Tết ấm tình người nơi trại giam
Những tháng ngày cùng nhau sống và cải tạo trong trại giam đã khiến những con người một thời lầm lỗi yêu thương và gần gũi nhau như một gia đình. Thế nên, thời khắc năm mới đến, họ cùng giúp nhau bớt đi cảm giác cô đơn.
Vẫn đầy đủ những phong tục truyền thống
Ngày cuối cùng của năm cũ luôn là ngày được các phạm nhân đang thụ án tại Trại giam Tân Lập (Hạ Hòa, Phú Thọ) trông đợi nhất. Bởi lẽ ngày hôm đó sẽ là ngày họ được bắt đầu kỳ nghỉ Tết. Mỗi phân trại sẽ có lịch chuẩn bị Tết theo cách riêng của mình. Đối với phân trại nữ, nơi có hàng ngàn phạm nhân đang cải tạo sẽ có cách chuẩn bị Tết khác hẳn các phân trại khác.
Ở đây, các phạm nhân nữ hân hoan dựng cây nêu và ném còn. "Do có rất nhiều nữ phạm nhân là người dân tộc nên họ vẫn đón Tết theo cách truyền thống của dân tộc mình" - Phó giám thị, Trung tá Nguyễn Thị Ảnh, quản lý phân trại nữ cho biết.
Các phạm nhân Trại giam Tân Lập hào hứng gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết. |
Những quả còn sẽ được các phạm nhân nữ tranh thủ khâu từ nhiều ngày trước với màu sắc sặc sỡ. Bên trong các quả còn được nhồi bằng các loại hạt thóc, hạt giống, hạt bông hoặc hạt cải, hạt đỗ… Việc nhồi các loại hạt này chính là thể hiện ước vọng sinh sôi, nảy nở, vươn tới bầu trời tự do.
Ngày cuối năm cũng là ngày để các phạm nhân vệ sinh, trang trí lại buồng giam của mình để đón chào năm mới. Công tác chuẩn bị hậu cần sẽ được các phạm nhân của đội bếp đảm nhiệm. Thường thì, vào khoảng sáng 28 âm lịch, đội bếp sẽ mổ lợn, sau đó sẽ gói bánh chưng.
Ngoài xã hội, các gia đình đón Tết truyền thống thế nào thì các phạm nhân cũng sẽ đón Tết y như vậy. Món ăn trong những ngày Tết không thể thiếu là bánh chưng, thịt đông, dưa hành muối… So với những ngày bình thường thì ngày Tết, chế độ ăn uống của mỗi phạm nhân sẽ được tăng gấp 5 lần.
Đối với những phạm nhân không có người nhà đến thăm nuôi, trại sẽ trích tiền từ quỹ sản xuất ra để mua quà động viên. Vào thời khắc giao thừa, các cán bộ trại sẽ vào từng phân trại chúc Tết. Sau đó, các phạm nhân cùng bày mâm ngũ quả, cùng liên hoan.
Trong phòng, ai có đồ gì được gia đình gửi đến đều mang ra "sung quỹ", vừa ăn, vừa ca hát vui vẻ. Ngày đầu tiên của năm, Ban giám thị của từng phân trại sẽ xuống các buồng giam để chúc mừng năm mới và đọc thư chúc Tết của Giám thị trại giam tới các phạm nhân.
Các hoạt động văn nghệ, thể thao sẽ được bắt đầu từ ngày mồng 1. Đội văn nghệ của trại giam sẽ đến từng phân trại để biểu diễn các tiết mục chào mừng năm mới. Có lẽ, đó là thời khắc hân hoan nhất của các phạm nhân. Lời ca, tiếng hát sẽ giúp họ xua đi cảm giác tội lỗi mà thường ngày luôn đeo bám họ, cũng giúp họ vơi bớt cảm giác nhớ nhà mỗi khi Tết đến xuân về.
Để có được cái Tết đầm ấm cho phạm nhân, Ban giám thị cùng với cán bộ Trại giam Tân Lập đã phải rất cố gắng, thậm chí là hy sinh hạnh phúc của riêng mình. Đơn giản bởi Tết là để sum vầy bên những người thân yêu thì giờ khắc thiêng liêng ấy nhiều cán bộ trại giam Tân Lập lại đón Tết trong Trại giam cùng với các phạm nhân.
