Robot "cảnh sát giao thông" ở Congo
Những cảnh sát giao thông "khổng lồ"
Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, thủ đô 9 triệu dân Kinshasa của Congo luôn kẹt xe vào giờ cao điểm. Những con phố nhỏ luôn được "phủ kín" bằng dãy xe hơi và xe gắn máy, người đi bộ… Tất cả như muốn nổ tung trong bầu không khí ngột ngạt.
Theo đánh giá của lực lượng cảnh sát thì nhiều lái xe ở Congo còn coi thường luật lệ giao thông, tình trạng tài xế vượt đèn đỏ, gây tai nạn giao thông diễn ra khá phổ biến. Từ năm 2013, lực lượng cảnh sát Congo đã được tăng cường bằng những "nhân viên" là robot cảnh sát giao thông. Robot được đặt ở những vị trí ngã ba, ngã tư trên đường phố để giúp lực lượng cảnh sát giao thông phân luồng cũng như ghi nhận những trường hợp vi phạm luật giao thông để báo về trung tâm chỉ huy. Người dân thường gọi những robot này với cái tên "cảnh sát giao thông khổng lồ" vì chiều cao của chúng lên đến gần 2,5 m.
Robot cảnh sát giao thông đã có đóng góp tích cực trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở Congo. |
Robot cảnh sát giao thông có cấu tạo khá đặc biệt bằng chất liệu có thể chịu đựng được khí hậu nóng quanh năm và chạy bằng năng lượng mặt trời. Hai cánh tay của robot được trang bị đèn màu xanh lá cây và màu đỏ để điều tiết giao thông trên đường. Bên cạnh đó, robot cũng được trang bị camera giám sát hiện đại. Thoạt nhìn, robot cảnh sát giao thông giống đồ chơi khổng lồ nhưng những người lái xe luôn dành cho robot sự "tôn trọng".
"Có những tài xế không tôn trọng cảnh sát giao thông nhưng với robot thì khác. Chúng ta nên tôn trọng robot vì sự hữu ích của chúng", Poro Zidane, một tài xế taxi nói với AFP. "Chúng tôi rất hài lòng về sự xuất hiện của những nhân viên cảnh sát khổng lồ. Đó là nỗ lực rất lớn để giảm ách tắc giao thông ở thành phố đông đúc này", Poro Zidane nói tiếp.
Tài sản quan trọng của lực lượng cảnh sát
Hiện tại, có năm robot cảnh sát giao thông được đặt trên khắp thủ đô Kinshasa. Hai trong số đó được đưa vào sử dụng năm 2013. Ba robot mới được cải tiến và phát triển bởi Hiệp hội kỹ sư nữ Congo đưa vào sử dụng cuối tuần trước. Những "nhân viên" mới thậm chí còn có những cái tên là Tamuke, Mwaluke và Kisanga. Giá của mỗi robot là 27.500 USD.
Therese Izay, Chủ tịch hiệp hội kỹ sư nữ Congo tin rằng, với những robot mới cải tiến, người lái xe ở Kinshasa vi phạm giao thông "khó có cơ hội để trốn thoát". "Trước đây, trong thành phố của chúng tôi, người ta có thể thực hiện hành vi phạm tội rồi trốn chạy và nói rằng, không ai nhìn thấy nhưng bây giờ mọi việc sẽ khác. Bất kể ngày hay đêm, những nhân viên cảnh sát robot sẽ có thể nhìn thấy và buộc người vi phạm phải nộp tiền phạt", bà Therese Izay nói.
Theo bà Therese Izay thì robot mới "phản ứng nhanh hơn nhiều" so với mô hình cũ. "Các linh kiện điện tử đã được cải tiến và có khả năng hoạt động chính xác hơn so với trước đây. Tôi đã đề nghị các cơ quan chức năng cho mua thêm 30 robot để đưa vào sử dụng trên nhiều tuyến đường chính", bà Therese Izay chia sẻ.
Ông Celestin Kanyama, người đứng đầu lực lượng cảnh sát thủ đô Kinshasa cho biết, robot cảnh sát giao thông là một sáng kiến rất hữu ích trong thành phố 9 triệu dân Kinshasa. Theo thống kê, từ năm 2007 đến nay, có 2.276 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở Kinshasa. "Những nhân viên cảnh sát điện tử này là tài sản quan trọng của lực lượng cảnh sát quốc gia", ông Celestin Kanyama nói.
Ông Andre Kimbuta, thị trưởng Kinshasa nói rằng, mặc dù những người máy có thể điều tiết giao thông nhưng không thể so sánh với nhân viên cảnh sát thực sự vì họ có thể đuổi bắt người lái xe vượt đèn đỏ và nâng cao nhận thức của người dân về luật giao thông. "Chúng ta nên chúc mừng các kỹ sư của Congo về phát minh này nhưng cảnh sát cần phải làm công việc của họ. Dù thế nào đi chăng nữa cũng không có gì thay thế được con người", ông Andre Kimbuta nói.
Được biết, ngoài thủ đô Kinshasa, Katanga - tỉnh nằm ở phía đông nam của Congo là địa bàn tiếp theo được sử dụng robot cảnh sát giao thông trong thời gian tới.
Robot cảnh sát giao thông sắp xuất hiện trên đường phố Mỹ Tờ Daily Mail (Anh) đưa tin, Mỹ cũng đang có kế hoạch đưa robot cảnh sát giao thông vào sử dụng trong thời gian tới. Những nhân viên đặc biệt này được gọi là "TeleBot" do các sinh viên tại Đại học Quốc tế Florida chế tạo. TeleBot có thể làm những công việc đơn giản như phân luồng giao thông, đưa vé xe. Với thiết kế đặc biệt, TeleBot có thể điều khiển từ xa. "Chúng tôi muốn sử dụng TeleBot để giúp các cựu chiến binh và cảnh sát tàn tật có cơ hội tiếp tục phục vụ trong lực lượng thực thi pháp luật. Với sự trợ giúp của TeleBot, một sĩ quan cảnh sát tàn tật có thể thực hiện hầu hết công việc của một sĩ quan tuần tra bình thường", Jeremy Robins, người tài trợ dự án chia sẻ. TeleBot cao khoảng 1,8 m, được trang bị 3 máy ảnh HD, có khả năng quan sát 360 độ, sẽ được bán với giá 20.000 USD. |