Philippines đón đầu sân bay đẳng cấp
- Sân bay quốc tế được kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
- Các sân bay quốc tế trước nguy cơ khủng bố
Sân bay quốc tế Ninoy Aquino thường bị các thăm dò lữ hành xếp là sân bay tệ nhất thế giới. Năm 2014, có 34 triệu lượt hành khách-gần một nửa là hành khách quốc tế-đi qua sân bay Ninoy Aquino, dù về mặt kỹ thuật, sân bay này không thể giải quyết hơn 31 triệu lượt hành khách.
Sân bay Ninoy Aquino đi vào hoạt động từ năm 1981, với khả năng ban đầu là 6 triệu lượt hành khách/năm. Hiện kế hoạch nâng cấp sân bay này cùng kế hoạch xây một sân bay mới cho thủ đô Manila vẫn còn nằm trên giấy, trong khi Bangkok (Thái Lan) và Kuala Lumpur (Malaysia) đã xây sân bay mới từ 10 năm trước.
Nhưng các nhà thầu tư nhân các sân bay cấp tỉnh ở Philippines lại nhìn thấy cơ hội vàng từ nghịch cảnh trên. Họ nỗ lực cải thiện sân bay cấp tỉnh để thu hút du khách, để Manila tập trung vào dòng khách đến làm ăn, theo ông William Hotchkiss, Cục trưởng Hàng không Philippines: “Tăng tỷ lệ phần trăm lượt du khách đến sân bay cấp tỉnh là mục tiêu chiến lược của chúng tôi. Lẽ ra phải làm điều này từ 20 năm trước. Hoạt động của tư nhân khiến chúng tôi thực sự được mở mắt. Nay chúng tôi biết rằng nên để mảng tư nhân lo việc này”.
Khi các công ty tư nhân gánh chi phí phát triển-duy trì hoạt động, chính phủ có thể đầu tư vào các lĩnh vực khác như an toàn hàng không, để hành khách thêm tin cậy. Ông Hotchkiss dẫn dụ: một hệ thống điều hành không lưu hiện đại ở Manila, tốn 283 triệu USD, sẽ đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, điều hành bay cho 9 sân bay lớn nhất nước.
Ông cho rằng dự án xây sân bay mới ở thủ đô (ước tính tốn 10 tỷ USD) cũng nên là một chương trình đối tác công-tư (PPP) của Chính phủ Philippines. PPP được khởi xướng năm 2010, để các công ty tư nhân có thể đổ vốn, xây và điều hành cơ sở hạ tầng sân bay. Cho đến nay, Chính phủ Philippines đã cấp 10 PPP và đang xem xét hàng chục dự án khác.
Năm ngoái, các sân bay cấp tỉnh hãy còn trong tình trạng “ngủ gà ngủ gật”, chỉ giải quyết 13% tổng lượng hành khách quốc tế của Philippines. Đã có 6 sân bay cấp tỉnh sẵn sàng phục vụ các tuyến bay quốc tế, nhưng không đạt hiệu quả cao. Nhưng nay, mảng tư nhân đang dẫn đầu nỗ lực phát triển các sân bay cấp tỉnh thành những điểm nhập cảnh đẳng cấp thế giới, giúp các chuyến bay đến hoàn toàn thoát khỏi tình trạng ùn ứ, quá tải ở thủ đô Manila.
Năm ngoái, Tập đoàn GMR (Ấn Độ) liên kết với Công ty Megawide Construction Corp (Philippines) giành được quyền mở rộng và khai thác sân bay quốc tế Mactan-Cebu - cửa ngỏ chính để đến miền trung Philippines - trong 25 năm. Đây là một phần trong chương trình PPP.
Hiện sân bay Mactan-Cebu chật vật giải quyết khoảng 7 triệu lượt hành khách/năm. Nhưng sau một năm giao tư nhân quản lý - điều hành đã có sự cải thiện rõ ràng: màn hình kỹ thuật số thay thế các biển báo cũ kỹ, các khu chờ được sơn quét rực rỡ. Dòng hành khách xếp hàng dài chờ làm thủ tục trước đây nay ngắn hơn, nhờ có phương tiện làm việc mới và hiện đại hơn.
Liên doanh GMR - Megawide thắng thầu với số tiền 313 triệu USD, dự kiến đầu tư thêm 435 triệu USD để nâng cấp sân bay hiện có, đến năm 2018 thì xây thêm một ga cuối nữa. Theo Giám đốc Acquaah-Harrison, kế hoạch ga cuối này còn “hoành tráng” hơn: chuyển thành “một sân bay đẳng cấp thế giới đầu tiên ở Philippines”. Ông nói, việc mở rộng sẽ cho phép sân bay này có thể đạt 12,5 triệu lượt hành khách và sau 25 năm thì đạt 28 triệu lượt hành khách.
Từ kinh nghiệm của GMR (điều hành 2 sân bay lớn ở Ấn) các công ty đang xếp hàng tranh thầu hợp đồng PPP, để xây hoặc nâng cấp 5 sân bay cấp tỉnh ở Bacolod, Bohol, Davao, Iloilo và Laguindigan ở miền Trung hoặc miền Nam Philippines. Công trình này sẽ tiêu tốn 2,37 tỷ USD, theo ước tính của chính phủ. Người phát ngôn của Bộ Giao thông Philippines nói: “Dĩ nhiên chúng tôi không thể dựa mãi vào sân bay quốc tế chính. Mactan-Cebu là mẫu để phát triển sân bay cấp tỉnh thông qua PPP”.
PPP giúp Bộ Giao thông Philippines thúc đẩy chính họ lo việc nâng cấp sân bay cấp tỉnh. Hồi tháng 9-2015, Bộ duyệt một chương trình 332 triệu USD, để tăng gấp 3 khả năng đón khách của sân bay Clark lên 12 triệu lượt hành khách/năm kể từ năm 2018, và phát triển căn cứ không quân Mỹ cũ này thành một ga cuối ở phía bắc. Bộ cũng chi 143 triệu USD năm 2015-2016, để cải thiện nhiều sân bay nhỏ cấp tỉnh.
Tập đoàn San Miguel Corp hiện đang xây một sân bay quốc tế mới trị giá 174 triệu USD ở đảo du lịch-nghỉ dưỡng Boracay. Sân bay này dự tính sẽ đi vào hoạt động từ năm 2017, với khả năng đón 8 triệu lượt khách/năm.