Phạm nhân Trần Thị Thanh Thúy, quê Hạ Hòa, chia sẻ: "Năm đầu tiên đón Tết trong trại giam em khóc suốt. Lúc đó cảm giác tội lỗi và nuối tiếc trào dâng. Cứ nghĩ nếu mình không phạm tội thì giờ này đã đang cùng chồng và con trai đón năm mới rồi. Thấy em khóc nhiều, các chị em cùng buồng giam xúm vào động viên nên em cũng đỡ buồn hơn. Đến năm nay là năm thứ 3 đón Tết trong trại giam rồi nên em cũng quen. Nhất lại là có thời gian gắn bó với các phạm nhân khác nên chúng em coi nhau như chị em khiến không khí Tết ấm áp hơn rất nhiều".
Ngày thường, Thúy lao động trong đội trực sinh, ngoài ra phạm nhân này còn làm phát thanh viên của phân trại khi là người đọc các thông báo của phân trại nói riêng và của trại giam Tân Lập nói chung. Chính vì vậy mà Thúy được các phạm nhân khác tín nhiệm bầu làm Trưởng tiểu ban văn hóa.
Ngày Tết, Thúy lại cùng với Đội văn nghệ chuẩn bị thật nhiều các tiết mục ca múa nhạc để đến từng phân trại biểu diễn. "Đem lại niềm vui và tiếng cười cho các phạm nhân khác cũng khiến em thấy cuộc đời này có ý nghĩa hơn rất nhiều".
Động lực để phạm nhân phấn đấu
Phạm nhân Nguyễn Văn Khánh (43 tuổi, thường trú thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đang chấp hành mức án 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cải tạo ở Phân trại 1 - Trại giam Mỹ Phước (Tổng cục VIII - Bộ Công an, đóng tại xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước, Tiền Giang).
Khánh đã được trại xem xét giảm án 2 lần với tổng cộng thời gian là 11 tháng. Thời gian qua, khi thi hành án ở trại, Khánh cùng các phạm nhân khác được trại chăm lo về sức khỏe, có chế độ ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi theo đúng quy định của pháp luật..
Ngoài ra, trại còn quan tâm đến đời sống tinh thần của phạm nhân. Trong khi đó, cán bộ chiến sĩ của trại luôn nghiêm khắc nêu cao tinh thần kỷ luật, nhưng lại thầm lặng, giúp phạm nhân thêm tin tưởng, tích cực lao động cải tạo, chấp hành đúng nội quy của trại…
"Trong các dịp lễ Tết, trại giam tăng khẩu phần ăn, phát quà cho phạm nhân, đồng thời phạm nhân còn được hát karaoke, tham gia các trò chơi dân gian, các tiết mục văn nghệ, thi đấu bóng chuyền… Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, phạm nhân còn được trại cho thưởng thức các tiết mục văn nghệ do các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh đến để phục vụ như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ hài Dương Thanh Vàng…", phạm nhân Khánh cho biết.
Gây án khi đã có gia đình và hai con nhỏ, nên cứ đến dịp Tết đến xuân về càng khiến Khánh nhớ nhà, nhớ vợ con. Nhưng dù vậy, chính dịp Tết nguyên đán là khoảng thời gian xét giảm án, và chính khoảng thời gian Tết nguyên đán 2016, Khánh đã được giảm án lần đầu là 4 tháng. Do đó, đây cũng là động lực để Khánh phấn đấu cải tạo, tham gia tích cực các phong trào của trại, nhằm có thêm cơ hội được tiếp tục giảm án, sớm được về với gia đình, vợ con.
Có mức án 20 năm tù - phạm nhân Nguyễn Tấn Lộc (SN 1979, thường trú huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) phạm tội giết người, đã "ăn 7 cái Tết" trong trại giam. Theo Lộc, với các phạm nhân trong trại, Ban giám thị và Hội đồng cán bộ luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho phạm nhân trong quá trình cải tạo.
