Nỗi đau những đứa trẻ bị bán

09:39 21/09/2020
Mỗi đứa trẻ bị bán đi là mỗi hoàn cảnh, số phận khác nhau. Lỗi lầm này thuộc về người làm cha, làm mẹ. Dù họ có bao biện bằng lý lẽ gì đi đăng nữa thì sự bất hạnh, tổn thương, nỗi đau chia lìa sẽ không bao giờ lành sẹo trong tâm hồn, trái tim của con trẻ.


Cha tật nguyền khát khao gặp con gái

Dưới cái nắng oi ả ban trưa trên con đường Quang Trung (Q. Gò Vấp. TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Văn Cần (30 tuổi, quê ở Đức Huệ, Long An) vẫn ngồi khoanh chân bất động, thi thoảng lắc lư cái đầu ngó trái, ngó phải xem ai dòm vào mình để rủ lòng thương mà cho ít tiền. Đã gần chục năm nay, Cần kiếm sống bằng nghề “cái bang” như thế. Cần không ngại ngùng, cũng chẳng xấu hổ, đơn giản anh phải làm mọi việc để có tiền nuôi cậu con trai 11 tuổi và ấp ngủ khao khát được gặp lại con gái đã bị bán đi từ 8 năm trước.

Một phụ nữ bán con phải ra tòa.

Cần bị dị tật từ trong bụng mẹ, chào đời đã không có hai tay. Sở hữu gương mặt góc cạnh, cứng cáp nhưng Cần lại vô cùng lãng tử, đào hoa. 19 tuổi, Cần lập gia đình với một người phụ nữ lành lặn. Một năm sau, họ đón con trai đầu lòng.

Dù tật nguyền nhưng Cần vẫn là người đàn ông trụ cột của gia đình. Vợ Cần chỉ việc ở nhà chăm sóc con cái. Những ngày tha phương kiếm sống tại khu vực Bến Thành (Q.1), Cần dầm mưa dãi nắng, bán vé số, xin tiền, làm tất cả những gì có thể để lo cho gia đình với 2 thiên thần một trai, một gái lành lặn. Trong một lần ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè, vì không có giấy tờ tùy thân nên chính quyền đã đưa Cần về trung tâm bảo trợ. 3 ngày chưa thấy chồng về nhà, cô vợ đã quyết định bán đi đứa con gái 8 tháng tuổi. Mẹ Cần từ quê lên bảo lãnh cho con thông báo tin động trời khiến Cần lặng đi, nước mắt lặn ngấm vào trong.

Cần không chịu theo mẹ về quê mà đi lang thang khắp nẻo đường, tới các công viên để tìm con. Lúc này, một cô gái chơi thân với vợ của Cần thông báo cho anh biết, đứa con đã được bán cho một người Việt Nam ở nước ngoài. Hận vợ, lại tự trách bản thân mình không làm tròn trách nhiệm của một người cha, Cần như người mất hồn, ngày qua ngày vạ vật ở công viên, lê lết như một con chim cánh cụt bơ vơ, lạc lõng. Cũng từ đó, Cần không thèm nhìn mặt vợ nữa, anh quyết tâm dứt bỏ nghĩa chồng vợ. Lại chính người bạn của vợ tìm đến Cần cho biết thông tin về con gái của anh. Hiện cháu sống rất tốt trong một gia đình giàu có ở Mỹ. Cần thở phào nhẹ nhõm nhưng nỗi nhớ con lúc nào cũng cồn cào, cháy bỏng trong lòng anh.

Dù đã gần chục năm, nhưng trong tâm trí của Cần, hình ảnh con gái vẫn còn rõ nét, Cần vẫn nhớ như in khuôn mặt, nụ cười thiên thần của con. Để bù lấp khoảng trống trong lòng, Cần bước thêm một lần đò nữa với chính người phụ nữ xưa kia là bạn của cả hai vợ chồng. Cô ấy biết rõ hoàn cảnh của Cần, thông cảm và đau khổ cùng Cần. Cô ấy xem đứa con trai của Cần như chính con ruột của mình. Lấy Cần, cô không dám sinh con vì sợ không thể nuôi nổi. Tiền bán vé số kiếm được mỗi ngày đều được gửi về quê để nuôi con của chồng.

