Thế giới có thêm "Đại dịch" của nông dân
- Biến đổi khí hậu và câu chuyện sông Mekong
- Cần giải quyết vấn đề phát triển kinh tế và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Gia tăng bạo lực vì… biến đổi khí hậu
- Ai sẽ cứu Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu?
Làn sóng nông dân tự tử đang trở thành một trong những thảm hoạ nhân đạo mang tầm quốc tế. Số lượng người nông dân tự tử đang ngày một tăng lên trên khắp các châu lục. Tâm điểm của "đại dịch" này là Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác. Biến đổi khí hậu đã giáng những cú đòn cực mạnh vào nền nông nghiệp khu vực trong vòng một thập kỷ trở lại đây.
Hiện nay, không mùa hè nào là không xảy ra hạn hán trên diện rộng tại Ấn Độ. Điều đó đã phá huỷ sinh kế của hàng triệu gia đình nông dân của đất nước này. Để có thể sống qua ngày, người dân nông thôn buộc phải tìm đến những đối tượng cho vay nặng lãi, vì không ngân hàng nào sẽ chấp nhận họ cả. Thế rồi đến lúc họ không còn khả năng trả nợ nữa thì người nông dân chỉ có thể lựa chọn con đường đen tối nhất với hy vọng hóa giải sự khổ cực: tự tử!
Những khu vực tại Ấn Độ có nhiều vụ nông dân tự tử nhất là các bang Maharashtra, Odisha và Telangana. Tại bang Maharashtra, sau đợt hạn hán năm 2015, có đến 825 người nông dân uống thuốc trừ sâu tự tử chỉ trong vòng có 4 tháng. Mỗi ngày trôi qua có trung bình 10 người nông dân tự tử, kéo theo đó là hàng chục gia đình mất đi trụ cột chính.
Việc cung cấp bữa trưa miễn phí cho học sinh cũng góp phần giảm nguy cơ đẩy bố mẹ các em đến chỗ cùng cực. |
Ngoài Ấn Độ ra, miền Nam châu Phi cũng là một trong những điểm nóng khác về nạn tự tử do biến đổi khí hậu. Ước tính mỗi năm các quốc gia châu Phi mất khoảng 24 nghìn tỷ tấn đất đai mầu mỡ do hạn hán và hiện tượng sa mạc hoá. Người nông dân châu Phi tuy có truyền thống canh tác, chăn nuôi trên đất hoang mạc cũng không thể đối chọi nổi với những biến động lớn như vậy. Một hộ gia đình chỉ qua hai tuần nắng hạn cũng đã có thể mất hơn 400 - 500 đầu gia súc các loại vì không tìm được cỏ lẫn nước cho chúng ăn.
Trước tình trạng nguy cấp đó, Liên hiệp quốc đã đưa ra cảnh báo: Các quốc gia miền Nam châu Phi có thể sẽ phải đối diện với nạn đói ảnh hưởng hơn 11 triệu người. Khoan nói tới cảnh vỡ nợ, nhiều nông dân Nam Phi và Zimbabwe đã buộc phải chọn việc tự sát vì không chịu được cảnh gia đình chết đói. Chính quyền nhiều nước và các tổ chức quốc tế hiện đang tìm mọi cách để ngăn chặn thảm hoạ nhân đạo, từ cấp phát thức ăn chăn nuôi đến tổ chức ăn trưa miễn phí cho học sinh, v.v…
Hiện tượng nông dân tự tử không chỉ xảy ra tại các quốc gia đang phát triển, mà cả ở những nước phát triển nữa. Theo báo cáo của Bộ Y tế Pháp, cứ 2 ngày lại có một nông dân Pháp tự tử. Tỷ lệ tự tử của người nông dân Pháp cao hơn mức trung bình toàn dân 20%, riêng nhóm nông dân chăn nuôi thì cao hơn đến 30%. Nông dân cũng là một trong những nhóm người gọi đến đường dây phòng chống tự tử nhiều nhất. Ba lý do chính khiến người nông dân tự tự như sau: vỡ nợ, giá nông sản sụt giảm nghiêm trọng, và cuối cùng là biến đổi khí hậu.
Uỷ ban châu Âu đang cân nhắc tới việc có nên cắt giảm ngân sách dành cho việc hỗ trợ nông dân hay không, nhưng nhiều khả năng họ sẽ phải đảo ngược chính sách này. Khu vực được dự báo sẽ hứng chịu ảnh hưởng nặng nhất là Vương quốc Anh. Lý do là bởi, cho đến tận lúc này chính phủ Anh vẫn chưa thể hoàn thành việc đàm phán với Liên minh châu Âu về các chính sách liên quan đến xuất khẩu nông sản, khiến sản phẩm của người nông dân không xuất cảng được. Nếu "nút thắt" này không sớm được giải quyết thì số nông dân Anh tự tử ước tính có khả năng sẽ tăng lên gấp đôi.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nước Mỹ cũng đang phải đối mặt với làn sóng nông dân tự tử của riêng mình. Khác với thời ông bà họ, một người nông dân Mỹ có thể làm việc đến 80 giờ/tuần với máy móc hiện đại mà vẫn không kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình. Họ cảm giác như mình không còn có khả năng điều khiển chính cuộc sống bản thân.