Phạm nhân Trại giam Mỹ Phước thi đấu kéo co trong dịp lễ tết. |
Phạm nhân Lộc chia sẻ: "Chúng tôi được tổ chức học tập về giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, truyền nghề… Qua đó, hiểu được giá trị của lao động, giá trị của cuộc sống và tình thương yêu con người mà Ban giám thị và Hội đồng cán bộ đã dành cho chúng tôi.
Ngoài ra, chúng tôi được tham gia các hoạt động phong trào thi đua văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao vào các ngày nghỉ lễ tết; được xem tivi nghe chương trình thời sự, đọc sách, báo… thường xuyên được thăm hỏi, động viên, khen thưởng nên tích cực trong lao động, học tập, cải tạo và chấp hành tốt nội quy trại giam…".
Chia sẻ những cảm xúc về ngày Tết trong Trại giam Mỹ Phước, Lộc cho biết, những ngày trước Tết, các phạm nhân cùng nhau lau dọn, trang trí phòng ốc, tập văn nghệ để chuẩn bị biểu diễn vào ngày Tết; trước và sau Tết, phạm nhân được ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi. "Dù chắc chắn ngày Tết trong trại giam sẽ khác ở cùng gia đình, nhưng với sự quan tâm và hết lòng với phạm nhân của Ban giám thị và Hội đồng cán bộ trại, chúng tôi đỡ nhớ nhà hơn", Lộc tâm sự.
Thượng tá Võ Nhựt Hải, Giám thị Trại giam Mỹ Phước cho biết, thời gian qua, Trại giam Mỹ Phước đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp giáo dục kết hợp với hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, trong đó chú trọng việc chung tay của cộng đồng xã hội, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, địa phương, mà đặc biệt là của gia đình phạm nhân.
Thông qua đó, trại đã kịp thời thông báo cho gia đình phạm nhân về kết quả học tập, chấp hành án phạt tù của phạm nhân; thông báo và đôn đốc cho thân nhân gia đình phạm nhân và phạm nhân việc thực hiện hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nộp án phí, bồi thường thiệt hại và các nghĩa vụ dân sự khác; tổ chức tốt việc học tập chính trị, pháp luật, học văn hóa, học nghề, thăm gặp, nhận gửi: thư, tiền, quà… cho phạm nhân; phối hợp với gia đình trong việc quản lý, chăm sóc phạm nhân ốm đau, bệnh tật; phát động các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, viết thư với chủ đề "Gửi lời xin lỗi" trong phạm nhân; phát động xây dựng quỹ "Tấm lòng vàng" dành cho phạm nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có thân nhân thăm gặp… đã thu hút sự ủng hộ từ Ban giám thị, Hội đồng cán bộ và phạm nhân.
Đặc biệt, vào dịp Tết nguyên đán, trại đã tổ chức cho phạm nhân gói bánh chưng, bánh tét, thi vẽ tranh, trang trí buồng giam, giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng chuyền, cầu lông. Ngoài ra, trại còn mời ca sĩ chuyên nghiệp về biểu diễn văn nghệ cho phạm nhân thưởng thức… tạo không khí vui tươi, thi đua sôi nổi trong phạm nhân. Qua đó, phạm nhân thấy được sự quan tâm về đời sống tinh thần, vật chất của trại, từ đó quyết tâm phấn đấu thi đua học tập, cải tạo tiến bộ.
Cũng theo Thượng tá Võ Nhựt Hải, trước và sau Tết, các phạm nhân đều được tạo điều kiện để gặp người thân tới thăm. Vào dịp Tết, các phạm nhân không chỉ được nghỉ lao động, mà còn được Nhà nước chi ngân sách để ăn mỗi ngày Tết tăng giá trị hơn ngày thường. Chưa kể trại còn chi thêm cho mỗi phạm nhân tiền ăn trong dịp Tết…
Đêm giao thừa, lãnh đạo trại giam sẽ đi đến từng buồng giam để chúc Tết. Sáng mùng 1 Tết, hầu hết phạm nhân thường được tập trung lại để cán bộ trại chúc Tết. Sau đó, các phạm nhân được hoạt động văn hóa văn nghệ, tham gia những trò chơi tập thể như bóng chuyền, kéo co...