Hai vợ chồng sinh sống, thuê trọ ở thành phố trông chờ vào những đồng tiền đi ăn xin và bán vé số của Cần. Hôm nào xin được nhiều thì cơm có thịt, ít cũng chẳng sao, họ sống cam phận riết mà quen. Dù ở phương trời xa xôi cách trở, Cần vẫn móc nối được với người quen dò tìm cuộc sống của con gái. Ngày nó bị bán mới 8 tháng tuổi, bây giờ đã 8 tuổi rồi. Đứa trẻ biết mình là con của người cha tật nguyền. Nó nói với mẹ nuôi rằng, nếu cha bị cụt hết hai tay hai chân nó sẽ nhận, nhưng nếu chỉ mất một tay một chân thì nó không chấp nhận. Nghe được tin này, khóe mắt Cần đỏ hoe, vừa thương con, lại vừa tủi hổ với chính bản thân mình. Có lẽ nó hận cha, vì còn cả hai chân mà bỏ rơi, đem đi bán tận trời Tây.

Nguyễn Văn Cần chưa bao giờ quên đứa con gái bé bỏng bị bán của mình.

Nhưng dù là thế, Cần vẫn chưa thôi khao khát được gặp lại con. Anh không có tội, những đồng tiền bán con kia anh cũng chưa hề được nhìn thấy nó méo mó ra sao. Lỗi của anh chính là nghèo khó, bất lực, là tật nguyền yếu ớt đã không thể bảo vệ được con gái của mình. Người ta hỏi anh điều ước hiện tại và tương lai. Cần không suy nghĩ mà thổ lộ ngay: “Tôi chỉ ước được gặp con gái một lần. Tôi không cần con gọi tiếng cha, chỉ cần được nhìn thấy mặt của nó là mãn nguyện rồi”.

Bán con giá 100 triệu

Người ta nói, thời gian có thể chữa lành mọi nỗi đau, nhưng với Lê Thị L. (28 tuổi, ngụ Tiền Giang) thì thời gian đã giày xéo lương tâm và bổn phận của một người mẹ. Nó kéo lê nỗi buồn, lòng ân hận và sự day dứt không bao giờ dừng lại.

Trước khi vướng vào bi kịch để phải bán con, L. đã có 3 đứa con (2 trai, 1 gái). Nhà không có đất đai nên chồng L. đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc. L. ở nhà chăm con, sống bằng tiền của chồng gửi về đều đặn. Khi những đứa con đến tuổi đi học, L. gửi ông bà nội rồi lên thành phố vừa để kiếm tiền, vừa muốn ra ngoài xã hội giao du với thiên hạ cho khôn người. L. được một gia đình giàu có ở Q.3 thuê trông em bé, công việc đúng với sở trường của chị. Có tiền, L. bắt đầu sửa soạn chuốt lại bản thân cho ra dáng gái thành phố. Cứ 3 tháng, L. lại xin nghỉ về quê thăm con vài ngày. Sau này L. ít về hơn, con cái giao thẳng cho ông bà.

Sống trong gia đình chủ, L. được mọi người quý mến vì tính tình vui vẻ cởi mở, biết nghe lời. Chẳng biết L. “đong đưa” thế nào mà phải lòng bố của ông chủ năm nay 70 tuổi. Cái gì đến rồi cũng đến, L. phát hiện mình mang thai với cụ ông. Cô hoang mang, hoảng loạn không biết bày tỏ cùng ai. Cụ ông biết việc đã lạnh lùng dứt tình và dúi cho L. một khoản tiền rồi đuổi cô ra khỏi nhà. Đang chơi vơi, xấu hổ, định đi bỏ đứa bé thì L. gặp được bà Nguyễn Thị P. (48 tuổi, ngụ Q.3)

Hai đứa trẻ sinh đôi không bị bán nhưng bị bỏ rơi ngoài đường khi vừa chào đời được nuôi dưỡng tại Mái ấm tình thương Phúc Lâm (Long Thành - Đồng Nai).