Và quả thật là như thế: họ lúc nào cũng phải vay tiền ngân hàng để trồng cấy; trong mùa vụ thì thấp thỏm lo thiên tai. Rồi khi thu hoạch thì quyền quyết định giá cả "đầu ra" hoàn toàn thuộc về các nhà máy. Nhiều người Mỹ lớn lên trong một xã hội đề cao sự tự do lên trên hết, vì thế mà người ta không thể nào chịu được việc này. Trong giai đoạn 2014 - 2018, tại 9 bang sản xuất nông nghiệp chủ lực tại Mỹ có tới 450 người nông dân tự sát. Tỷ lệ nông dân Mỹ tự sát cao hơn 5 lần so với mức trung bình toàn quốc.
Hạn hán và dịch bệnh đang đẩy những người nông dân đến chỗ bần cùng. |
Lý do gì đã đẩy nông dân các nước trên thế giới đến bước đường cùng?! Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, yếu tố đầu tiên và lớn nhất là vấn đề giá cả nông sản. Trong vòng hơn 10 năm trở lại đây lợi nhuận mà người nông dân quốc tế thu được từ sản phẩm của họ đã sụt giảm nghiêm trọng. Đây quả là một điều kỳ lạ, vì nhu cầu tiêu dùng lương thực thực phẩm của toàn cầu không giảm, thậm chí còn tăng lên nữa. Vậy phần lợi nhuận tăng lên đã đi về đâu?! Câu trả lời là các bên trung gian như nhà máy và siêu thị. Một mặt họ có quyền quyết định giá mua nông sản từ nông dân, mặt khác họ cũng lại có quyền quyết định giá bán cho người tiêu dùng. Vẫn còn quá nhiều chính phủ bỏ quên vấn đề này, từ đó vô hình trung tiếp tay cho sự làm nhiễu loạn giả cả thị trường của các bên trung gian trong chuỗi cung ứng.
Biến đổi khí hậu đang khiến việc canh tác, chăn nuôi càng ngày khó hơn. Về mặt này, nhiều quốc gia đã nhận thức được và tổ chức hỗ trợ kiến thức, công cụ để người nông dân có thể thích nghi với biến đổi khí hậu. Nhưng điều đó là không đủ. Ngay cả việc thay đổi tập quán canh tác thôi cũng đã đội chi phí lên nhiều lần, chứ chưa kể đến thay đổi giống cây trồng, máy móc, v.v… Nguồn hỗ trợ kinh tế của các chính phủ lại đang cạn dần, còn lãi suất từ các ngân hàng tư nhân thì tăng theo từng năm.
Vì tình trạng trên, tín dụng đen là sự lựa chọn còn lại duy nhất của nhiều người, nhưng trong hầu hết trường hợp họ sẽ vỡ nợ và mất hết toàn bộ đất đai của mình. Người nông dân Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác đã phải xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ tăng đầu tư công cho nông nghiệp, nhưng hiệu quả còn rất hạn hẹp. Các chính trị gia trước công chúng thì ca ngợi vai trò của nông dân, nhưng đến khi bỏ phiếu cho việc hỗ trợ họ thì người ta lại viện lý do "tránh tăng chi tiêu ngân sách" để từ chối.
Ngành nông nghiệp thế giới hiện phát triển theo hướng tăng cường giá trị nông sản bằng việc xuất khẩu. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một khi hệ thống trung chuyển nông sản quốc tế gặp vấn đề?! Đơn cử như việc các quốc gia châu Âu ra lệnh cấm vận xuất khẩu sữa sang Nga sau sự kiện Crimea đã khiến hàng loạt nông dân nuôi bò sữa tại những nước này phá sản. Hay một trong những nạn nhân của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là các trang trại trồng đậu tương tại Mỹ không xuất được hàng. Nay đại dịch COVID-19 đang khiến không chỉ ga tàu, hải cảng hay sân bay đóng cửa, mà cả các nhà hàng, khách sạn nữa. Tại nhiều nước, người nông dân không còn có đủ tiền để tiếp tục nuôi đàn gia súc hoặc chăm sóc vườn cây nên đã buộc phải cho không, hay đổ bỏ đi sản phẩm mà mình đã tốn bao nhiêu công sức ra lâu nay.
Tại các đô thị thì khái niệm "chăm sóc sức khoẻ tâm lý" càng ngày được nhiều người biết đến, nhưng ở nông thôn thì không. Một người nông dân có thể làm việc cả ngày trên cánh đồng của mình mà không tiếp xúc với ai cả. Cộng với tất cả những áp lực mà anh ta phải hứng chịu, người nông dân đó rất dễ sinh ra những tâm lý tiêu cực, từ đó dẫn đến hành vi tự tử.
Việc càng ngày có nhiều nông dân trên thế giới tự tử chỉ là bề nổi của một vấn đề lớn hơn, đó là việc người nông dân đang nhận được quá ít sự hỗ trợ trong một thế giới đang khiến công việc của họ khó khăn lên gấp nhiều lần. Có lẽ đã đến lúc những cá nhân, tổ chức nắm quyền lực nên mở rộng tầm nhìn của mình, chứ không chỉ coi nông nghiệp, nông dân thông qua góc nhìn hạn hẹp của thị trường. Nếu như họ nhận ra rằng, đây là một vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh lương thực và an sinh xã hội của cả quốc gia mình, thì chắc rằng người ta sẽ tìm được những biện pháp nhân văn hữu hiệu nhất nhằm giải quyết cho được thảm họa nhân đạo đang diễn ra một cách vô cùng đau thương này trong thời gian sớm nhất có thể.