm chí đe dọa tính mạng.

Phẫu thuật thẩm mỹ chỉ an toàn khi được áp dụng cho những người từ 16 tuổi trở lên. Trước khi quyết định làm, nên tìm hiểu kỹ càng cơ sở mình định làm thế nào, kinh nghiệm của phẫu thuật viên, điều kiện cơ sở vật chất cũng như việc chăm sóc sau khi mổ...

Tóm lại những nơi nào có phẫu thuật viên có kinh nghiệm, có cơ sở vật chất tốt thì tỉ lệ thành công cao, hạn chế tối đa được những rủi ro, tai biến khi phẫu thuật thẩm mỹ. Ngược lại những cơ sở nào mà trình độ của phẫu thuật viên còn non kém, cơ sở vật chất không đảm bảo vì lợi nhuận vẫn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ thì rủi ro sẽ nhiều hơn. Minh chứng là ở nước ta trong mấy năm gần đây những trường hợp bệnh nhân làm phẫu thuật thẩm mỹ có tai biến hoặc tử vong đều xảy ra ở các phòng mạch tư không đủ điều kiện gây mê, hồi sức, cấp cứu.

Phong Anh

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

Sáng ngày 18/12/2024, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Huy (SN 1997), cư trú xã Cửa Dương, TP Phú Quốc (Kiên Giang) tổng cộng 26 năm tù về 2 tội “Giết người” và  “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Nạn nhân trong vụ án này là Nguyễn Thị Ngọc T (SN 2006), ngụ xã Hàm Ninh (TP Phú Quốc). 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文