Bà P. khuyên L. giữ lại đứa trẻ, bà sẽ chu cấp toàn bộ phí ăn ở, sinh nở cho L. Đứa bé chào đời, bà cho L. 100 triệu. Như “chết trôi gặp phải du thuyền”, L. đồng ý ngay. Trong 9 tháng 10 ngày chờ sinh nở, L. lấy cớ phải tháp tùng nhà chủ đi nước ngoài nên không về quê được. Ngày trở dạ, L. sinh bé trai khỏe mạnh, bụ bẫm. Một tuần sau, L. cầm 100 triệu ra đi với lời hứa quên hết quá khứ và đoạn tuyệt với đứa con.

L. nghỉ ngơi dưỡng sức ở thành phố thêm 3 tháng sau sinh thì trở về quê, xem như chưa từng xảy ra chuyện gì. Có một khoản tiền, L. mua chiếc xe máy tay ga, sắm dây chuyền, vòng cổ, lắc tay rồi cũng hết veo.

Chồng L. đã trở về sum họp gia đình. Mọi tội lỗi trước đó không một ai biết. Bí mật động trời này, L. thề với lòng mình sẽ “sống để bụng, chết mang theo”. Trong mắt của gia đình, L. vẫn là một người vợ, người mẹ đảm đang, tháo vát. 

Có bao giờ chị nhớ về con không? Chúng tôi hỏi trong lần gặp L. lên thành phố khám bệnh. Một phút im lặng, nước mắt L. chực trào ra, rồi nức nở: “Em nhớ con và hối hận vô cùng”. L. không dám bén mảng tới gia đình bà P., nhưng có đôi lần chị đi ngang qua đó, bịt kín hết mặt với mong muốn nhìn con xem nó lớn thế nào rồi nhưng cửa nhà luôn khóa trái. Sau này L. mới biết, bà P. đã bán nhà và chuyển đi nơi khác. Có thể, họ muốn xóa sạch hoàn toàn dấu vết với người mẹ đã bán con. Đứa trẻ lớn lên sẽ mang một cuộc đời khác, thân phận khác. Nếu người lớn không nói, nó sẽ vĩnh viễn chẳng biết đến mẹ ruột của mình là ai.

Luật sư, Tiến sĩ Lê Thùy Dương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Nguồn trí tuệ Việt cho rằng, những đứa trẻ bị bán hoặc cho đi, dù được nuôi dưỡng trong gia đình khá giả, được học hành đàng hoàng vẫn là những đứa trẻ chịu tổn thương và mặc cảm thân phận nặng nề nhất. Không ai có thể giữ bí mật suốt đời, đến một ngày nào đó, chúng sẽ biết được lai lịch của mình, phần lớn chúng buồn khổ và hận thù cha mẹ ruột. Có một bộ phận nhỏ sẽ đi tìm nguồn cội của mình, nhưng không phải để báo đáp công mang nặng đẻ đau mà chính là để oán tránh, để trút tự ti, mặc cảm, nỗi buồn, lòng hờn tủi lên bậc sinh thành đã bỏ rơi họ. Đạo nghĩa con người đều xuất phát từ nhân quả. Cho nên, các bậc cha mẹ hãy đừng vì lý do gì mà mang bán con trẻ. Nếu không làm được điều đó thì hãy sống bằng trí tuệ và sự hiểu biết, để không mắc phải lỗi lầm khủng khiếp với những đứa con của mình.
Ngọc Thiện

Dù lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng spam (rác) cuộc gọi bằng cách hạn chế sim rác, cho phép người nghe báo cáo cuộc gọi làm phiền, tuy nhiên tình trạng gọi điện thoại để chào mời hàng hóa, dịch vụ, thậm chí lừa đảo tham gia các sàn giao dịch vàng, chứng khoán... vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Góp phần không nhỏ cho hiện trạng này, không ai khác chính là những đơn vị, hội nhóm chuyên mua bán các loại data trên chợ đen.

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Nhân Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam, chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế; UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa…

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Chiều 23/11, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, làm rõ việc phát hiện 1.500 viên nén nghi ma túy trôi dạt vào bờ biển xã Bình Trị, huyện Bình Sơn.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文